Nhân vật & Sự kiện

Đằng sau sự hồi sinh của ngành điện ảnh Hàn Quốc

13/02/2015

Trong chớp mắt, ngành điện ảnh Hàn Quốc dường như đang hồi sinh.

Trong thế giới mà các phim bom tấn Hollywood thống trị màn bạc, phim Hàn Quốc nắm giữ 60% thị phần trong năm 2013, gấp hai lần các phim Mỹ.

Không chỉ có vậy, doanh thu vé lần đầu tiên trong lịch sử đạt trên 200 triệu vào năm 2013, người Hàn Quốc một lần nữa chứng tỏ họ nằm trong số những khán giả xem rạp nhiệt tình nhất thế giới.

Và rồi mùa hè 2014 trở thành một cột mốc lớn khác.

Phim cổ trang nội địa Roaring Currents / Đại thủy chiến thu hút trên 17 triệu lượt xem, số lượng cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Kỷ lục trước là 13 triệu lượt xem do phim khoa học giả tưởng Hollywood năm 2009 Avatar thiết lập.

Roaring Currents

Nghĩa là ở đất nước 50 triệu dân này, cứ 2,8 người thì có 1 người – nghĩa là hầu hết khán giả xem rạp – đã theo dõi câu chuyện của Đô đốc Yi Sun Sin, một trong những anh hùng thời Joseon (1392-1910) được kính trọng nhất.

Các nhà phê bình chỉ ra phức hợp các yếu tố làm nên thành công của bộ phim: câu chuyện về một anh hùng có thật trong khi người Hàn Quốc ngóng trông ai đó để ngưỡng mộ và học hỏi về nhân cách và phẩm chất lãnh đạo, tất cả được khắc họa bởi những thước phim tráng lệ.

Tuy nhiên, thắng lợi của bộ phim lại kích động cuộc tranh luận sôi nổi về ngành điện ảnh do các tập đoàn kiểm soát và cỗ máy in tiền này sẽ làm gì để sản xuất hàng loạt những siêu phẩm ăn khách với cái giá là sự đa dạng.

“Với tôi, con số 17 triệu không đơn thuần chỉ là niềm vui, vì con số này đã khơi gợi các vấn đề vô cùng sâu sắc và quan trọng,” Kim Han Min, đạo diễn phim, nói tại một diễn đàn tổ chức vào ngày 9/10/2014 tại Busan, dường như lưu tâm tới vấn đề.

Hợp nhất theo chiều dọc

Miracle in Cell No. 7

Câu chuyện quen thuộc với ngành kinh tế Hàn Quốc và các tập đoàn sừng sỏ nước này, và cả ngành điện ảnh Hàn Quốc nữa, do một số công ty lớn đứng đầu, thâu tóm tất cả các khâu của quá trình làm phim – từ đầu tư, phân phối đến trình chiếu.

Tập đoàn đầu tiên nhảy vào thị trường điện ảnh là Samsung vào năm 1992, nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Samsung rời khỏi cuộc chơi để tập trung vào ngành kinh doanh chủ chốt của họ.

Thế hệ thứ hai được tạo điều kiện bởi CJ, Lotte và Orion, bước vào thị trường thông qua các công ty con tương ứng là CJ Entertainment, Lotte Entertainment và Showbox-Mediaplex.

Tân binh “nhỏ nhưng có võ” Next Entertainment World (NEW), nổi lên vào năm 2008, tung ra những phim ăn khách ở phòng vé bao gồm Miracle in Cell No. 7The Attorney, hai phim đều vượt mốc 10 triệu lượt xem vào năm 2013.

Bốn nhà phân phối chính hiện tại chiếm trên 90 phần trăm thị phần khán giả ở thị trường điện ảnh Hàn Quốc. Hai công ty trong số đó cũng điều hành chuỗi rạp chiếu phim của riêng họ - CJ CGV và Lotte Cinema, hai chuỗi tổ hợp rạp chiếu phim lớn nhất nước.

Thị phần của bốn nhà phân phối chính tại thị trường điện ảnh Hàn Quốc (2011-2013)

Sự hợp nhất theo chiều dọc đã cải thiện hiệu suất, lôi kéo nhiều đầu tư hơn vào ngành điện ảnh nội địa và giúp thu hút lượng khán giả lớn hơn đến rạp.

Đồng thời, phim kinh phí thấp và phim nghệ thuật đương đầu với những trở ngại nhất định, những người trong ngành điện ảnh nói.

“Việc nhà phân phối có rạp chiếu riêng để quảng bá phim của họ và ưu ái chúng hơn những phim khác không còn là điều mới mẻ,” Choi Yong Bae, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phim Hàn Quốc nói tại một diễn đàn về độc quyền trong thị trường điện ảnh Hàn Quốc diễn ra tại Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 9/2014.

“Họ ưu tiên phim của họ bằng cách dành cho chúng nhiều phòng chiếu, nhiều ghế, khung giờ chiếu tốt hơn cùng hàng loạt quảng cáo ở rạp,” ông Choi chú thích.

Vì nguyên nhân này, nhiều phim nghệ thuật và phim do các công ty nhỏ phân phối không được quảng cáo, bị chiếu vào những khung giờ ít phổ biến và biến mất khỏi rạp chỉ sau vài tuần, ông bổ sung.

Trong khi Roaring Currents, do CJ E&M phân phối, khởi chiếu ở các rạp Hàn Quốc vào tháng 8/2014, cạnh tranh với hai phim cổ trang hoành tráng: The Pirates (Lotte Entertainment) và Kundo: Age of the Rampant (Showbox).

Bảng thông tin điện tử ở một rạp chiếu Hàn Quốc cho biết thời gian chiếu Đại thủy chiến [Ảnh: The Korea Herald]

The Pirates thu hút 8,6 triệu khán giả, xếp thứ hai sau Roaring Currents, còn Kundo đứng thứ ba với 4,7 triệu lượt xem.

Trong thời kỳ đỉnh cao thành công, Roaring Currents được chiếu ở 1.586 trong tổng số 2.608 phòng chiếu, chiếm 61 phần trăm tổng số phòng chiếu trên toàn quốc.

CJ E&M chiếm lĩnh 55,2 phần trăm phòng vé trong tháng 8/2014 (32 triệu vé bán) với Roaring Currents và sáu phim do công ty phân phối, trong khi nhà phân phối của Lotte thu được 22,6 phần trăm. NEW và Showbox đều có thị phần một con số, theo Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc.

Bài toán đa dạng

Trong khi ngành điện ảnh chúc mừng ba thành viên mới – với Roaring Currents là gương mặt mới nhất – gia nhập câu lạc bộ 10 triệu lượt xem vào năm 2013 và năm 2014, ngày càng khó khăn hơn cho các phim độc lập, kinh phí thấp sống sót.

“Ngay từ đầu, tôi đã biết rằng chiếu tác phẩm Another Promise của mình vào tháng 2 sẽ khó khăn vì tất cả các công ty (tôi tiếp xúc) quyết định không ưu tiên đầu tư vào bộ phim,” đạo diễn Kim Tae Yun nói tại diễn đàn tại Quốc hội.

Cảnh trong phim Another Promise

Đạo diễn Kim có khả năng gây quỹ thông qua huy động vốn đám đông và sản xuất bộ phim, dựa trên một câu chuyện có thật về một công nhân mắc bệnh bạch cầu trong khi làm việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn của Samsung.

“Nhưng tôi không ngờ việc trình chiếu khó khăn nhường này.”

Bộ phim của anh tìm được khoảng 300 phòng chiếu cho buổi ra mắt. Nhưng trong tuần khởi chiếu, một chuỗi rạp chiếu phim lớn rút lui mà không nêu lý do. Another Promise chỉ được chiếu ở một số ít phòng chiếu trên cả nước.

“Vô số bộ phim không có cơ hội chiếu vì thế lực của các tập đoàn và ngành điện ảnh xoay quanh nhà đầu tư (Hàn Quốc),” đạo diễn Kim nói, nhấn mạnh rằng sinh tử của bộ phim do các tập đoàn lớn quyết định.

Thiếu đa dạng cũng là vấn đề đối với những người hâm mộ điện ảnh.

Lee Hyun Woo, một nhân viên văn phòng độ tuổi 20, nói anh muốn xem nhiều phim nghệ thuật hơn ở rạp. “Tôi thất vọng khi nhiều phim biến mất khỏi rạp chiếu chỉ sau một tuần.”

The Attorney

Một khán giả xem rạp thường xuyên khác, Kim Young Eun, 33 tuổi, nói, “Đôi khi, bộ phim tôi muốn xem ở rạp được lên lịch vào thời điểm bất tiện như sáng sớm hay khuya muộn, vì chúng không được ưa chuộng bằng các phim bom tấn.

“Nên cuối cùng tôi xem bất cứ bộ phim nào đang chiếu khi tôi tới rạp.”

Nhằm kêu gọi xúc tiến sự thay đổi, 26 tổ chức, bao gồm đại diện từ các tổ chức điện ảnh lớn, ba chuỗi tổ hợp rạp chiếu phim lớn (CJ CGV, Lotte Cinema và Megabox) cùng bốn nhà phân phối lớn (CJ E&M, Lotte Entertainment, Showbox và NEW), tập hợp vào ngày 1/10/2014 để tham gia một hiệp ước ngành tự nguyện kêu gọi cạnh tranh công bằng hơn.

Hiệp ước yêu cầu các rạp phân chia phòng chiếu theo tiêu chuẩn và đảm bảo tất cả các bộ phim được chiếu tối thiểu một tuần.

“Chúng ta phải tự vấn bản thân rằng, ‘Chúng ta đang làm phim cho ai?’ ” đạo diễn Kim Tae Yun nói.

“Để giúp nền điện ảnh Hàn Quốc phồn vinh lâu dài, ngành điện ảnh và chính phủ phải cung cấp sân chơi cho các công ty nhỏ và các đạo diễn sáng tạo có thể tự do sản xuất các bộ phim đa dạng và độc đáo,” ông Choi Yong Bae nói.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Korea Herald