Nhân vật & Sự kiện

#Thập niên 2010 nhìn lại: 16 phim hoạt hình hay nhất

25/11/2019

Trong thập niên 2010, hoạt hình 3D đã trở thành ngôn ngữ chung của các hãng phim hoạt hình Hollywood. Nhưng trong khi cả Disney và Dreamworks đều bỏ lại nguồn gốc của mình, các hãng phim nhỏ hơn và các hãng chế tác quốc tế đã khám phá đầy đủ phạm vi của 2D và các khía cạnh khác của thể loại hoạt hình.

Thập niên này mang đến cho chúng ta sự phát triển của các hãng phim như Cartoon Saloon và Laika, cùng với Disney Phục Hưng lần thứ hai và DreamWorks thăng hoa hết tiềm năng của hãng. Trong khi hoạt hình thập niên 2010 có một khởi đầu run rẩy, toàn bộ bề rộng của loại hình này cuối cùng đã được khám phá: vẽ tay, hoạt hình vi tính, stop-motion, bắt chuyển động, và đủ thứ ở giữa.

The Secret of Kells (2010)

Tuy truyền thống nghệ thuật Celtic có từ thời Đồ Sắt, trước bộ phim The Secret of Kells của Tomm Moore thì bản sắc Ireland chưa bao giờ được nắm bắt đầy đủ. Biên niên sự kiện của Book of Kells với thắt nút kỳ ảo, bộ phim theo bước chân phiêu lưu của cậu bé tò mò Brendan (Evan McGuire) để hoàn thành hợp tuyển nhạc Phúc Âm huyền thoại. Đạo diễn Moore cưỡng lại khuynh hướng của dòng phim chủ lưu để lột tả cội nguồn văn hóa đáng tin cậy của câu chuyện: từ phong cách hoạt hình 2D đến nhạc nền lấy cảm hứng dân gian của Bruno Coulais. The Secret of Kells là một khúc tiêu dao thoát tục hoạt hình cả trong những khoảnh khắc dữ dội.

The Illusionist (2010)

Jacques Tati giống một nhân vật hoạt hình như đúc. Bậc thầy kịch câm, người đã pha trộn hài hước với phê bình chính trị-xã hội, người nghệ sĩ đã tạo ra ngách riêng với các phim hài Mon OnclePlay Time gây ấn tượng sâu sắc. The Illusionist chuyển thể một trong những kịch bản chưa được sản xuất của ông, và biên kịch kiêm đạo diễn Sylvain Chomet (Triplets of Belleville) còn hơn cả nắm bắt đầy đủ bộ dạng sầu muộn của ông. Câu chuyện kể về một nhà ảo thuật sa cơ lỡ vận trôi nổi khắp Paris trước khi được hồi sinh nhờ niềm đam mê của một cô gái trẻ. Như một người cha thay thế, anh hết mình vì hạnh phúc của cô, kể cả khi hy sinh nghệ thuật. Cái nhìn nhân bản và quặn thắt, cuốn hút vào mọi chuyển động tinh tế, là lý do người ta sẽ luôn gào thét khi tương lai 2D bị đe dọa.

How to Train Your Dragon (2010)

Vào giữa những năm 2000, DreamWorks đã bán những phim hài ngớ ngẩn có những động vật cười nhếch mép do những diễn viên hài nổi tiếng lồng tiếng. Vài phim trong số này hay. Vài phim... dở. Nhìn chung thì ổn.

How to Train Your Dragon đã làm thay đổi kỳ vọng về những gì DreamWorks có thể làm. Bộ phim của Dean DeBlois và Chris Sanders có thắt nút cảm xúc rõ ràng, với những lựa chọn mang lại hậu quả nặng nề, với những mảng miếng ma mãnh và hài hước không gây phương hại đến câu chuyện chính. Ồ, và nhạc nền hay cực. Mối quan hệ gắn bó giữa Hiccup với Toothless sẽ tiếp tục xác định một bộ ba phim tuổi mới lớn sâu sắc.

The Adventures of Tintin (2011)

Sâu hơn chút nữa vào chủ nghĩa hiện thực thì The Adventures of Tintin đã tan tành với hiệu ứng hình ảnh kỳ lạ Unccany Valley. Rất may, bộ phim phiêu lưu hoạt hình bắt diễn xuất của Steven Spielberg xoay xở đi theo hướng tốt, thực hiện cách tiếp cận cách điệu mà trung thành với truyện tranh gốc hơn là một tác phẩm chuyển thể người đóng. Kịch bản khôn ngoan, thú vị, không dựa trên cuộc phiêu lưu cụ thể nào của Tintin, mà thay vào đó, dựa trên ba trong số những câu chuyện đi biển và mang đến một cuộc phiêu lưu cướp biển ly kỳ điển hình.

Rango (2011)

Một trong số ít những bộ phim không phải của Disney / Pixar thắng giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất, Rango là một sáng tạo thuần túy từ bộ não ngông cuồng của Gore Verbinski. Khi con tắc kè thú cưng (do Johnny Depp lồng tiếng) bị mắc kẹt trong sa mạc, anh ta buộc phải tự bảo vệ trong miền Viễn Tây của động vật và thị trấn Dirt. Một loạt những hiểu lầm dẫn đến việc anh ta được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng, khiến anh trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại Jake Rắn Chuông đáng sợ (Bill Nighy). Phim khiến người ta say mê với cách đảo ngược phim Viễn Tây (cùng diễn xuất của diễn viên), cững như phá âm mưu siết nguồn cung cấp nước cho thị trấn Dirt, và sự sáng tạo của Verbinski về mảng miếng hành động.

Paranorman (2012)

Khi Paranorman xuất hiện tại các rạp chiếu phim vào đầu thập kỷ này, bộ phim stop-motion trông giống như cỏ khô cho chủ đề nóng: kiểu hài sợ hãi với thiết kế nhân vật tính khí thất thường có thể trở thành hình ảnh in lên hằng hà sa số vớ, áo khoác có mũ trùm đầu và mũ chỏm rẻ tiền.

Bộ phim bắt đầu trên con đường đó, giới thiệu cho chúng ta về Norman, một cậu bé tuổi teen thích kết bạn với người chết hơn là người sống. Sau đó, bộ phim bất đồ ngoặt theo hướng ngược lại. Norman không bị những đứa trẻ bảnh chọe trả thù, nhưng cậu cũng không giữ tình trạng người ngoài cuộc. Một cách mới mẻ, bộ phim từ chối coi bản sắc là điều cần giải quyết. Thay vào đó, nó gợi ý điều tốt nhất chúng ta có thể làm đơn giản chỉ là nắm bắt bản thân, và tập đồng cảm với người khác.

The Wind Rises (2013)

Hayao Miyazaki ban đầu sản xuất The Wind Rise dưới dạng manga — một phương tiện thử nghiệm hơn, ít rủi ro hơn về mặt tài chính để ông tinh chỉnh dự án tham vọng nhất trong sự nghiệp của mình. Mặc dù cả manga và phim đều thể hiện là tiểu sử của Jiro Horikoshi, nhà thiết kế chiếc máy bay khét tiếng Mitsubishi A6M Zero, mà Nhật Bản đã sử dụng để tấn công Trân Châu Cảng trong Thế chiến II, Miyazaki hết sức tùy nghi và quyết đoán trong câu chuyện nền của Jiro.

Tùy nghi và quyết đoán như thế nào? Nhà làm phim hoạt hình hợp nhất tiểu sử với chuyển thể một tác phẩm hư cấu nổi tiếng: The Wind Has Risen, cuốn tiểu thuyết 80 năm tuổi kể về thời gian bi thảm của một cặp vợ chồng tại một bệnh viện lao phổi ở Nagano thập niên 1930.

Bộ phim còn đi xa hơn, thêm một lớp nữa trên đỉnh manga, sử dụng cuộc đời của nhân vật lịch sử và cuốn tiểu thuyết được yêu thích này để chất vấn sự nghiệp lâu dài và nhiều tầng của Miyazaki. Kết quả hết sức độc đáo: có phần sử thi lịch sử kiểu Hollywood ban đầu, có phần tiểu sử, có phần tự truyện khiêm tốn.

Hay nói cách khác, The Wind Rise có một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất mọi thời đại hỏi, “Tôi có nên sáng tạo không?” Bạn có thể cho rằng câu trả lời là một sự trao quyền, “Có!” Nhưng với Miyazaki, không có gì đơn giản như vậy hay cảm xúc cụ thể như vậy.

Vào thời điểm phát hành, Miyazaki đã tuyên bố The Wind Rise là bộ phim cuối cùng của ông, mang đến cho mỗi buổi chiếu một cảm giác về sự hữu hạn. Người viết sẽ không bao giờ quên đã xem phim này trong khán phòng chật cứng người tại Sunshine Theater ở Manhattan hiện không còn tồn tại. Khi những dòng ‘credit’ tuôn ra, không ai nhúc nhích; họ cứ ngồi đó, khóc trong bóng tối.

Big Hero 6 (2014)

Trong số tất cả các tựa phim Disney được phát hành trong thập kỷ này, Big Hero 6 là sáng tạo nhất. Bộ phim hoạt hình Marvel làm sáng tỏ công thức Disney đã-qua-thử-thách-và-đúng: không hẳn là một phim hài (Zootopia, Wreck-It Ralph và phần tiếp theo) hoặc một phim công chúa (Tangled, Frozen, và Moana). Big Hero 6 lấy một trong những bộ truyện tranh ít được biết đến của Chris Claremont và khởi động một cuộc phiêu lưu hành động sôi nổi. Với dàn diễn viên phong phú và đa dạng, một thành phố tương lai xinh đẹp, và là một trong những rôbô đáng yêu nhất trong lịch sử Disney, Big Hero 6 không phải là phim xem chỉ để vui mà còn khám phá nỗi buồn.

The Tale of Princess Kaguya (2014)

Tiền bạc sẽ luôn giới hạn trí tưởng tượng của thể loại hoạt hình phụ thuộc vào nhân lực. Sự thật phũ phàng đó càng khiến The Tale of Princess Kaguya thậm chí còn hơn cả một thắng lợi. Isao Takahata quyết tâm hiện thực hóa một câu chuyện dân gian vượt thời gian của Nhật Bản với hội họa ấn tượng bằng than chì và mực tàu đã biến bộ phim kỳ ảo này thành bộ phim Nhật Bản tốn kém nhất thời bấy giờ. Nghệ thuật nói lên điều đó: từ bức họa đồng quê trống không của phông nền vẽ tay cho đến bức chân dung sinh động của Kaguya — thường bùng phát thành nét lởm chởm thịnh nộ khi cha mẹ cô đẩy cô đi sai hướng — Takahata tạo ra một sự tinh tế khiến vũ trụ kết thúc càng tan nát hơn. Chưa bao giờ có bất cứ phim nào giống như vậy, và có khả năng, sẽ không bao giờ có lại.

The Lego Movie (2014)

Một phim lẽ ra chỉ là chỉ là một thương hiệu cầu chứng cho không đã trở thành một cuộc phiêu lưu thực sự hài hước và va chạm (được cho là một trong những cốt truyện hay nhất thập niên 2010). Người đàn ông Lego bình thường Emmet thấy mình chạy trốn sau khi Kragle bí ẩn (hay còn gọi là nắp siêu keo) tự dính vào lưng anh. The Lego Movie vui nhộn mà không quá rắc rối, dí dỏm mà không quá người lớn, đắm chìm trong phong cách CG kiểu-stop-motion, chân thành mà không quá ủy mị, và nói chung là một khoảng thời gian giải trí tuyệt vời.

World of Tomorrow (2015)

Bất cứ khi nào lướt Netflix, người viết đều lượt qua khoảng 300 “bộ phim quan trọng” nên xem, nhưng người viết sẽ không xem chúng, bởi vì, nhìn đi, cả ngày đã gian khổ, mệt mỏi và não không thể chịu được cơn co thắt hai giờ những nỗi sợ hãi hiện sinh. Vào một đêm trong ngày làm việc, não người viết chỉ thèm một loạt tiếng động vớ vẩn và những ánh sáng lấp lánh. Thủ thuật World of Tomorrow của Don Hertzfeldt là nó có vẻ sáng lấp lánh, nhưng cuối cùng lại là cái trước. Người tạo ra My Anus Is Bleting đã tiết lộ những bí ẩn của vũ trụ — và anh chỉ mất 17 phút.

Kubo and the Two Strings (2016)

Kubo and the Two String kể câu chuyện một cậu bé ở Nhật Bản thời phong kiến có thể điều khiển origami một cách kỳ diệu bằng cây đàn shamisen của mình. Năng lực stop-motion của Laika đã được thể hiện rõ ràng với các phim trước đó như Coraline 2009 và ParaNorman 2012 (cũng có trong danh sách này), nhưng Kubo đã đẩy khả năng kỹ thuật đó lên mức tối đa, trở thành bộ phim hoạt hình thứ hai được đề cử Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. Một minh chứng cho sức mạnh kể chuyện và ký ức, Kubo dội lại như một nốt nhạc âm vang, một kỷ niệm được trân quý.

Your Name (2017)

Your Name hay như quảng bá và bom tấn phòng vé này sẽ khiến bạn tin tưởng. Hai thiếu niên ở Nhật Bản — một người sống ở một thị trấn nhỏ ở nông thôn, người còn lại ở một đô thị nhộn nhịp — thức dậy trong cơ thể của nhau. Họ chuyển đổi qua lại, từ từ tìm hiểu thêm về nhau và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhưng quái gở y như khái niệm đó, đó không phải là thắt nút duy nhất. Điều tiếp theo là một bộ phim về các kết nối, về các gắn kết chúng ta tạo ra với nhau, các gắn kết có thể có nhưng không bao giờ thành sự thật, và các kết nối mà chúng ta dần bồi đắp.

Coco (2017)

Trong số 11 phim Pixar trong thập kỷ này, chỉ có năm phim không phải là phần tiếp theo. Và trong số những phim nguyên bản đó, Coco nổi bật nhất. Phim Pixar có cách kết thúc có hậu — nhưng không phải không có sự thỏa hiệp nào đó và không bao giờ theo cách mà nhân vật chính có thể muốn. Coco cũng không ngoại lệ, vẽ một bức chân dung tuyệt đẹp của một gia đình bị chia rẽ. Nhạc nền tuyệt vời, hình ảnh dày đặc, và một câu chuyện đầy cốt cách Pixar mà tất cả chúng ta đều biết và yêu thích, Coco cũng xoay xở bước ra ngoài cơ cấu dân số thông thường của khán giả phim hoạt hình Hollywood để đi theo một nền văn hóa khác một lần.

The Breadwinner (2017)

The Breadwinner của Cartoon Saloon làm sáng tỏ sự chuyển hướng kỳ ảo của hoạt hình cho thực tế khắc nghiệt. Ở Afghanistan do Taliban kiểm soát, một cô gái trẻ tên Parvana đóng giả làm con trai sau khi cha cô bị giam cầm để đi kiếm tiền hết sức cần nuôi cả nhà. Hình ảnh nổi bật dệt cả câu chuyện trong tầm tay và câu chuyện Parvana xoay quanh cha và anh trai cô. Đó là một câu chuyện về sự kiên cường, được củng cố bằng các mối quan hệ gia đình và tinh thần đoàn kết. Angelina Jolie đã đưa bộ phim này đến các rạp chiếu phim ở Mỹ là có lý do.

Spider-Man: Into the Spider-Verse (2018)

Danh sách này theo trình tự thời gian mà không theo thứ tự từ dở nhất đến hay nhất, nhưng Into the Spider-Verse đúng là phù hợp với vị trí cuối cùng này — bởi vì đây là bộ phim hoạt hình hay nhất thập kỷ. Spider-Man: Into the Spider-Verse đã định nghĩa lại ý nghĩa của một phim truyện tranh và ý nghĩa của một phim hoạt hình. Thay vì cố gắng phá vỡ những hạn chế về thể loại, Spider-Verse hết lòng đón nhận mọi thứ làm cho hoạt hình trở nên đặc biệt: màu sắc và hoa văn rực rỡ, các phong cách khác nhau được sử dụng cho các nhân vật khác nhau, và bảng màu và bản in kiểu truyện tranh. Bộ phim, từ các đạo diễn Peter Ramsey, Rodney Rothman và Bob Persichetti, nhắc nhở chúng ta rằng có một số câu chuyện được kể hay nhất bằng hoạt hình. Câu chuyện nguồn gốc một siêu anh hùng kéo các nhân vật từ các vũ trụ khác nhau nằm trong số đó.

Không chỉ trực quan tuyệt đẹp, Spider-Verse còn thấm đẫm nhiệt huyết vào câu chuyện của nó, phóng Miles Morales vào dòng chủ lưu. Ngay lập tức, bộ phim khiến chúng ta yêu mến cậu ta trong tư cách một nhân vật và chúng ta chứng kiến cậu ta trưởng thành, thất bại, thay đổi và vươn lên trong suốt quá trình của bộ phim. Đây là một câu chuyện xuất thân mà chúng ta đã xem trước đây (nghiêm túc, 20 năm qua chúng ta đã trải qua bao nhiêu Người Nhện?) nhưng với một anh hùng mới, diện mạo mới, và thông điệp tuyệt vời.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Polygon