Nhân vật & Sự kiện

Những bài học bất ngờ từ Fifty Shades of Grey

09/03/2015

“Con người xem phim, và nhà phê bình phải biết mình là con người đó.” Cách đây gần 60 năm, nhà phê bình phim Robert Warshow đã viết như thế, trở thành luật bất thành văn cho nghề nghiệp này.

Quan niệm cho rằng phim ảnh và các hình thức văn hóa đại chúng khác phải chịu sự soi mói nặng nề của giới phê bình là ý niệm mới và gây tranh cãi trong giới trí thức Mỹ lúc đó, và Warshow muốn khẳng định rõ rằng bất kỳ phê bình nào cũng phải tính đến nguồn gốc của nó trong trải nghiệm đời thường. Suy nghĩ và đánh giá của bạn bất luận thế nào cũng phải bắt đầu từ việc bạn là người tiêu dùng, một thành viên trong số khán giả, một người hâm mộ.

Robert Warshow (1917–1955) là tác giả, nhà phê bình điện ảnh và viết tiểu luận người Mỹ, đã viết về phim ảnh và văn hóa đại chúng cho tạp chí Commentary The Partisan Review những năm giữa thế kỷ 20. The Immediate Experience là tập hợp các tiểu luận của Warshow phân tích điện ảnh phương Tây và thể loại phim gangster từ quan điểm văn hóa
Đến giờ, quan niệm phê bình bắt đầu từ điều mà Warshow gọi là “trải nghiệm tức thời” có vẻ miễn tranh cãi, ít nhất là về nguyên tắc. Tuy nhiên, đôi khi nhà phê bình có thể xem phim và tự hỏi, “Trời đất, mình đang làm gì ở đây vậy?” Định kiến vô tư trong công thức của Warshow cực kỳ ý nghĩa. Trong thời đại của chúng ta, ngụ ý phổ quát trong những từ “phim ảnh” và “con người” đối với Warshow không còn được coi là lẽ đương nhiên. Ngành công nghiệp giải trí làm ăn bằng cách lựa chọn cơ cấu dân số cẩn thận, phân chia khán giả tiềm năng theo độ tuổi, giới tính, khu vực và chủng tộc, và hy vọng nhắm trúng càng nhiều đích khác nhau như vậy càng tốt. Trong khi đó, khán giả quen với việc tự nhìn mình và nhìn ngó lẫn nhau qua nhiều lăng kính nhân dạng, và nhặt ra những thiên kiến và những điểm mù trong những gì họ đọc được.

Thế nên nhà phê bình có thể vẫn là — nói đúng ra — một con người xem phim, nhưng anh ta không muốn là con người đó, mà muốn là con người đặt mình lên trên trải nghiệm chung hoặc là thiếu khả năng cần thiết để hiểu những ấn tượng khác nhau mà một bộ phim có thể đem lại. Tác giả bài này xin nói cách khác rằng mình vẫn cực kỳ thích Fifty Shades of Grey, bộ phim khuấy động tất cả kiểu cảm giác tò mò và tiếp tục thi triển sức tác động kỳ lạ lên bộ não ngây thơ của tác giả.

Jamie Dornan và Dakota Johnson, trái, trong phim Fifty Shades of Grey

Rất tiếc phải thú nhận hết ra như vậy. Hiện tượng Fifty Shades đã kích thích giải tỏa ức chế phổ biến. Rất lâu trước khi phim ra rạp ngày 13/2 vừa rồi, bộ tiểu thuyết ba cuốn của E. L. James về chuyện tình giữa cô sinh viên trong trắng tên Anastasia Steele với chàng tỉ phú đẹp trai tên Christian Grey là chủ đề bàn luận ở các câu lạc bộ sách, diễn đàn trên mạng, và (sau đó một chút) giữa các cây bút đánh giá và các nhà phê bình văn học. Sự nổi tiếng toàn cầu của bộ tiểu thuyết — bán được hơn 100 triệu bản — dường như mở ra một cánh cửa nhìn vào một vùng tâm lý chung thường xuyên bị che đậy, bổ sung một nỗi hồi hộp có tính tọc mạch vào trong công việc nghèo nàn của những nhà phân tích văn hóa luôn bị chi phối bởi hạn chót nộp bài.

Và cũng đem đến một cơ hội khó cưỡng để lên mặt dạy đời về chủ đề tình dục của phụ nữ. Có sự phản đối cách làm tình của Christian và Anastasia dường như xóa nhòa ranh giới giữa bạo-khổ dâm, và tranh cãi về việc liệu sự nổi tiếng của bộ tiểu thuyết này có vì sự tiến bộ của phụ nữ hay không, tính bền vững của vai trò giới tính truyền thống, sự suy tàn giai đoạn cuối của văn minh phương Tây hay là làm lợi cho ngành công nghiệp đồ chơi tình dục.

Việc bộ phim ra rạp, và áp đảo phòng vé ngày Tình nhân, làm sống dậy những câu hỏi này và dấy lên những câu hỏi mới, bao gồm những câu hỏi về sự khác nhau giữa những gì diễn ra trên trang sách với những gì diễn trên màn ảnh. Cuốn sách đi cùng với sức tưởng tượng của James và độc giả của bà, miêu tả chi tiết những gì Christian thích làm với Anastasia và có khi Anastasia bối rối, có khi hưởng ứng mê mẩn. Bản phim của Sam Taylor-Johnson, bị giới hạn bởi sự chừng mực của phân loại R có lợi cho các cụm rạp chiếu, có cách tiếp cận nhẹ hơn, gián tiếp hơn. Và dù sự thiếu nhất quán giữa sách và phim không có gì đáng ngạc nhiên, nó đưa đến một vấn đề đặc biệt gây tranh cãi trong thời đại đan xen những phim chuỗi hỗn tạp này. Người đọc đòi hỏi mức độ trung thực thế nào ở các bản chuyển thể điện ảnh cuốn sách yêu thích của họ? Họ sẽ chịu đựng chênh lệch bao nhiêu?

Lần theo những thay đổi đã xảy ra giữa tác phẩm văn học khi lên phim, trong quá khứ, là một mục tiêu khá là chuyên môn, chủ yếu dành cho những nhà thông thái rởm. Sự di chuyển của câu chuyện từ câu chữ lên hình ảnh luôn được hiểu là liên quan đến một mức độ không chính xác nào đó. Một số nhà làm phim nỗ lực để tối thiểu hóa những thay đổi, một số khác lại tìm cách tối đa hóa quyền tự do sáng tạo. Phản ứng của nhà phê bình và công chúng khác nhau, và số lượng người xem phim thường lớn hơn số lượng người đọc nhiều đến mức sự chống đối thường xuyên bị át đi.

Daniel Radcliffe trong phim Harry Potter and the Prisoner of Azkaban của đạo diễn Alfonso Cuarón

Nhưng chuyện bắt đầu thay đổi với Harry Potter. Bộ tiểu thuyết bảy phần của J. K. Rowling chỉ mới hoàn thành được một nửa lúc những bản chuyển thể điện ảnh bắt đầu xuất hiện, và những độc giả trung thành nhất của nhà văn này chiếm một thành phần đáng kể trong công chúng khán giả. Tác giả Rowling, Warner Bros. và Chris Columbus, đạo diễn hai phim đầu tiên, đã trực cảm một cách khôn ngoan rằng những đứa trẻ 10 tuổi mê mẩn Harry Potter muốn xem một bộ phim khớp với những gì chúng đã đọc, càng nhiều càng tốt.

Nếu yêu cầu một nhà phê bình phim nêu tên phim Harry Potter hay nhất, câu trả lời gần như sẽ luôn là Harry Potter and the Prisoner of Azkaban. Do Alfonso Cuarón đạo diễn (trong thời gian giữa hai phim Y Tu Mamá También và Children of Men), đây là phần phim thú vị nhất trong loạt, trong đó cá tính của nhà làm phim — năng lực hình ảnh, khiếu hài hước, nhịp điệu kể chuyện khác thường của ông — thấm đẫm nội dung sách rõ ràng nhất. Nhưng cũng chính những lý do đó, nếu hỏi một người đã lớn lên cùng bộ sách nêu tên phim Harry Potter nào tệ nhất, câu trả lời thường là Prisoner of Azkaban.

Các phù thủy nhí chờ đón Harry Potter and the Sorcerer’s Stone ở Zanesville, Ohio, năm 2001

Theo ý kiến riêng của tác giả, Fifty Shades of Grey là một bộ phim hay hơn sách. Nói thế chỉ có ý là tài năng làm phim của đạo diễn Taylor-Johnson tốt hơn tài năng viết văn của tác giả James. Nhưng sự ưu việt về thẩm mỹ của bộ phim lại làm cho phim thiệt thòi. Văn chương dung tục và cốt truyện vụng về của tác giả James làm sáng tỏ và bình dân hóa bí ẩn tình dục và tình dục hoang dại, trong khi bộ phim mượt mà của Taylor-Johnson cố gắng phục hồi tinh hoa của bí ẩn. Trên sách, Fifty Shades dở tệ về nghệ thuật nhưng hiệu quả về sự khiêu dâm. Trên phim, hai điều này đảo ngược.

Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho mặc dù phim chiến thắng ở phòng vé, tác giả James đã lên tiếng đòi lại quyền kiểm soát hai phần tiếp theo đã có kế hoạch làm phim. Đạo diễn Taylor-Johnson và biên kịch Kelly Marcel có lẽ sẽ không tham gia vào phần tiếp theo, theo báo chí đưa tin. Bất luận điều này nghĩa là cảnh nóng lộ liễu hơn — hay lời thoại tệ hại hơn — đi nữa thì cũng đủ rõ là sự chỉ đạo của tác giả, và có lẽ suy ra ham muốn từ độc giả của bà, sẽ phải được tuân thủ.

Taylor Lautner và Kristen Stewart trong The Twilight Saga: Eclipse

Không phải lúc nào ‘fan’ và giới phê bình cũng muốn điều giống nhau. Đời là thế. Những nhà bình sách nói chung hài lòng với Harry Potter — đôi lúc quá khích — và gần như đều nện Fifty Shades. Tương tự, họ khen ngợi tài năng của Suzanne Collins trong bộ ba The Hunger Games và miệt thị bộ tiểu thuyết Twilight của Stephenie Meyer. Chuyện đó chẳng hề hấn gì đến lực lượng người đọc hùng hậu ngấu nghiến tất cả những bộ sách ấy. Những bài phê bình trái chiều cũng vậy, chẳng làm sứt mẻ lượng khán giả của các bản chuyển thể điện ảnh.

Phải chăng vậy nghĩa là nhà phê bình chẳng hiểu biết gì, hay là sự phán xét của họ chẳng nước non gì? À, không đâu, tất nhiên rồi. Nhưng vậy thì không phải vì nhà phê bình có trí tuệ siêu việt hay khẩu vị tốt hơn. Mà vì miêu tả công việc của nhà phê bình không phải là khẳng định hay chống đối quan điểm đại chúng, mà là vạch đường tiếp tuyến từ đó.

Nam diễn viên Cameron Bright, góc phải, gặp gỡ 'fan' Twilight Saga tại Liên hoan phim Rome năm 2009

Người ta đi xem phim. Cách đây vài năm, tác giả bài này đi xem The Twilight Saga: Eclipse, phim thứ ba trong bộ năm phim làm từ tiểu thuyết bốn phần của Meyer. Đó là một buổi chiếu trước tại một cụm rạp chiếu lớn ở Chicago, và khán phòng chật ních các cô cậu tuổi mới lớn đi cùng mẹ, tất cả cuồng nhiệt la hét thể hiện sự vui thích của mình. Khi Jacob cởi bỏ chiếc áo thun cả rạp rung chuyển vì tiếng la ré và tiếng cười, thể hiện cái nóng của cảnh phim và cái ngớ ngẩn không giải thích nổi. Và có sự lây lan trong hưởng ứng. Không phải vì bộ phim được làm cho các cô bé 13 tuổi, mà vì bộ phim có năng lực biến bất kỳ ai xem phim, kể cả một người trung niên, thành cô bé 13 tuổi. Trong chuyện này thì thành tựu siêu phàm của điện ảnh không bằng cảm xúc non nớt cộng hưởng. Và đó là một trong những lý do ta đi xem phim: để đánh mất mình.

Đó cũng là chỗ khởi đầu cho nhà phê bình. Sự kiểm soát thắng thế trải nghiệm, sự phục tùng cơn cuồng hưởng ứng và cảm xúc mãnh liệt. Vì thế đây không chỉ, và chắc chắn không phải là tiên quyết, địa hạt độc quyền của nhà phê bình chuyên nghiệp. Người đi xem phim phải nhận thức rằng, về cơ bản, mình cũng là một nhà phê bình.

Đạo diễn Sam Taylor-Johnson, giữa, cùng hai diễn viên trên trường quay

Điều này đưa tác giả trở lại với Fifty Shades (một dự án, không phải vô tình, bắt đầu sống như tiểu thuyết hư cấu Twilight kích thích ‘fan’). Cuộc tình của Christian và Anastasia có nhiều thứ, không phải tất cả đều dễ chịu hay hợp lý. Nhưng đó là một phúng dụ thú vị về mối quan hệ giữa giới phê bình và người hâm mộ, xung lực cùng tồn tại trong mỗi chúng ta thể hiện qua cặp đôi này.

Một đằng là một sinh vật có “khẩu vị cực lạ”, chú ý một cách tỉ mỉ chi tiết, thậm chí bệnh hoạn. Đó là Christian, khi gọi một gin và tonic chỉ định hai nhãn rượu gin khác nhau (phòng khi loại nào không có), mỗi thứ đều được bày biện hoa mỹ (dưa chuột với Hendrick, chanh với Bombay Sapphire). Chuyện này vừa ấn tượng lẫn nực cười, như khi anh ta chọn lọc sắp xếp cẩn thận đồ chơi. Anh ta xem khoái lạc nghiêm túc đến mức anh ta chẳng thú vị chút nào.

Một đằng là Anastasia, thanh cao, thôi thúc và rối rắm giữa khoái lạc và ham muốn. Cô không biết rõ mình muốn gì, mình thích gì hay nên thích gì, nhưng dù sao cũng thiên về đam mê, cảm xúc mãnh liệt. Cô thụ động nhưng cũng bướng bỉnh, có phần vừa do dự vừa sắt đá. Cô bị Christian hút vào rồi lại đẩy ra, như thể nhiệt tình của anh đối với cô chịu ảnh hưởng dao động lên xuống vì tò mò.

Trên sách, Fifty Shades dở tệ về nghệ thuật nhưng hiệu quả về sự khiêu dâm. Trên phim, hai điều này đảo ngược

Anh muốn kiểm soát cô. Cô muốn làm cho anh trở thành bình thường. Họ không thể sống thiếu nhau, vậy mà mất rất nhiều thời gian đàm phán điều kiện của sự kết hợp, cố gắng định đoạt ra trong hai người ai là người chịu trách nhiệm. Nghe có quen không?

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times