Nhân vật & Sự kiện

Nghĩa vụ quân sự ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của các sao nam Hàn Quốc

03/07/2015

“Giá như có thể, tôi sẽ đi nghĩa vụ quân sự bây giờ để được đặt chân vào làng giải trí Hàn Quốc một cách vinh dự,” nam ca sĩ-diễn viên Yoo Seung Jun nói hôm 19/5, công khai về việc anh tránh thi hành nghĩa vụ quân sự 13 năm trước khi chọn trở thành công dân Mỹ.

Các bình luận về anh tràn ngập truyền thông Hàn Quốc, dấy lên tranh cãi về việc có phải đã đến lúc tha thứ cho nhân vật nổi tiếng này không.

Trong ảnh chụp năm 2012 này, nam diễn viên Hyun Bin hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Những người nổi tiếng thi hành nghĩa vụ dưới sự săm soi căng thẳng của xã hội. Hyun Bin chọn gia nhập Hải quân, khét tiếng vì huấn luyện khắc nghiệt, qua đó nam diễn viên điển trai này đã thu hút được còn nhiều ‘fan’ cứng cựa hơn nữa [Ảnh: JoongAng Ilbo]
Yoo Seung Jun, một trong những ca sĩ Hàn Quốc được yêu mến nhất thập niên 1990 và đầu năm 2000, đột nhiên trở thành kẻ thù số 1 của đất nước này sau khi anh tránh nhập ngũ và bị cấm đặt chân về Hàn Quốc theo yêu cầu của Cục quản lý nhân sự quân đội.

Tất cả nam nhân Hàn Quốc bắt buộc phục vụ trong quân ngũ hai năm trước khi đến tuổi 35.

Trong một phỏng vấn không có chuẩn bị kịch bản trước từ Hồng Kông, phát trên mạng, một Yoo Seung Jun nức nở biện hộ với người Hàn Quốc hãy hiểu rằng anh đã quyết định do hoàn cảnh của anh lúc đó.

Nhưng công chúng Hàn Quốc không phải ai cũng tha thứ cho anh. Những lý lẽ khác cho rằng Yoo Seung Jun đột nhiên tìm kiếm sự tha thứ nhằm tránh đóng thuế ở Mỹ và Trung Quốc – những đất nước mà anh đã hoạt động biểu diễn trong thời gian đó – khiến Yoo Seung Jun phải làm thêm một cuộc phỏng vấn trên mạng nữa một tuần sau đó.

Tuy nhiên, các tiêu đề tin tức trên truyền thông xứ Hàn vẫn lạnh lùng.

Yoo Seung Jun trong phỏng vấn phát sóng trên mạng từ Hồng Kông

Tuy hầu hết đàn ông Hàn nhất trí rằng ý tưởng mất hơn hai năm tuổi trẻ cùng nhau trong những doanh trại quân đội thì khó mà thú vị, nhưng né tránh nghĩa vụ đó đáng bị chỉ trích thậm tệ.

Với giới giải trí Hàn Quốc, trường hợp của Yoo Seung Jun nhấn mạnh rằng nhập ngũ có thể đồng nghĩa với bị quên lãng, nhưng né tránh nghĩa vụ này cũng để lại một vết nhơ không thể gột sạch khó lòng lấy lại danh tiếng.

Từ khi bước sang thiên niên kỷ mới thì đã thành xu hướng là đàn ông làm nghề giải trí sẵn sàng đi nghĩa vụ, có người còn nhập ngũ lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp, vẫn có những trường hợp như MC Mong, bị buộc tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và bị rất nhiều người ghét bỏ.

Người ở các hãng đại diện nói rằng nỗi lo lắng về một tương lai bất định là điều khiến sao nam Hàn Quốc không muốn nhập ngũ.

Họ nói, sinh viên có thể tạm nghỉ hai năm để đi nghĩa vụ và quay lại học sau khi phục vụ xong, còn người đi làm thì có thể trở lại với chỗ làm cũ.

Nhiều sao Hàn Quốc chứng kiến sự nổi tiếng của mình tăng vọt sau khi phục vụ quân ngũ hoặc tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế đề tài quân sự, bao gồm (từ trái qua) Chun Jung Myung, Cha In Pyo, Yoo Seung Ho, Moon Hee Jun và Hyeri [Ảnh: JoongAng Ilbo]
Nhưng giới giải trí thì không như vậy. Không có bảo đảm an toàn công việc.

“Sau hai năm rưỡi, tôi sẽ gần 30. Tôi cũng phải cân nhắc đời ca sĩ nhảy múa rất ngắn ngủi,” Yoo Seung Jun nói trong một phỏng vấn với giới truyền thông hồi năm 2002, ngay sau khi anh bị cấm về Hàn Quốc.

Sự nghiệp kết thúc?

“What do you think of me? / You asked / But it’s hard for me to answer.” (Tạm dịch: “Bạn nghĩ gì về tôi? / Bạn hỏi / Nhưng tôi thật khó trả lời.”)

Hầu hết người Hàn độ tuổi 30 và 40 đều từng nghe những ca từ này từ bài hát It’s Just Love của Kim Min Wu.

Kim Min Wu bắt đầu ra mắt với bài hát đó vào đầu thập niên 1990 và đứng đầu bảng xếp hạng, hạ bệ ca sĩ kỳ cựu Cho Yong Pil lấy vị trí số 1. Những bài hát khác của anh cũng thành công không kém, và anh nhanh chóng trở thành ca sĩ hạng A của Hàn.

Bi Rain trong ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Tuy nhiên, năm 1991 anh nhập ngũ, và khi trở về vào năm 1993 làng ca nhạc Hàn đã thay đổi vĩnh viễn với sự ra đời của nhóm pop Seo Taiji and Boys và nhóm rock N.EX.T. Xem ra không có chỗ cho Kim Min Wu, một ca sĩ hát nhạc trữ tình, thế nên anh giải nghệ.

Giờ đây, người đàn ông 46 tuổi đó là một người bán xe hơi.

“Trường hợp của Kim Min Woo là một cú sốc trong ngành,” một nguồn tin trong giới giải trí nói.

“Đó là lúc nam giới làm nghề giải trí bắt đầu nghĩ rằng, nếu có thể, họ sẽ tránh né nhập ngũ.”

Giới quan sát trong nghề nói nghĩa vụ quân sự bắt buộc của nam giới trong ngành giải trí trở thành một câu chuyện đủ hay ho cho các tít báo kể từ đó.

Từ bỏ thẻ xanh cư trú ở Mỹ, Cha In Pyo nhập ngũ ở Hàn Quốc năm 1994, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Trong ảnh là vai diễn mới nhất trên truyền hình của anh trong phim Endless Love năm 2014
Chẳng hạn, khi nam diễn viên Cha In Pyo từ bỏ thẻ xanh của Mỹ và gia nhập quân đội Hàn Quốc năm 1994, đó là một trong những tin tức hàng đầu trên báo đài ở Hàn Quốc.

Một người trong giới quân đội nói rằng nam giới trong ngành giải trí có thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không chưa bao giờ là đề tài xã hội lớn đến thế cho đến thập niên 1980.

“Chúng ta không biết Cho Yong Pil hay Sobangcha [một nhóm nhạc nam thập niên 80] có thi hành nghĩa vụ quân sự hay không, và chúng ta cũng không quan tâm,” người trong giới quân đội đó nói.

Các nguồn tin ở Cục nhân sự quân đội nói điều đó có liên quan đến tỷ lệ người không đi nghĩa vụ vào lúc đó.

Gắn với nỗi nhơ nhuốc

Theo cục này, tỷ lệ nam sinh trong thập niên 1950, nhập ngũ trong thập niên 1970 khi họ ở tuổi 20, là 33,8%. Con số đó của những người sinh vào thập niên 1960 là 30,5%, còn thế hệ sinh những năm 1970 là 18,3%.

Song Seung Heon từng bị đồn đoán trốn tránh nghĩa vụ quân sự bằng cách giả ốm. Năm 2006 anh nhập ngũ và sau khi mãn hạn anh đã nhận vai diễn trong East of Eden đưa anh trở lại hàng sao
Nói cách khác, hồi thập niên 1980 – khi những chàng trai sinh ra trong thập niên 1960 đến tuổi đi nghĩa vụ - thì có một phần ba trong số họ không hề đi. Vì thế, không phục vụ quân ngũ không hề nhục. Chuyện đó khá phổ biến.

Chỉ đến thập niên 1990 thì việc miễn thi hành nghĩa vụ quân sự bắt đầu được coi là một đặc quyền.

Ban Jae Young, một nhân viên văn phòng 45 tuổi thế hệ 7x, nói rằng thời của anh “được miễn nghĩa vụ quân sự có nghĩa anh là con ông trời,” ám chỉ chỉ những ai có quyền lực hay giàu có mới không phải đi nghĩa vụ.

Thế mới khiến quyết định của Cha In Pyo thành tin nóng. Lẽ ra anh có thể hưởng “đặc quyền” nhưng chọn không hưởng. Khi anh nhập ngũ, anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đóng vai “Prince Charming” trong bộ phim tình cảm thành công vang dội của đài MBC Love in Your Arms.

Không như ca sĩ Kim Min Wu, gần như biến mất khỏi tầm mắt công chúng sau khi nhập ngũ, Cha In Pyo tiếp tục đóng những vai “trai đẹp” trong các phim của MBC như Star in My HeartYou and I.

Nam diễn viên Song Jong Ki mới giải ngũ tháng 5/2015

Nhưng tỷ lệ nam giới không nhập ngũ giảm còn nhiều hơn nữa với thế hệ 8x và 9x, theo thứ tự lần lượt là 9,8% và 4,8%, nghĩa là đây đã trở thành chuyện mà ai cũng làm, không làm mới là lạ.

Hậu quả là, sự săm soi của xã hội đối với việc né tránh nghĩa vụ quân sự - hay trốn – trở nên càng căng thẳng hơn vào đầu những năm 2000. Ngoài Yoo Seung Jun, các nam diễn viên Song Seung Heon và Jang Hyuk cũng bị kết tội tìm cách lẩn tránh nghĩa vụ.

Trong trường hợp của ca sĩ Psy, anh đối mặt với chỉ trích rằng không hết mình trong thời gian ở quân ngũ – anh làm người phục vụ công ích, một chọn lựa thay thế cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Anh quyết định nhập ngũ trở lại, hoàn tất bốn năm và bảy tháng. Lẽ anh vẫn có thể chọn làm người phục vụ công ích, nhưng anh chọn quân ngũ, thu phục được sự khen ngợi của công chúng.

Cơ hội mới

Từ sau Psy, nổi lên nhiều trường hợp nam giới trong ngành giải trí quyết định tận tâm hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Chun Jung Myung trong quân ngũ

Đỉnh điểm là khi một ngôi sao đăng ký nhập ngũ không kèn không trống. Ví dụ, nam diễn viên Yoo Seung Ho lặng lẽ nhập ngũ năm 2013. Đây là một trường hợp sốc vì anh chỉ mới 20. Hầu hết sao Hàn hoãn thi hành nghĩa vụ đến cuối tuổi 20 hay đầu tuổi 30.

Nam diễn viên Chun Jung Myung hưởng lợi nhờ nhập ngũ. Lời truyền miệng rằng nam diễn viên điển trai này là một trong những thủ lĩnh gan góc và kỷ luật nhất trong doanh trại của anh lan ra, và sự nổi tiếng của anh cũng tăng vọt.

Và giá trị của anh cũng tăng vọt.

Trước khi nhập ngũ năm 2008, anh được trả thù lao 10 triệu won (8.990,6 đôla) một tập phim. Nhưng sau khi xuất ngũ, anh được trả 22 triệu một tập. Hãng đại diện của anh nói Chun Jung Myung đóng ba quảng cáo trước khi nhập ngũ, còn năm đầu tiên sau khi xuất ngũ thì ký hợp đồng đóng 15 quảng cáo.

“Tôi hy vọng tất cả nam nghệ sĩ do hãng tôi làm đại diện đều nhập ngũ khi đến lúc,” Nam Seung Myeong, một trong các nhà điều hành của Red Line Entertainment, hãng đại diện của Chun Jung Myung, nói và thêm rằng “ngày nay, nhập ngũ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội.”

Nữ giới cũng tham gia

Cả nữ cũng được lợi từ quân ngũ, tuy đa phần là trong chương trình truyền hình thực tế về quân đội.

Hyeri của nhóm nhạc Girl’s Day xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế về huấn luyện quân sự của đài MBC Real Men (ảnh trên) và vụt lên thành sao từ đó.

Theo Dream Tea Entertainment, hãng đại diện của cô, lời mời cô tham gia đóng quảng cáo tăng 300% và thù lao cho công việc đó tăng gấp đôi từ 1,5 lên 3 triệu won. Thành viên của cộng đồng ‘fan’ trên mạng của cô cũng tăng từ 60.000 lên 70.000.

Thế nhưng, có những sao nam đi lính lại để cho hình ảnh của mình bị ảnh hưởng xấu vì hành vi của họ trong doanh trại. Năm 2013 ca sĩ Se7en và Sangchu trở thành đề tài của báo chí vì đi mátxa trong thời gian tại ngũ.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily