Nhân vật & Sự kiện

#Thập niên 2010 nhìn lại: Nhật Bản chứng kiến chuyển dịch thế hệ và chuyển dịch ra quốc tế đối với anime

20/12/2019

Vào lúc bắt đầu thập niên, nhà vô địch hạng nặng không tranh cãi của phòng vé anime là Hayao Miyazaki. Kể từ những năm 1990, phim nào của vị đạo diễn này cũng đều thành công rực rỡ: tác phẩm năm 2001 của ông, Spirited Away, vẫn là phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Nhật Bản.

Nhưng thập niên 2010 mới đi được vài năm thì xảy ra một cú sốc cho thế giới anime màn ảnh rộng: sau khi phát hành The Wind Rises năm 2013, Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu, và ngay sau đó, hãng phim Ghibli của ông sa thải phần lớn nhân viên, trở thành chỉ còn là nơi nhượng quyền vật phẩm ăn theo không hơn không kém.

Makoto Shinkai (trái) và Hayao Miyazaki

Miyazaki và Ghibli rời bỏ lĩnh vực hoạt hình để lại một khoảng trống mà các hãng phim khác tranh nhau điền vào.

“Không ai khác thực sự tạo được tác động đến như vậy,” Renato Rivera Rusca, một nhà sản xuất hoạt hình và giảng viên tại Đại học Meiji nói. “Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy rất nhiều phim hoạt hình được phát hành đại trà và được chú ý nhiều hơn. Bạn có thể làm được những bộ phim tương tự, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng thành công tương đương như vậy.”

Những phim như Mary and Witch’s Flower (2017), do cựu binh Ghibli sáng tạo, và The Wonderland (2019), dựa trên tác phẩm của Sachiko Kashiwaba, một tiểu thuyết gia mà Miyazaki từng cân nhắc chuyển thể, đã trơ tráo cố gắng dụ dỗ khán giả trước đây của Ghibli đem lại nhiều ý kiến trái chiều và kết quả hỗn hợp.

Mary and Witch’s Flower (2017), do cựu binh Ghibli sáng tạo

Thay vào đó, những phim anime thực sự nắm bắt được trí tưởng tượng (và ví tiền) của người xem phim trong những năm 2010 có hai hương vị: phim từ các thương hiệu lâu đời, thân thiện với gia đình như Detective Conan, Doraemon One Piece, và phim từ các đạo diễn tác gia Mamoru Hosoda và Makoto Shinkai.

Hosoda ghi điểm với Wolf Children (2012) và The Boy and the Beast (2015), những bộ phim kỳ ảo có nền tảng là các chủ đề gia đình, dễ liên hệ. Trong khi đó, Shinkai thành công rực rỡ với Your Name (2016) và Weathering With You (2019), gây được tiếng vang với khán giả thông qua câu chuyện tình yêu tuổi mới lớn và sự mất mát giữa hình ảnh ngoạn mục hậu tận thế, lấy cảm hứng một phần không nhỏ từ Trận động đất lớn Đông Nhật Bản năm 2011 và thảm họa sóng thần và hạt nhân sau đó.

Tuy nhiên, gần cuối thập niên, một sự trở cờ to đùng cỡ Totoro trong câu chuyện hậu Ghibli đã nổ ra với tin Miyazaki thôi nghỉ hưu và đang làm một bộ phim mới, sẽ được phát hành vào đầu những năm 2020.

The Wonderland (2019), dựa trên tác phẩm của Sachiko Kashiwaba

Gác qua một bên màn ca ngợi cuối cùng này, có vẻ đã rõ là thế giới anime chiếu rạp tiếp tục tiến lên. Shinkai, Hosoda và một nhóm nhỏ các đạo diễn khác đã chứng minh để trở thành Miyazaki kế tiếp không phải là mù quáng tái tạo phong cách của ông, mà là kết hợp hoạt hình chất lượng cao với thế giới quan độc đáo của riêng họ.

Mặc dù số lượng các tựa phim anime đi vào dòng chủ lưu đang tăng lên ở rạp chiếu, điều hết sức ngược lại đã xảy ra trên màn ảnh nhỏ.

Trong năm 2009, có 10 bộ anime được phát sóng khung giờ vàng trên truyền hình Nhật Bản — bao gồm Doraemon, Pokemon Inazuma Eleven — nhưng đến cuối năm 2019, con số đó đã giảm xuống chính xác bằng 0.

The Boy and the Beast (2015) của Mamoru Hosoda

Anime truyền hình không biến mất — thực tế, số lượng phim đã tăng từ 195 ở năm 2010 lên mức cao nhất mọi thời đại là 365 vào năm 2016. Nhưng anime truyền hình vẫn tiếp tục con đường mà nó đã bắt đầu đi từ cuối những năm 1990: phát sóng đêm muộn nhằm vào người hâm mộ trưởng thành có máy ghi video kỹ thuật số hoặc bị mất ngủ. Khi xu hướng đó tiếp tục, anime màn ảnh nhỏ rút lui khỏi dòng chủ lưu và ngày càng nhắm đến lực lượng ‘fan’ ngách.

“Hai mươi năm trước, có thể nói chuyện với những người hâm mộ phim phi-anime và họ vẫn biết Neon Genesis Evangelion là gì chẳng hạn, dù họ không có xem,” Rusca nói. “Bây giờ không như vậy nữa.”

Khung giờ phát sóng đêm khuya đã được các nhà sản xuất phim hoạt hình mua và về cơ bản đóng vai trò quảng cáo cho các bản phát hành video gia đình cuối cùng, thường có cảnh không cắt và làm lại. Giá cao mà một số người hâm mộ sẵn sàng trả cho các bản DVD hoặc Blu-ray không cắt này đã khiến nhiều chương trình nhắm đến thị trường ngách mục tiêu ngày càng nhỏ.

Makoto Shinkai thành công rực rỡ với Your Name (2016) và Weathering With You (2019)

Nhưng, theo thời gian đi qua trong thập niên, doanh số video gia đình bắt đầu giảm, với doanh thu năm 2017 chỉ bằng 72% so với năm 2010, khiến các nhà sản xuất “tranh giành các nguồn doanh thu mới,” Rusca nói.

Một trong những nguồn mới thành công nhất là các sự kiện trực tiếp, Yoshihiro Watanabe, nhà sản xuất tại studio anime Orange Co., Ltd.

Các sự kiện bao gồm từ sự xuất hiện của diễn viên lồng tiếng và chiếu trước các tập phim mới ở rạp cho đến nhạc kịch, trình diễn ca nhạc hoặc quán cà phê được trang hoàng nghệ thuật lấy từ một phim bộ anime trong thời gian giới hạn.

“Những sự kiện này nhằm để người hâm mộ thể hiện lòng yêu mến đối với các nhân vật thông qua việc mua các mặt hàng thì không hẳn, mà nhằm để bán cho người ta ý tưởng anime là một phần cuộc sống của họ thì đúng hơn,” Watanabe nói.

Phim bộ anime Neon Genesis Evangelion đã có trên Netflix

Tuy nhiên, người làm thay đổi cuộc chơi lớn nhất trong thập kỷ qua — cả về tiền bạc lẫn sáng tạo — được cho là đến từ bên ngoài Nhật Bản. Trong năm 2010, doanh số bán ở nước ngoài chiếm khoảng 22% tổng doanh thu của ngành. Đến năm 2017, đã tăng lên gần một nửa.

Tại Hoa Kỳ, thị trường nhượng quyền lớn nhất của hoạt hình Nhật Bản, dòng lũ anime này đã bị ngưng đọng bởi sự gia tăng của truyền phát video trực tuyến trên internet. Thay vì chờ đợi hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi một loạt phim được phát sóng chính thức bằng tiếng Anh, người hâm mộ giờ đây có thể xem các tập phim có phụ đề cùng lúc khi chúng được phát sóng tại Nhật Bản.

Các thị trường ở châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan cũng là những thị trường nhượng quyền khổng lồ, và Trung Quốc, phát triển thành một siêu cường tiền tệ, đã trở thành một phần ngày càng quan trọng của thị trường anime. Watanabe cho biết, việc bán một số tài sản cho các thị trường này dễ dàng hơn so với phương Tây nhờ tương đồng về văn hóa giữa họ với Nhật Bản, tuy “có những khác biệt kiểm duyệt, nên không phải phim bộ anime nào đã chiếu ở Nhật Bản cũng có thể đến Trung Quốc.”

Anime màn ảnh nhỏ rút lui khỏi dòng chủ lưu và ngày càng nhắm đến lực lượng ‘fan’ ngách

Gần cuối thập niên, sự gia tăng dòng tiền nước ngoài bắt đầu ảnh hưởng đến nội dung của bản thân các xuất phẩm anime. Thay vì chỉ nhượng quyền nội dung hiện có, các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Crunchyroll bắt đầu trực tiếp đổ tiền vào các xuất phẩm anime của riêng họ.

“Những nguồn lực bên ngoài này bắt đầu xuất hiện, bảo, ‘Này, chúng tôi có thể tài trợ rất nhiều thứ nếu bạn muốn.’ Song, tất nhiên, những dự án đó phải thu hút khán giả toàn cầu hơn chứ không chỉ nhắm có Nhật Bản,” Rusca nói.

Watanabe đồng ý. “Tại hãng chúng tôi, chúng tôi chắc chắn đang cố gắng tập trung vào chủ đề có tính toàn cầu hơn là một chủ đề chỉ hiệu quả ở Nhật Bản,” ông nói.

Song song với việc dòng vốn nước ngoài chảy vào là sự lên ngôi của nhân tài ở nước ngoài, khi người từ khắp nơi trên thế giới lớn lên với anime đã đến Nhật Bản làm công việc họa sĩ hoạt hình, hoặc thậm chí mở hãng phim của riêng họ. Và, Watanabe nói, nhờ vào quy trình làm việc ngày càng được số hóa, những tài năng như vậy không nhất thiết phải có mặt ở Nhật Bản.

“Trong vài năm tới đây, chúng ta sẽ thấy một sự thay đổi mô hình,” Rusca nói. “Một sự thay đổi mang tính thế hệ đang diễn ra, và tôi nghĩ sẽ là một sự thay đổi quốc tế. Người ta đang thức tỉnh trước thực tế là bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể làm phim hoạt hình theo phong cách Nhật Bản.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Times