Tin tức

Hiện tượng Chiến lang 2: Cả nước Trung Quốc đều xem phim này

15/08/2017

Kỷ lục phòng vé. Cháy vé ở rạp chiếu. Hoan hô vang dậy. Một phim hành động Trung Quốc đã chinh phục được trái tim của cả đất nước.

Chiến lang 2 / Wolf Warrior 2 qua mặt phim hài kỳ ảo The Mermaid của Châu Tinh Trì và đứng đầu bảng xếp hãng phòng vé mọi thời đại ở Trung Quốc, thu hơn 3,4 tỉ nhân dân tệ (khoảng 505 triệu đôla Mỹ).

Bảng quảng cáo phim Chiến lang 2 trước một rạp chiếu ở Trung Quốc

Phim làm ra hơn 423 triệu tệ chỉ trong một ngày chủ nhật, doanh thu nhiều thứ nhì do một phim làm ra trong một ngày ở Trung Quốc, theo sau The Fate of the Furious ở ngày trình chiếu thứ hai.

Chiến lang 2 kể chuyện chiến dịch của Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc ở khu vực bị chiến tranh tàn phá châu Phi do các phe nổi loạn và lính đánh thuê chiếm đóng.

Ước tính tổng doanh thu của bộ phim sẽ đạt 5,15 tỉ tệ, vượt kỷ lục phòng vé mọi thời đại trước đó hơn 1,7 tỉ tệ, theo Maoyan, trang dữ liệu phim lớn ở Trung Quốc.

"Máu tôi sôi lên hơn hai tiếng đồng hồ theo nghĩa đen, và tim tôi nện thình thịch vì tự hào," Vương Thu Thực, một cư dân ở Trường Xuân, tỉnh lỵ của tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, nói. "Để mua vé, tôi đã phải đi tới rạp xa nhất trong thành phố, vậy mà vẫn khó tìm được vé xem."

Người ta phải đặt vé trước vào ban đêm và những ngày trong tuần, Tôn Thái Dương, quản lý rạp Thường Dinh ở Trường Xuân, cho biết.

Khán giả xếp hàng mua vé xem Chiến lang 2

"Phim hiện chiếm đến 60% số suất chiếu tại Rạp Thường Dinh," ông Tôn nói. "Thiếu phim bom tấn trong tháng 7, nhưng Chiến lang 2 đã trở thành vị cứu tinh."

Tôn Thái Dương cho biết nhiều khán giả đã khóc trong lúc xem phim và đứng lên vỗ tay vang dậy cuối buổi chiếu.

Kháng Mộng Văn, một cư dân Bắc Kinh, nói rằng anh tưởng phim nội địa về những chủ đề như chiến tranh và lịch sử sẽ rất chán, nhưng Chiến lang 2 đã làm anh thực sự choáng váng.

"Tôi từng đi du học, và tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc cảm thấy được che chở ở xứ người là như thế nào," Kháng Mộng Văn nói. "Khi tôi nghe vị chỉ huy trong phim hô 'Bắn!,' tôi đã khóc vì cảm thấy đất nước tôi có thể bảo vệ chúng tôi khi chúng tôi lâm nguy."

Không phải lần đầu tiên phim nội địa về chủ nghĩa anh hùng thành công vang dội.

Người Trung Quốc cảm thấy Chiến lang 2 đem đến cho họ hình tượng những anh hùng nhiệt huyết, can đảm và chính trực, hết sức ấn tượng

Năm 2014, Trí thủ uy hổ sơn / The Taking of Tiger Mountain, bộ phim đề tài gián điệp thập niên 1940 của Trung Quốc, thu được 800 triệu tệ ở phòng vé. Năm ngoái, phim hành động Điệp vụ Tam giác vàng / Operation Mekong, dựa theo câu chuyện có thật của vụ Thảm sát trên sông Mekong, 13 thủy thủ Trung Quốc bị sát hại bởi các thành viên của đường dây vận chuyển ma túy Myanmar, lấy được 1,1 tỉ tệ ở phòng vé.

Chiến lang 2 một lần nữa chứng minh rằng phim chủ nghĩa anh hùng có tiềm năng phòng vé,” quản lý Tôn nói.

Nhiều người cho rằng bộ phim này xuất hiện giữa lúc có cảm giác xanh xao vàng vọt về "người hùng đích thực" trên phim Trung Quốc.

Một cư dân Bắc Kinh nói nhiều phim bây giờ đầy những "xiaoxianrou", tức "thịt tươi", từ lóng tiếng Trung chỉ ‘trai đẹp’ dưới 25, những người luôn thành công thương mại nhưng không hề được giới phê bình khen ngợi.

Khán giả đã khóc vì Chiến lang 2 cho họ thấy "đất nước tôi có thể bảo vệ chúng tôi khi chúng tôi lâm nguy"

"Chiến lang 2 nói về những anh hùng nhiệt huyết, can đảm và chính trực, hết sức ấn tượng," một người xem phim nói. "Chúng ta đâu có thiếu những câu chuyện hay về chủ nghĩa anh hùng; chúng ta chỉ cần có thêm những người có thể làm phim hay về những câu chuyện đó."

"Một điều ấn tượng về bộ phim này là những cảnh chiến đấu và mạo hiểm," theo Hoàng Hải Côn, tổng biên tập của tạp chí Movie View.

Nhiều diễn viên trong phim, kể cả Ngô Kinh, nam chính kiêm đạo diễn, bị thương khi tự đóng những cảnh nguy hiểm thay vì dựa vào người đóng thế và hiệu ứng. Đây không chỉ thách thức năng lực của diễn viên mà còn làm tăng đáng kể kinh phí làm phim.

"Đằng sau mỗi cảnh quay là rất nhiều công sức," Ngô Kinh nói. Sinh ra trong thập niên 1970, Ngô Kinh từng đoạt giải quốc gia về võ thuật trước khi chuyển sang đóng phim kung fu và hành động.

Nam diễn viên chính-đạo diễn Ngô Kinh xem lại cảnh quay trên trường quay Chiến lang 2

Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do đằng sau hiện tượng Chiến lang là sự trỗi dậy của công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Đến cuối tháng 5 năm nay, Trung Quốc có hơn 45.000 rạp chiếu khắp cả nước, trong khi Mỹ có 43.531.

"Chiến lang 2 được lợi từ số lượng rạp chiếu thương mại trong nước," Thạch Truyền thuộc Học viện Sân khấu Thượng Hải, nói. "Trung Quốc có số lượng phòng chiếu nhiều nhất thế giới, tạo nền tảng vững chắc cho những kỷ lục phòng vé mới."

Hè luôn là mùa bùng nổ cho ngành điện ảnh, vốn cũng góp phần vào thành công của bộ phim này, theo Thạch Truyền.

Chiến lang 2 cũng đồng thời phát hành ở Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia và Anh.

Theo nhà phát hành nước ngoài cho bộ phim, ở Malaysia Chiến lang 2 đã vượt The MermaidMonster Hunt trở thành phim nói tiếng Trung có doanh thu cao nhất tuần mở màn ở thị trường này. Ở Australia và New Zealand, phim đứng thứ nhì phòng vé chỉ chịu thua phần mới nhất của chuỗi phim Spiderman.

Chiến lang 2 một lần nữa chứng minh rằng phim chủ nghĩa anh hùng có tiềm năng phòng vé

Quản lý Tôn Thái Dương nói thành công của Chiến lang 2 không chỉ là ghi kỷ lục cao ở phòng vé, mà phim còn nhắc nhở nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc nên làm phim chất lượng hay thay vì những phim dở tệ dựa vào kinh phí lớn, diễn viên trai xinh gái đẹp và hiệu ứng đặc biệt.

Ông Tôn cho rằng, "Rất khó nói liệu thành công của Chiến lang 2 có được lặp lại không. Còn tùy vào việc các nhà làm phim có thể trở lại đúng đường làm phim chất lượng hay không."

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Tân Hoa xã