Nhân vật & Sự kiện

Trung Quốc trở thành nam châm thu hút các nhà làm phim quốc tế

06/12/2011

Trong một thời gian dài, bất chấp thị trường nhiều hứa hẹn, Trung Quốc chưa bao giờ xuất hiện ở vị trí cao trong kế hoạch của các nhà làm phim quốc tế, vì đường đến với thị trường này vẫn còn quá nhiều rào cản về mặt thủ tục, và những vấn đề buôn bán đĩa lậu và khán giả chưa chín muồi.

Mọi thứ thay đổi rất nhiều từ năm 2011, và giờ đây thị trường Trung Quốc là miền đất của những giấc mơ cho các nhà làm phim.

Trung Quốc không những đã trở thành nơi thu hút sự chú ý của cả những nhà làm phim và các nhà phân phối phim, mà cũng mang về doanh thu phòng vé đáng kinh ngạc cho các hãng phim quốc tế.

Những nhà chuyên môn trong ngành cho biết Trung Quốc có thể vượt qua Nhật Bản và Ấn Độ về mặt doanh thu phòng vé vào năm sau để trở thành nước có doanh thu phòng vé cao thứ hai thế giới và sẽ là mối đe dọa lớn cho thị trường đứng đầu là nước Mỹ vào cuối thập kỷ này. Mức tăng trưởng 64% và doanh thu phòng vé ở mức 1,5 tỉ USD trong năm nay của Trung Quốc cũng khiến lời dự đoán này trở nên có cơ sở hơn. Từ giờ đến cuối năm, có lời dự đoán cho thấy tổng doanh thu phòng vé của Trung Quốc có thể lên tới 2 tỉ USD.

Trong vòng năm năm qua, doanh thu phòng vé đã tăng gần 400% lên tới 10 tỉ NDT (1,97 tỉ USD) vào năm 2010.

Hiện nay Trung Quốc có khoảng 6.000 phòng chiếu phim và trong vòng 20 năm tới, sẽ có thêm 20.000 phòng chiếu nữa được xây dựng. Với tiềm năng lớn như thế, sẽ có nhiều nhà làm phim muốn tham gia vào thị trường phì nhiêu này.

Yu Dong, chủ tịch Polybona, một trong những hãng phân phối phim lớn nhất Trung Quốc, cho rằng doanh thu phòng vé có thể tăng ở mức 15 tỉ NDT nữa, vì vẫn còn nhiều khu vực trong đất nước chưa có rạp chiếu phim.

Khi đạo diễn người Ý, Bernardo Bertolucci làm bộ phim đoạt giải Oscar The Last Emperor của ông về vị hoàng đế Thanh triều cuối cùng, Phổ Nghi, vào năm 1987, ông là một trong những đạo diễn đầu tiền hợp tác với Trung Quốc để làm phim.

Tuy thế, sự đóng góp của Trung Quốc vẫn chỉ dừng lại ở những diễn viên Trung Quốc còn những hoạt đồng kỹ thuật đằng sau máy quay vẫn là công việc của những kỹ thuật viên và chuyên viên người nước ngoài.

Bộ phim mang lại nhiều giải thưởng cho Bertolucci, và đối với Trung Quốc, đây cũng là sự thử nghiệm đầu tiên với phong cách làm phim phương Tây. Nhưng khi The Last Emperor được chiếu ở Trung Quốc vào năm 1988 nó lại không mang về doanh thu phòng vé cao.

Dù Bertolucci là người tiên phong, đến nay, ngành điện ảnh Trung Quốc đã trở thành điểm đến của những tác phẩm hợp tác đa quốc gia.

Wendi Deng Murdoch, vợ của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, người sở hữu hãng phim 20th Century Fox, đã hợp tác với một số nhà đầu tư Trung Quốc để dựng bộ phim Snow Flower and the Secret Fan.

Từ năm 2009, số phim hợp tác với các quốc gia khác của Trung Quốc đã lên tới con số trung bình 60 phim một năm, với một sự tăng trưởng mỗi năm ở mức 10%. Vào năm 2011, sự tăng trưởng được dự tính sẽ vượt quá 30%.

Những phim hợp tác như The Karate Kid đã mang về doanh thu lớn cho những nhà đầu tư. Bộ phim do Columbia Pictures và China Film Group Corporation đồng sản xuất, với ngân sách 40 triệu USD và tới nay đã có doanh thu toàn cầu là 359 triệu USD.

“Công việc làm phim ở Hollywood đang ngày càng trở nên khó khăn hơn và nhiều hãng phim Mỹ đang lo lắng về nhữgn thất bại,” Dany Wolf, nhà sản xuất chính của The Karate Kid, cho biết. “Chi phí làm phim ở Hollywood đắt hơn ở Trung Quốc rất nhiều và nhiều khi chi phí tuyên truyền còn cao hơn chi phí làm phim. Trung Quốc có nền lịch sử và văn hóa lâu đời và phong phú, gồm nhiều câu chuyện có thể được làm thành những bộ phim tuyệt vời. Tôi đang đọc nhiều truyện và sách để lấy ý tưởng.”

Áp phích phim The Last Emperor Snow Flower and the Secret Fan

Được thúc đẩy bởi thành công của The Karate Kid, Wolf cho biết ông đang lên kế hoạch làm một bộ phim hợp tác khác với Trung Quốc, và bộ phim có thể thu hút cả những khán giả Trung Quốc lẫn Mỹ.

“Tương lai của điện ảnh Trung Quốc rất xán lạn và những phim hợp tác đang là cách đưa ánh sáng đó rọi vào mọi góc cạnh của thế giới,” ông cho biết.

Những yếu tố Trung Hoa không phải là điều duy nhất thu hút những đạo diễn nước ngoài đến Trung Quốc, một nhà làm phim có trụ sở ở Hồng Kông nói. Cô cho rằng nguồn động lực lớn nhất là cơ hội có lợi nhuận cao hơn.

Theo những quy định của Cục quản lý Truyền thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc, những bộ phim của Hollywood chỉ có thể nhận 17% từ tổng lợi nhuận phòng vé ở Trung Quốc trong khi các phim hợp tác thì lại được chia đến 30% tới 40%.

“Ai cũng muốn tham gia,” Bill Kong, một nhà làm phim Hồng Kông, cho biết. Ông là nhà sản xuất của bộ phim rất thành công năm 2000, Ngọa hổ tàng long, của đạo diễn Lý An.

“Mười năm trước nếu doanh thu của bạn ở Trung Quốc là 3 triệu USD, bạn đã sung sướng lắm rồi. Giờ con số này phải lên tới một, hai trăm triệu,” Kong cho biết.

Những tác phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ như The Forbidden KingdomThe Mummy: Tomb Of The Dragon Emperor, ra mắt vào 2008, có doanh thu toàn cầu là 120 triệu USD và 400 triệu USD. Đây là những phim nổi bật về những câu chuyện Trung Hoa nhưng có đạo diễn người Mỹ.

Vấn đề tiêu chuẩn


Không ai nghi ngờ tiềm năng của thị trường Trung Quốc, nhưng một rào cản lớn cho nhiều nhà làm phim là hệ thống tiêu chuẩn ở đây – tức là trong một năm, nước này chỉ được phép công chiếu 20 bộ phim nước ngoài. Đây cũng là lý do tại sao nhiều nhà làm phim quốc tế thích các dự án hợp tác.

Áp phích phim Ngọa hổ tàng long The Mummy: Tomb Of The Dragon Emperor

Dưới hệ thống số tiêu chuẩn này, những nhà phim phim nướcn goài phải chia sẻ doanh thu phòng vé với những nhà phần phối phim Trung Quốc như China Film Group Corp, và cả với các rạp chiếu. Sau khi chi trả những khoản thuế và phí, những nhà làm phim nước ngoài cũng chỉ thu về được khoảng 13% đến 17% doanh thu ở nước này.

Còn khoảng 20 đến 30 phim nữa được các nhà phân phối phim Trung Quốc mua tại những liên hoan phim quốc tế nhưng những công ty này sẽ có quyền công chiếu độc quyền ở Trung Quốc.

So với số 4.000 phim được sản xuất toàn cầu mỗi năm, số 40 đến 50 phim được chiếu ở Trung Quốc là một con số quá nhỏ, và có nghĩa là 99% phim nước ngoài không có cơ hội có mặt ở Trung Quốc.

Mười năm trước, khi ký thỏa thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới, chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ nới lỏng con số này vào năm 2011.

“Dù trên mặt lý thuyết năm 2011 không có số tiêu chuẩn gì cả, những nhà làm phim nước ngoài vẫn phải vượt qua những khâu kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc,” Yin Hong, phó chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Thanh Hoa, và một nhà nghiên cứu điện ảnh, cho biết.

“Đồng hợp tác là một cách tốt để vượt qua hệ thống chỉ tiêu và cả kiểm duyệt ở Trung Quốc,” ông cho biết.

Yin cũng cho rằng sự hợp tác là một chiến lược tốt cho các nhà làm phim nước ngoài khi chính sách Trung Quốc thường khó đoán và dễ thay đổi hơn ở Mỹ rất nhiều. “Bằng cách hợp tác với các nhà làm phim Trung Quốc, các công ty nước ngoài có thể tránh được những vấn đề quy chuẩn.”.

Cựu nhà báo Richard Trombly là một trong số những nhà làm phim nước ngoài độc lập cộng tác với Trung Quốc

Deng Meng, trưởng ban hợp tác và hợp đồng của China Film Group Corporation, cho biết những hãng phim nước ngoài thường không nhận ra sự lớn mạnh của thị trường Trung Quốc đến khi có những phim như Avatar2012.

“Những nhà phân phối không nghĩ rằng Trung Quốc có thể vượt qua Đức, Pháp, Nhật và trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất. Vì thế đoàn làm phim Transformers: Dark of the Moon mới phải tức tốc đến Trung Quốc để tuyên truyền.”

Sau Bertolucci, những phim hợp tác cũng đi vào thời gian ngủ đông đến tập cuối thập kỷ 1990, khi phim truyền hình Shaolin Temple được quay ở tỉnh Hà Nam với đối tác Hồng Kông. Tuy vậy, các chính sách vẫn còn rất chặt và bên Hồng Kông đã phải nhiều lần thay đổi cốt truyện và nhân vật.

Các tác phẩm hợp tác bắt đầu nổi dậy vào năm 2004, khi chính phủ cũng thả lỏng những chính sách, yêu cầu phải có một số cảnh quay ở Trung Quốc, và dàn diễn viên phải có một phần ba là người Trung Quốc.

Kết nối với châu Âu

Ngoài các đối tác Mỹ, Trung Quốc còn hợp tác với Anh, Ý, New Zealand và Australia. Nhiều sự hựp tác này vẫn là với các nhà làm phim đại lục và Hồng Kông, với những đối tác nước ngoài đóng góp 10% đến 20% công sức hoặc nguồn vốn. Nhưng con số này cũng đang tăng dần.

“Xu hướng thế giới là hợp tác sản xuất vì phim ảnh thường là các tác phẩm quốc tế,” Yin cho biết. “Giờ đây nhiều phim Hollywood cũng là hợp tác để tận dụng nguồn phân phối và rạp chiếu.”

Với lượng tác phẩm hợp tác tăng cao, nhiều hãng phim nước ngoài không chỉ chấp nhận những sự hợp tác một lần mà tạo những hợp đồng liên doanh để làm phim ở Trung Quốc.

Hãng Relativity Media LLC của Mỹ ký hợp đồng với SkyLand, một công ty Trung Quốc, để chiếu một số phim của hãng ở Trung Quốc, như Immortals và phim Bạch Tuyết với Julia Roberts trong vai hoàng hậu.

Áp phích phim The Karate Kid

Tiềm năng khổng lồ

Không chỉ những hãng phim lớn đang bước vào thị trường Trung Quốc. Nhiều nhà làm phim độc lập cũng muốn có phần.

Richard Trombly là một nhà báo bỏ nghề theo nghiệp điện ảnh. Bắt đầu với vai trò biên kịch, anh đã bắt đầu sự nghiệp phim ảnh với một phim hợp tác với Trung Quốc mang tên Waiting (2008). Bộ phim kể về những đứa con bị bỏ rơi của những người nông thôn lên thành phố làm việc ở Trung Quốc, và được chiếu ở nhiều liên hoan phim.

“Hàng nghìn nhà làm phim độc lập nước ngoài đang hợp tác làm phim ở Trung Quốc,” Trombly cho biết. “Thị trường đại chúng ở đây không chắc sẽ chấp nhận những phim này và những nhà làm phim thì không có đủ ngân sách để tuyên truyền. Phần lớn thời gian những phim này được chiếu ở thị trường nước ngoài và nếu trở nên thành công ở đó thì mới được mang về Trung Quốc.”

Trombly cũng không chắc sự hợp tác này có mang thêm thị trường tới cho những nhà làm phim độc lập này không. “Có quá nhiều giới hạn về chủ đề phim, hay những cảnh bạn không được chiếu,” ông nói.

Với những phim này, con đường chắc chắn nhất là chiếu ở các liên hoan phim.

Việc đáp ứng được thị hiếu khán giả ở cả hai châu lục cũng là vấn đề khó khăn.

Một ví dụ là The Karate Kid, chỉ có doanh thu 7 triệu USD ở Trung Quốc, chỉ bằng 1/20 doanh thu ở Mỹ. “Bạn không thể nói vì bộ phim thành công ở Mỹ mà nó cũng sẽ thành công ở Trung Quốc,” Wolf cho biết. “Khán giả Trung Quốc tinh tế hơn và không chấp nhận được cảnh một cậu bé nước ngoài bị trẻ em Trung Quốc bắt nạt. Ý tưởng bị bắt nạt là ý tưởng hay trong phim gốc nhưng khi chuyển nó sang bối cảnh Trung Quốc thì không còn thích hợp nữa.”

Wendi Deng Murdoch cũng thừa nhận rất khó thu hút khán giả từ nhiều tầng lớp xã hội. Snow Flower and Secret Fan chỉ thu về 1,35 triệu USD ở Mỹ.

Nhiều người cho rằng phim hợp tác phải có sự kết nối nhiều hơn là chỉ có nhân vật hoặc cảnh quay Trung Hoa.

“Chúng tôi nhiều khi xem những kịch bản hoàn toàn ‘Tây’. Họ chỉ đổi nhân vật nước ngoài kia thành người Trung Quốc mà không có chút hiểu biết gì về xã hội và văn hóa Trung Quốc. Phim như thế sẽ không được khán giả ở đây đón nhận,” một nhà làm phim Trung Quốc cho biết.

Deng Murdoch cũng đồng ý. “Thị trường Trung Quốc có những thần thái riêng. Không có hệ thống xếp loại phim nào để tránh trẻ em xem phim bạo lực hay có tình tiết người lớn. Vì thế nếu các đối tác nước ngoài muốn làm phim ở đây thì phải thích nghi với thị trường trước đã.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AsiaOne


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi