Với trailer và bảng quảng cáo lớn ngoài trời, cách tiếp thị phim có
những điều kỳ quặc riêng và một số cách quảng bá phim hiện đại chẳng có
lý tí nào.
Điện ảnh lâu đời thế nào thì tiếp thị phim cũng cỡ tuổi thế nấy. Một
phương tiện giải trí đâu thể phát triển thành một trong những ngành công
nghiệp lớn nhất mà không cần đến tiếp thị, và các dự án trị giá hàng
triệu đôla đâu thể được tài trợ mà không có thỏa thuận với các công ty
muốn nhận lại sự quảng bá.
Tiếp thị phim có thể xâm lấn — trailer
cắt ngang các chương trình truyền hình, bảng quảng cáo khổng lồ lúc
nhúc trên quảng trường thành phố, áp phích dán đầy cốc nhựa — nhưng
chẳng có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ ngừng lại. Tuy nhiên, qua những
loạt dội bom quảng cáo, việc tiếp thị phim để lộ những điều kỳ quặc độc
đáo mà người ta sẽ không để cho chết đâu. Và như thế, ta sẽ thấy những
chuyện chẳng hợp lý tí nào trong tiếp thị phim.
10. Trailer có thời lượng dài gần bằng phim
Cách đây nào có lâu lắc gì, ngay cả phim kinh phí lớn như
The Fellowship of the Ring
khi chiếu rạp cũng chỉ có ba trailer chiếu trước phim là cùng. Bây giờ,
trailer có thể làm tăng thêm 20 đến 30 phút vào thời gian ngồi trong
rạp, mang lại một yếu tố khác để khán giả cân nhắc khi ước tính thời
lượng một bộ phim.
Những trailer này thật thừa thãi vì hầu hết
mọi người không cần phải ra rạp mới thấy. Trailer có trên mạng vào ngày
chúng được phát hành, sẵn sàng cho thảo luận trên các blog phim và bàn
qua tán lại cả dây cả nhợ. Nếu một trailer phim hay khiến người xem phấn
khích, họ có thể lan truyền nó nhanh hơn nhiều bằng cách chia sẻ trên
mạng thay vì bảo bạn bè đến rạp xem.
9. Tựa phim ngày một cồng kềnh
Doctor Strange in the Multiverse of Madness có thể là một cái tựa thú vị, nhưng các trang blog phim ước nó được gọi là
Doctor Strange 2
thôi. Thực tế là khi phim tiếp tục sinh ra các phần tiếp theo và bị xẻ
thành nhiều phần, thì tựa của chúng cũng càng dài và khó nhớ hơn.
Ví dụ, phần tiếp theo của
Spider-Man: Into the Spider-Verse, bản thân đã là một tựa khá dài, đang được chia thành hai phần:
Spider-Man: Across the Spider-Verse (Part One) và
Spider-Man: Across the Spider-Verse (Part Two).
Có thể đây là một quyết định của khâu sáng tạo chứ chẳng phải khâu
marketing, bởi vậy mới khiến khán giả khó nhớ phải xem tiếp phim nào.
8. Trailer tiết lộ hết mọi thứ
Vì trailer ngày càng, người biên tập chúng cứ thêm cảnh vào. Cứ nhồi
nhét thêm nên trailer thường cho thấy các cảnh và chi tiết cốt truyện mà
nhà làm phim dự định để gây bất ngờ.
Điều này ngày một phổ biến trong các phim chuyển thể truyện tranh, như tiết lộ Hulk trong
Thor: Ragnarok, Harry quay lại trong
Kingsman: The Golden Circle, và màn xuất hiện chớp nhoáng của một nhân vật trong
Doctor Strange in the Multiverse of Madness. Có lẽ ví dụ nghiêm trọng nhất gần đây là tiết lộ sự xuất hiện của Wolverine trong
X-Men: Apocalypse, lẽ ra đã có thể là một ngạc nhiên tuyệt vời cho người xem ngoài rạp.
7. Quảng cáo chéo có thể hiệu quả, nhưng mà vẫn kỳ cục
Rất nhiều tiền được đổ vào phim, và một phần số tiền đó đến từ các công
ty muốn các thỏa thuận tài trợ và cài cắm sản phẩm của họ. Nhưng có cảnh
James Bond uống Heineken là một chuyện, quảng cáo cho hãng hàng không
Turkish Airlines của
Batman v Superman mới thực sự kỳ quái.
Trong
một quảng cáo như thế, Bruce Wayne nhìn thẳng vào máy quay và mời người
xem đến Thành phố Gotham trên chuyến bay với Turkish Airlines, một hãng
hàng không chỉ phục vụ tại 12 sân bay ở Mỹ. Khi nhân vật trong phim
quảng bá cho một sản phẩm, nó đặt ra nhiều dấu hỏi về thế giới của bộ
phim hơn là số khán giả đủ quan tâm để mà thắc mắc.
6. Quảng bá không đưa ra thông tin khán giả cần biết
Trailer của
Godzilla (2014) đã miêu tả Bryan Cranston như nhân vật chính của bộ phim, gây phấn khích cho những người hâm mộ
Breaking Bad
đang ở đỉnh cao nổi tiếng. Không may, nhân vật của Bryan Cranston thực
ra bị giết trước khi phim đi được nửa chừng. Trong khi một số trailer để
lộ quá nhiều thông tin về phim, những trailer khác lại lừa người xem.
Downsizing
được quảng bá như một phim hài có ý tưởng cao siêu, nhiều khả năng
khiến người hâm mộ mất hứng trong khi lẽ ra đã thích phim tâm lý siêu
thực, triết lý này. Việc quảng bá
21 Jump Street nhấn mạnh vào
nỗi hoài niệm về phim bộ gốc, trong khi nó định là một phim đứng riêng
mang tính giải trí, và còn đùa về ý tưởng được làm lại thành một phim
truyền hình. May mắn là lời truyền miệng tốt và lời khen từ giới phê
bình đã cứu
21 Jump Street.
5. Các cảnh hậu danh đề chẳng có ích gì trừ phi là phim Marvel
Các cảnh hậu danh đề đã trở thành mặt hàng chủ lực của phim kinh phí lớn hiện đại.
Deadpool
còn trêu đùa khán giả vì cứ ngồi lại chờ. Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU)
đã làm nổi trào lưu này, và các hãng phim đã cố gắng lặp lại thành công
của MCU với các cảnh hậu danh đề của riêng họ.
Tuy nhiên, đến giờ, chỉ có MCU có vẻ biết cách làm cảnh hậu danh đề lôi kéo khán giả xem phim tiếp theo. Trong khi đó,
Ghostbuster: Answer the Call,
Justice League,
X-Men: Apocalypse,
The Wolverine, và
Battleship đều thất bại khi đưa ra các cảnh thêm thắt.
4. Trailer có teaser trước
Khi trailer của
Bullet Train phát hành trên mạng, khán giả sẽ
nhận ra có màn đếm ngược ngắn và một loạt clip lướt nhanh không rõ ràng
trước khi vào trailer chính thức. Đây là trào lưu các hãng bắt đầu áp
dụng cho những trailer phát tự động. Vì người xem có thể bỏ qua trailer
tự động phát sau khoảng năm giây, nên “trailer mini” chạy trước trailer
chính thức đảm bảo người xem ít nhất có thể có cái nhìn thoáng qua nhanh
chóng và rối mù về bộ phim.
Những teaser trước trailer này thường gây khó chịu mà mất phương hướng hơn đáng có. Trong ví dụ của
Bullet Train,
quá nhiều hình ảnh lướt qua cùng số đếm ngược khiến người xem tinh mắt
nhất cũng chẳng hiểu họ vừa xem cái gì. Người hâm mộ nhiều khả năng sẽ
bỏ qua trailer này cho đỡ nhức mắt.
3. Quá nhiều poster phim trông y như nhau
Hầu hết mọi poster chính thức cho một phim chuỗi có thể được miêu tả như
sau: pha trộn đầu của các nhân vật với những hình cắt bóng nhỏ với
nhiều yếu tố phát sáng màu xanh dương và/hoặc vàng cam xung quanh (hoặc
bộ lọc màu xanh dương/vàng cam trên toàn bộ hình ảnh). Các nhân vật cũng
thường trông rất nghiêm túc.
Poster với đầu các nhân vật trôi nổi cho các phiên bản đặc biệt của
Star Wars
đã gây phấn khích hơn 20 năm trước, nhưng ngày nay, những áp phích thế
này trông công thức. Đáy vực của xu hướng poster hiện đại là khi poster
Dark Phoenix và
Aladdin thu hút sự nhạo báng từ Reddit vì trông giống với poster
The Force Awakens một cách lố bịch.
2. Phim bom tấn luôn sản xuất đồ chơi cho trẻ em, bất kể có phù hợp hay không
Ngành công nghiệp đồ chơi đã nghiêm khắc hơn với các tài sản trí tuệ kể từ những năm 80 và 90 – những phim như
Police Academy,
Robocop, và
The Toxic Avenger
đã có đồ chơi nhân vật nhắm tới trẻ em mà. Tuy nhiên, đôi khi có phim
với nội dung chắc chắn không thân thiện với trẻ nhỏ vẫn có đồ chơi nhân
vật, quần áo, và bộ xếp hình Lego – và không chỉ cho thị trường sưu tầm
của người lớn.
Star Wars: Rogue One chẳng hạn, là một phim chiến tranh khắc nghiệt mà đến cuối nhiều nhân vật bị giết.
The Batman
có thể là phim Batman đen tối và bạo lực nhất từ trước tới nay. Tuy
nhiên, cả hai phim đều có đồ chơi cho trẻ em, và bộ Lego Hang Dơi ăn
theo phim 2022 còn kèm đồ chơi hình tên tội phạm bạo lực Riddler.
1. Những người làm marketing không hiểu khiếu hài hước trên mạng
Hồi 2006,
Snakes on a Plane đã truyền cảm hứng cho làn sóng ảnh
chế, video nhại và các bài hát. New Line Cinema đã nghĩ rằng điều này
có nghĩa là họ nắm chắc một phim ăn khách và đu theo, thêm câu thoại
“Tôi chán ngấy mấy con rắn chết tiệt trên cái máy bay chết tiệt này
rồi!” do internet pha chế vào phim, và tổ chức một cuộc thi video âm
nhạc.
Snakes on a Plane thành bom xịt, có lẽ vì chế giễu bộ
phim thì vui hơn là đi xem nó. Ngành công nghiệp lẽ ra phải học được bài
học qua lần này và những nỗ lực thất bại khác khi chiều theo khán giả
trên mạng.
Tuy nhiên, các hãng phim vẫn đu theo những trào lưu mạng thoáng qua như token không thể thay thế (NFT) và
Tiger King. Một trong những ví dụ gần đây gây rợn người nhất, bom xịt phòng vé
Morbius
đã trở thành meme, với những người giả vờ ca ngợi bộ phim và làm giả
bìa trò chơi điện tử ăn theo. Sony nhìn thấy các đề cập về
Morbius trên mạng tăng lên, tưởng bộ phim có thể có cơ hội làm lại cuộc đời và phát hành lại nó ngoài rạp. Chẳng may phim vẫn xịt tiếp.
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CBR