Nhân vật & Sự kiện

Phim hè 2011: Ai thắng – ai thua?

20/09/2011

Có kẻ thắng người thua trong mùa hè 2011, và chúng ta sẽ xem đó là ai.

Mùa hè chính thức kết thúc cách đây vài tuần, Hollywood đã “chốt hạ” bằng việc tung ra rạp bộ phim Rise of the Planet of the Apes (Sự nổi dậy của loài khỉ). Bộ phim khỉ thành công bất ngờ của James Franco đem tiếng thét mùa phim hè đến với mọi người và trở thành một câu chia sẻ phổ biến trên mạng (Why cookie Rocket?) [bối cảnh: đười ươi Maurice ra dấu hỏi Caesar khi Ceasar cho bánh con khỉ hung dữ Rocket, liên minh nổi dậy cũng hình thành từ đây – ND] và điều đó nghĩa là đã đến lúc nhìn lại đợt nóng năm nay.

Bài viết này không nhằm mục đích xem xét tỉ mỉ phim nào thành công phòng vé nhất (thu được 348 triệu đôla và chắc chắn đó là Harry Potter) hay phim nào được giới phê bình yêu thích nhất (lạ chưa, cũng là Harry Potter), chúng tôi có tham vọng kiêu kỳ hơn. Phim bom tấn thành công nhất mùa hè năm nay thường có những ngụ ý vượt ra ngoài những con số, vì thế ở đây chúng tôi sẽ phân tích xem phim nào đến với mùa hè này như một đóa hồng, và Ryan Reynolds là ai. Có kẻ thắng người thua trong mùa hè 2011, và chúng ta sẽ xem đó là ai.

Kẻ thắng: Phim hài loại R

Không chỉ The Hangover Part II mới tìm cách cõng trên lưng thành công của The Hangover trong hè năm nay. Rất nhiều người nổi tiếng đã nói năng rất thô tục, rất tiếu lâm trước camera, làm sống lại phim hài loại R theo cách mà ngay cả Judd Apatow cũng không ngờ nổi. Phải rồi, The Hangover Part II gớm guốc là phim thành công nhất trong số những phim loại này, nhưng Bridesmaids (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Phù dâu) cũng thành công vang dội với 166 triệu đôla tại thị trường Mỹ, và Horrible Bosses – phim sử dụng phân loại R để cho Charlie Day cơ hội còn tức cười và kỳ cục hơn anh vẫn thể hiện trên chương trình truyền hình It's Always Sunny in Philadelphia – bám sát nút với 106 triệu đôla.

Thậm chí Bad Teacher (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Cô giáo lắm chiêu), mở màn với những bài bình luận OK và đến giữa tuần lễ đầu tiên đã thu được 186 triệu đôla toàn cầu, khiến phim này trở thành thành công tột bậc của Cameron Diaz trong vai chính kể từ sau Charlie's Angels: Full Throttle năm 2003. Vào cái thời hầu hết phim hành động tự biến mình thành hiền lành như bánh ngọt để tránh phân loại R, các phim hài toàn bám lấy loại này, trở nên nực cười hơn và, phần nào đó, trở nên sinh lời hơn. Đây là một trong những xu hướng hứa hẹn nhất hè năm nay.

Người thua: Danh tiếng của Pixar

Đã 15 năm nay, cái tên "Pixar" luôn là một điều đảm bảo, một lời hứa về những bộ phim không chỉ làm bọn trẻ hiếu động phải yên đi trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rằng không chỉ giải trí cho cả người lớn trong lúc đưa con đi xem phim, mà còn là một lối kể chuyện tiên tiến và việc làm phim hoạt hình và thể hiện xuất sắc đến mức bạn không bao giờ ngờ tới. Pixar là một xưởng ma thuật, và mỗi phim họ làm ra dường như đều phá vỡ mọi khuôn thước hết lần này đến lần khác, bất luận là thay đổi hoàn toàn thể loại phim siêu người hùng hay biến một con rôbô vuông vắn thành một nhân vật lãng mạn.

Thế rồi Cars 2 xuất xưởng vào hè năm nay, một phim bị phê bình tệ hại nhất của Pixar và, cho đến nay, đạt doanh thu thấp nhất kể từ sau A Bug's Life. Car 2 vẫn là một phim thành công, tất nhiên, và Disney/Pixar sẽ làm ra vô số đồ chơi phổ biến, nhưng đóa hồng Pixar dứt khoát đã hết tươi tắn, tức là lần đầu tiên sau ngần ấy năm, hãng phim buộc phải chứng tỏ điều gì. Nếu phim kế tiếp của họ Brave cũng không đạt tới chuẩn thông thường này, chúng ta sẽ phải bắt đầu nghiêm túc lo ngại rằng thời kỳ rực rỡ của Pixar thực sự đã qua.

Kẻ thắng: Di sản của Freaks & Geeks

Bạn có muốn biết điều tồi tệ nhất trên đời với người hâm mộ thể thao là gì không? Đó là khi đội bóng yêu thích của bạn cho mượn một tân binh có tiềm năng, và rồi anh ta trở thành một ngôi sao. Thật đáng tiếc cho NBC. Cách đây 11 năm, đài này phát sóng Freaks And Geeks, một chương trình truyền hình nổi bật, được đề cử giải Emmy có gần bảy triệu người theo dõi. NBC đã hủy bỏ chương trình này, chỉ để trơ mắt nhìn nhà sản xuất Judd Apatow tạo thương hiệu riêng, các ngôi sao Seth Rogen, James Franco và Jason Segel trở thành những cái tên cửa miệng, Linda Cardellini nhận được vai chính trong loạt phim thành công Scooby Doo, Martin Starr sụp đổ trong Party Down và Busy Phillips cất cánh với Cougar Town.

Tuy nhiên, sai lầm này hẳn còn cứu vãn được, ít nhất là đến mùa hè này khi nhân vật chính của Freaks And Geeks John Francis Daley viết nên kịch bản hài tuyệt vời Horrible Bosses, Paul Feig đạo diễn bộ phim thương mại thành công Bridesmaids và Samm Levine xuất hiện trong album mới của Doug Benson. Giờ còn làm gì nữa ngoài cười trừ? Không còn là vấn đề Freaks And Geeks từng có một số diễn viên xuất sắc, từng người một của chương trình này đã bắt đầu phá hỏng cuộc đời một cách bệnh hoạn khi chương trình bị hủy lần thứ hai. Nói phải phép thì có lẽ không nên đề cập đến việc Planet Of The Apes của Franco kiếm bộn tiền hồi tháng 8 còn phim Muppet mới của Segel trông rất tuyệt, nhưng chẳng đừng được.

Kẻ thắng: Quá khứ

Không có lúc nào bằng quá khứ, ít ra mùa hè này chứng minh điều đó. Trong một kỷ nguyên hầu hết phim kinh phí lớn nỗ lực để trông có vẻ hợp thời và cập nhật hết mức có thể, nhiều hãng phim đặt cược vào quá khứ trong vài tháng hè và làm tổn thương những tiêu điểm ngược về trước của họ. Nỗ lực tặng cho khán giả nhiều hơn là đôi chút tốt đẹp hơn những chào hàng được trông đợi, và họ đã được tưởng thưởng bằng những khoản doanh thu hậu hĩ. Không nghi ngờ gì những tay kiếm tiền đó sẽ cố tìm một công thức đặc thù để tái sản xuất từ những mỏ vàng xét lại lịch sử này, nhưng điều thực sự đáng nói là họ sẽ không tìm ra công thức nào đặc hiệu hơn là "quá khứ" đâu.

Super 8 là một phim quái vật bối cảnh năm 1979, Captain America, một phim siêu người hùng Thế chiến thứ II. Transformers: Dark Of The Moon là chuyển thể của loạt truyện thiếu nhi với truyện đầu tiên tuốt từ thập niên 1960, X-Men: First Class (Dị nhân thế hệ đầu tiên) là một phim siêu người hùng khác, lấy bối cảnh khủng hoảng tên lửa ở Cuba còn Midnight In Paris là một phim lãng mạn hài/giả tưởng/du hành vượt thời gian chủ yếu nhấn mạnh thập niên 1920. Đúng vậy, lần đầu tiên trong đời mình, Woody Allen, có lẽ không chủ tâm, gia nhập vào những kẻ phàm phu tục tử xét về đề tài và kết cuộc có một phim thành công nhất về tài chính trong cả sự nghiệp của ông.

Người thua: Người hâm mộ phim kinh dị

Điều duy nhất ghê sợ về hè 2011 là hoàn toàn thiếu phim kinh dị chính thống cho người hâm mộ phim kinh dị. Priest (Giáo sĩ)  của Paul Bettany là phim kinh dị ngay thật duy nhất phát hành rộng rãi trong những tháng hè (vài thị trường đủ may mắn phát hành được The Ward của John Carpenter), và qua đi như bong bóng xì hơi.

Thay vì thế, các hãng phim chọn những phim như Super 8Cowboys & Aliens (Cao bồi và quái vật ngoài hành tinh), nhưng ngay cả những phim đó cũng chỉ có đôi chút khoảnh khắc rùng rợn sởn gai ốc. Không chừng Hollywood nghĩ là chúng ta cần vài tháng để hoàn hồn từ sau phim Insidious, tính đến giờ là phim kinh dị nhất năm nay. Và tháng 8 cố tìm cách điều chỉnh cơn hạn hán phim kinh dị bằng cách nhồi nhét vào Fright Night (Bóng đêm kinh hoàng) và Final Destination phần năm. Nhưng người hâm mộ phim kinh dị hoàn toàn có quyền nói, “Quá ít và quá muộn” sau khi bị buộc phải chờ đợi hết cả mùa hè chỉ vì một nỗi sợ hãi khó quên.

Kẻ thắng: Marvel

Danh sách phim phải làm của Marvel Studios có hai mục – đưa Thor Captain America (Kẻ báo thù đầu tiên) đến với khán giả dòng phim trào lưu trước khi The Avengers ra mắt vào hè năm sau – và hãng phim mới tập tễnh vào nghề này đánh dấu đã xong cả hai phim một cách dễ dàng. Các đạo diễn Kenneth Branagh và Joe Johnston mỗi người chuyển tải câu chuyện gốc cho ThorCap thành những chuyến phiêu lưu riêng lẻ trong khi vẫn bổ sung những mảnh ghép quyết định cho bức tranh ghép Avengers đang định hình.

Cũng đáng chú ý là cách hai phim này phản ánh lẫn nhau về mặt phê bình và tài chính. Thor đạt 77% tươi ngon trên Rotten Tomatoes và thu tóm 180,8 triệu đôla doanh thu vé ở Mỹ, còn Captain America: The First Avenger ghi 79% độ tươi ngon và gom được 146,8 triệu đôla tính đến nay. Điềm báo tốt lành cho bộ phim Avengers đang được chờ đợi của Joss Whedon, sẽ ra rạp vào tháng 5 năm tới. Và mặc dù X-Men: First Class (Dị nhân thế hệ đầu tiên) của Matthew Vaughn không hề dính dáng gì đến Avengers, thành công của phần tiền truyện đó càng giúp ích cho thương hiệu Marvel Comics, nói chung.

Kẻ thắng: Phim nhiều phần

Từ The Godfather đến Back to the Future đến Star Wars khán giả mê phim đã quen xem những phim bộ ba, nhưng hè năm nay một số kẻ thắng cuộc là những phim nào vượt hơn số 3. Từ Fast Five (Phi vụ Rio - kinh phí: 125 triệu đôla, doanh thu quốc tế: 604 triệu đôla); Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides (kinh phí: 250 triệu, doanh thu quốc tế: 1,037 tỉ); X-Men: First Class (kinh phí: 160 triệu, doanh thu quốc tế: 349 triệu); và Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 (kinh phí: khoảng 125 triệu, doanh thu quốc tế: 1,134 tỉ và vẫn còn tiếp tục tăng), những phim nhiều phần này kiếm được 2,464 tỉ đôla doanh thu vé toàn cầu.

Càng ấn tượng hơn, những phim này, ngoài Pirates, cũng chinh phục được giới phê bình, ba trong tổng số bốn phim nói trên nhận được điểm trung bình 87% trên Rotten Tomatoes. Có thể có người phàn nàn về việc phải xem đi xem lại cùng nhân vật trên màn ảnh, nhưng nếu nhân vật của bạn đã làm được phần bốn, năm, sáu hay bảy trong hè 2011 này, thì bạn đúng là đã gặp thời rồi đó.

Người thua: Những ai xem Xì Trum thay vì xem Winnie The Pooh

Theo nhiều phương diện thì hai dự án này giống nhau: cả hai đều dựa trên nguồn nội dung kinh điển, được yêu mến thể hiện một nhóm nhân vật được xác định một cách rất đặc thù. Nhưng có một khác biệt rất lớn, đáng chú ý giữa Winnie The Pooh với Xì Trum: Winnie The Pooh là một trong những phim hay nhất năm nay, còn Xì Trum rốt cuộc sẽ bị xem là một trong những phim dở nhất. Chuyện đáng nói là The Smurfs có tuần công chiếu thắng đậm và cầm chắc có phần tiếp theo, còn Pooh đụng phải Harry Potter trong tuần công chiếu và chỉ thu được 7,8 triệu sau ba ngày đầu tiên.

Như đã nói, ở đây Winnie The Pooh không phải là người thua, thay vào đó chính những ai đi xem The Smurfs mới là người thua. Bằng cách từ chối hiện đại hóa các nhân vật, các đạo diễn Don Hall và Stephen J. Anderson khắc họa bản chuyển thể quyển sách của A.A. Milne thành một tác phẩm phi thời gian và đẹp đẽ hoàn mỹ với cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, bộ phim của Raja Gosnell dựa theo tác phẩm của Peyo đã để những sinh vật da xanh nhỏ bé chơi Guitar Hero và hát rap theo Run DMC. Nếu bạn đã xem Xì Trum thay vì xem Winnie The Pooh mùa hè này, vậy là bạn thua rồi.

Kẻ thắng: 2D

Hè 2011 là năm mà khán giả, rốt cuộc, bắt đầu dị ứng với 3D. Ngán ngẩm giá vé và sẵn sàng tái sinh những ngày xưa tươi đẹp khi người ta có thể xem phim không cần mang kính, dường như khán giả tìm mua vé 2D thay vì 3D. Chẳng hạn, giới hâm mộ Harry Potter nhanh tay chộp lấy vé 2D xem Deathly Hallows – Part 2 với tốc độ nhanh hơn vé 3D, cho dù 3D thường là những phim bom tấn và hay nhất. Nhiều người khao khát muốn kết thúc loạt phim Harry Potter như cách loạt phim này đã bắt đầu, không cần chiều không gian thứ ba.

Fast Five là một trong những phim triển vọng thắng lớn năm nay, và không chọn làm 3D. Yếu tố chi phí lạm phát của vé 3D và sự thật là 2D Fast Five được nhiều người xem hơn bất kỳ phim nào khác ra mắt trong hè này, ngoài Harry Potter nói trên và lũ người máy không cách gì hãm lại được của Michael Bay trong Transformers. Người ta tiếp tục xem phim 3D, trong một số trường hợp vì không có lựa chọn và trong những trường hợp khác là vì phim thực sự hay (nhờ Captain America), nhưng với những phim như X-Men: First Class kiếm được nhiều tiền hơn những đối thủ 3D bán vé giá cao hơn, xem ra đã rõ hơn bao giờ hết rằng 2D không chỉ tồn tại và sống tốt, mà còn có nhu cầu từ khán giả nữa.

Người thua: Ryan Reynolds

Người viết bài này thích Ryan Reynolds. Không phải, yêu mến Ryan Reynolds mới đúng. Anh là điều tốt nhất trong mọi phim dở mà anh tham gia, không may là những phim dở không ai muốn xem đó dường như là tất cả những gì anh đã làm trước giờ. Hè năm nay đặc biệt đau thương cho anh, anh là ngôi sao chính cho không phải một, mà những hai phim kinh phí lớn, bị đánh giá tệ hại, kết quả kém. Giới phê bình chà đạp tơi bời Green Lantern còn khán giả thì không xem phim này. Chắc bộ phim sẽ không thu hồi được kinh phí 200 triệu đôla, vậy mà hãng phim vẫn nói về một phần tiếp theo.

The Change-Up (Đổi vai) kết cặp Reynolds với Jason Bateman, diễn viên này đã tham chiến bằng một phim hài thành công trong hè 2011 (Horrible Bosses). The Change-Up vẫn cứ chìm nghỉm và kết thúc sẽ chỉ là một phim bị phê bình tệ hại nhất năm nay, nhưng với doanh thu 18 triệu trên tổng kinh phí 52 triệu đôla, đây còn là một trong những phim thất bại thê thảm nhất. Không rõ Reynolds còn tiếp tục thế này bao lâu nữa, anh chàng rõ ràng là một tài năng nhưng Hollywood chỉ có thể vắt kiệt kiểu này cho tới chừng nào anh ta bị chuyển sang vai phụ mà thôi. Hè 2011 kết thúc coi như là cả năm với Ryan Reynolds đã xong. Này Ryan, không chừng giờ là lúc thử điều gì đó sắc cạnh đi thôi. Deadpool thì sao hả?


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend