Chắc chắn rất nhiều “Muggle” trưởng thành sẽ suy nghĩ như tôi trước khi tham quan Triển lãm Harry Potter mở cửa ngày 5/3 ở Trung tâm triển lãm Discovery Times Square. Tôi đã sai lầm khi cho rằng sự hấp dẫn sẽ chỉ xuất hiện ở một góc khu triển lãm rộng khoảng 1.300 mét vuông với những phối cảnh, phục trang và đạo cụ, khi những người yêu thích phim Harry Potter có thể xếp hàng mua bản sao cây đũa phép giá 44,99 đôla của Albus Dumbledore hay chiếc cà vạt của nhà Gryffindor giá 49,99 đôla, để chuẩn bị đi xem phần cuối của loạt phim này vào hè năm nay.
Nhưng tại sao thế giới phép thuật lại không nên kinh doanh? Chẳng phải là anh em sinh đôi nhà Weasley đã lập nghiệp từ việc buôn bán những mánh ma thuật hay ho sao? Những mặt hàng tại quầy lưu niệm, được trưng bày theo phong cách xiêu vẹo của Hẻm Xéo nơi các cô cậu phù thủy trẻ tuổi trong những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn của J. K. Rowling đi mua sắm, có thể có ích khi đối mặt với những bậc thầy về Nghệ thuật Hắc ám, thậm chí trong đời thực nữa. Và chắc chắn cây đũa phép chỉ là bản sao, một món đồ chơi thôi – bạn không nghĩ một trong những cây đũa phép với lõi lông đuôi Vong mã chỉ có giá 44,99 đôla thôi, đúng không?
Một góc Triển lãm Harry Potter ở Trung tâm triển lãm Discovery Times Square
[Ảnh: Robert Caplin - The New York Times]
Vậy còn những cây đũa phép trong triển lãm thì sao? Có phải đồ thật không nhỉ? À vâng, hóa ra đó là đồ thật. Thật như mô hình Phượng hoàng Fawkes, một loài chim tưởng tượng, được đặt trong lồng kiếng đấy nhé. Có cả kính của Harry này, có quả trứng rồng của bác Hagrid làm rung rinh cái bàn trong căn chòi nữa. Và còn có những trái banh Quaffle mà khách tham quan có thể quăng ném trong khu trưng bày Quidditch. Và tờ Nhật báo tiên tri với bài báo Những bùa chú phòng vệ cho bạn và gia đình. Một bản sao cuốn Bào chế thuốc cao cấp được Severus Snape ghi chú kỹ càng. Những chiếc mặt nạ kim loại của Tử thần Thực tử và bọn Giám ngục kinh hoàng với chiếc áo choàng kinh khủng rung trong gió.
Nếu tất cả điều này mà có vẻ khó hiểu như những tiếng hô “Alohomora!” hay “Expecto Patronum!” thì có lẽ bạn bị nhốt trong nhà ngục nào đó giống như Azkaban trong mười năm qua rồi, khi những bộ phim về cuộc chiến phù thủy của Rowling thâm nhập vào ngôn ngữ chung của dân “Muggle”, và khi những tập truyện bắt đầu tung thần chú “Đông cứng!” lên độc giả mọi lứa tuổi.
Phải thừa nhận là có yếu tố thương mại khá nặng ở đây; vé người lớn 25 đôla là quá cao. Buổi triển lãm do công ty Global Experience Specialists cùng hợp tác với Warner Brothers Consumer Products tổ chức. Khoảng một triệu lượt khách đã tham quan tính từ năm 2009, khi buổi triển lãm bắt đầu “chuyến lưu diễn” ở các bảo tàng khoa học ở Chicago và Boston, sau đó đến Toronto và Seattle năm 2010. (Thật ngẫu nhiên, những lần trưng bày ở các bảo tàng khoa học đều nói nhiều về sự thiếu mục đích ở những tổ chức đó hơn là về bản thân buổi diễn.) Sau tháng 9, buổi triển lãm sẽ tiến xa ra ngoài Bắc Mỹ.
Một toa của tàu Tốc hành Hogwarts ở triển lãm
Nhưng cả buổi triển lãm sẽ không bao giờ khả thi nếu đây chỉ là một dịp quảng cáo và bán hàng lưu niệm. Dân Muggle chúng ta có thể không có phép thuật nhưng ta không bị trói buộc bởi sự hoài nghi. Buổi diễn khá lôi cuốn và thương mại chỉ là một phần nhỏ. Buổi triển lãm có chủ đề nghiêm túc, đó là cho ta hiểu một thế giới tưởng tượng đã trở thành hiện thực qua những công việc động tỉ mỉ chi tiết như thế nào. Điều này làm cho cả thế giới của Rowling trở nên thực sự sống động. Cuối cùng thì việc cây đũa phép là bản sao hay đồ thật được dùng trong phim thực sự không thành vấn đề; đồ trang trí và đạo cụ cũng thế: đó là những công cụ giúp trí tưởng tượng bắt đầu trình diễn thôi.
Khi bước vào khu triển lãm, khách tham quan được mời đội thử chiếc Nón phân loại rồi được đưa vào các nhà khác nhau trường Hogwarts. Cùng với những cảnh ghép từ các bộ phim, chúng tôi được dẫn qua các lớp học và phòng ngủ ký túc xá, các giáo viên và những món đồ ma thuật. (Nhưng sao tấm Bản đồ Đạo tặc bị lại không được mở banh ra nhỉ?)
Cuối cùng chúng tôi đi xuyên qua Rừng cấm với bầu không khí ẩm ướt và những làn khí cuộn xoáy, và tiến vào khu trưng bày kế tiếp nơi thế lực Hắc ám khủng khiếp tập hợp. Sẽ khá hay nếu có thêm nhiều nến lơ lửng trong không khí trên đầu du khách trong Đại sảnh đường ở Hogwarts, nhưng có những bộ áo quần của bạn bè Harry dùng trong vũ hội – bộ đồ lỗi mốt đã ngả vàng của Ron, chiếc đầm duyên dáng và vừa đủ đĩnh đạc của Hermione – cùng những viên kẹo bay ở làng Hogsmeade, tài liệu học “Nhồi sọ!” cho những lần thi cuối kỳ ở trường, và thoáng xuất hiện chú gia tinh Dobby mắt to. Tất cả điều này mang nhiều ý nghĩa nếu bạn đã xem phim hay đọc truyện, và nếu chưa thì buổi triển lãm có thể thúc đẩy bạn đi tìm đọc hết các cuốn sách.
Nhưng điều làm cho tất cả những thứ này thật hiệu quả là việc những đạo cụ không chỉ là vật gợi nhớ đến thứ được xem là có sức ảnh hưởng hơn ở bối cảnh rộng trong phim. (Daniel Radcliffe, ngôi sao của loạt phim, đóng vai Harry, đang tham gia diễn xuất trong vở kịch How to Succeed in Business Without Really Trying ở nhà hát Broadway chỉ cách đó vài dãy nhà.)Thay vào đó, rõ ràng là các tập phim thực hiện quá tốt vì không có món đồ nào thực sự chỉ là đạo cụ. Mọi thứ hoàn toàn đươc tưởng tượng ra.
Những chiếc đũa phép được trưng bày tại triển lãm
Sự tự ngưỡng mộ lố bịch của giáo sư Gilderoy Lockhart (do Kenneth Branagh đóng) được thể hiện qua các bìa sách, những bài kiểm tra trong lớp và chiếc cà vạt vàng xếp nếp. Tính truyền thống mạnh mẽ của giáo sư Lupin được phản ánh qua những chiếc đĩa hát lỗi thời nằm trong những bìa bao đơn giản; quần áo của Ron rõ ràng được thừa hưởng từ những người anh. Mọi thứ đều vừa đủ to để được chú ý; thế giới tưởng tượng, theo trí tưởng tượng của Rowling, đầy ắp những chi tiết.
Có một thứ khác trở nên rõ ràng hơn khi chúng tôi nhìn những món đồ này. Những tập phim và truyện Harry Potter tràn ngập sự kính trọng đối với quá khứ. Các tác phẩm gần như nói về quá khứ. Và trong buổi triển lãm, chúng tôi cảm nhận sức ảnh hưởng đó. Những quyển sách trưng bày ở đây, nói về độc dược, chổi thần và quái vật, được thiết kế để trông giống những tập sách từ đầu thế kỷ 20 (dĩ nhiên, một số cuốn khác thậm chí còn cổ hơn nữa). Kiểu quần áo người lớn chỉ đến thời Vua Edward. Trường Hogwarts bị ám ảnh bởi truyền thống và những chi tiết theo phong cách gothic. Đồng phục của học sinh Hogwarts hoàn toàn có thể xuất hiện ở thời chiến tranh u ám cho nhà văn Anh C. S. Lewis mô phỏng trong loạt truyện Narnia.
Đây không phải thế giới hiện đại; đó là thế giới đầy ắp những thứ trong quá khứ. Những nhà sáng tạo phim điểu chỉnh theo khía cạnh đó của tiểu thuyết rất tốt, xoay sở để kết hợp cảm nhận về những truyển thống quý giá đang gặp nguy hiểm cùng với việc tôn vinh sự hiện đại đa văn hóa. Rowling vừa hướng về tương lai vừa nhìn lại với quá khứ. Những nhân vật anh hùng là người lai, trẻ mồ côi, những người bị ruồng bỏ, những người lập dị, những người thừa kế thực sự của một truyền thống lâu dài và vĩ đại. Người xấu là những kẻ tôn sung sự thuần huyết đe dọa đảo lộn tất cả.
Harry Potter được đặt chính giữa những truyền thống về các thế giới giả tưởng bắt nguồn từ các tác phẩm của hai nhà văn Anh hồi Thế chiến thứ hai là C. S. Lewis và J. R. R. Tolkien. Việc này cũng tạo cho loạt truyện niềm hoài cổ cảm động với một thế giới sắp bị diệt vong. Ngay cả sau khi chiến thắng Chúa tể Voldemort, liệu trường Hogwarts hay thế giới pháp thuật có thể còn nguyên như trước?
Không thể nào. Gần như vô tình và vô thức, buổi diễn nắm bắt được tinh thần đó và tôn vinh một thế giới đã mất, ngay khi loạt phim sắp đến hồi kết. Với khao khát trì hoãn sự khải huyền, tôi suýt bị thuyết phục mua một cây đũa phép.
Triển lãm Harry Potter mở cửa từ 5/3 và diễn ra đến ngày 5/9 tại Trung tâm triển lãm Discovery Times Square, Manhattan.
Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times