Tin phòng vé

Phòng vé Bắc Mỹ 31/3-2/4: 4 lý do Ghost in the Shell trục trặc chức năng

03/04/2017

Ghost in the Shell đang trên đường trở thành một trong những bom xịt phòng vé lớn nhất năm 2017 đến nay.

Trên một kinh phí được đưa tin là 110 triệu đôla, bản chuyển thể chuỗi phim hoạt hình/manga được giới phê bình khen ngợi này làm ra được 19 triệu đôla ở Bắc Mỹ trong tuần đầu ra rạp. Con số đó thậm chí không đạt được mức thấp trong các dự đoán của những chuyên gia theo dõi phòng vé độc lập, những người đã cho rằng phim sẽ làm được khoảng 25 triệu trong những ngày đầu tiên ra rạp.

Ngân sách đó còn chưa tính chi phí chiến dịch marketing, thể hiện bằng các panô ngoài trời và áp phích quảng cáo gương mặt nữ chính, Scarlett Johansson. Hy vọng ở đây là danh tiếng một trong những ngôi sao hành động nữ hàng đầu Hollywood của cô — được xây dựng chủ yếu nhờ vai diễn Black Widow chạy nhảy đấm đá trong các phim Marvel — sẽ trở thành sức hấp dẫn chính.

Nhưng hóa ra không được như vậy. Thế thì, chuyện gì đã xảy ra với Ghost in the Shell? Sau đây là những nguyên nhân khiến phim rớt đài.

1. Tẩy trắng

Đúng, vấn đề tẩy trắng quả có vai trò trong cái chết tức tưởi của bộ phim, khi trở thành điểm bàn luận chính về bộ phim trước phát hành. Cơn bão ‘ném đá’ đã bắt đầu cách đây một năm, lúc những hình ảnh đầu tiên cho thấy ScarJo trong vai Thiếu tá Motoko Kusanagi vấp phải sự hằn học và đùa cợt về việc một nữ diễn viên da trắng đóng nhân vật người Nhật Bản.

Từ đó chuyện càng lúc càng xấu đi, với ‘fan anime’ cướp lấy chiến dịch marketing lan truyền của Paramount để đùa cợt về Johansson và những nữ diễn viên da trắng khác từng đảm nhận vai người Á, như Tilda Swinton trong Doctor Strange và Emma Stone trong Aloha. Trong nhiều cuộc phỏng vấn mà Johansson thực hiện để quảng bá cho bộ phim, cô đã phản biện cho vai diễn của mình bằng cách nói rằng cơ thể của nhân vật Thiếu tá chỉ là một lớp vỏ bọc người máy chứa đựng ý thức con người của cô, và rằng về bản chất cô là “không có nhân dạng.”

Nhưng sự phản biện đó không được Mạng lưới hành động vì người Mỹ gốc Á nhất trí, họ đã lưu ý rằng cốt truyện của bản làm lại đã xác lập Thiếu tá là người Nhật gốc, chứng tỏ nữ diễn viên này thực sự đã nhận vai một người thuộc nhóm chủng tộc khác.

Tuy nhiên, trong khi những phàn nàn về tẩy trắng có thể làm hại sự quảng bá của bộ phim này, chúng ta vẫn thấy một số phim gần đây — chẳng hạn Doctor Strange — vượt qua được cuộc tranh cãi đi đến thu hoạch phòng vé thành công nếu phần còn lại của bộ phim đủ mạnh để lấy được sự khen ngợi của khán giả và giới phê bình. Thay vì vậy, Ghost in the Shell để cho cả hai chuyện đều mất phương hướng.

2. Giải thích câu chuyện kém

Trong khi Ghost lăngxê mạnh cho Johansson bằng những hình ảnh gương mặt quyết tâm của cô và các clip cô đánh nhau và nhảy ra khỏi tòa nhà cao tầng trong bộ đồ hóa trang tạo hiệu ứng khỏa thân, phim lại làm quá dở việc giải thích câu chuyện của nó với khán giả trào lưu, những người không quen thuộc thế giới thiên về khái niệm giả tưởng người máy làm bá chủ của Thiếu tá.

Phim hoạt hình năm 1995 của Mamoru Oshii kể câu chuyện về Thiếu tá và đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của cô, Section 9, khi họ tìm kiếm một virus có tri giác gọi là Puppet Master đã tìm được đường đột nhập và chiếm lấy não người, tức “những con ma” đã được tải vào các vỏ bọc người máy. Cốt truyện bản phim này dựa vào thế giới được sắp xếp chi tiết cực độ nơi con người có thể gia cố cơ thể và trí tuệ của mình bằng công nghệ, nhưng thường là phải trả giá.

Trailer của bản làm lại chẳng chuyển tải gì về cốt truyện hay chi tiết của một thế giới thâm dụng CGI mà nó diễn ra, chỉ càng tạo nên những ám chỉ mơ hồ cho ý tưởng nhân vật Thiếu tá của ScarJo được biến thành người máy để cứu mạng cô với cái giá là nhân dạng quá khứ của cô. Chính xác cô đánh nhau với ai trong những cảnh hành động nặng hiệu ứng thì không được làm rõ, khiến cho khán giả bình thường trông đợi một câu chuyện hấp dẫn thuyết phục sẽ bỏ qua.

3. Thất bại trong chuyển dịch chủ đề

Như đã thấy, giới phê bình thường sử dụng những từ “khó hiểu” và “rỗng tuếch” để miêu tả cốt truyện bộ phim này, một cốt truyện thay đổi mạnh so với bản của Oshii. Nỗ lực của đạo diễn Rupert Sanders cùng các biên kịch Jamie Moss, William Wheeler và Ehren Kruger trong việc chuyển những chủ đề phức tạp thành một thứ gì đó dễ chấp nhận với khán giả Mỹ đói phim bom tấn dường như đã thất bại với đa số nhà phê bình và người xem.

Đây là vấn nạn mà nhiều bản chuyển thể anime khác như Astro Boy, Dragonball EvolutionSpeed Racer đã gặp, tuy phim kể tên cuối đã được ‘fan’ phim độc ủng hộ từ khi ra mắt năm 2008.

“Những khó khăn tương tự mà chúng tôi thấy ở các phim dựa theo trò chơi video như Assassins Creed,” Paul Dergarabedian của comScore nói. “Đây chính là thể loại rất khó giải mã đối với các nhà làm phim và để làm thành một bộ phim có thể thành công với khán giả đại trà.”

4. Nguyên lý Seinfeld

Đôi khi một nội dung nào đó gần như là quá nhiều người tiên phong làm khiến nó không còn hay nữa, tạo ra những khái niệm và đề tài rốt cuộc trở nên nhan nhản nhờ những phim điện ảnh và truyền hình lấy cảm hứng từ tác phẩm đột phá đó. Cuối cùng, các chủ đề trở nên phổ biến đếnnỗi hiện thân của chúng trong tác phẩm gốc khi nhìn lại có cảm giác khuôn sáo. Seinfeld thường được dẫn làm ví dụ hoàn hảo về hiện tượng này, làm gương cho nhiều sitcom noi theo đến mức đánh mất cảm giác độc đáo của mình.

Ghost in the Shell đã trở thành nạn nhân của xu hướng tương tự. Phim của Oshii được chị em nhà Wachowski viện dẫn là một trong những cảm hứng chính đằng sau bộ ba phim Matrix, và bộ ba phim này đến lượt mình lại giúp phát triển nhiều phim điện ảnh và truyền hình giả tưởng khác đào sâu tình trạng nhân loại qua trí tuệ nhân tạo như Battlestar Galactica, Ex Machina và, gần đây nhất, Westworld.

Với chừng ấy tựa phim còn trong tâm trí khán giả thể loại giả tưởng, mỉa mai thay Ghost in the Shell bản mới bị chỉ trích vì đi theo những đề tài cũ mòn từng được coi là đột phá khi Oshii sử dụng cách đây 22 năm, khiến những khán giả nào tìm kiếm cái gì mới mất hứng.

“Không có gì sai trong việc giới thiệu Ghost in the Shell đi vào lãnh địa hậu-Matrix, hậu-Westworld,” Ben Croll nói trong bài bình luận viết cho TheWrap. “Chỉ đáng thất vọng là phim chẳng dọn được món gì mới lên bàn.”


Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TheWrap