Tin tức

Blue Period: Gordon Maeda khắc họa tinh tế đấu tranh nội tâm vì nghệ thuật

21/11/2024

Blue Period là bộ phim hè Nhật Bản thứ ba của năm nay nói về những người trẻ tuổi đấu tranh để đột phá vào thế giới nghệ thuật.

Nam sinh trung học đầy tham vọng Yatora Yaguchi (Gordon Maeda) dành toàn bộ thời gian không ngủ của mình để sáng tác nghệ thuật trong Blue Period, chuyển thể điện ảnh người đóng của Kentaro Hagiwara từ manga đang phát hành cùng tên

Bộ phim người đóng dựa theo truyện tranh đang phát hành cùng tên của Tsubasa Yamaguchi, ra mắt năm 2017 (cũng đã được chuyển thể thành một bộ anime năm 2021). Câu chuyện nam sinh trung học Yatora Yaguchi (Gordon Maeda) dường như có tất cả: Vừa nổi tiếng vừa là thiên tài học thuật, sẵn sàng thử sức vào trường đại học công lập hàng đầu mà anh lựa chọn — gia đình không đủ khả năng chi trả đại học tư, người mẹ lo lắng (Hikari Ishida) liên tục nhắc nhở con như thế.

Nhưng dù đang đi tiệc tùng với bạn bè ở Shibuya hay lướt qua lớp toán, Yatora vẫn không thoát khỏi cảm giác chỉ đang làm theo thói quen cho đến khi tình cờ gặp gỡ các thành viên trong câu lạc bộ nghệ thuật của trường khơi dậy một sở thích mà anh chưa từng biết đến. Yatora bắt đầu dành toàn bộ thời gian không ngủ của mình để sáng tác tranh, và thậm chí quyết định học mỹ thuật ở đại học.

Phim nói về những người trẻ tuổi đấu tranh để đột phá vào thế giới nghệ thuật

Vấn đề là, chỉ có một trường đại học mỹ thuật công lập ở Nhật Bản, Đại học Nghệ thuật Tokyo (TUA), và tỷ lệ trúng tuyển vào trường này còn thấp hơn cả Đại học Tokyo danh giá. Hầu hết sinh viên nghệ thuật có nhiều năm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh. Liệu Yatora có thể hoàn thành trong vòng chưa đầy một năm không?

Manga của Yamaguchi (tốt nghiệp TUA ngoài đời thật) có tính chân thực khiến nó trở nên ăn khách, và với hơn 7 triệu bản được phát hành, không thể không làm phim người đóng. Nhưng câu chuyện này đã được kể hai lần: trong manga gốc, hiển nhiên rồi, và anime truyền hình, gồm cùng một phần của manga như phim này. Anime truyền hình và bản điện ảnh thậm chí còn có chung biên kịch, Reiko Yoshida, và phần lớn lời thoại giống hệt từng từ một trong cả ba phiên bản.

Điểm hấp dẫn lớn là chỉ đạo sắc sảo của Kentaro Hagiwara (phải)

Tuy nhiên, dù bạn đã biết rành câu chuyện thì phiên bản Blue Period mới này vẫn đáng xem. Điểm hấp dẫn lớn là chỉ đạo sắc sảo của Kentaro Hagiwara (Tokyo Ghoul), có khiếu cắt cảnh rất đúng lúc. Các cảnh kết thúc ngay khi đạt mục đích kịch tính. Về thời lượng, đạo diễn cũng đã khôn ngoan loại bỏ phần lớn nội dung tập trung vào các nhân vật phụ. Điều này có thể khiến những người theo chủ nghĩa hoàn thiện thất vọng, nhưng với thời lượng hai tiếng đồng hồ, Hagiwara tập trung vào nhân vật chính của mình hết sức có kỷ luật.

Diễn xuất của Maeda là điểm nhấn khác của bộ phim. Mặc dù có lời thoại, Maeda truyền tải cuộc đấu tranh nội tâm của Yatora chủ yếu bằng biểu cảm khuôn mặt. Hãy xem cảnh mở đầu, chúng ta thấy Yatora đang khao khát nhiều hơn nữa, dù anh vẫn chưa biết đó là gì. Chúng ta có được cảm giác đó không phải từ một câu thoại ngắn gọn mà từ cách Yatora sống với vẻ nhiệt tình giả tạo, như thể đang cố gắng thuyết phục bản thân, cũng như những người xung quanh, rằng anh ổn cả.

Diễn xuất của Maeda là điểm nhấn khác của bộ phim

Những khoảnh khắc có vẻ quá đà trong phiên bản anime — như khi lần đầu Yatora bắt gặp bức vẽ truyền cảm hứng cho anh, hoặc khi cuối cùng anh cũng nói được với mẹ rằng anh muốn vào trường nghệ thuật — Maeda đã thể hiện những cảm xúc tinh tế không thể nhầm lẫn.

Trong khi Maeda tỏa sáng, một số diễn viên phụ lại diễn xuất đơn điệu rõ rệt (mặt khác, phải khen ngợi Katsumi Hyodo vì màn trình diễn cướp cảnh trong vai một kẻ lười biếng thầm muốn trở thành thợ làm bánh ngọt). Và giống như nhiều bản chuyển thể từ manga lên phim người đóng, đôi khi diễn viên ăn mặc như giả trang. Tuy nhiên, bản người đóng có những ưu điểm riêng: Thật tuyệt khi thấy tác phẩm nghệ thuật do Yatora và bạn bè tạo ra ở dạng ba chiều hoàn chỉnh.

Maeda truyền tải cuộc đấu tranh nội tâm của Yatora chủ yếu bằng biểu cảm khuôn mặt

Giống như Look Back (đã phát hành rạp ở Việt Nam với tựa Liệu ta có dám nhìn lại) và A Few Moments of Cheers hồi hè, phiên bản Blue Period này có thể truyền cảm hứng cho bạn cầm lấy cọ vẽ, bút chì, máy tính bảng hoặc bất kỳ công cụ sáng tạo nào giúp bạn thể hiện bản thân.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Times