Nhân vật & Sự kiện

Kế hoạch thuế quan phim của Trump: Chuyện gì tiếp theo với Hollywood và nhiều nơi khác?

12/05/2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế 100% đối với các bộ phim được sản xuất ở nước ngoài, khi ông đẩy mạnh tranh chấp thương mại với các quốc gia trên khắp thế giới.

Trong một bài đăng trên Truth Social Trump cho biết ông đã ủy quyền cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Cơ quan Đại diện Thương mại bắt đầu quá trình áp thuế vì ngành công nghiệp điện ảnh của Hoa Kỳ “chết tới nơi” rồi.

Thunderbolts* của Marvel đang đứng đầu phòng vé Mỹ

Sau đó, ông cho biết sẽ tham khảo ý kiến các giám đốc điều hành Hollywood để xem “họ có hài lòng” với đề xuất của ông hay không, sau khi tin tức ấy gây chấn động toàn ngành.

Vậy điều này có thể có ý nghĩa gì đối với cả ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ và ngành kinh doanh phim ảnh toàn cầu, kể cả Anh Quốc?

Hollywood có đang “hấp hối” không?

Khi công bố mức thuế mới, Trump tuyên bố Hollywood đang “hấp hối”. Có đúng vậy không?

Đúng là những năm gần đây Hollywood đã trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn. Đại dịch đã khiến hoạt động sản xuất phải đóng cửa và tác động vẫn đang tiếp diễn.

Hollywood đang “hấp hối”: một số thành viên đoàn làm phim đã phải ngủ trong xe hơi sau khi bị tịch thu nhà

Các hãng phim Hollywood đã chi 11,3 tỉ đôla cho các xuất phẩm trong quý 2 năm 2024, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, vì phải tiếp tục cắt giảm chi phí để cố gắng phục hồi sau tổn thất do Covid.

Mọi nỗ lực phục hồi sau dịch đều bị kìm hãm nghiêm trọng bởi các cuộc đình công của diễn viên và biên kịch năm 2023. Rồi đầu năm nay lại xảy ra cháy rừng.

Và nhiều năm trở lại đây, ngày càng nhiều người — không chỉ người trẻ — chuyển sang YouTube và các nền tảng phát trực tuyến khác để tìm nội dung giải trí.

Hoa Kỳ vẫn là một trung tâm sản xuất phim lớn và theo Variety, năm 2025 đã chứng kiến doanh thu phòng vé phục hồi kể từ năm ngoái, với tổng doanh thu trong nước cho đến nay tăng 15,8% so với năm 2024.

Nhiều năm trở lại đây, ngày càng nhiều người — không chỉ người trẻ — chuyển sang YouTube và các nền tảng phát trực tuyến khác để tìm nội dung giải trí

YouTube có khiến Hollywood trở nên hết thời không?

Bộ phim siêu anh hùng mới nhất của Marvel, Thunderbolts*, đã đứng đầu phòng vé Bắc Mỹ vào kỳ cuối tuần đầu tháng 5, thu về ước tính 76 triệu đôla, đánh dấu một khởi đầu đầy hứa hẹn cho mùa phim hè.

Nhưng chắc chắn Hollywood vẫn đang phải đối mặt khó khăn.

Trump đang đề xuất gì?

Tổng thống cho biết ông muốn “bắt đầu áp mức thuế 100% ngay lập tức đối với bất kỳ và mọi bộ phim được sản xuất ở nước ngoài vào nước ta. Chúng ta muốn đưa phim về sản xuất ở Mỹ trở lại!”

Dẫn đến thắc mắc liệu mức thuế này có áp dụng cho các công ty phim Mỹ sản xuất phim ở nước ngoài hay không.

Không chỉ các quốc gia khác đưa ra ưu đãi — các tiểu bang khác của Hoa Kỳ cũng đang thu hút việc sản xuất phim rời bỏ Hollywood. Ảnh: Bản vẽ phác thảo kế hoạch của Netflix cho một trung tâm sản xuất tại Fort Monmouth, New Jersey

Một số bộ phim lớn gần đây do các hãng phim Mỹ sản xuất đã được quay bên ngoài nước Mỹ, bao gồm Deadpool & Wolverine, WickedGladiator II. Các chuỗi phim ăn khách như Mission Impossible cũng được quay ở nước ngoài.

Cũng chưa biết liệu mức thuế này có được áp dụng hồi tố hay không.

Sau đó, Trump nói với giới phóng viên rằng “các quốc gia khác đã ăn cắp phim và năng lực làm phim của Mỹ,” cho thấy ông đang ám chỉ đến các bộ phim không phải của Mỹ.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai nói với BBC rằng “chưa có quyết định cuối cùng về mức thuế đối với phim nước ngoài” và nói thêm rằng chính phủ đang “xem xét mọi khả năng.”

Amazon có trụ sở tại Hoa Kỳ hiện sở hữu quyền sáng tạo James Bond

Chúng ta sẽ phải chờ thêm thông tin chi tiết.

Các quốc gia khác đưa ra những ưu đãi nào?

Nhiều quốc gia đưa ra các ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất phim như New Zealand, Úc và Anh Quốc và đó là điều Trump muốn quản.

Nhưng ưu đãi thuế không phải là lý do duy nhất khiến một công ty phim của Mỹ muốn quay phim ở nước ngoài.

Một số công ty chọn làm vậy vì địa điểm cụ thể, ví dụ bối cảnh kỳ vĩ. Ai có thể quên cảnh Tom Cruise leo lên tòa tháp Burj Khalifa, Dubai, trong Mission: Impossible - Ghost Protocol?

Ai có thể quên cảnh Tom Cruise leo lên tòa tháp Burj Khalifa, Dubai, trong Mission: Impossible - Ghost Protocol?

Điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với phim James Bond tiếp theo, một thương hiệu hiện do gã khổng lồ Amazon của Hoa Kỳ sở hữu, nhưng dựa trên một nhân vật người Anh mang tính biểu tượng làm việc cho MI6, trụ sở đóng ở London?

Và không chỉ các quốc gia khác đưa ra ưu đãi — các tiểu bang khác của Hoa Kỳ cũng đang thu hút việc sản xuất phim rời bỏ Hollywood.

Georgia, Illinois và Kentucky nằm trong số nhiều tiểu bang khác mà California hiện đang cạnh tranh.

Gavin Newsom, thống đốc California, mà Trump miêu tả là “vô tích sự” khi nói về thuế phim, đang thúc đẩy kế hoạch tăng gấp đôi ưu đãi thuế phim điện ảnh và truyền hình của tiểu bang lên 750 triệu đôla mỗi năm.

Gavin Newsom, thống đốc California

Mặc dù Newsom vẫn chưa đưa ra bình luận nào về đề xuất của Trump, cố vấn truyền thông cấp cao của ông đã nói với Deadline: “Chúng tôi tin rằng ông ấy không có thẩm quyền áp thuế theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế khẩn cấp quốc tế, vì theo luật đó thì thuế không được liệt kê là biện pháp khắc phục.”

Thực ra mức thuế quan đó áp dụng thế nào?

Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời ở giai đoạn này.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hoãn thuế đối với hàng hóa kỹ thuật số cho đến năm 2026. Có lẽ phim được tính là hàng hóa kỹ thuật số.

Và họ sẽ căn cứ vào đâu để áp mức thuế quan đó? Doanh thu phòng vé hay chi phí sản xuất? Có tính nội dung phát trực tuyến không? Điều đó sẽ có tác động rất lớn đến các công ty như Netflix. Còn hậu kỳ tức là biên tập thì sao?

Thành phần cấu tạo một phim Mỹ gồm những gì — là nguồn tiền đến từ đâu, kịch bản, đạo diễn, tài năng, địa điểm quay phim?

Tim Richards, giám đốc điều hành và nhà sáng lập Vue Entertainment, đã nói với chương trình Today của BBC Radio 4: “Một phần lớn của vấn đề này là thành phần cấu tạo một phim Mỹ gồm những gì — có phải là nguồn tiền đến từ đâu, kịch bản, đạo diễn, tài năng, địa điểm quay phim không?”

Và làm thế nào để phân loại một bộ phim là nước ngoài khi rất nhiều phim là xuất phẩm hợp tác và thường được quay ở nhiều quốc gia?

Trump dường như đang nói về phim chứ không phải truyền hình nhưng ở giai đoạn này vẫn chưa rõ ràng 100%. Thuế quan sẽ áp dụng cho các bộ phim được sản xuất để phát trực tuyến hay chỉ những phim phát hành rạp? Chúng ta sẽ phải đợi thêm thông tin chi tiết. Và tất nhiên, Trump có thể hủy bỏ các đề xuất như ông đã làm với một số mức thuế quan khác.

Chuyện này có ý nghĩa gì đối với các quốc gia khác?

Áp thuế 100% đối với phim nước ngoài nghĩa là tăng chi phí rất lớn đối với những công ty sản xuất muốn bán phim vào thị trường Mỹ. Ảnh: phim Padding ton in Peru của Anh

Rõ ràng, áp thuế 100% đối với phim nước ngoài nghĩa là tăng chi phí rất lớn đối với những công ty sản xuất muốn bán phim vào thị trường Mỹ.

Bình luận về thông báo của Trump, chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của chính phủ Anh, bà Caroline Dinenage nói: “Tháng trước, Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao đã cảnh báo sự tự mãn với vị thế là Hollywood của châu Âu ở chúng ta. Thông báo của Tổng thống Trump đã khiến lời cảnh báo đó trở nên quá thực.

“Làm cho việc sản xuất phim ở Anh trở nên khó khăn hơn không có lợi gì cho các doanh nghiệp Mỹ. Khoản đầu tư của họ vào cơ sở vật chất và tài năng tại Anh, dựa trên IP do Hoa Kỳ sở hữu, đang cho thấy lợi nhuận tuyệt vời ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Các bộ trưởng phải khẩn trương ưu tiên điều này là một phần trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.”

Các quốc gia khác có thể phản ứng bằng cách áp thuế phim Mỹ, khiến “những bộ phim này khó kiếm được lợi nhuận ở nước ngoài hơn.” Ảnh từ trái qua, các bom tấn hè 2025: Fantastic Four, Mission Impossible - Dead Reckoning, Lilo & Stitch, Ballerina, How to Train Your Dragon

Người đứng đầu công đoàn truyền thông và giải trí Bectu ở Anh, Philippa Childs, phát biểu trong một tuyên bố: “Mức thuế quan này, được áp dụng sau Covid và suy thoái gần đây, có thể giáng một đòn chí mạng vào ngành công nghiệp mới chỉ đang phục hồi và sẽ thực sự là tin đáng lo ngại cho hàng chục nghìn lao động tự do lành nghề làm phim ở nước Anh.”

Kirsty Bell, giám đốc điều hành công ty chế tác Goldfinch, đã chất vấn cách áp dụng thuế quan, chỉ ra rằng những bộ phim bom tấn như Barbie, được hãng Warner Bros Pictures của Hoa Kỳ phân phối, “thực tế đã được quay hầu như hoàn toàn ở Anh.”

“Nếu những bộ phim Mỹ đó không được sản xuất một phần hoặc sản xuất ở Anh, những lao động tự do sẽ thất nghiệp. Tôi nói ngay là họ thực sự sẽ thất nghiệp,” bà nói với PA.

Barbie do Warner Bros Pictures của Hoa Kỳ phân phối “thực tế đã được quay hầu như hoàn toàn ở Anh”

Chính phủ Australia và New Zealand cũng đã lên tiếng ủng hộ ngành công nghiệp điện ảnh nước mình.

“Khỏi có ai phải nghi ngờ gì việc chúng tôi sẽ đứng lên bảo vệ quyền lợi của ngành công nghiệp điện ảnh Australia,” Bộ trưởng Nội vụ Tony Burke nói.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon phát biểu tại một cuộc họp báo rằng chính phủ của ông đang chờ có thêm thông tin chi tiết về mức thuế quan đề ra.

“Nhưng hiển nhiên chúng tôi sẽ là người ủng hộ hết mình, người bảo vệ mạnh mẽ cho lĩnh vực đó và ngành công nghiệp đó,” ông nói thêm.

Và với Liên hoan phim Cannes sắp diễn ra, bầu không khí bất định đang bao trùm nhiều nhà sản xuất phim Mỹ muốn bán quyền phát hành ở nước ngoài.

Với Liên hoan phim Cannes sắp diễn ra, bầu không khí bất định đang bao trùm nhiều nhà sản xuất phim Mỹ muốn bán quyền phát hành ở nước ngoài

Mức thuế quan đó có hiệu quả không?

Thuế quan có thể khuyến khích các công ty phim Mỹ sản xuất nhiều phim hơn ở trong nước nhưng nếu chi phí cao hơn so với sản xuất ở nước ngoài thì có nguy cơ là một số bộ phim sẽ không được làm.

Nhiều ưu đãi hoặc miễn giảm có thể bù đắp chi phí nhưng không biết ở giai đoạn này chuyện đó có đang được thảo luận trên quy mô quốc gia hay không.

Nhà phê bình phim của Đài phát thanh NPR Eric Deggans cảnh báo nếu được áp dụng, mức thuế quan này sẽ gây hại thêm cho ngành công nghiệp.

Ông nói với BBC rằng các quốc gia khác có thể phản ứng bằng cách áp thuế phim Mỹ, khiến “những bộ phim này khó kiếm được lợi nhuận ở nước ngoài hơn.”

Titanic của James Cameron sẽ chìm không dấu vết nếu áp mức thuế đề xuất

Ông nói thêm: “Không chừng thuế quan ở Mỹ chỉ khiến lợi bất cập hại.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: BBC