Tin tức

Điện ảnh 2014 nhìn lại: 10 phim tinh túy của châu Á

18/02/2015

Phim lấy bối Trung Quốc đương đại thống trị màn ảnh châu Á, cả phim thương mại lẫn nghệ thuật đều mang lại cái nhìn về cuộc sống hiện đại phức tạp.

Phim hài vẫn đang ở thời kỳ vàng tại Trung Quốc, với Breakup Buddies, nói về hai người bạn gặp khủng hoảng tuổi trung niên trong đầu chỉ có phụ nữ (thô thiển như vậy đấy) trở thành phim ăn khách nhất Đại lục năm qua, mang về gần 190 triệu đôla, theo cơ quan nghiên cứu truyền thông EntGroup.

Phim chính kịch đương đại từ Ấn Độ và Nhật Bản, dù ít phô trương hơn, cũng mang lại sự chú ý – và các giải thưởng lớn – từ các liên hoan phim nổi tiếng, trong khi một phim sử thi Hàn Quốc về một cuộc thủy chiến ở thế kỷ 16 trở thành bộ phim ăn khách nhất của nước này.

Dưới đây là 10 phim châu Á đáng chú ý nhất trong năm 2014 theo Wall Street Journal.

Black Coal, Thin Ice / Bạch nhật diệm hỏa (Trung Quốc)

Nam diễn viên Liêu Phàm, trái, trong một cảnh phim

Bộ phim tâm lý tội phạm cuốn hút này kể câu chuyện một cảnh sát về hưu nghiện rượu ra tay giúp chính quyền điều tra vụ giết người ghê rợn ở thị trấn tiêu điều miền bắc Đại lục đã giành giải Gấu vàng – giải cao nhất – và nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Liêu Phàm tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin tháng 2/2014. Bộ phim ly kỳ tăm tối của Điêu Diệc Nam với những cảnh sát không hoàn hảo, những cô nàng nguy hiểm và đôi chút hài bi kịch, là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh Trung Quốc với bối cảnh xã hội rối ren.

Blind Massage (Trung Quốc/Đài Loan)

Được quay với phong cách giống phim tài liệu, bộ phim xoay quanh cuộc sống có phần ưu phiền và những ước mong lãng mạn của một nhóm người làm trị liệu massage khiếm thị cũng như những chật vật của họ về những khái niệm mà nhiều người coi là chuyện đương nhiên. (‘Vẻ đẹp là gì?' một nhân vật tự hỏi. ‘Nó ám ảnh tôi cả đêm lẫn ngày.’) Đạo diễn Lâu Diệp là một trong những nhà làm phim có quá khứ bất đồng với chính quyền, từng bị cấm làm phim sau khi bộ phim Summer Palace (lấy bối cảnh cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989) trình chiếu ở Cannes mà không có sự cho phép của chính phủ. Tại giải Kim Mã 2014, một trong những sự kiện điện ảnh cao quý nhất châu Á, Blind Massage đã giành sáu giải, trong đó có danh hiệu phim hay nhất.

Breakup Buddies (Trung Quốc)

Hoàng Bồ và Từ Tranh trong một cảnh phim

Hai ngôi sao nổi tiếng nhất Trung Quốc (Hoàng Bổ và Từ Tranh) hợp tác trong bộ phim hành trình với đôi bạn thân – một người mới ly dị còn người kia là một nhà sản xuất phim nghiện tình dục – khởi hành từ Bắc Kinh về miền quê và bầu trời xanh của tỉnh Vân Nam phía tây nam. Đạo diễn Ninh Hạo là một cái tên quen thuộc ở các liên hoan phim quốc tế và là một trong những nhà làm phim thành công nhất Đại lục. Hài hước, xấc xược và đôi chỗ buồn, Breakup Buddies là bộ phim ăn khách nhất Trung Quốc, mang về 1,17 tỉ nhân dân tệ (188 triệu USD), chứng minh rằng Hollywood không phải kinh đô duy nhất làm phim hài tục.

Coming Home (Trung Quốc)

Trần Đạo Minh và Củng Lợi (phải) trong một cảnh phim

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu, được thế giới biết đến cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 với Red Sorghum / Cao lương đỏ, Raise the Red Lantern / Đèn lồng đỏ treo cao và nhiều phim tâm lý tình cảm khác trong các bối cảnh lịch sử cột mốc, quay về Cách mạng Văn hóa để lấy ý tưởng cho câu chuyện người đàn ông (Trần Đạo Minh) tái hợp với vợ mình (Củng Lợi) và con gái sau nhiều năm trong trại lao động. Bệnh mất trí của người vợ sau khi người chồng quay về, và những cố gắng của ông để lấy lại trí nhớ cho bà, là phép ẩn dụ cho thời đại hỗn loạn này trong lịch sử Trung Quốc.

Court (Ấn Độ)

Luật lệ cổ hủ của Ấn Độ là trung tâm của câu chuyện người thầy phải ra tòa với án gián tiếp hỗ trợ tự tử sau khi những lời nói qua đường của ông (trong dạng thơ nhạc) về đàn áp, phân biệt chủng tộc và hệ giai cấp của đất nước khiến một thợ may tự tử. Đạo diễn/biên kịch Chaitanya Tamhane sử dụng rất nhiều cảnh quay dài và camera tĩnh để tạo nên sự thờ ơ thường ngày cùng sự căng thẳng dựng tóc đối với phiên tòa chậm rãi. Bộ phim bỏ xa những phim phá án “Anh đang gây rối phiên tòa” thông thường và nhận hàng loạt giải tại các liên hoan phim quốc tế, đáng chú ý nhất là giải Orizzonti phim hay nhất ở Venice.

Dearest (Trung Quốc)

Nữ diễn viên Triệu Vy trong vai người mẹ bị mất con

Bắt cóc trẻ em là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc bởi những lý do đứng sau thường là chênh lệch kinh tế và chính sách một con. Dựa trên sự kiện có thật đã thu hút tin tức trong nước, bộ phim nói về một cặp vợ chồng đã ly dị (một phản ánh nữa về Trung Quốc đương đại) dành ba năm kiếm tìm vô vọng đứa con trai bị bắt cóc của họ, bị một công nhân nhập cư bắt đi. Đó là một chủ đề mong manh với khâu kiểm duyêt Trung Quốc, nhưng đạo diễn Trần Khả Tân bỏ qua những nhân vật phản diện một chiều và hòa quyện chất bi kịch trong những góc nhìn suy tư.

The Golden Era (Trung Quốc/Hồng Kông)

Thang Duy trong vai Tiêu Hồng

Đạo diễn Hứa An Hoa thắng giải đạo diễn xuất sắc tại giải Kim Mã tháng 11/2014 cho bộ phim sử thi nhân văn dài ba tiếng nói về cuộc sống trắc trở và các mối quan hệ rối ren của nhà văn Tiêu Hồng, một trong những nhà văn nữ nổi danh với các tác phẩm trong thập kỷ 30. Bộ phim sử dụng kỹ thuật đặc sắc cho nhân vật phá bức tường thứ tư để nói chuyện với khán giả về những ký ức của họ về Tiêu Hồng. Nữ diễn viên Thang Duy đóng vai nhà văn đoản mệnh, mất trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Hồng Kông năm 1942 khi tuổi mới 30.

Kano (Trung Quốc/Đài Loan)

Câu chuyện bóng chày không hề mới mẻ: một đội bé chiến thắng bất chấp mọi gian nan. Kano dựa trên câu chuyện có thật về Đài Loan năm 1931 dưới ách đô hộ Nhật Bản, khi một nhóm đa sắc tộc gồm người Nhật, Trung Quốc và người bản địa – mục tiêu bài trừ của Nhật Bản – đi từ một câu lạc bộ vô danh tiểu tốt đến tranh giải vô địch bóng chày cấp trung học cao quý nhất Đài Loan. Umin Boya, bản thân là người của bộ tộc Seediq ở Đài Loan, đạo diễn bộ phim chiều lòng số đông (đã thắng giải Khán giả ở Osaka vào tháng 3), còn Masatoshi Nagase vào vai huấn luyện viên sắt đá, ông từng đóng trong Mystery Train của Jim Jarmusch 25 năm trước.

My Man (Nhật Bản)

Đạo diễn Kazuyoshi Kumakiri bước vào mảng Lolita với bộ phim gây tranh cãi về một cô bé mồ côi bố mẹ sau cơn động đất và sóng thần, và người bố nuôi (là họ hàng xa) bắt đầu mối quan hệ tình dục khi cô bé đến tuổi dậy thì. Mối quan hệ ám ảnh của họ dẫn tới án mạng và tuyệt vọng, và một cái nhìn gai góc về ham muốn nhục dục. My Man thắng giải phim hay nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Tadanobu Asano, đóng vai Hogun trong loạt phim Thor) tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow vào tháng 6.

Roaring Currents (Hàn Quốc)

Khán giả Hàn Quốc đổ xô đến rạp xem bộ phim chiến tranh năm 1597 công phu này, nói về một vị đô đốc có thật đánh bại đội quân 300 chiến thuyền của quân xâm lược Nhật Bản với chỉ 12 chiếc thuyền. Bộ phim sử thi hùng tráng của đạo diễn Kim Han Min trở thành bộ phim được xem nhiều nhất ở Hàn Quốc, với hơn 17,6 triệu lượt xem (tương đương một phần ba dân số cả nước) và mang về 135,72 tỉ won (123,4 triệu USD) tại phòng vé, theo Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim có ngôi sao Choi Min Sik đóng vai chính, người cùng năm đó xuất hiện với vai gangster đem lại nhiều đau thương cho Scarlett Johansson trong Lucy hồi hè.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Wall Street Journal