Nhân vật & Sự kiện

Thái Minh Lượng và một kiểu làm phim khác

21/02/2011

Đạo diễn gốc Malaysia hiện đang sống và làm việc tại Đài Loan Thái Minh Lượng luôn nổi tiếng nhất với những phim nghệ thuật khắc hoạ tốc độ chậm chạp của cuộc sống thường nhật.

Thế nhưng người đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice (với phim Vive L’amour, 1994) và giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin (The River, 1997; The Wayward Cloud, 2005) – và cũng được vinh danh là Nhà làm phim châu Á xuất sắc nhất của năm tại Liên hoan phim Busan vào tháng 11 – đang bắt đầu đạt được thành công ở một lĩnh vực ít được biết đến hơn: nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật video.

Đạo diễn Thái Minh Lượng

It’s a Dream, một tác phẩm nghệ thuật như vậy của Thái Minh Lượng tồn tại dưới một số phiên bản, gồm một máy chiếu phim và một vài hàng ghế trong rạp chiếu phim để khắc hoạ quang cảnh của một rạp chiếu phim cổ xưa. Gần đây khi đang ở Singapore, ông đã cho biết thông qua phiên dịch viên rằng những chiếc ghế dựa là được lấy từ “một vài hàng ghế” mà ông mua từ “một rạp chiếu phim cũ của Malaysia”. Bảo tàng nghệ thuật Đài Loan đã có một phiên bản “Dream” cho bộ sưu tập vĩnh cửu của mình và một phiên bản khác được triển lãm tại Aichi Triennale 2010 ở Nhật Bản. Phiên bản thứ ba thì được trưng bày tại Shanghai Biennale, triển lãm được mở trong suốt ngày 23/1.

Nghề nghiệp thứ hai của đạo diễn 53 tuổi này thực sự khởi sắc từ năm 2004, khi ông được nghệ sĩ Trung Quốc Thái Quốc Cường mời tham gia một chương trình nghệ thuật của 18 nghệ sĩ đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Sự kiện có tên The Bunker Museum of Contemporary Art được tổ chức trên đảo Kim Môn, căn cứ quân sư của Đài Loan cho đến năm 1992. Đạo diễn Thái Minh Lượng đã trình bày tác phẩm Withering Flower, một tác phẩm sắp đặt lớn đặt trong một kho đạn của quân đội bị bỏ hoang với tượng lãnh tụ Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch cao lớn được đặt ở một nơi nhẽ ra là chỗ đặt pháo. Những khe hở trên tưởng được che lại bằng những miếng băng gạc.

Trong một căn phòng từng là nơi chứa đạn, Thái Minh Lượng đã cho chiếu một vở kịch của Trương Ái Linh được thu lại và những trích đoạn từ “The River”. “Tôi muốn thể hiện rằng cuộc sống mong manh đến thế nào,” ông nói.

Năm 2007, Thái Minh Lượng được mời làm đại diện cho Đài Loan tại Venice Biennale, và tham gia vào một dự án tổng hợp cho Kỷ niệm lần thứ 60 Liên hoan phim Cannes, trong đó 35 đạo diễn đã được yêu cầu phải đóng góp một đoạn phim dài ba phút nói về phim điện ảnh và việc đi xem phim. It’s a Dream là tác phẩm của Thái Minh Lượng thể hiện một cái nhìn hoài niệm về thời thơ ấu khi bà ông thường hay đưa ông đi xem phim trong một thị trấn nhỏ ở Malaysia nơi ông lớn lên. Phiên bản dài ba phút đã được đưa vào dự án tổng hợp này, còn một phiên bản dài 22 phút lại được trình chiếu trong hạng mục điện ảnh Đài Loan như là một phần của tác phẩm sắp đặt của nghệ thuật video-art bao gồm một vài hàng ghế dựa từ rạp chiếu phim xưa cũ. Ông cho biết, “Ý tưởng là khán giả đang xem bộ phim đó sẽ được ngồi trên cùng những chiếc ghế được chiếu trên màn ảnh.”

Cảnh trong It's a Dream

Là một nhà làm phim, Thái Minh Lượng đã nhận được nhiều lời ngợi khen của giới phê bình, thế nhưng thành công về mặt thương mại thì vẫn chưa đến với ông, đặc biệt là ở trên đất nước ông đang sống này. “Khán giả Đài Loan không đón nhận phim của tôi vì chúng không giống như các khuôn mẫu Hollywood,” ông nói. “Ở châu Âu khán giả đón nhận nhiều hơn, tôi nghĩ là do họ có quan điểm thẩm mỹ khác.”

Phim của ông vẫn thường bị chê là sử dụng cảnh phim quá dài để diễn tả những tình tiết đơn giản, ví dụ như dành ra đến sáu phút cho cảnh một người phụ nữ khóc trong Vive L’amour. Nhưng khi áp dụng vào nghệ thuật sắp đặt video, khán giả dường như lại đồng cảm hơn, theo lời ông cho biết. “Với nghệ thuật, tôi được tự do thực hiện những cảnh quay dài như thế hơn,” ông cười và nói. “Tôi nghĩ đó là vì khi khán giả đến bảo tàng họ mong có được một trải nghiệm khác so với khi đến rạp xem phim.”

Thái Minh Lượng đã toàn tâm toàn ý đón nhận thế giới nghệ thuật bên ngoài lĩnh vực phim ảnh, và thậm chí còn bắt đầu với hội hoạ, cho dù ông chưa hề được đào tạo bài bản. Một buổi triển lãm đang được diễn ra tại Viện Học Học đã trưng bày một vài tác phẩm của ông trong đó có cả tranh sơn dầu: những chiếc ghế thực sự “đang tự phản ánh” chính mình trong bức hoạ.

“Tôi lên kế hoạch vẽ 49 chiếc ghế và không chiếc nào giống chiếc nào,” Thái Minh Lượng nói. “Tôi rất thích thú ý tưởng là mọi vật đều có hồn, kể cả những vật thể.”

Tuy ông thừa nhận rằng làm một nghệ sĩ độc lập không phải chịu nhiều áp lực như khi làm đạo diễn, nhưng điện ảnh vẫn luôn là niềm đam mê lớn nhất của ông. Vào mùa xuân tới ông sẽ bắt đầu quay một bộ phim với nhan đề dự kiến là The Diary of a Young Boy, bộ phim mà ông xem là “sự trở lại” với thời kỳ đầu của sự nghiệp khi ông làm phim với quan điểm xã hội khác biệt. Ông cũng sẽ hỗ trợ sản xuất phim Underground Fragrance của đạo diễn trẻ Tống Bằng Phi, nói về những người lao động nhập cư phải sống trong những tầng hầm ở Bắc Kinh, cũng sẽ được khởi quay vào mùa xuân này.

Thái Minh Lượng cho biết ông nghĩ những kinh nghiệm của ông khi thực hiện nghệ thuật sắp đặt đang ảnh hưởng tới cách làm phim của ông, ít nhất là ở phương diện xúc cảm. Ông nói, “Khi tôi hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật, tôi cảm thấy thư thái và bớt căng thẳng hơn.”

Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times