Tin tức

Hollywood phải xét lại truyền thuyết về tay súng cô độc

16/08/2012

Có một người đàn ông sống cô lập với xã hội, tự mình giải quyết những con người sống ngoài vòng công lý, đưa ra những sự trừng phạt tàn nhẫn và không thể thoát nổi đối với những người chỉ anh biết xứng đáng với nó. Đây là truyền thuyết bao lâu nay của xã hội Mỹ.

Giờ đây, nó đã trở thành vấn đề rất thật trong xã hội hiện đại.

Đây là một truyền thuyết trở thành hiện thực, khi một tay súng một mình bước vào một rạp chiếu phim ở Colorado, giết chết 12 người. Đây là một kẻ cô lập với kế hoạch trừng phạt được vạch lên từ trước. Hắn tin rằng hành động bạo lực này là câu trả lời duy nhất cho những câu hỏi trong đầu.

Có những người sẽ cho rằng tay súng này không phải đang đi tìm công lý, mà chỉ là một kẻ có vấn đề tâm thần muốn tạo ra hỗn loạn. Họ cho rằng giữa hai loại người này là một sự khác biệt rất lớn. Nhưng có thật thể không?

Dù tay súng Colorado tự gọi bản thân là Joker, hắn cũng hoàn toàn đã có thể tự xưng là Hiệp sĩ bóng đêm. Hay tự xưng mình là bất cứ nhân vật anh hùng nào nhân danh pháp luật hành động một mình từng xuất hiện trong trí tưởng tượng của người Mỹ.

Vì hắn không khác gì họ là mấy, chỉ là một mặt khác của họ, một ảnh phản chiếu qua một tấm gương đen tối hơn.

Clint Eastwood trong phim Dirty Harry [Ảnh: Warner Bros. Entertainment]

Không có gì biện hộ được cho tay súng Colorado. Những điều hắn làm là hèn nhát, mất tính người và không thể tha thứ. Nhưng dù hắn sẽ phải trả giá, những hành động này nên là hồi chuông báo động về hình ảnh tay súng hoạt động một mình trong văn hóa đại chúng và tại sao chúng ta lại ví con người đó như một truyền thuyết.

Tất nhiên, có sự khác biệt giữa một kẻ trả thù có nguyên tắc và một tên giết người máu lạnh, và những hành động này có từng cấp bậc khác nhau: từ tự vệ, đến trả thù, đến trị an, rồi đến giết người vô nghĩa. Nhưng ranh giới giữa từng cấp bậc này khá không rõ ràng và không phải ai cũng phân biệt được chúng.

Hơn nữa, văn hóa đại chúng của xã hội Mỹ chỉ làm nó trở nên mờ mịt hơn nữa.

Từ những câu chuyện cao bồi đầu tiên, đã có truyền thuyết về những anh hùng có khả năng giết người, nhấn mạnh mục tiêu cao thượng của họ, không màng tới việc họ sống cô lập với toàn xã hội, và ví họ gần như những vị thánh không thể bị đánh bại.

Charles Bronson trong một cảnh từ phim Death Wish 3, 1986 [Ảnh: Gustav Unger/EPA]

Hãy xem ví dụ là Dirty Harry do Clint Eastwood thủ vai. Nhân vật này đã đánh bại và giết hàng tá con người trong năm bộ phim – nhưng người nào cũng là tội phạm. Paul Kersey do Charles Bronson đóng cũng giết còn nhiều người hơn nữa trong năm phần phim Death Wish nhưng không giết người vô tội.

Cả những nữ diễn viên như Jodie Foster cũng đã từng muốn đóng góp thêm cho truyền thuyết này với nhân vật nữ, như với phim The Brave One. Foster tất nhiên không động tới người vô tội, nhưng cách giết của nhân vật vẫn nhanh chóng và không thể nào thoát khỏi.

Và Hollywood sẽ cho rằng, đó là sự khác biệt giữa anh hùng và tội phạm. Những nhân vật anh hùng trong phim sẽ không làm hại người vô tội. Họ sẽ chỉ hoạt động tự vệ, và khi thay công lý hoạt động, họ sẽ chỉ ra tay với những người đáng bị trừng phạt.

Họ là kết quả của truyền thống những cao bồi thật thà, bảo vệ người vô tội và trừng trị những kẻ phạm tội. Như nhân vật John Wayne trong The Shootist nói, "Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ giết người không đáng giết."

John Wayne, trái, cùng James Stewart trong một cảnh từ phim The Shootist năm 1976 [Ảnh: AP/File photo]

Nhưng ai có quyền đánh giá thế nào là vô tội? Ai có quyền đánh giá ai đáng là mục tiêu? Và sau khi trừ khử được những kẻ phạm tội rồi thì sao?

Đó là những câu hỏi quan trọng, nhưng bước ra khỏi câu chuyện, không ai ngoài đời tự hỏi những vấn đề như thế. Ngoài đời, để một tay súng đưa ra lý do cho sự đúng đắn của những gì mình làm là quá dễ dàng,họ hoàn toàn có thể đưa ra những minh chứng cho sự dũng cảm trong hành động của mình. Không chỉ ở Aurora, mà ở Virginia Tech, Fort Hood, Tucson đều thế. Khi đã đặt ra mệnh đề đó – rằng họ và chỉ họ có quyền mang lại trật tự và công lý bằng bất cứ giá nào – thì chúng ta đang mất đi sự kiếm soát đối với vấn đề này.

Vì kẻ cô lập cầm súng kia không phải lúc nào cũng là người đứng đắn đi trả thù cho công lý.

Tìm mục tiêu

Thỉnh thoảng (như trong phim hài đen tối God Bless America) tay súng này chỉ muốn trả thù một kẻ đã từng làm hắn phật lòng. Hay cũng có thể hắn đi tìm một mục tiêu, bất cứ mục tiêu nào, để khỏi phải nghĩ tới những nỗi đau đang sống trong một thế giới đen tối trong đầu.

Taxi Driver của Martin Scorsese hiểu điều này từ cách đây 30 năm. Trong phim, Travis Bickle — một cựu sĩ quan hải quân với bệnh mất ngủ và chứng rối loạn do căng thẳng sau chấn thương – đã đi mua một bộ súng. Hắn chọn ra một mục tiêu ban đầu – một ứng viên tranh cử tổng thống.

Nhưng khi kế hoạch giết người không thành công, Travis chạy trốn. Trong người còn hừng hực sát khí và trong tay có cả một nắm đạn, hắn tìm tới một ổ những kẻ mai mối mại dâm và xã hội đen rồi bắn chết hết tất cả.

Nhân vật này được tung hô là anh hùng, vì, tất nhiên, những kẻ bị giết đều là những vết nhơ bẩn của xã hội. Nhưng nếu mục tiêu đầu tiên thành công, hắn sẽ trở thành một tội phạm và một là đi tù, hai là bị tống vào trại thương điên.

Robert De Niro trong vai Travis Bickle trong phim Taxi Driver (1976)
của đạo diễn Martin Scorses
[Ảnh: Columbia Pictures]

Nhưng mục tiêu của hai hành động này đều giống nhau. Bản chất của hai hành động đều giống nhau vì chúng không hề có lý do chính đáng nào. Và chính bản thân Travis Bickle — bất kể người ta tung hô những gì — cũng vẫn chỉ là người như thế, một kẻ cô lập cầm súng nguy hiểm. Chỉ khác là, lần này hắn chọn đúng mục tiêu.

Travis may mắn, nhưng chúng ta cũng may mắn.

Có một sự mỉa mai cay đắng là bộ phim thiểu số khai thác sự lý tưởng hóa kẻ báo thù trong văn hóa Mỹ lại nổi tiếng hơn với những hành động của một nhân vật phản diện khác, John Hinckley. Nhưng nói gì thì nói, Taxi Driver vẫn là một bộ phim vạch mặt anh hùng được ưu ái trong trái tim văn hóa Mỹ.

Đây là một con người cô độc. Không ai có thể đối mặt với những kẻ làm hắn khó chịu trừ hắn. Hắn cầm súng và lên đường đi tìm công lý – bất kể công lý đó có thật hay không.

Vị anh hùng kia cũng chưa bao giờ có thật.

Cẩn thận với kẻ cô lập

Nước Mỹ có thể là một quốc gia nhiều bạo lực, nhưng đây không phải là một quốc gia của những kẻ cô lập. Đất nước này chưa làm bất cứ điều gì mà không phải như một tập thể – từ tuyên ngôn độc lập tới đánh bại Đức Quốc xã. Từ viết luật, xây dựng đất nước, bước vào Berlin – tất cả đều là một tập thể.

Vì trong những thời khắc quan trọng như thế, con người luôn cần hành động cùng nhau. “Nhiều người hợp một” không chỉ là một khẩu hiệu lâu năm, mà còn là bí quyết, phép màu trong một quốc gia với nhiều nhóm người,dân tộc đa dạng có thể hợp sức hướng tới một mục tiêu chung.

Cả những truyện tranh cũng từng phản ánh sự đồng tâm hợp sức này. The Avengers là một nhóm siêu anh hùng hợp sức đối mặt với một mối đe dọa chung. Hay cuối phim The Amazing Spider-Man, những công nhân khắp Manhattan cũng hợp sức giúp Peter Parker.

Sự đoàn kết đó mới chính là sức mạnh.

Christian Bale thể hiện vai Người Dơi trong The Dark Knight Rises [Ảnh: Warner Bros. Pictures]

Và nếu nước Mỹ có một điểm yếu, đó là văn hóa đại chúng nhiều khi tôn vinh con người cô lập và hận thù kia nhiều hơn. Văn hóa đại chúng Mỹ cho rằng kẻ đó đặc biệt, hay đáng được đối xử đặc biệt, vừa từ đó biến hắn trở thành anh hùng, lãng mạn hóa hình ảnh đó.

Đến khi mục tiêu của hắn thay đổi.

Đến khi hắn chĩa súng về phía chúng ta.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi