Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 11 năm 1939, Shirley Temple đã trao tặng
Walt Disney giải Oscar danh dự gồm một tượng vàng kèm bảy tượng nhỏ. Đó
là sự tri ân dành cho bộ phim hoạt hình Bạch Tuyết của ông, mà đạo diễn người Liên Xô Sergei Eisenstein đã gọi là “bộ phim vĩ đại nhất từng được thực hiện.”

Bản in thạch bản thử nghiệm Bạch Tuyết và bảy chú lùn
|
Như với tất cả các bản chuyển thể của mình, khi làm lại câu chuyện cổ tích
gốc của anh em nhà Grimm, Disney đã loại bỏ các yếu tố ghê rợn và khó
hiểu. Cắt giảm các ẩn dụ liên quan đến không chỉ một mà cả ba lần lừa bịp của hoàng hậu ghen ghét — áo chẽn, chiếc lược tẩm độc
và sau đó là quả táo; Bạch Tuyết sống lại không phải nhờ chiếc quan tài
pha lê của cô bị xóc làm cho miếng táo độc hắt ra khỏi cổ họng, mà nhờ “nụ
hôn của tình yêu đích thực”. Quan trọng nhất, trong phiên bản của
Disney, hoàng hậu — người mẹ kế phù phiếm ám ảnh việc “đôi công” với vẻ đẹp tuổi
dậy thì của Bạch Tuyết — bị rơi xuống vực. Nguyên tác mang phong cách
Grimm hơn: hoàng hậu bị bắt đi đôi giày sắt nung đỏ và nhảy cho đến
chết, chế giễu mong muốn được ngưỡng mộ bệnh hoạn của bà.
Nhiều
nỗ lực đã được thực hiện để đưa câu chuyện nguyên tác đó vào khuôn mẫu đạo đức
đương đại của nước Mỹ thời trước Nội chiến. Bây giờ, cũng diễn ra quá
trình tương tự khi Disney phát hành bản chuyển thể người đóng mới. Lần
này, ngôi sao của bộ phim Rachel Zegler thúc đẩy việc tẩy xóa. Cô
điều hướng tour quảng bá báo chí thảm hại đến mức các ông chủ hãng phim
phải chuyển địa điểm ra mắt ở London đến một lâu đài đèo heo hút gió của Tây Ban
Nha vì sợ bị “phản đối thức tỉnh dữ dội.”

Lần này, Bạch Tuyết không mơ về tình yêu đích thực
|
Tất cả là từ những bình luận của Zegler hồi năm 2022, rằng bộ phim gốc
đã theo chân “câu chuyện tình yêu của Bạch Tuyết với một anh chàng đúng
nghĩa đen là rình rập cô ấy. Quái đản.” Tiếp tục hất đổ chén cơm,
cô nói thêm: “Tôi đã xem một lần và không bao giờ xem lần nào
nữa.” Zegler hứa hẹn, lần này Bạch Tuyết sẽ không mơ “về tình yêu đích
thực”, mà mơ “trở thành người lãnh đạo mà cô biết mình có thể trở
thành”, chỉ riêng cụm từ này thôi đã làm giảm doanh thu phòng vé dự kiến
của bộ phim trị giá 270 triệu đôla. Việc nhồi nhét những phép tắc hiện
đại vào câu chuyện cổ tích này dường như đã phản tác dụng. Tại sao?
Chuyện
Disney phô diễn “sự thức tỉnh” thì có cả đống hồ sơ dày cộm mệt mỏi
rồi. Năm 2023, việc chọn nữ diễn viên da đen Halle Bailey vào vai Ariel
trong
Nàng tiên cá đã gây phẫn nộ, phần lớn là phân biệt chủng
tộc. Chuỗi phim Marvel trị giá hàng triệu đôla của hãng cũng hứng chỉ
trích tương tự. Tuy nhiên, bàn luận xung quanh
Bạch Tuyết được tóm tắt
là sự phẫn nộ từ binh đoàn các bà mẹ của diễn đàn Mumsnet, những
người khăng khăng rằng “không có gì sai khi mơ về hôn nhân” và “tôi
không hiểu tại sao đàn ông yêu phụ nữ thì lại là xấu xa!” Góc nhìn chỉ
trích tập trung gay gắt vào chủ nghĩa nữ quyền của bộ phim, hay đúng hơn
là vì phụ nữ không có quyền gì cả, đến mức giả định cơ bản như này được
coi là hiển nhiên: điện ảnh đại chúng phải chứa đựng một thông điệp và
có thể sử dụng cốt truyện làm chong chóng thời tiết chính trị tình dục hoặc
chủng tộc đương đại.

Rachel Zegler tại sự kiện châu Âu cho Nàng Bạch Tuyết của Disney tại Alcazar de Segovia ngày 12 tháng 3 năm 2025 tại Segovia, Tây Ban Nha
|
Sẽ luôn có nỗ lực đưa các chủ đề nhạy cảm dễ nhận biết làm nền cho các
bản chuyển thể — thế nên tác phẩm gốc của Walt Disney mới thành công
và bất hủ đến vậy — nhưng khi mục tiêu này loại bỏ mong muốn kể một câu
chuyện hay, thì nó sẽ phá hỏng dự án. Và khi, như đã xảy ra ở đây, khán
giả đời thực không ai quan tâm những chủ đề nhạy cảm đó, họa chăng khán giả cấp tiến lý tưởng thì mới mong, dự án trở thành chuyện làm cho thỏa ý
hợm hĩnh.
Bộ phim dường như muốn bảo rằng, chúng ta phải nên là
khán giả cấp tiến đó chứ sao lại đi khao khát phiên bản câu chuyện ngược
lại, thật đáng xấu hổ. Nhồi nhét thông điệp phản lãng mạn vào miệng các
cô bé và các bà mẹ xem ra chính là đả kích hết thảy cái đẹp của tình
yêu, hôn nhân và gia đình. Thực tế, tất nhiên không nhà nữ quyền nghiêm
túc nào thấy bất kỳ điều gì trong số những điều này có vấn đề cả. Disney làm lại
Snow White thô thiển thì phải lãnh hậu quả là ít người xem phim thôi.
Có
lẽ hơn bất kỳ hình thức kể chuyện nào khác, chúng ta tìm kiếm ý nghĩa
đạo đức trong truyện cổ tích. Bởi thế nếu xử lý không đúng thì rất nguy
hiểm. Bóp méo những câu chuyện đã ăn sâu vào tiềm thức văn hóa là trò
chơi nguy hiểm, không phải vì làm như vậy sẽ xói mòn hy vọng và ước mơ
của chúng ta, như những thành viên diễn đàn Mumsnet phát biểu, mà vì nó
che đậy một sự thật nguyên thủy. Truyện cổ tích quan trọng và tồn tại
lâu dài vì chúng có chức năng: cảnh báo trẻ em về thế giới tàn khốc — và bảo ban bọn trẻ chuẩn bị sẵn sàng.

Lần này, Zegler hứa hẹn, Bạch Tuyết mơ “trở thành người lãnh đạo mà cô biết mình có thể trở thành”
|
Cổ tích mang âm hưởng thời thơ ấu chưa có chữ viết vùng Bavaria thời Trung
cổ, những truyền thuyết hàng hải Scandinavia và văn hóa dân gian hoang
tưởng của những ngôi làng ven rừng nơi những người trẻ được cảnh báo
rằng “sói thuần hóa là nguy hiểm nhất trong loài sói.” Các cô bé lũ lượt
— nàng tiên cá, cô bé quàng khăn đỏ, người đẹp ngủ trong rừng — chập
chững tiến về phía hàm răng tử thần trong những câu chuyện truyền miệng
được anh em nhà Grimm, Hans Christian Andersen và Charles Perrault ghi
lại; phần lớn bị nuốt chửng: những câu chuyện cổ tích mang tính cảnh báo
hơn là khát vọng.
Giống như nhiều truyện dân gian, truyện cổ
tích có vai trò giáo huấn: đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện
như vậy không chỉ học cách chờ đợi hoàng tử mà còn học cách tránh xa
khu rừng, cảnh giác với người lớn và sợ những con vật hung dữ. Nhiều đứa
trẻ sống sót nhờ mưu trí, đánh lừa và lòng dũng cảm — hãy nghĩ đến
Hansel và Gretel nhét mụ phù thủy vào lò nướng. Đối với trẻ em hiện đại,
bất hạnh thường bị coi là bệnh lý thay vì chấp nhận là một phần không
thể tránh khỏi của tuổi mới lớn, các em sẽ làm tốt khi đọc những câu
chuyện về khả năng khắc phục nghịch cảnh đã có hàng trăm năm này.

Nhồi nhét thông điệp phản lãng mạn vào miệng các cô bé và các bà mẹ
xem ra chính là đả kích hết thảy cái đẹp của tình yêu, hôn nhân và gia
đình
|
Không ai hiểu rõ điều đó hơn nhà tâm lý học người Áo Bruno Bettelheim, cuốn sách
The Uses of Enchantment năm 1976 của ông được Stanley Kubrick tham khảo rất nhiều trong quá trình sản xuất
The Shining.
Bộ phim chủ yếu là nỗi kinh hoàng tiềm ẩn, lớp biểu tượng điêu luyện
của nó, có thể thấy rõ trong các phân tích chuyện cổ tích của Bettelheim.
Ông
lập luận “sử dụng” phép thuật là “ý nghĩa công khai và ngầm” vốn “làm
liền lạc sự hỗn loạn” trong cảm xúc của trẻ em. Thay vì đánh lạc hướng
để các bé gái bé trai thoát khỏi “những lo lắng vô hình, không tên”,
truyện cổ tích giúp chúng hiểu những nỗi lo lắng đó, cung cấp sự thật về
thế giới nguy hiểm của tuổi trưởng thành, có điều là đủ trừu tượng để
không làm chúng sợ hãi. Câu chuyện cổ tích
Bạch Tuyết nguyên mẫu đưa trẻ em
đối mặt trực tiếp với cái chết, bắt cóc, bóc lột — tách bạch tất cả.
Cổ tích thấm đẫm huyền thoại cổ điển, ẩn dụ của Cơ đốc giáo. Vì thế, chúng
bí ẩn và đẹp đẽ; vì thế, chúng tồn tại lâu dài.

Khi cổ tích kể câu chuyện các cô gái yếu đuối hơn, cổ tích đang nói
sự thật — không miêu tả thế giới chúng ta hy vọng được sống trong đó mà chính là thế giới chúng
ta đang sống
|
Phân tích cụ thể cổ tích
Bạch Tuyết, Bettelheim cho rằng “giấc
ngủ sâu” của Bạch Tuyết có ý nghĩa ẩn dụ sâu xa hơn: tuổi mới lớn
khỏe mạnh bao gồm “thời gian nghỉ ngơi và tập trung” để phát triển tự
nhận thức sâu sắc hơn. Truyện cổ tích không phải chỉ toàn là phiêu lưu
và hành động mà có cả nghỉ ngơi, buồn chán, thất vọng. Nhìn chung, câu
chuyện đặt trẻ em đối mặt với một sự thật không mong muốn nhưng cần
thiết: rằng một ngày nào đó chúng cũng sẽ buộc phải lớn lên, sẽ rời khỏi
thế giới an toàn của những chú lùn và “cuối cùng bị trục xuất khỏi
thiên đường thời thơ ấu” để đối mặt với những con người nguy hiểm và
những ham muốn đáng sợ.
Đôi khi, câu chuyện bảo chúng ta rằng,
chính gia đình của chúng ta đẩy chúng ta vào nguy hiểm — nhan nhản những câu
chuyện về người cha vắng mặt, yếu đuối hoặc đã chết hoặc
người mẹ ghen tuông, trả thù, như trong
Hansel và Gretel,
Cinderella và
Người đẹp và Quái vật. Bài học ở đây là chấp nhận những cảm xúc mâu thuẫn của riêng bạn với cha mẹ, và do đó trưởng thành hơn nhờ sự chăm sóc của họ.

Nàng Bạch Tuyết bản người đóng này đáng ghét đến thế là vì bóp méo
hết bản gốc và thay thế bằng một thế giới tưởng tượng thanh lọc
những thực tế bức bối của thời thơ ấu
|
Và vai trò chức năng của cổ tích là như thế đó. Không đơn thuần chỉ là
giải trí — và không dính dáng gì đến những tuyên bố chính trị tình dục —
đây là cái nhìn bỡ ngỡ thoáng qua về tuổi trưởng thành đang chờ đợi
những đứa trẻ con nghe kể chuyện. Khi cổ tích kể câu chuyện các cô gái
yếu đuối hơn, cổ tích đang nói sự thật — không miêu tả thế giới chúng ta
hy vọng được sống trong đó mà chính là thế giới chúng ta đang sống. Đây là lý do tại sao
Nàng Bạch Tuyết
bản người đóng này lại đáng ghét đến thế: bóp méo hết bản gốc và thay
thế bằng một thế giới tưởng tượng thanh lọc những thực tế bức bối
của thời thơ ấu.
Phim chuyển thể người đóng gây bất mãn vì có xu hướng bỏ qua những điều thực sự tuyệt vời
trong những câu chuyện đen tối, tàn khốc mà tổ tiên chúng ta đã trao
truyền và gợi ý, vốn từng có trong các phim gốc của Disney: rằng đây là những
câu chuyện ngụ ngôn rộng lượng và tinh tế chứa đựng những bài học đủ quan trọng được bọc trong lớp vỏ bảo vệ của thế giới tưởng tượng để truyền đi qua
hàng trăm năm.

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 11 năm 1939, Shirley Temple (phải) đã
trao tặng Walt Disney giải Oscar danh dự gồm một tượng vàng kèm bảy
tượng nhỏ. Đó là sự tri ân dành cho bộ phim hoạt hình Bạch Tuyết của ông, mà đạo diễn người Liên Xô Sergei Eisenstein đã gọi là “bộ phim vĩ đại nhất từng được thực hiện”
|
Tuổi thơ hiện đại thời buổi bị những thứ gây sao nhãng và
nhãn mác y khoa bủa vây ngày nay nên ưu tiên hàng đầu việc đối phó với những thông điệp hiện sinh lớn lao. Chuyện kể trước khi đi ngủ không phải là để mắng mỏ bảo chúng ta đưa ra quan điểm đúng đắn mà là để bọn trẻ đối mặt với
sự thật, những nỗi kinh hoàng được che giấu bằng thần tiên ảo diệu đủ để đưa trẻ chìm vào giấc ngủ.
Lược dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: UnHerd