G.I. Joe: Retaliation / G.I. Joe: Báo thù làm mưa làm gió ở phòng vé Trung Quốc với 33 triệu đôla ở kỳ cuối tuần vừa rồi, hãng Paramount đưa tin.
Với doanh thu 111 triệu đôla đã có ở Bắc Mỹ, Retaliation giờ đây đạt 322
triệu đôla toàn cầu, qua mặt con số 302 triệu mà phần đầu, G.I. Joe: Rise of the Cobra / Biệt đội Mãng xà, đã làm được hồi năm 2009.
Cảnh trong G.I. Joe: Retaliation
Oblivion / Bí mật trái đất diệt vong có Tom Cruise đóng chính
lui xuống nhì bảng xếp hạng phòng vé quốc tế kỳ cuối tuần vừa rồi, với
33,7 triệu từ 61 thị trường. Sau hai tuần ra rạp, phim đã thu 112 triệu
đôla ở các thị trường nước ngoài, và tính toàn cầu đạt 151,1 triệu.
Những thị trường hàng đầu phim đều trụ tốt: 3,5 triệu ở Nga và 3,1 triệu
ở Hàn Quốc.
Câu chuyện thời tiền sử của Nhà Crood của
DreamWorks Animation tiếp tục tận thu ở thị trường ngoài Bắc Mỹ, lấy
thêm 23 triệu USD vào tổng số 274,5 triệu đôla. Tính trên toàn cầu Nhà Crood đã hái lượm được 429 triệu sau năm tuần được Fox tung ra rạp. Khoản thu lớn nhất của phim này là ở Trung Quốc, được 6 triệu USD.
|
Chiến lược kinh doanh toàn cầu của Hollywood, trong đó nhắm tới doanh
thu vé khổng lồ ở Trung Quốc cho những câu chuyện kỳ ảo kinh phí lớn
định dạng 3D và màn ảnh cực rộng Imax, đang trật đường rầy.
Năm ngoái, nhờ vào đàm phán cấp cao mở rộng số lượng phim nước ngoài phát hành ở Trung Quốc, các bom tấn của Mỹ như
Mission: Impossible — Ghost Protocol đã dẫn đầu phòng vé ở thị trường này 23 tuần liền, và nhận được phần chia doanh thu bất cân đối từ Trung Quốc.
Nhiều
phim lớn đang sắp sửa ra mắt, và cánh cửa xả lũ vào thị trường điện ảnh
lớn thứ nhì thế giới này xem ra đã sẵn sàng bật mở.
Nhưng có chuyện không ngờ xảy ra trên con đường hốt bạc: nhu cầu giảm mạnh.
Trong quý 1 năm nay, doanh thu vé cho các phim Mỹ ở Trung Quốc — kể cả những phim đình đám như
The Hobbit: An Unexpected Journey và
Skyfall
— giảm 65%, còn khoảng 200 triệu đôla, trong khi doanh thu vé phim Hoa
ngữ tăng 128%, lên hơn 500 triệu đôla, theo Chinafilmbiz.com.
Kỳ cuối tuần vừa rồi chuyển đến Hollywood một tín hiệu:
G.I. Joe: Retaliation
do Paramount Pictures phát hành, thu được một con số đáng nể là 33
triệu đôla ở phòng vé Trung Quốc, ứng với khoảng 75% doanh thu vé của
phim này ở Bắc Mỹ khi công chiếu vào 28/3.
Nhưng nếu sở thích của
người xem phim ở Trung Quốc tiếp tục chuyển sang phim trong nước, Trung
Quốc sẽ duy trì kiểm soát thị trường phim ảnh của họ ngay khi Hollywood
đã sẵng sàng vồ lấy.
Khó khăn ở phòng vé Trung Quốc: các bom tấn Hollywood, từng làm ăn tốt
ở các rạp Trung Quốc năm ngoái, đã có thời gian khó khăn ở đây trong quý 1
năm nay. Iron Man 3,được quay một phần ở Trung Quốc, là phép thử kế tiếp
Vài ngày tới đây, khi
Iron Man 3, một siêu phẩm hành động hạng
nặng từ Marvel Entertainment của Disney, ra mắt, phim này sẽ phải cạnh
tranh dữ dội với một phim tình cảm nhỏ, do Trung Quốc làm có tựa là
So Young, nói về một phụ nữ Trung Quốc liên lạc lại với những người yêu cô hồi đại học. Khó mà nói chắc rằng phim nào dưới cơ.
Thực tế, một chuỗi các phim Trung Quốc, trong đó có phim hài
Lost in Thailand (bà con với
The Hangover Part II) và
Finding Mr. Right (sự đáp lễ của Trung Quốc đối với
Sleepless in Seattle), bất ngờ đánh bại hoàn toàn những bộ phim Mỹ tốn kém như
Oz the Great and Powerful,
The Hobbit và
Jack the Giant Slayer trên màn ảnh rộng Trung Quốc.
Sự
thay đổi bất ngờ chuyển sang ưa chuộng phim trong nước này có thể có
dính líu đến thao túng thị trường. Khi phim Mỹ có được sức hút ở Trung
Quốc hồi năm ngoái, báo động các quan chức áp đặt hai tháng loại bỏ hoàn
toàn phim nước ngoài ra khỏi các rạp chiếu trong mùa phim hè một cách
bất thường.
Họ cũng buộc
The Dark Knight Rises và
The Amazing Spider-Man
trực tiếp đối đầu nhau, và hứa thưởng cho các chủ rạp một khoản thưởng
hàng năm nếu doanh thu từ phim nội địa bằng với doanh thu từ phim nước
ngoài trong năm đó.
Thế nhưng, các nhà điều hành và nhà quan sát
Trung Quốc ngờ rằng còn một chuyện có khả năng đe dọa Hollywood hơn nữa:
sự tiến hóa nhanh chóng trong khẩu vị của khán giả Trung Quốc, mau mắn
rời bỏ những phim hoành tráng mà các công ty Mỹ đã nghĩ là họ thèm
thuồng.
“Tôi biết thứ gì người ta có vẻ không muốn,” Rob Cain,
người điều hành Chinafilmbiz.com và tư vấn cho các nhà sản xuất làm ăn ở
Trung Quốc, nói. “Người ta không muốn xem những thứ cũ kỹ tương tự, hết
lần này đến lần khác, những bom tấn hành động đầy cháy nổ.”
Một cảnh trong Lost in Thailand, phim Trung Quốc đã thu về hơn 200 triệu USD tiền vé ở đây
Sự thay đổi rõ rệt này đang giúp cho những phim Trung Quốc như
Lost in Thailand, năm ngoái đã khiến người ta mở mắt bằng việc lấy được hơn 200 triệu tiền vé ở Trung Quốc. Phim này đã qua mặt
Avatar trở thành phim bán chạy nhất về mặt số lượt xem (dù không phải là về doanh thu, vì
Avatar có giá vé 3D đắt đỏ). Phim này đã dẫn đầu một chuỗi thành công vang dội của các phim Hoa ngữ bỏ xa những phim Hollywood như
Stolen,
Jack Reacher, và ngay cả
A Good Day to Die Hard, từng đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé Trung Quốc một thời gian ngắn ngủi.
Richard
L. Gelfond, giám đốc điều hành của Imax Corporation, các rạp của hãng
này ở Trung Quốc trình chiếu cả phim Mỹ lẫn phim Trung Quốc, nói rằng
ông tin tưởng trong dài hạn, “Trung Quốc đang mở cửa với Hollywood.”
Nhưng
gần đây, Gelfond thừa nhận, sự thay đổi hướng sang phim nội địa là
“kịch tính”. Đầu năm 2012, ông nói, các hãng phim Mỹ đã làm ăn tốt ở
Trung Quốc phần nào vì phim Trung Quốc có trên thị trường thiếu sức hấp
dẫn khán giả. Sau đó, ông đã lưu ý, các quan chức Trung Quốc hoãn ngày
ra mắt
Skyfall và
The Hobbit đến khi hai phim này đã chiếu ở những nơi khác, cho phép video sao chép lậu có thời gian làm giảm bớt lượng khán giả tiềm năng.
Gelfond
nói ông kỳ vọng phim Mỹ bật lên lại ở Trung Quốc trong những tháng tới,
vì một số đã phát hành cùng lúc hoặc gần với thời gian phát hành của
chúng ở những nơi khác trên thế giới.
Nhưng nhiều người khác nói
rằng điều đó chỉ xảy ra nếu các hãng phim Mỹ chịu thừa nhận sự tinh tế của
khán giả Trung Quốc, phần lớn có trình độ đại học, và không dễ bị đánh
lừa bởi những phim kỳ ảo và hành động ngoại nhập tầm thường.
“Thay
đổi này là việc khán giả Trung Quốc muốn nhiều hơn từ các phim
Hollywood — không chỉ hoành tráng, mà câu chuyện phải lôi cuốn họ,”
Michael Andreen, một tư vấn cho hãng truyền thông Le Vision Pictures của
Trung Quốc, hãng này sẽ làm và mua phim để phát hành ở cả Trung Quốc
lẫn khắp thế giới.
Biểu diễn trong bộ đồ Người Sắt tại Thái Miếu ở Bắc Kinh
Lường đúng thị trường Trung Quốc là sống còn cho những hãng phim lớn của
Mỹ, vốn chắc mẩm về một sự tăng trưởng nhanh chóng doanh thu ở đây. Năm
ngoái, phòng vé Trung Quốc đạt khoảng 2,7 tỉ USD. Doanh thu vé ở thị
trường này được dự kiến sẽ qua mặt doanh thu vé ở Mỹ vào khoảng năm
2018.
Lúc này, niềm hy vọng còn lại lớn nhất của Hollywood là
Iron Man 3.
Được quay một phần ở Trung Quốc,
Iron Man 3
đã được quảng bá mạnh ở đây từ năm ngoái, trong đó có một sự kiện đầy
sao tại Thái Miếu ở Bắc Kinh tháng này. Phim cũng có thêm những cảnh
được đo ni đóng giày cho khán giả Trung Quốc, với sự ủng hộ kinh phí từ
DMG Entertainment của Trung Quốc.
Hai phần
Iron Man đầu đã làm ăn tốt ở Trung Quốc, và
The Avengers, có nhân vật Người Sắt, thu khoảng 90 triệu USD tại phòng vé Trung Quốc năm ngoái.
Nhưng Marvel và những người ủng hộ phải nơm nớp lo sợ việc so kè với
So Young.
Phần vì, họ sẽ phải chắc rằng các nhà rạp không chuyển một số doanh thu
từ phim Mỹ sang các phim khác để bảo vệ khoản thưởng gắn với sự thành
công của phim nội địa.
Liệu hai phim này có đụng độ nhau vào ngày
26/4 không, như tin tức đăng cùng khắp, vẫn còn chưa rõ. Sau phiên bản Hoa
ngữ được hoàn thành vào giờ chót,
Iron Man 3 vẫn còn chờ ngày phát hành chính thức ở đây.
So Young, một phim nhỏ do Trung Quốc làm,
không chắc phải chịu dưới cơ so với bom tấn Hollywood
Trong khi đó,
So Young có sẵn lợi thế. Đây là phim đạo diễn đầu tay của một nữ diễn viên nổi tiếng, Triệu Vy, từng được biết đến với diễn xuất trong
Đại chiến Xích Bích và
Đội bóng Thiếu Lâm. Và phim này dựa trên một cuốn tiểu thuyết rất được ưa chuộng, có tựa đề có thể dịch là
Gửi tuổi thanh xuân đã xa của chúng ta.
Tuy
nhiên, khó nói liệu những lợi thế này có đủ mạnh để trên cơ siêu phẩm
của Marvel không, do không có số liệu tiền phát hành ở Trung Quốc.
Bất
luận phim nào thắng cuộc đấu tay đôi này, Cain của Chinafilmbiz.com
nói, Hollywood sẽ phải chấp nhận rằng khán giả Trung Quốc có lẽ khó đoán
hơn khán giả ở quê nhà.
Suy cho cùng, sự ưa chuộng của khán giả Trung Quốc gần đây đã dành cho phim sử thi bẻ cong thời gian
Cloud Atlas, không mấy thành công ở Mỹ, và câu chuyện ngụ ngôn
Life of Pi, một phim mà chủ đề tôn giáo của nó là xa lạ với Trung Quốc.
“Họ muốn xem những phim nào thách thức họ,” Cain nói.
Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TheWrap, The New York Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi