Nhân vật & Sự kiện

Phải chăng chính thành công lại dẫn đến sự thoái trào của nội dung giải trí Hàn Quốc?

20/03/2023

Một tác phẩm có thể quá thành công không?

Đã bốn năm kể từ khi Ký sinh trùng (2019) được phát hành và một năm rưỡi từ sau Trò chơi con mực (2021), nhưng khán giả cũng như chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm “Squid Game tiếp theo”, trong khi tin tức cứ nhắc lại những danh hiệu phá kỷ lục mà Ký sinh trùng nhận được mỗi khi có phim Hàn nào bỏ lỡ một lễ trao giải.

Bong Joon Ho và các tượng vàng Oscar cho Parasite. Tin tức cứ nhắc lại những danh hiệu phá kỷ lục mà Ký sinh trùng nhận được mỗi khi có phim Hàn nào bỏ lỡ một lễ trao giải

Thành công của hai tác phẩm cột mốc đó có thể đã mở ra cơ hội cho nội dung giải trí Hàn Quốc nhận được sự hoan nghênh toàn cầu, nhưng cuộc đấu tranh trong thị trường giải trí để lặp lại những kỳ tích này đã làm sáng tỏ những thành công như thế đang xuống dốc.

Người sáng tạo cũng như nhà đầu tư ngày càng quay lưng với những câu chuyện thành công được đảm bảo vì sợ thất bại, trong khi người tiêu dùng ngày càng ít sẵn sàng cho nội dung thử nghiệm cơ hội trong bối cảnh giá vé xem phim và thuê bao dịch vụ phát trực tuyến ngày càng tăng.

Một sự thay đổi đáng chú ý đã diễn ra trong thập kỷ qua là phim truyền hình và điện ảnh từng được coi là hai thể loại riêng biệt, nhưng hai thị trường này đã hòa trộn với sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến, cụ thể là Netflix, nơi mà phim điện ảnh và phim truyền hình được xem như nhau.

Sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và các đối thủ cạnh tranh đã mở ra cơ hội cho những người sáng tạo nhỏ hơn tạo được dấu ấn trong ngành, nhưng cũng bắt đầu cuộc chiến giành lấy người xem giữa những người sáng tạo.

Nam diễn viên chính của Squid Game Lee Jung Jae (trái) và đạo diễn Hwang Dong Hyuk (phải) nâng cao cúp Emmy của họ sau khi chiến thắng tại Giải Primetime Emmy lần thứ 74 vào ngày 12 tháng 9 tại Nhà hát Microsoft ở Los Angeles

Các nhà đầu tư và công ty sản xuất phim điện ảnh và truyền hình không thích đánh bạc — nghĩa là những người nắm giữ tiền trong ngành đang đặt cược vào những tên tuổi lớn “đã được xác nhận là sẽ thành công”, bao gồm cả những đạo diễn đã nhiều lần thành công vang dội, những diễn viên nổi tiếng, và các xuất phẩm chuyển thể từ các tác phẩm đã thành công hoặc là phần tiếp theo.

Theo một báo cáo của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (Kofic), đầu tư vào các bộ phim được phân loại là bom tấn và phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết hoặc webtoon đã xuất bản chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất của tất cả các tác phẩm năm ngoái.

Trong tổng số 197 phim ra rạp ở Hàn Quốc năm 2022, 36 phim bom tấn thương mại tiêu tốn 448,3 tỉ won (345 triệu USD) chi phí sản xuất, gần gấp 10 lần chi phí sản xuất của 161 phim còn lại cộng lại.

Điều này khiến nội dung thay thế hoặc nội dung độc lập khó tìm được chỗ đứng. Lượng người xem các xuất phẩm độc lập và thay thế chỉ chiếm 5,9% tổng số lượt xem phim của điện ảnh Hàn Quốc năm ngoái, theo một báo cáo khác của Kofic. Ít tác phẩm được thực hiện hơn, với số lượng tác phẩm độc lập hoặc thay thế giảm từ 143 tác phẩm năm 2020 xuống còn 118 tác phẩm năm 2021. Tổng cộng có 19 rạp chiếu phim nghệ thuật hoặc độc lập đóng cửa trên khắp Hàn Quốc vào năm ngoái.

Đạo diễn Park Chan Wook thắng giải Đạo diễn xuất sắc của Cannes 2022 với Decision to Leave

Nội dung giải trí Hàn Quốc có thể không đạt được thành công trên toàn thế giới vì những phim truyền hình và điện ảnh có tiềm năng nổi bật với góc nhìn chưa từng thấy trước đó đang bị bỏ qua để tập trung vào những nhà sáng tạo đã làm nên chuyện lớn, theo các chuyên gia.

“Các dịch vụ phát trực tuyến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người sáng tạo cũng như người xem, nhưng có hiện tượng ưu tiên những cá nhân ‘đã được chứng minh’,” nhà phê bình Kim Heon Sik nói. “Bạn cứ thấy những cái tên giống nhau — đạo diễn, diễn viên và biên kịch vốn đã nổi tiếng. Tôi không nghĩ rằng các dịch vụ phát trực tuyến là tương lai vì chúng quá thương mại hóa và hiện tượng này đã ăn sâu bén rễ. Chúng ta cũng nên cung cấp cho các dịch vụ phát trực tuyến trong nước lợi thế so sánh nếu một thương hiệu nội dung của Hàn Quốc được tạo ra.”

Một số ý kiến cho rằng ngành công nghiệp nội dung video bao gồm phim điện ảnh và phim truyền hình đã trở thành như vậy — một ngành công nghiệp; không còn là nghệ thuật nữa.

Avatar: The Way of Water đạt doanh thu hơn mười triệu vé ở Hàn Quốc

“Rạp chiếu phim sống mà như đã chết,” Yu Gina, nhà phê bình phim và giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại Đại học Dongguk, nói. “Những câu chuyện giống nhau và cách kể chuyện giống nhau vẫn tiếp tục trong nội dung video của Hàn Quốc và chẳng kết nối được gì — ‘cầu nối’ như người ta nói — khán giả đại chúng với nội dung mới, độc lập hoặc thay thế.”

Nỗi ám ảnh phim bom tấn, phim bán triệu vé và doanh thu phòng vé là chuyện dễ hiểu, Yu lập luận. Ngành công nghiệp nội dung video bao gồm phim điện ảnh, phim truyền hình và chương trình truyền hình thực tế đã trở thành một thị trường kiếm tiền khổng lồ, và vấn đề chính là ở chỗ đó. Ngành này không còn là về việc kể những câu chuyện mới hay ho hoặc vô tư, mà là chuyện bán được nhiều vé và vật phẩm thương mại hơn.

“Hãy xem Avatar: The Way of Water," Yu nói. “Bộ phim đó đạt doanh thu hơn mười triệu vé ở Hàn Quốc, là một câu chuyện rất sáo mòn và dễ đoán. Rạp chiếu phim đã trở thành một công viên chủ đề. Không còn là kể những câu chuyện mới hay ho hoặc vô tư nữa. Đó là trò chơi của những con số và trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản, nơi những thứ thay thế và số ít không nhận được đủ sự quan tâm, vai trò của các nhà phê bình và nhà báo là thu hẹp khoảng cách giữa số đông và người sáng tạo. Nhưng điều đó cũng đã biến mất.”

Quảng cáo cho phim Hunt của Lee Jung Jae ở Quảng trường Thời Đại, New York

Theo nhà phê bình Kim, việc thiếu cầu nối giữa đại chúng và những người sáng tạo nội dung mới hoặc thay thế đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.

“Đã có một sự ngắt kết nối khác thường do đại dịch,” nhà phê bình Kim nói. “Chúng ta không thể mong đợi những tác phẩm độc lập và thay thế trở thành ăn khách chỉ vì chúng hay, nhưng nên trao cơ hội để ít nhất có đường đi lên cho những bộ phim và nhà sáng tạo như vậy. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để giải quyết vấn đề này, những tác phẩm mang những góc nhìn và câu chuyện mới có thể bị mai một.”

Một số nhà phê bình nói rằng theo một cách nào đó, các chương trình như The GloryPhysical:100, đứng đầu danh sách không nói tiếng Anh trên Netflix trong vài tháng đầu tiên sau khi phát hành trong năm nay, đã theo bước của Squid GameParasite.

“Có thể nỗi ám ảnh của chúng ta là lúc nào cũng phải có phim ăn khách,” Oh Dong Jin, nhà bình luận và phê bình phim, nói. “Tôi muốn nói rằng văn hóa đại chúng cũng cần được đào tạo, để xem chuyện gì đang diễn ra và phân biệt những gì nên xem. Nhưng mọi người không có thời gian và tiền bạc cho việc đó. Hiện tượng như vậy — đổ xô vào những tên tuổi lớn và phim bom tấn — là kết quả của những thói quen kiểu chủ nghĩa tự do mới trong xã hội của chúng ta.”

Sự kiện ra mắt phim Confidential Assignment 2: International. Nỗi ám ảnh phim bom tấn, phim bán triệu vé và doanh thu phòng vé là chuyện dễ hiểu

Theo các chuyên gia, nội dung giải trí Hàn Quốc được biết đến trên toàn thế giới thu hút rất nhiều người xem và thành công về mặt thương mại vì nó đề cập đến các vấn đề phổ quát từ một góc nhìn độc đáo và tính phổ quát đó không phải là điều chỉ Hàn Quốc mới có thể làm được.

Ký sinh trùngTrò chơi con mực thành công toàn cầu vì chúng đề cập đến những khía cạnh sâu xa phổ quát của bất kỳ xã hội nào,” Hwang Jin Mee, nhà phê bình và cộng tác viên của tạp chí điện ảnh Hàn Quốc Cine21, nói. “Các vấn đề về giai cấp, chủng tộc và tiền bạc đâu cũng có và những tác phẩm đó đã nói gì về các vấn đề đó từ một góc nhìn mới đối với khán giả nói tiếng Anh hoặc toàn cầu. Vì vậy, chúng đã được trao giải thưởng và được chú ý. Nhưng một khi khán giả toàn cầu trở nên quan tâm, thì việc tiếp tục thành công từ đó mới là vấn đề. Người ta không thể quan tâm một khung hình hoài được.”

Hwang lập luận rằng sự phức tạp và phát triển của xã hội có những khía cạnh phổ quát có thể thu hút khán giả toàn cầu hơn nữa, không riêng gì xã hội và nền chính trị Hàn Quốc, nhưng Hàn Quốc cũng là một bối cảnh rất đặc thù. Nghĩa là sẽ không bền vững nếu kỳ vọng đất nước này luôn sản xuất ra những bộ phim ăn khách và phim truyền hình có yếu tố phổ quát.

Ngành công nghiệp nội dung video bao gồm phim điện ảnh, phim truyền hình và chương trình truyền hình thực tế đã trở thành một thị trường kiếm tiền khổng lồ, và vấn đề chính là ở chỗ đó. Ngành này không còn là về việc kể những câu chuyện mới hay ho hoặc vô tư, mà là chuyện bán được nhiều vé và vật phẩm thương mại hơn

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, với sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến, nội dung đa dạng và phổ quát được tìm kiếm vì các nền tảng dịch vụ này tạo cơ hội cho các công ty sản xuất và người sáng tạo nhỏ hơn.

Vì các dịch vụ như Netflix đã bắt đầu đầu tư và sản xuất nhiều “nguyên tác” hơn — không chỉ phân phối nội dung làm sẵn thông qua nền tảng của họ mà còn thực sự tham gia vào quá trình sản xuất phim điện ảnh và phim truyền hình — số lượng hãng chế tác quy mô trung bình đã tăng lên.

“Các hãng chế tác quy mô trung bình đã có được lợi thế chưa từng có trước đây qua đại dịch và số lượng phim nguyên tác do các dịch vụ phát trực tuyến sản xuất ngày càng tăng,” Lee Sung Min, phó giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Mở Quốc gia Hàn Quốc, viết trong bài báo có tiêu đề “Những thay đổi trong hệ thống phân phối và sản xuất nội dung do phát trực tuyến: Tập trung vào hệ thống hãng phim” (tựa dịch).

Nhưng những cơ hội dành cho các xưởng sản xuất quy mô trung bình và nhỏ hơn này cũng giảm dần trong những năm qua, vì Netflix đã chứng kiến số lượng thuê bao của mình giảm đi cùng với xu hướng khán giả phân tán sang các dịch vụ phát trực tuyến khác như Wavve, Tving và Watcha cho các nhà cung cấp trong nước và Amazon Prime, Disney+ và các dịch vụ khác cho các nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến quốc tế.

Phim bộ nguyên tác The Glory được xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng chương trình truyền hình không nói tiếng Anh của Netflix trong hình ảnh này do Netflix cung cấp, ngày 4 tháng 1

Với rất nhiều thứ để xem ngày nay, khán giả cũng muốn “không thất bại” với nội dung mà họ chọn — chúng ta ngày càng dựa vào thuật toán để chỉ cho ta biết nên xem gì hoặc chỉ xem lại những tác phẩm mà chúng ta đã quen thuộc.

Nhưng khán giả cần nhận thức được khả năng của nội dung “khác” — những tác phẩm thay thế hoặc độc lập thực sự có thể kể một câu chuyện mới và chưa từng thấy — đồng thời để mắt mở và để tai của họ lắng nghe.

“Chúng ta cần đại tu và nâng cấp tiện ích và giá trị của văn hóa đại chúng,” Yu nói. “Văn hóa cần phải bền vững, và để làm được điều đó, cần phải quan tâm nhiều hơn đến số ít, xây dựng cầu nối giữa khán giả đại chúng và người sáng tạo, đồng thời cần có sự hội tụ giữa analog và kỹ thuật số.”

Theo Kim, mặc dù có lý do khiến người xem đổ xô đến một số tác phẩm nhất định và con người muốn xem nội dung “dễ chịu”, nhưng cũng có sự nhàm chán và bất mãn kinh niên với những xuất phẩm na ná và khao khát điều gì đó mới mẻ.

Chương trình truyền hình thực tế về sinh tồn của Hàn Quốc trên Netflix Physical: 100

“Chúng ta luôn tìm kiếm điều gì đó có thể thúc đẩy chúng ta, có thể mang đến một góc nhìn mới,” nhà phê bình Kim nói. “Tìm ra là việc phải làm, và ngày nay người ta không có thời gian và sức lực cho việc đó. Nhưng phải có ai đó cố gắng thử.”

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily