Tin phòng vé

Phòng vé Trung Quốc dịp lễ Quốc khánh 70 năm: Ai thắng - ai thua

07/10/2019

Doanh thu phòng vé rạp chiếu phim Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2019 cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018, nổi bật bởi một loạt các phim mới phát hành chủ yếu là phim yêu nước trùng với kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo ứng dụng bán vé lớn nhất của Trung Quốc, Maoyan, vào cuối ngày 1 tháng 10 và hai ngày sau đó hầu hết các suất chiếu đã được bán hết, doanh thu phòng vé ngày lễ Quốc khánh Trung Quốc năm nay là 1,6 tỉ nhân dân tệ (hơn 224 triệu USD), gấp đôi 600 triệu nhân dân tệ của năm ngoái.

Sức hút phòng vé lớn nhất là My People, My Country, hợp tuyển phim bao gồm bảy chương, mỗi chương của một đạo diễn khác nhau và được dẫn dắt bởi người chiến thắng Cành Cọ Vàng của Cannes Trần Khải Ca. Đến cuối ngày 1 tháng 10, bộ phim đã thu được 700 triệu nhân dân tệ.

My People, My Country kể lại các sự kiện quan trọng kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, bao gồm cả việc chuyển giao Hồng Kông năm 1997 từ Anh về lại Trung Quốc và tổ chức Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh năm 2008.

Đứng thứ hai là Cơ trưởng Trung Quốc / The Captain, do nhà làm phim Hồng Kông Lưu Vỹ Cường đạo diễn. Phim gặt hái 500 triệu nhân dân tệ doanh thu vé. Dựa trên một sự kiện có thật, bộ phim miêu tả hành động anh hùng của một cơ trưởng Hãng hàng không Tứ Xuyên vào tháng 5 năm 2018 đã hạ cánh một chuyến bay sau 20 phút vật lộn với việc mất áp suất trong khoang lái. Bay từ Trùng Khánh đến Lhasa, Tây Tạng, một kính chắn gió bị vỡ đột ngột ở độ cao 32.000 feet (hơn 9.000 mét) và phi công phụ bị hút ra ngoài kẹt giữa cửa sổ. Không ai trong số hành khách bị thương trong pha tiếp đất.

Đỗ Giang trong vai một người lính trong hợp tuyển phim My People, My Country chịu trách nhiệm thượng quốc kỳ Trung Quốc vào giữa đêm 30/6/1997 đánh dầu Hồng Kông trở về Trung Quốc

Cơ trưởng Trung Quốc là một phim trong bộ ba “Niềm tự hào Trung Quốc” do Bona Film Group sản xuất để kỷ niệm 70 năm, cùng với The Bravest / Liệt hỏa anh hùngChủ tịch Mao 1949. Liệt hỏa anh hùng dựa trên cuốn sách của nhà văn Mông Cổ Bào Nhĩ Cát về loạt phỏng vấn các nhân viên cứu hỏa đã chiến đấu để dập tắt đám cháy do vụ nổ đường ống dẫn dầu vào năm 2010 tại Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc. Được phát hành vào tháng 8, bộ phim đã thu về 1,6 tỉ nhân dân tệ ở phòng vé.

Được phát hành vào ngày 20 tháng 9, Chủ tịch Mao 1949 tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 3 năm 1949, khi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển về Hương Sơn ở phía tây bắc Bắc Kinh, để thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949. Bộ phim thu hơn 100 triệu nhân dân tệ doanh thu vé.

Thành tích phòng vé tốt thứ ba là The Climbers, do nhà làm phim Hồng Kông Lý Nhân Cảng đạo diễn, có sự tham gia của Ngô Kinh và Chương Tử Di. Bộ phim miêu tả cuộc phiêu lưu của hai thế hệ những người leo núi Trung Quốc đã leo lên đỉnh Everest qua Mặt Bắc nguy hiểm vào năm 1960 và 1975. Bộ phim kiếm được 300 triệu nhân dân tệ.

Cơ trưởng Trung Quốc là một phim trong bộ ba “Niềm tự hào Trung Quốc” do Bona Film Group sản xuất để kỷ niệm 70 năm

Trong số ba bộ phim có doanh thu cao nhất, The Climbers được đón nhận kém nhiệt tình nhất. Trang web đánh giá phim nổi tiếng Douban cho phim này 7 trên 10, so với 7,4 cho The Captain và 8,2 cho My People, My Country. Những đánh giá tiêu cực về The Climbers cho biết cốt truyện phim đầy sơ hở và đạo diễn dành quá nhiều thời gian trên màn ảnh cho chuyện tình lãng mạn giữa nhân vật của Ngô Kinh và Chương Tử Di.

Thành tích phòng vé lớn thứ tư trong kỳ nghỉ này là phim hoạt hình Abominable của hãng DreamWorks, thu 20 triệu nhân dân tệ. Là xuất phẩm hợp tác với Pearl Studio có trụ sở ở Thượng Hải, bộ phim miêu tả một cô gái trẻ người Trung Quốc, cùng với những người bạn của mình, bắt đầu chuyến đi dài 3.000 km để đưa người bạn Yeti chân to của họ, Everest, trở về dãy Hymalaya. Các bạn trẻ sống trong một thành phố không tên của Trung Quốc gần giống với Thượng Hải.

Bộ phim làm nổi bật các cảnh đẹp Trung Quốc bao gồm Đại Tượng Phật Lạc Sơn và những cánh đồng hoa cải dầu gợn sóng. Phim đứng đầu phòng vé Bắc Mỹ khi được phát hành ở đó vào ngày 27 tháng 9, thu về 5,7 triệu đôla tiền vé vào ngày đầu tiên và hơn 20 triệu đôla vào cuối tuần mở màn. Để thu hút khán giả Trung Quốc, tất cả những câu nói đùa trong phim đã được viết lại cho phiên bản Trung Quốc.

Trong số ba bộ phim có doanh thu cao nhất, The Climbers được đón nhận kém nhiệt tình nhất

Trái ngược với thành công của những phim kể trên, một phim hoạt hình khác của Trung Quốc Kiangnan 1894, đã không được hưởng lợi từ việc phát hành trong kỳ nghỉ đáng thèm muốn. Mở màn vào ngày 27 tháng 9, phim chỉ thu được 1,6 triệu nhân dân tệ vào cuối ngày 1 tháng 10. Được thực hiện để kỷ niệm quốc khánh 70 năm, bộ phim tôn vinh sức mạnh sản xuất của Trung Quốc. Lấy bối cảnh vào cuối triều đại nhà Thanh (1644-1911), Kiangnan 1894 miêu tả cách một người học việc trẻ trở thành một thợ cơ khí quân sự hàng đầu trong Nhà máy sản xuất Giang Nam, nhà máy quân sự quan trọng nhất ở Trung Quốc thời bấy giờ.

Trong số những bộ phim khác kiếm được một trong 10 vị trí phát hành vào kỳ nghỉ đáng thèm muốn này là bộ phim thiếu nhi truyền cảm hứng A Chinese Odyssey: Growing Pains (ngày 2 tháng 10), bộ phim hài thực phẩm Trung Quốc Kungfood (ngày 2 tháng 10), phim hoạt hình đấu bò Trung Quốc Sharp the Bull (ngày 3 tháng 10), A Journey to the Seaside (ngày 3 tháng 10), với sự tham gia của Diêu Thần, về mối quan hệ bất ngờ giữa một người lái xe thuê và một hành khách trẻ em, và hoạt hình nhạc kịch vi tính của Mỹ Ugly Dolls (4 tháng 10).

Một số phim ban đầu đã được phân bổ phát hành vào kỳ nghỉ này, nhưng sau đó đã bị gỡ đi. Trong số đó có phim chiến tranh Liberation, việc phát hành dời đến ngày 25 tháng 10. Liberation miêu tả hành động hy sinh thân mình của một chỉ huy quân đoàn pháo binh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong giai đoạn cuối của cuộc nội chiến năm 1949.

Abominable của hãng DreamWorks hợp tác với Pearl Studio có trụ sở ở Thượng Hải. Để thu hút khán giả Trung Quốc, tất cả những câu nói đùa trong phim đã được viết lại cho phiên bản Trung Quốc

Một phim khác cũng bị hủy lịch phát hành là Mojin Returns. Do đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc chỉ đạo, phần tiếp theo được mong đợi của Mojin: The Lost Legend năm 2015 một lần nữa có ngôi sao Trần Khôn vào vai một thợ săn kho báu, vô tình vào một ngôi mộ cổ với hai đối tác làm ăn. Sau khi họ lấy kho báu từ ngôi mộ, mọi chuyện khủng khiếp bùng ra.

Bộ phim dựa trên loạt tiểu thuyết trực tuyến nổi tiếng Quỷ xúy đăng, kể về cuộc phiêu lưu của một nhóm người đột kích lăng mộ. Ban đầu dự kiến sẽ được phát hành vào ngày 1 tháng 10, phim đã bị dời sang năm sau.

Truyền thông trực tuyến quy kết việc hoãn phát hành hai bộ phim này là do lịch trình chiếu ngày nghỉ lễ quốc khánh đông nghẹt.

Trong khi Mojin ReturnsLiberation bị rút phát hành vì những lý do có vẻ vô thưởng vô phạt, nhiều phim đã bị hủy lịch phát hành từ đầu năm nay vì nội dung nhạy cảm về mặt chính trị, được coi là rủi ro cho chính phủ Trung Quốc trong năm kỷ niệm 70 năm.

Kiangnan 1894 miêu tả cách một người học việc trẻ trở thành một thợ cơ khí quân sự hàng đầu trong Nhà máy sản xuất Giang Nam, nhà máy quân sự quan trọng nhất ở Trung Quốc thời bấy giờ

Thiệt hại lớn nhất là sử thi chiến tranh The Eight Hundred, chi phí 80 triệu đôla Mỹ để thực hiện. Bộ phim đã không qua được kiểm duyệt vì đề cao lực lượng Quốc Dân Đảng chống xâm lược Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật và vì sự nổi bật của lá cờ Trung Hoa Dân Quốc trong các cảnh phim. Từ dự kiến phát hành vào tháng 7, bộ phim đã bị hoãn chiếu vô thời hạn. Điều này diễn ra sau khi bộ phim Once Second của Trương Nghệ Mưu đột ngột rút khỏi tranh giải Liên hoan phim Berlin vào tháng 2; ngày phát hành của nó vẫn đang treo đó.

Một bộ phim khác cũng rút khỏi Berlin năm nay bởi các nhà kiểm duyệt Trung Quốc là Better Days của Tằng Quốc Tường, về những thanh niên bất mãn ở Trung Quốc; bộ phim vẫn chưa có ngày phát hành.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post