Nhân vật & Sự kiện

Không cốt truyện không hề gì: Truyền hình thực tế xâm chiếm nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc

23/03/2015

Đem về 330 triệu tệ (52 triệu đôla) chỉ trong một tuần, bản chuyển thể điện ảnh chương trình truyền hình thực tế Running Man trở thành một trong những bộ phim sinh lời nhất ở Trung Quốc năm 2015 tính đến nay, nhất là khi bạn xét đến việc bộ phim kinh phí thấp này được sản xuất chỉ mất sáu ngày quay phim và sáu ngày làm hậu kỳ.

Mặc dù bỏ xa Unbroken của Angelina Jolie, ra mắt cùng ngày với Running Man ở Trung Quốc và chỉ kiếm được có 28,6 triệu tệ ở phòng vé, bộ phim nhanh chóng trở thành đích chỉ trích của công luận và ngành điện ảnh. Cốt lõi của vấn đề là liệu chuyển thể truyền hình thực tế có nên được coi là phim không và sự xâm lăng thị trường điện ảnh của truyền hình thực tế ở Trung Quốc.

Áp phích cho bản điện ảnh Running Man

Là chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng dựa theo phiên bản đã phát sóng ở Hàn Quốc, Running Man thể hiện một đội gồm bảy nhân vật nổi tiếng và khách mời tranh tài trong những trò chơi ngoài trời và hoàn thành nhiều nhiệm vụ đa dạng.

Từ khi phát sóng tập đầu trên đài truyền hình Chiết Giang (ZJTV) – cũng chính là nhà sản xuất của chương trình truyền hình thực tế ăn khách Voice of ChinaRunning Man nhanh chóng trở thành một thành công trên khắp Trung Quốc, qua mặt tất cả những chương trình truyền hình thực tế khác phát sóng cùng khung giờ.

Ra rạp sau khi kết thúc mùa đầu tiên, bản chuyển thể điện ảnh thể hiện cùng ‘format’ mà chương trình truyền hình thực tế này đã làm, khiến nhiều người cảm giác đây giống như là một tập mở rộng của chương trình truyền hình hơn là một bộ phim. Điều đó khiến không ít người chỉ trích bộ phim này rõ ràng là công cụ làm tiền.

Cái chết của điện ảnh

Cảnh trong phim Running Man

"Việc này sẽ đem lại tác động tàn phá đối với sự phát triển của ngành điện ảnh Trung Quốc. Nó sẽ dẫn đến chuyện không ai còn muốn đầu tư vào những phim nghiêm túc phải tốn rất nhiều công sức để làm," đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Phùng Tiểu Cương nói, khi nhận xét màn biểu diễn của một thí sinh trong chương trình tìm kiếm tài năng trên ZJTV.

Theo tin trên Chengdu Economic Daily, sau đó đạo diễn Phùng giải thích trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng ông cảm thấy các đạo diễn và diễn viên đã sai lầm khi tham gia một bộ phim như thế, và rằng thật sai lầm khi để một phim như vậy chiếu rạp.

Phùng Tiểu Cương giữ sự thẳng thắn đối với đề tài này, cho dù tập đoàn Hoa Nghị Huynh Đệ, mà ông là một cổ đông ở đó, là một trong những công ty đầu tư vào bộ phim.

"Thật khó mà chung công ty nếu chúng tôi không thể nhất trí trên vấn đề này. Vì đó là bức tử công nghiệp điện ảnh," đạo diễn Phùng nói thêm.

Cảnh trong phim Where Are We Going, Dad? (2014)

Học giả về điện ảnh Jiang Yong cũng đồng ý rằng những phim như thế này sẽ làm hại ngành này.

"Điều tệ nhất không phải ở chỗ phim này làm ra tiền, mà ở chỗ thành công tài chính đó sẽ dẫn nhiều người khác theo đuôi và làm ra những phim càng tệ hơn nữa. Nếu tiền đầu tư chạy hết vào những phim như thế, thì không ai đầu tư vào những phim như Wolf Totem hoặc ngay cả những phim bắp rang chí ít cũng còn có cốt truyện," trang điện ảnh online mtime.com dẫn lời học giả Jiang.

Xem ra những lời phàn nàn đó khôn hẳn là vô căn cứ. Năm ngoái, Where Are We Going, Dad?, một chuyển thể điện ảnh chương trình truyền hình thực tế khác, đa kiếm được 696 triệu tệ ở phòng vé, đưa phim này giữ vị trí thứ 9 trong tốp 10 phim có doanh thu cao nhất ở Trung Quốc năm 2014, đánh bại nhiều phim nội địa lẫn phim bom tấn Hollywood cỡ Guardians of the GalaxyThe Amazing Spider-Man 2.

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, và một thành công đơn lẻ này không nhất thiết nghĩa là những phim khác sắp tới cũng kiếm được nhiều như thế, ngay cả ‘fan’ của truyền hình thực tế rồi cũng thấy bất mãn rằng phim "được làm sơ sài" và "chẳng phải là phim điện ảnh chi cả".

Áp phích phim Where Are We Going, Dad? 2 (2015)

Những người khác cảm thấy bị lừa vì các quảng cáo cho bộ phim này có những cảnh ngụ ý phim sẽ có cốt truyện nào đó, thế nhưng những cảnh đó rột cuộc không hề có trong phim.

Running Man sẽ không là chương trình truyền hình thực tế cuối cùng lên màn ảnh rộng năm nay. Hai bản chuyển thể khác đã có lịch phát hành: một Where Are We Going, Dad? mới và Emperor's Holiday.

Cạnh tranh công bằng

"Tốt hơn hết là nỗ lực hết mình thay vì yêu cầu cơ quan nhà nước có liên quan đưa ra quy định. Đừng coi thường trí thông minh và khả năng thưởng thức [phim chất lượng] của khán giả, chắc chắn họ sẽ mua vé xem khi bạn làm được phim hay," bài ý kiến tòa soạn trên tờ People's Daily khẳng định.

Áp phích phim Emperor's Holiday (2015)

Bài viết khẳng định quan điểm rằng không phải "khán giả ngu ngốc nhưng có nhiều tiền" đem đến thành công cho những bản chuyển thể điện ảnh chương trình truyền hình thực tế ấy. Đối mặt với vô số phim nội địa có nhiều sao lớn và kinh phí ‘khủng’, nhưng rốt cuộc chỉ nói về những chủ đề giống nhau và thiếu sáng tạo, đương nhiên khán giả quay sang với những gì họ quen thuộc trên tivi.

Jiang Yong chỉ ra rằng những chương trình truyền hình thực tế này đều xuất phát từ Hàn Quốc, thế nhưng chúng không được làm thành phim ở quê nhà. Theo quan điểm của học giả Jiang đó chủ yếu là vì rất nhiều phim có chất ra rạp ở Hàn Quốc mỗi năm, chẳng còn chỗ cho những phim được làm kém có khán giả.

Cảnh trong phim Emperor's Holiday

Yin Hong, phó khoa báo chí và truyền thông tại Tsinghua University, cũng có quan điểm tương tự trên trang cá nhân Sina Weibo:

"Khi một chương trình truyền hình thực tế ra rạp và đánh bại tất cả phim khác, liệu chúng ta có nên bắt đầu nghĩ xem phải chăng đã có gì không đúng ở những phim của chúng ta?"

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times