Nhân vật & Sự kiện

Tác phẩm nhỏ của bậc thầy điện ảnh Trung Quốc

02/02/2011

Sau một thập kỷ hoạt động với những dự án rất lớn như lễ khai mạc, bế mạc Olympics 2008, nhà làm phim hàng đầu Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã trở lại với một bộ phim tâm lý tình cảm sâu sắc kinh phí thấp lấy bối cảnh là cuộc Cách mạng Văn hoá.

Under the Hawthorn Tree (Chuyện tình dưới cây táo gai) đã giao vai chính cho các diễn viên trẻ vô danh đảm nhiệm và được quay ở mức kinh phí dưới 65 triệu nhân dân tệ (10 triệu đôla Mỹ). Theo lời nhà sản xuất Giang Chí Cường, bộ phim đã thu về được hơn 150 triệu nhân dân tệ ở Trung Quốc, lập nên kỷ lục phòng vé mới cho phim tâm lý của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, một trong số ít các nhà làm phim chú trọng về khía cạnh văn hoá mà vẫn thu hút được đông đảo khán giả.

Đạo diễn Trương nghệ Mưu, tốt nghiệp từ Học viện Điện ảnh Bắc Kinh danh giá và được biết đến với rất nhiều bộ phim mang màu sắc thời đại, lần đầu tiên ông được thế giới công nhận là vào cuối thập niên 80 trong mùa liên hoan phim. Phim Cao lương đỏ đã đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin, còn  Đèn lồng đỏ treo cao (1991) đã nhận được đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Ở Liên hoan phim Cannes năm 1994, đạo diễn Trương đã nhận được Giải thưởng chính của ban giám khảo cho phim Để sống. Cả ba bộ phim này đều do nữ diễn viên Củng Lợi đóng vai chính.

Poster phim

Hawthorn Tree kể về một câu chuyện tình yêu giữa một chàng trai là con của một đảng viên Đảng Cộng sản (do Đậu Kiêu đóng) và cô con gái (Chu Đông Vũ) của một kẻ thuộc phe chính trị bị phản đối đã bị bắt vào thập niên 70 ở Trung Quốc. Tính cách của cô gái nhà họ Chu, Kinh Thu, được xây dựng dựa trên một nhân vật có thật, tuy danh tính chưa hề được công khai, nhưng những trang nhật ký của cô cũng đã hé lộ những điều cơ bản về lý lịch của mình, một lý lịch gây chấn động đối với cư dân mạng và đã được truyền đọc rộng rãi trên mạng Internet.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Ở Trung Quốc, bộ phim vẫn tiếp tục được công chiếu kể từ giữa tháng 9 cho đến nay. Phim mới chỉ ra mắt ở Hồng Kông và sẽ sớm được trình chiếu tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Vẫn chưa có hợp đồng phân phối phim nào ở Hoa Kỳ, cho dù các nhà sản xuất nói rằng họ đã nhận được rất nhiều lời đề nghị bán bản quyền cho các công ty ở Bắc Mỹ.

Giang Chí Cường là nhà sản xuất cho tất cả các phim của đạo diễn Trương kể từ phim Anh hùng (2002), bộ phim võ thuật luôn nằm trong danh sách những phim nói tiếng nước ngoài đứng đầu về mặt doanh thu phòng vé tại Mỹ.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Thập niên 70, bối cảnh của Hawthorn Tree, đã được lãng mạn hoá trong một nền văn hoá dân gian hiện đại ở Đại lục để trở thành một thời kỳ giản đơn hơn, với những giá trị “thuần khiết hơn”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Bắc Kinh, quê hương của ông, Trương Nghệ Mưu nói rằng ông nhớ về những năm tháng đó như là thời kỳ góp phần hình thành tuổi trẻ của mình. Sau một cuộc tìm kiếm tuyển chọn từ 6000 thí sinh đến từ 16 thành phố trên khắp cả nước, đạo diễn đã chọn Đậu Kiêu và Chu Đông Vũ vì thấy họ “rất tinh khôi”, rất giống những con người thời bấy giờ.

Bộ phim quy mô nhỏ trái ngược hẳn với những tác phẩm kinh phí lớn mà Trương Nghệ Mưu đã thực hiện trong những năm gần đây. Ông đã tạo ra không chỉ những bộ phim sử thi với dàn diễn viên khổng lồ, mà còn cả những tác phẩm sân khấu hoành tráng được dàn dựng công phu như lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Olympic, các chương trình nghệ thuật với âm thanh và ánh sáng tuyệt vời được thực hiện trên một dòng sông ở Trung Quốc, và vở nhạc kịch Công chúa Turandot của Puccini đã diễn ra tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Một thập niên trước đây, các nhà làm phim Trung Quốc đã phải bán phim cho châu Âu và Mỹ để kiếm lợi nhuận. Hiện nay đã không còn tình trạng đó nữa, khi mà phòng vé Trung Quốc đều đang có được những khoản doanh thu rất lớn. Các viên chức cục điện ảnh Chính phủ đã ước tính năm nay có khoảng 500 phim được làm ở Trung Quốc, và tổng số tiền bán vé tại các rạp sẽ lên đến 1,5 tỷ đôla Mỹ, tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Một cảnh trong Under the Hawthorn Tree

Tuy thị trường Mỹ vốn không thích các phim phụ đề, nhưng ông Giang Chí Cường, từng là sinh viên ngành kết cấu công trình tại Vancouver, vẫn luôn lạc quan về nhu cầu mới mẻ của thị trường quốc tế đối với phim Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi cần làm việc với những nhà phân phối và chi nhánh độc lập, quy mô nhỏ hơn như là Netflix. Chúng tôi cần phải sáng tạo và động não về việc làm thế nào để cung cấp được sản phẩm của mình qua các cầu nối số với các công ty phân phối phim.

Trương Nghệ Mưu và Giang Chí Cường đang chuẩn bị khởi quay tác phẩm hợp tác tiếp theo giữa hai người, một bộ phim nói về phụ nữ trong suốt cuộc xâm lược tàn bạo của phát xít Nhật ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc năm 1937.

Đã có hàng chục bộ phim về cuộc chiến tranh này được thực hiện, với cái nhìn tập trung về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Đạo diễn Trương tin tưởng bộ phim của ông sẽ tạo nên sự khác biệt vì nó đưa ra “quan điểm của phụ nữ về chiến tranh”. Cốt truyện được dựa trên quyển tiểu thuyết Trung Quốc bán chạy nhất của Nghiêm Ca Linh có tựa đề The 13 Women of Jingling (tạm dịch là: 13 cô gái ở Kim Lăng). Kim Lăng là nơi một nhóm nữ sinh đã được những cô gái bán hoa cứu thoát bằng cách thế thân để trở thành “phụ nữ mua vui” cho quân lính Nhật Bản.

Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Wall Street Journal