Tin tức

Coffin Homes: Trần Quả châm biếm kinh dị vấn nạn 'nhà quan tài' ở Hồng Kông

13/08/2021

Trần Quả đã đạo diễn phim từ những năm 1990 nhưng không hiểu sao ông lại chưa bao giờ làm phim nào ra rạp Hồng Kông trong mùa hè cao điểm — cho đến nay.

Cột mốc khó xảy ra đó là điều đầu tiên ông đề cập khi gặp người viết cho phỏng vấn này. “Có phải đây là bước đầu tìm hiểu thị trường của tôi không vậy?” ông hỏi một cách khoa trương và cười phá lên.

Coffin Homes, phim mới nhất của Trần Quả là phim hài kinh dị chế nhạo sự điên cuồng của thị trường bất động sản Hồng Kông trong khi trình diễn quá mức những màn bạo lực đả kích — đến nỗi bị liệt vào Loại III khi phát hành rạp ở địa phương

Một tuyên bố hơi bất thường từ người làm ra những bộ phim kinh điển hiện đại như Made in Hong Kong (1997) và Durian Durian (2000).

“Trước giờ chưa có phim nào của tôi được chọn khởi chiếu trong mùa hè,” ông nói. “Bạn biết đấy, phim của tôi hơi lập dị, và tôi hiếm khi làm phim chủ lưu — có lẽ trừ Invicible Dragon chăng? Hay The Midnight After thì có tính không? Đó là một bộ phim kỳ lạ khác mặc dù có dàn diễn viên chủ lưu — nhưng nó vẫn ra rạp vào tháng 4. Nếu so sánh, Coffin Homes chính thức là một phim hè.”

Bộ phim mới nhất của Trần Quả là phim hài kinh dị chế giễu sự điên cuồng của thị trường bất động sản Hồng Kông trong khi trình diễn quá mức những màn bạo lực đả kích — đến nỗi bị liệt vào Loại III khi phát hành rạp ở địa phương, nghĩa là người dưới 18 tuổi không được phép vào xem.

Lý Khải Lâm trong một cảnh phim Coffin Homes

Những người hâm mộ lâu năm đạo diễn tác gia có ý thức xã hội Trần Quả sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng ông luôn muốn làm phim châm biếm vấn nạn nhà ở Hồng Kông. Thật vậy, một dự án khác đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được phát hành của Trần Quả, The Abortionist, cũng đề cập đến vấn nạn này; bộ phim dựa trên chuyện có thật, chứng kiến một cô gái mới lớn yêu cầu mẹ mình giao chủ quyền căn hộ của bà cho cô.

Nhưng nhãn hiện tại của Coffin Homes là phim hè thực sự không phải do Trần Quả cố tình thiết lập mà là kết quả của nhiều phát triển tình cờ đã định hình lại đáng kể dự án của ông trong đại dịch virus corona.

“Ban đầu, đây không phải là một phim ma,” vị đạo diễn thú nhận. “Nó nhắm là một phim kiểu [chủ nghĩa nhân văn]. Nhưng vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm ngoái, khi tình hình đại dịch khá nghiêm trọng, nhà đầu tư của tôi đã đề nghị bắt đầu sản xuất ở Hồng Kông mà không qua kiểm duyệt [Trung Quốc Đại lục] — một phim thể loại có thể đi vào sản xuất nhanh chóng.

Lý Lệ Trân (trái) và Thiệu Âm Âm trong một cảnh phim Coffin Homes

“Không có bóng ma nào trong kịch bản [gốc] của tôi. Nhưng vì căn hộ bị ma ám là một bước đi vào vấn nạn nhà ở mà câu chuyện của tôi đề cập, tôi mất ba tuần để đưa ra bản thảo mới,” Trần Quả nói. “Ngôi nhà ma ám là cốt truyện phổ biến trong điện ảnh, vì vậy câu hỏi lớn nhất đối với tôi là tôi nên xử lý thế nào. Tôi không muốn chỉ tuân theo cách làm thông thường của các bộ phim cùng thể loại — nhưng không vậy thì tôi cũng không thể làm được.”

Vị thế chủ lưu của Coffin Homes một phần còn bắt nguồn từ tác động chưa từng có mà đại dịch gây ra đối với các xuất phẩm Hồng Kông vào giữa năm 2020. Thật kỳ lạ, phim kinh dị đột nhiên được coi là một sự đầu tư đúng đắn trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó do kinh phí thấp hơn và thời gian sản xuất ngắn hơn. Phim của Trần Quả có vẻ là một trong những tác phẩm có doanh thu cao nhất từ thời kỳ bùng nổ kinh dị nhỏ này.

“Năm ngoái, mọi nhà đầu tư đều muốn làm một phim ma,” Trần Quả nói. “Nhưng ngay sau khi [đại dịch] dịu đi và thị trường [bình thường] trở lại, mọi người ngừng làm phim ma. Bây giờ phim ma trở lại là xuất phẩm ngách ở đây — hơi giống phim nghệ thuật — có thể vì thị trường của chúng giới hạn ở Hồng Kông và Đông Nam Á [chứ không ở Trung Quốc Đại lục].”

Hoàng Hựu Nam trong một cảnh phim Coffin Homes

Mặc dù ban đầu Trần Quả không coi Coffin Homes là phim kinh dị, nhưng chắc chắn ông không xa lạ gì với thể loại này, khi đã chỉ đạo hai nỗ lực được đánh giá rất tốt trong Dumplings (2004) và The Midnight After (2014).

“Tôi vẫn đang tìm hiểu [về thể loại này, bởi vì] hai bộ phim được đề cập đó không liên quan đến ma, chúng rất khác phim ma. Phim đầu tiên của tôi, Finale in Blood, là một phim ma, nhưng những con ma trong phim đó rất lịch sự và chúng không [gây rắc rối].”

Kinh nghiệm làm một phim ma đúng nghĩa đầu tiên đến với phim ngắn Kinh trập, từ hợp tuyển kinh dị Tales from the Dark 1 (2013). “Tôi nghĩ mình đã làm khá tốt với bộ phim đó, xét kinh phí nhỏ của nó và chúng tôi chỉ quay trong năm ngày,” ông nói.

Nếu Trần Quả tự cho mình là người tương đối mới trong việc làm phim ma thời lượng dài, thì không ai có thể tranh cãi vị thế kỳ cựu của ông trong chủ đề đáng sợ của Coffin Homes: đầu cơ bất động sản. Khi được hỏi về kinh nghiệm sở hữu bất động sản, nhà làm phim rất hào hứng hồi tưởng lại quá khứ.

Đạo diễn cho rằng cách ông tiếp cận vấn nạn Nhà quan tài là mỉa mai hơn chỉ trích

“Tôi đã lên tàu đầu cơ bất động sản hồi còn là trợ lý đạo diễn. Đoán xem ‘dòng dõi’ của chúng tôi thế nào? Tất cả chúng tôi đều đi theo sự dẫn dắt của Mạch Đương Hùng,” Trần Quả nói về đạo diễn nổi tiếng với bộ phim kinh điển Long Arm of the Law năm 1984. “Khi đó chúng tôi chỉ là trẻ con, nhưng từ những gì chúng tôi thấy, bất cứ khi nào làm kịch bản phim, là họ nói về là đầu cơ bất động sản.”

Đỉnh điểm vô lý trong lịch sử sở hữu căn hộ của Trần Quả được cho là khi ông tình cờ đi ngang qua một hàng người dài ở quận trung tâm của Hồng Kông vào những năm 1990, nổi hứng bốc đồng quyết định tham gia và cuối cùng mua một căn hộ ở Kingswood Villas, khu Thiên Thủy Vi, đúng thế. “Trong vòng chưa đầy năm phút bên trong phòng trưng bày, tôi đã được yêu cầu đặt cọc. Thậm chí tôi còn chưa xem căn hộ mẫu, càng không biết [căn hộ của tôi] ở hướng nào,” ông nhớ lại.

Loại hành vi có vẻ phi lý này hóa ra chi phối thị trường bất động sản ở Hồng Kông, theo quan điểm của Trần Quả, không chỉ giới hạn ở các nhà phát triển bất động sản giàu có.

Thái Bảo trong một cảnh phim

Ông nói: “Không chỉ người giàu ở Hồng Kông mới đầu cơ bất động sản. Bất cứ ai sở hữu bất động sản — dù chỉ là một căn hộ nhỏ xíu mà bạn cho người khác thuê — đều có thể góp phần tạo ra sự chi phối đó, bởi vì bạn có quyền tăng giá thuê hai năm một lần. ‘Không thích à? Thì có thể chuyển đi và tôi sẽ cho người khác thuê! Kiểu bá chủ này bao trùm toàn bộ dân số và câu chuyện về Nhà quan tài đưa ra thực tế rằng mọi người từ mọi tầng lớp xã hội đều có thể là một phần trong chuyện đó.”

Tuy có đủ ví dụ về nạn bóc lột — và giết người máu lạnh — trong phim để khiến nó như một bức tranh hoàn toàn vô vọng, Trần Quả cho rằng cách ông tiếp cận vấn nạn Nhà quan tài là mỉa mai hơn chỉ trích.

“Khán giả được tự do quyết định phim của tôi có tính phê bình hay không. Nhưng chắc chắn là tôi đã đưa ra một vấn đề xã hội — một vấn đề không thể phủ nhận,” ông nói.

Trần Quả (ảnh) luôn muốn làm một bộ phim châm biếm vấn nạn nhà ở Hồng Kông

“Nếu bạn sinh ra là một người Hồng Kông, tất cả những gì bạn từng nghe sẽ là vấn nạn nhà ở và tiền thuê nhà. Tôi nghĩ vấn đề này ảnh hưởng đến tất cả người dân Hồng Kông và họ vô phương tránh thoát.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post