Tin tức

Chu Nhất Long dẫn dắt phim thảm họa Cloudy Mountain của Trung Quốc

30/09/2021

Sau gần hai tháng trì trệ, thị trường điện ảnh Trung Quốc đang bừng lên tia hy vọng với đà khởi sắc nhờ kỳ nghỉ Tết Trung thu vốn đã trở thành thời điểm doanh thu phòng vé béo bở trong những năm gần đây.

Đứng đầu phòng vé tết trung thu Trung Quốc, kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 19 đến 21 tháng 9, là bom tấn thảm họa Cloudy Mountain đã thu hút hàng triệu khán giả đến rạp, thu về tổng cộng gần 500 triệu nhân dân tệ (77,4 triệu USD) lên tinh thần cho cả ngành.

Chu Nhất Long trong vai nhà địa chất Hồng Dực Chu

Là một câu chuyện cảm động phản ánh lòng dũng cảm và đoàn kết của người dân Trung Quốc khi đối mặt với thảm họa, Cloudy Mountain đã thu về hơn 315 triệu nhân dân tệ kể từ khi ra rạp vào ngày 17 tháng 9, báo hiệu một chương mới cho phim thảm họa Trung Quốc — thể loại hiếm khi được khám phá.

Với Hoàng Chí Trung trong vai một quân nhân đã nghỉ hưu và Chu Nhất Long trong vai một nhà địa chất, cũng là cha con, câu chuyện hư cấu bắt đầu bằng vụ rò rỉ nước trong một đường hầm dự kiến hoàn thành sau một thập kỷ xây dựng. Do biến động bất thường của một mảng kiến tạo, nhiều thảm họa địa chất xảy ra thêm, chuyển biến từ một trận động đất thành nhiều vụ lở đất.

Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình, hai nhân vật chính đã hợp sức để giải cứu nhiều người sống sót bị mắc kẹt trong một hang động dưới lòng đất. Công cuộc giải cứu có bước ngoặt nguy hiểm hơn sau khi họ tình nguyện cài đặt chất nổ để ngăn chặn một trận lở đá lớn đe dọa cuộc sống khoảng 160.000 cư dân một thị trấn gần đó.

Hoàng Chí Trung trong vai quân nhân nghỉ hưu Hồng Uân Binh

Đối với đạo diễn Lý Tuấn, từng nổi tiếng với bom tấn tội phạm năm 2016 Tik Tok và phim bộ truyền hình ăn khách Peace Hotel năm 2018, ý tưởng bộ phim xuất phát từ mong muốn khám phá mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.

Năm ngoái, vị đạo diễn 55 tuổi này đã phải ở lại Anh Quốc khoảng 7 tháng do hậu quả của đợt bùng phát COVID-19 toàn cầu, giúp ông có nhiều thời gian tìm hiểu các tài liệu lưu trữ và phim tài liệu về thảm họa thiên nhiên.

Lý Tuấn nói: “Xung đột giữa con người và thảm họa thiên nhiên, luôn là một ‘kẻ phản diện’ mạnh mẽ, khiến bạn cảm thấy sức mạnh và ưu điểm mà các thể loại phim khác có có thể tạo ra, khiến tôi rất hứng thú với việc quay một bộ phim về thảm họa.”

Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình, hai cha con đã hợp sức để giải cứu nhiều người sống sót bị mắc kẹt trong một hang động dưới lòng đất

Sau khi giao cho các trợ lý của mình điều tra thực địa khắp đất nước, Lý Tuấn quyết định quay những cảnh chính ở Song Hà Động ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc — hang động dài nhất ở châu Á, dài khoảng 240 km.

Ngoài một số cảnh quay tại thị trấn Tuân Nghĩa, Quý Châu, việc quay phim trong hang động — có rất nhiều dòng sông ngầm — đã được thực hiện hơn 107 ngày vào đầu năm nay, với trung bình hơn 300 thành viên đoàn phim và diễn viên làm việc trên phim trường. Lúc cao điểm, có hơn 1.100 người trong hang.

“Đôi khi chúng tôi phải đi bộ rất lâu mới đến được cửa hang, rồi leo khoảng 1 tiếng rưỡi mới đến được phim trường. Dù là người đam mê đi bộ đường dài, nhưng cuối cùng tôi cũng chịu hết xiết ‘phiêu lưu’ như vậy,” đạo diễn nhớ lại.

Đạo diễn quyết định quay những cảnh chính ở Song Hà Động ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc — hang động dài nhất ở châu Á, dài khoảng 240 km

“Đây là lần đầu tiên tôi quay phim trong hang động. Với ánh sáng hạn chế và các điều kiện địa chất khác, chúng tôi đã gặp rất nhiều trở ngại và thử thách trong quá trình quay phim. Điều đáng mừng là dàn diễn viên của chúng tôi đã có thể diễn xuất thuyết phục và chân thực hơn, nhờ đắm chìm trong môi trường thật,” ông nói thêm.

Kết phim, một số đoạn phim tài liệu cũ được trình chiếu, có các binh sĩ thuộc binh đoàn đường sắt của Quân Giải phóng Nhân dân, một phân khu đặc biệt dành cho việc xây dựng mạng lưới đường sắt mới của Trung Quốc. Ban đầu được thành lập vào năm 1945, quân đoàn — có thời điểm hơn 500.000 người — kết thúc hoạt động vào năm 1984, và tất cả các chiến sĩ và sĩ quan được chuyển đến làm việc tại Bộ Đường sắt.

Lý Tuấn tiết lộ rằng động lực khác của ông đằng sau bộ phim là để tri ân những người đã liều mạng xây dựng đường sắt ở một số khu vực xa xôi và thách thức về địa lý nhất của Trung Quốc.

Hoàng Chí Trung trong một cảnh phim.

Tại buổi ra mắt phim ở Bắc Kinh vào đầu tháng 9, nam diễn viên Chu Nhất Long đã tiết lộ anh cùng với Hoàng Chí Trung đã trải qua một thời gian đào tạo căng thẳng để đảm bảo kỹ thuật leo núi tự do của họ trông thuyết phục và chân thực. Ngoài ra, đoàn làm phim đã dành 80 ngày để xây dựng bản sao dài 200 mét một đường hầm ngoài đời thực, đạo diễn cho biết thêm.

Một số công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc, từ Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou đến mạng tốc độ cao 5G, cũng xuất hiện trong phim dưới dạng các thiết bị cốt lõi cung cấp dự báo thời tiết và hỗ trợ hoạt động cứu hộ.

Bất chấp thành công về doanh thu phòng vé, bộ phim đã nhận được nhiều đánh giá trái chiều với những chỉ trích chủ yếu tập trung vào một số cảnh “quá ủy mị”.

Đoàn phim tại buổi ra mắt

“Bộ phim sử dụng yếu tố thương mại để đề cập đến chủ đề hiếm khi được đề cập về các cựu chiến binh Trung Quốc chuyên xây dựng đường sắt. Cùng với hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, câu chuyện sẽ tươi mới và hấp dẫn nếu không có một số lỗ hổng cốt truyện tạo ra sự phân tâm,” bình luận của một người dùng Douban, một trong những trang bình phim lớn nhất Trung Quốc.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily