Tin tức

Đi đến nơi có gió: Lưu Diệc Phi-Lý Hiện hoàn thành giấc mộng bỏ phố về quê cho người trẻ Trung Quốc

05/02/2023

Không lâu sau Mộng hoa lục, nữ diễn viên Trung Quốc Lưu Diệc Phi lại “gây bão mạng”.

Phim bộ truyền hình Trung Quốc Đi đến nơi có gió giới thiệu cuộc sống ở một ngôi làng nông thôn Vân Nam

Phim bộ truyền hình hiện đại mới nhất của cô, Đi đến nơi có gió, là một trong những phim truyền hình Trung Quốc được mong đợi nhất năm 2023. Đến nay, hashtag #điđếnnơicógió đã đạt được hơn 2 tỉ lượt xem và 5 triệu lượt thảo luận trên Weibo. Trong 10 ngày đầu phát sóng, bộ phim đã thu về hơn 1 tỉ lượt xem.

Đi đến nơi có gió là câu chuyện về nhân vật nữ chính do Lưu Diệc Phi thủ vai, cuộc sống bị đảo lộn sau cái chết của người bạn thân nhất. Không thể đối mặt với mất mát và tiếp tục cuộc sống ở thành phố lớn, cô tìm đến một ngôi làng yên bình, ở đó cô gặp những người giống như mình, chạy trốn lối sống đô thị nhịp độ nhanh để tìm kiếm sự bình yên. Thái độ làm việc chăm chỉ và khả năng phục hồi của họ cho cô sức mạnh để bắt đầu lại.

Không thể đối mặt với mất mát và tiếp tục cuộc sống ở thành phố lớn, nhân vật của Lưu Diệc Phi đi đến một ngôi làng yên bình

Câu chuyện diễn ra ở tỉnh Vân Nam, một địa điểm du lịch nổi tiếng với phong cảnh nông thôn đẹp như tranh vẽ. Trong mười tháng đầu năm 2022, Vân Nam đã đón 682 triệu khách du lịch và tạo ra doanh thu du lịch là 112 tỉ USD (761,5 tỉ nhân dân tệ), theo Sở Văn hóa và Du lịch Vân Nam. Và như được miêu tả trong phim, giới trẻ Trung Quốc ngày càng bị thu hút bởi cảnh đẹp và lối sống thoải mái của vùng này. “Mặc dù tôi đang ở nhà, nhưng trái tim tôi đã ở Vân Nam khi xem bộ phim này,” một người dùng bình luận trên Weibo.

Sống yên bình lên ngôi, theo đuổi hoạt động ngoài trời và dân du mục kỹ thuật số ở Trung Quốc phản ánh mong muốn của giới trẻ Trung Quốc về một lối sống thoải mái hơn, hoặc trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi khác nhau. Mạng xã hội Tiểu hồng thư đã báo cáo lượt tìm kiếm dân du mục kỹ thuật số đã tăng đáng kể kể từ đầu năm 2022, tăng 650% trong năm nay so với tháng giêng. Điều này đi kèm với sự cân nhắc nhiều hơn về chất lượng cuộc sống và các phong trào như sống chậm hơn, “nằm yên mặc kệ đời”, “kẻ lười biếng tự do” thậm chí “để mặc thối rữa” đang có đà phát triển.

ở đó cô gặp những người giống như mình, chạy trốn lối sống đô thị nhịp độ nhanh để tìm kiếm sự bình yên

Có lẽ không ngạc nhiên khi thế hệ này ở Trung Quốc khao khát sự yên bình của cuộc sống nông thôn. Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cuộc sống cạnh tranh ở các thành phố lớn, nhiều người đang chạy trốn để tìm kiếm sự yên tĩnh, thư giãn và sức khỏe. Sự mẫn cảm này là một phần lý do tại sao vlogger văn hóa nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Lý Tử Thất, nổi tiếng trên mạng xã hội; những video về cuộc sống bình dị của cô ở nông thôn — từ thu hoạch rau đến làm đồ nội thất bằng tre — mang đến cho người xem cảm giác thoát khỏi nhịp sống hối hả của thành thị. Mặc dù Lý Tử Thất đã không đăng YouTube hơn một năm do tranh chấp kinh doanh với người đại diện, nhưng cô có thể trở lại với nội dung mới trong tương lai gần khi vụ việc đã được giải quyết.

Sức hấp dẫn ngày càng tăng của vùng nông thôn đối với thế hệ trẻ cũng có thể liên quan đến “chiến lược phục hồi nông thôn” của chính phủ, được Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra vào năm 2017. Theo kế hoạch, điều kiện sống ở khu vực nông thôn sẽ được cải thiện thông qua các công nghệ mới và mô hình thông minh.

Sống yên bình lên ngôi, theo đuổi hoạt động ngoài trời và dân du mục kỹ thuật số ở Trung Quốc phản ánh mong muốn của giới trẻ Trung Quốc về một lối sống thoải mái hơn, hoặc trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi khác nhau

Trung Quốc đã được định hình qua hàng thập kỷ người lao động từ làng quê di cư ồ ạt đến các thành phố lớn để kiếm sống và nuôi gia đình. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại và nhìn lại bản thân sau đại dịch, những người trẻ Trung Quốc đang kết nối lại với vùng nông thôn và mang đến cho lối sống này một sức hấp dẫn thời thượng. Năm 2021, thương hiệu thời trang nổi tiếng Trung Quốc Icicle đã phát hành bộ sưu tập Thu/Đông 2021 với chủ đề “Làng Trung Hoa”. Buổi trình diễn thời trang lấy bối cảnh một vùng nông thôn của tỉnh Giang Tây, các người mẫu đi giữa những cánh đồng lúa và vườn chè, thể hiện nét thơ mộng độc đáo của Trung Quốc.

Khi các chiến lược tiếp thị bản địa hóa trở nên quan trọng hơn, các thương hiệu hàng xa xỉ có thể xem xét việc xây dựng kết nối cảm xúc thông qua lăng kính của cuộc sống nông thôn.

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cuộc sống cạnh tranh ở các thành phố lớn, nhiều người trẻ Trung Quốc đang chạy trốn để tìm kiếm sự yên tĩnh, thư giãn và sức khỏe

Sẽ rất thú vị để xem liệu các thương hiệu có nắm bắt thành công tình cảm này theo cách mới và có bản sắc hay không.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Jing Daily