Tin tức

Hollywood còn làm ngơ tiềm lực tài chính của tiểu thuyết lãng mạn tới bao giờ?

12/05/2022

Tháng 3 năm nay, hai xuất phẩm có trọng tâm là tiểu thuyết lãng mạn đã thống trị khung cảnh văn hóa đại chúng.

Mùa hai của Bridgerton, ra mắt ngày 25 tháng 3 trên Netflix, đã chứng tỏ thành công vượt trội của mùa đầu không phải là ăn may, còn The Lost City là lời nhắc nhở đanh thép rằng phim hài-lãng mạn nguyên tác của hãng lớn vẫn có sức mạnh ở phòng vé.

Tháng 3 năm nay, hai xuất phẩm có trọng tâm là tiểu thuyết lãng mạn đã thống trị khung cảnh văn hóa đại chúng: Bridgerton (trái) và The Lost City

Nhiều người dự đoán mùa đầu đạt kỷ lục của Bridgerton nảy sinh từ nhu cầu thoát ly hiện thực một cách gợi cảm, xa hoa trong thời giãn cách (thêm cú hích từ sức mạnh của thương hiệu Shondaland). Ít người kể công tư liệu gốc là những tiểu thuyết lãng mạn ăn khách của Julia Quinn.

Liệu mùa 2 — phát hành trong thế giới đang nhích về một dạng bình thường mới — có khả năng thu hút được sự quan tâm như thế không? Đặc biệt khi mà không còn gương mặt đột phá Regé-Jean Page, giờ đang thử sức ở mảng điện ảnh? Nó có thể, và nó đã làm được: mùa hai của Bridgerton đạt kỷ lục chương trình truyền hình nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix vào cuối tuần ra mắt, và rồi phá kỷ lục cho chương trình nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trong vòng một tuần.

Có nhịp tình cảm tiến triển chậm và ít cảnh nóng hơn, mùa hai đưa ra một sự thay thế cho mùa đầu nóng bỏng, cho thấy tình ý nồng nàn — được gói gọn trong lời thoại quyến rũ đến nhức nhối, như “Em đày ải tâm hồn tôi và và hiện hữu trong từng ham muốn của tôi” — sẽ khiến khán giả đê mê, ngay cả khi được nói từ miệng những người vẫn còn nguyên y phục. Tóm lại, có một phiên bản của Bridgerton mà ai cũng xem được.

Bridgerton mùa 2 đưa ra một sự thay thế cho mùa đầu nóng bỏng, cho thấy tình ý nồng nàn — được gói gọn trong lời thoại quyến rũ đến nhức nhối — sẽ khiến khán giả đê mê, ngay cả khi được nói từ miệng những người vẫn còn nguyên y phục

Rồi có The Lost City, phim phiêu lưu-hài với nhân vật chính là tiểu thuyết gia lãng mạn Loretta Sage (Sandra Bullock) và người mẫu trang bìa cao lớn nhưng tối dạ Alan (Channing Tatum). Phim đứng đầu cuối tuần mở màn với 31 triệu USD doanh thu nội địa, đánh dấu mở màn kỷ lục trong đại dịch cho một phim nữ đóng chính. Trong tuần tiếp theo, nó chỉ tụt xuống thứ hai, chịu thua sức mạnh tài sản trí tuệ có sẵn của Morbius thuộc Sony và Marvel.

Từ khi The Lost City được công bố, người ta đã đưa ra những sự tương đồng giữa nó và Romancing the Stone, tác phẩm cơ sở cho phần lớn tác giả và độc giả dòng văn học lãng mạn đã trưởng thành vào hoặc sau năm 1984 khi phim ra mắt. (Chúng ta nên có nhãn dính viết ‘Hãy hỏi tôi về Joan Wilder’.)

Nhưng những người yêu thể loại lãng mạn đã gồng mình đón xem The Lost City — ban đầu có tựa ranh mãnh The Lost City of D — với sự cảnh giác. Chúng ta sợ nó sẽ chỉ đơn giản biến tiểu thuyết lãng mạn thành trò đùa, vẽ Loretta thành một người phụ nữ buồn và cô đơn (cô ấy đúng thế thật, nhưng bởi đang đau thương vì cái chết của chồng), và mệt mỏi liên hệ tới Fabio* (có một lần thôi, và ơn trời là nó hài hước thật). Nhờ phép màu nào đó, bộ phim né được những cái bẫy ấy và thay vì thế tôn vinh thể loại này.

Romancing the Stone

Khi phim pha trò, nó nháy mắt tinh nghịch, đưa ra những trò đùa dễ thương chứ không phải chế giễu, như khi châm biếm sở thích xé áo của Alan (cũng như việc người hâm mộ mê mẩn sở thích đó). Bộ phim khởi đầu với sự tán thành mạnh mẽ thể loại này, với nhà xuất bản của Loretta, Beth (Da’Vine Joy Randolph), đưa ra các số liệu thống kê về lượng doanh thu khổng lồ của dòng sách lãng mạn và tầm quan trọng của nó trong ngành xuất bản nói chung. “Romancelandia” (tạm dịch: Vương quốc Lãng mạn), biệt danh chung trên mạng dành cho những người viết tiểu thuyết lãng mạn và độc giả, có thể đắm chìm vào bộ phim, cảm nhận rằng họ sẽ được đối xử tử tế.

Ngay cả khi Loretta chất vấn giá trị của thể loại này, gọi những cuốn sách của cô là “rác rưởi”, bộ phim cũng không để yên cho lời chỉ trích. Alan phản đối cô, nói bất cứ thứ gì mang nhiều hạnh phúc đến cho mọi người như sách của cô thì không thể là rác rưởi. Làm ơn trưng chữ lãng mạn lên biển quảng cáo được không? Hay gửi email nhắc nhở mọi phòng ban phát triển ở Hollywood cũng được?

Thành công văn hóa và tài chính của những dự án như BridgertonThe Lost City cho thấy có cơn đói rõ ràng các tư liệu lấy cảm hứng từ tiểu thuyết lãng mạn, một trong những thể loại thành công nhất trong ngành xuất bản. Vậy sao Hollywood chưa mở mắt ra nhìn những trang giấy ngát hương hoa hồng này đi?

Sandra Bullock và Channing Tatum trong The Lost City

Năm ngoái, người ta đã lạc quan rằng thành công khủng của Bridgerton và cơn khát sau đó trên mạng sẽ trợ giúp cho dòng sách lãng mạn, kéo Hollywood đầu tư vào thể loại còn chưa được khám phá nhiều này. “Bridgerton có vẻ đã khơi lại nhiều sự hào hứng với thể loại này, và mọi người đang nhận ra có cơ hội làm ăn ở đây,” Jinny Howe, phó chủ tịch phim bộ tự sản xuất của Netflix, đã nói khi đó.

Những tác giả dòng lãng mạn như Rebekah Weatherspoon chỉ ra có “sự mất kết nối” kéo dài giữa các nhà điều hành Hollywood và các độc giả lãng mạn. (Một sự mất kết nối như thế: nghĩ rằng Nicholas Sparks viết truyện lãng mạn, trong khi sách của ông đúng hơn nên gọi là tiểu thuyết lãng mạn bi kịch, phá vỡ quy tắc bất di bất dịch duy nhất của thể loại là cái kết có hậu.)

Biên tập Erika Tsang của Nhà xuất bản Avon** cũng nhận thấy có tăng yêu cầu họp lấy thông tin từ các nhà sản xuất và nhà điều hành. Thật sự có một loạt các tiểu thuyết đã được cân nhắc lựa chọn trước và sau Bridgerton, gồm loạt truyện Cowboys of California của Weatherspoon, The Worst Best Man của Mia Sosa, A Princess in Theory của Alyssa Cole, The Kiss Quotient của Helen Hoang, Roomies and The UnHoneymooners của Christina Lauren, loạt truyện Hoops/All the King’s Men của Kennedy Ryan, và nhiều sách khác.

Ta đều biết Hollywood có thể chậm tiêu. Hình như cứ mỗi hai đến năm năm, nó phải học lại bài phụ nữ cũng là lực phòng vé mạnh mẽ

Nhưng một năm sau, hình như không dự án nào chui ra được khỏi địa ngục phát triển. Họ không công bố tin chọn diễn viên chứ đừng nói đến một ngày bắt đầu sản xuất. Và theo tin không chính thức, các tác giả và biên tập cũng nói điều tương tự: Điện thoại không đổ chuông.

Có cả nghìn tiểu thuyết lãng mạn ngoài kia chờ được chuyển thể thành một phim hài-lãng mạn mới được yêu thích nhất, một phim bộ cổ trang trực tuyến đáng cày liên tiếp, hoặc một triệu dự án kiểu khác. Có những cuốn sách đóng kèm sẵn lượng người hâm mộ cuồng nhiệt, những nhân vật được phát triển tốt, thế giới bên trong được xây dựng không sai sót, và những câu chuyện tình gây mê mẩn. Chết tiệt, đến nhà báo còn đã đi nghiên cứu, gom về rất nhiều những tựa hay nhất để các phòng ban phát triển dùng. Hollywood chỉ việc bỏ tiền vào mồm thôi.

Ta đều biết Hollywood có thể chậm tiêu. Hình như cứ mỗi hai đến năm năm, nó phải học lại bài phụ nữ cũng là lực phòng vé mạnh mẽ (ví dụ: Mamma Mia, Bridesmaids, vân vân). Nhưng với Bridgerton chứng tỏ bản thân hai lần (trong khi phim Shondaland khác của Netflix như Inventing Anna chẳng đến gần nổi con số đó), và với The Lost City kéo nhiều người ra khỏi nhà cho một phim nữ chính hơn bất cứ phim nào trong đại dịch, không đáng để hỏi tại sao à?

The Lost City, phim hài-lãng mạn nguyên tác kinh phí tầm trung ngày nay hiếm hơn cả kho báu cổ, chỉ kém doanh thu mở màn của Crazy Rich Asians năm 2018 (khi việc ra rạp chưa bị đại dịch ngáng chân) có 4 triệu USD

Một câu trả lời điển hình cho câu hỏi hóc búa này là phân biệt giới tính: Nội dung tập trung vào phụ nữ thường bị thể chế coi thường và bị loại bỏ. Đầy sự thật về điều đó, nhưng cuộc trò chuyện cần cân nhắc rằng người đọc và viết truyện lãng mạn không chỉ có phụ nữ dị tính mà thôi.

Cần gì để các nhà phát hành thấy được tiềm năng kể chuyện nằm trong kho sách lãng mạn phong phú? Sao không có hiệu ứng Bridgerton ngoài việc một loạt các tựa được cân nhắc, đa số sau đó chờ đợi héo hon trong giai đoạn phát triển? Hollywood thực sự thiếu trí tưởng tượng hay thiển cận vậy sao?

Bridgerton đã tạo ra không chỉ những con số lượt xem thành công khổng lồ, mà còn cả những dòng sản phẩm trang điểm, thương hiệu trà, trang phục Halloween, và toàn bộ một trải nghiệm nhập vai thời đại Regency để người hâm mộ có thể đóng chính trong các ảo tưởng đáng đăng Instagram. The Lost City, phim hài-lãng mạn nguyên tác kinh phí tầm trung ngày nay hiếm hơn cả kho báu cổ, chỉ kém doanh thu mở màn của Crazy Rich Asians năm 2018 (khi việc ra rạp chưa bị đại dịch ngáng chân) có 4 triệu USD.

Bridgerton đã tạo ra không chỉ những con số lượt xem thành công khổng lồ, mà còn cả những dòng sản phẩm trang điểm, thương hiệu trà, trang phục Halloween, và toàn bộ một trải nghiệm nhập vai thời đại Regency để người hâm mộ có thể đóng chính trong các ảo tưởng đáng đăng Instagram

Ngành xuất bản dòng sách lãng mạn có thể là một nguồn tiền cho Hollywood đại chúng. Bằng chứng có ngay trước mắt chúng ta rồi. Hollywood chỉ cần mở sổ séc ra rồi làm khán giả mê mệt thôi.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Entertainment Weekly


* Fabio Lanzoni, người mẫu chuyên chụp ảnh bìa tiểu thuyết lãng mạn thời 80-90, có mái tóc vàng dài (giống hình ảnh người mẫu của Channing Tatum trong phim)
** Avon Publications là một trong những nhà xuất bản hàng đầu của Mỹ chuyên về tiểu thuyết lãng mạn.