Tin tức

Bạo lực súng đạn bùng nổ trong phim PG-13

14/01/2014

Một nghiên cứu mới cho thấy "bạo lực tăng đáng kể" trong những phim xếp loại PG-13 mới nhất khi so với phim loại R, với mức độ bạo lực súng ống tăng gấp ba từ năm 1985.

Khi phần đầu tiên của Die HardTerminator đáp xuống các rạp chiếu phim vào thập niên 80, cả hai đều bị xếp loại R. Nhưng những phần tiếp theo lại xuất hiện với dấu PG-13 — kể cả khi mức độ bạo lực tăng vọt.

Các nhà phê bình đã chỉ trích hệ thống phân loại phim của Hollywood từ nhiều năm nay, cho rằng Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ có cái nhìn rất khắt khe về tình dục hoặc ngôn từ tục tĩu nhưng lại dễ dãi với máu me bạo lực.

Một báo cáo mới đưa ra những chứng cứ đanh thép cho lời chỉ trích đó, kết luận rằng việc sử dụng súng đã tăng gấp ba lần trong phim PG-13 kể từ năm 1985, trọn năm đầu tiên xếp loại này được sử dụng. Năm ngoái, phim xếp loại PG-13 thực tế còn bạo lực hơn cả phim gắn mác R.

"Chúng tôi hoàn toàn sửng sốt," Brad Bushman, giáo sư Đại học Ohio, đồng tác giả báo cáo được đăng ngày 11/11/2013 trên Pediatrics, tạp chí của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, cho biết. "Trang web của MPAA nói rõ phim xếp loại R có nội dung bạo lực hơn. Nhưng phim PG-13 ngày nay còn bạo lực hơn nữa."

MPAA từ chối bình luận. Trong quá khứ hiệp hội đã bảo vệ hệ thống phân loại của mình, được che giấu trong vòng bí mật và do phụ huynh và giới chức tôn giáo đánh giá, dẫn ra những khảo sát chứng minh sự nổi tiếng và hữu ích của hệ thống này.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng 94% các bộ phim đạt doanh thu cao nhất từ năm 1985 đều có một hoặc hơn những cảnh bạo lực. Trong 396 phim, việc sử dụng súng đã tăng gấp ba lần trong xếp loại PG-13, trong khi tỷ lệ này giữ nguyên hoặc giảm trong xếp loại G, PG và R.

Bổ sung cho việc xác định mức độ bạo lực trong các phim bom tấn nhắm đến đối tượng trẻ em và vị thành niên, báo cáo còn chỉ ra ảnh hưởng của kiểu đổ máu trên phim này có thể gây ra cho khán giả trẻ, cùng một số điều tra khác đã chứng minh có thể làm tăng hành vi bạo lực.

"Sự xuất hiện của súng ống trên phim trao cho người trẻ kịch bản sử dụng súng," báo cáo viết. "Thêm nữa, trẻ em giờ không cần đến rạp để coi phim nữa; phim có sẵn trên mạng hoặc truyền hình cáp rồi. Vì thế, trẻ em dưới 13 tuổi có thể dễ dàng xem phim đầy rẫy bạo lực súng đạn.

Một số nhà làm phim hoài nghi về việc chứng thực mối liên hệ trực tiếp giữa bạo lực trên phim ảnh và hành vi thô bạo.

"Phim Mỹ luôn khá bạo lực. Dù vậy điều đó có chuyển thành bạo lực trong xã hội không thì tôi không biết,” Gus Van Sant, đạo diễn của Elephant, một phim nói về vụ xả súng chết người ở trường trung học.

Gạt hệ thống phân loại của MPAA sang bên, Van Sant cho biết tác phẩm của mình có vai trò ngăn cản bạo lực. "Tôi cũng có cảm nhận cá nhân, và nỗi sợ, vì mình đang dựng nên một cảnh phim có thể góp phần bạo lực vào thế giới, và điều này ảnh hưởng đến cách tôi thực hiện một bộ phim."

Nghiên cứu này theo sau một báo cáo hồi tháng 2 của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, được Quốc hội Mỹ yêu cầu đánh giá mức độ bạo lực của truyền thông sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut.

Bushman và nhà nghiên cứu Daniel Romer của Trung tâm Chính sách công Annenberg thuộc trường đại học Pennsylvania thấy rằng họ cần phải xem xét kỹ hơn bạo lực súng ống trong phim ảnh, điều tra xem những cảnh đó thể hiện trong các phim được đánh giá cụ thể như thế nào. Họ khảo sát 945 phim đạt doanh thu cao nhất từ năm 1950 đến 2012, mà các nhân viên giải mã xác định được 17.695 cảnh bạo lực. Những cảnh có sử dụng súng được gắn nhãn riêng.

Đến năm 2009, nghiên cứu nhận thấy theo thống kê mức độ bạo lực súng ống ở thể loại PG-13 bằng với phim xếp loại R; năm 2012, phim PG-13 còn đẫm máu hơn những phim được đánh giá khắt khe hơn.

Các nhà nghiên cứu xác định được một số phim PG-13 nổi bật vì có mức độ bạo lực súng đạn cao, bao gồm Inception, Transformers: Dark of the Moon, Mission: Impossible — Ghost Protocol. Một trong những phim bạo lực nhất được kiểm nghiệm là The Dark Knight, với 23 phân đoạn bạo lực, trong đó 13 đoạn có súng.

MPAA thông qua xếp loại PG-13 năm 1984, hiện tại được dùng cho những phim chứa “một số nội dung có thể không phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi," sau những lo ngại rằng phim xếp loại PG quá nặng nề với người xem nhỏ tuổi. Nhưng cuộc tranh luận về việc áp dụng xếp loại này vẫn còn tiếp diễn.

Các nhà làm phim lâu nay vẫn than phiền rằng xếp loại R thường được gắn cho những phim có cảnh khỏa thân thoáng qua hoặc hơn một lần sử dụng ngôn từ tục tĩu, trong đó có cả những phim cao quý như The King's Speech, Bully và phim tâm lý Philomena Judi Dench.

Nhưng những phim hành động có hàng ngàn người chết như Man of Steel hè vừa qua lại nhận được mác PG-13 ít khắt khe hơn, điều này khiến lượng khán giả tiềm năng tăng mạnh vì cho phép trẻ vị thành niên và trẻ em xem mà không cần người lớn đi cùng.

Các nhà làm phim nói suốt những năm qua, quá trình khiến cho một phim được xếp thấp xuống thành PG-13 có vẻ càng ngày càng dễ dàng hơn.

"Những năm trước tôi có thể nhớ lại nhiều cuộc đấu tranh với ủy ban xếp loại khi đi về, cắt lại phim rồi lại đi về," nhà sản xuất John Davis nói, phim ly kỳ Chronicle (2012) của ông được gắn mác PG-13 vì “hành động và bạo lực mạnh, chủ đề đặc biệt, một số ngôn từ thô tục, nội dung tình dục và uống rượu bia ở trẻ vị thành niên.” "Kinh nghiệm gần đây của tôi là ta biết mình đang bắt đầu dấn thân vào cái gì."

Dù ông nói một phần của điều này có lẽ mang chức năng “giao tiếp rõ ràng hơn” giữa nhà làm phim và MPAA, ông vẫn nhấn mạnh cần thay đổi chuẩn mực văn hóa và giữa những người chịu trách nhiệm điều chỉnh ngành giải trí. “Nhìn lên truyền hình và bạn thấy gì," Davis nói. "Mọi thứ đã thay đổi khi nhắc đến những gì được phát sóng.”

Một phần sự gia tăng của bạo lực trong phim PG-13 có lẽ còn là trách nhiệm của nền kinh tế. Khi mà các hãng phim từng sẵn sàng để cho một phim bom tấn hè hoặc mùa nghỉ lễ phát hành với mác R, phí sản xuất càng cao đồng nghĩa với việc họ không thể hạn chế lượng khán giả tiềm năng. Vì thế các hãng phim kỳ kèo cho tới khi phim của họ vừa khớp với mác PG-13, kể cả nếu chuẩn càng ngày càng nới lỏng.

Fast & Furious 6

Ba phim đạt doanh thu cao nhất năm 2013 — Iron Man 3, Man of Steel Fast & Furious 6 — đều xếp loại PG-13. Chỉ một phim hành động hè gắn mác R duy nhất (The Matrix Reloaded) vượt ngưỡng 200 triệu USD ở phòng vé trong nước.

"Bạo lực đang gia tăng trong phim PG-13, nhưng tình dục và ngôn từ tục tĩu cũng vậy," Aris Christofides, biên tập viên trang Kids-in-mind.com, một trang xếp loại phim độc lập, nhấn mạnh. Nhưng MPAA không định thay đổi. MPAA không phải là tổ chức độc lập nhưng được ngành công nghiệp điện ảnh hỗ trợ tài chính và điều khiển, đó là lý do các chuẩn mực thường thay đổi liên tục để phù hợp với các quyết định quảng bá của ngành, chứ không phải của người xem."

Bushman đề xuất Mỹ nên học theo hình mẫu xếp loại của châu Âu, được các chuyên gia phát triển trẻ em quyết định, chứ không phải những người đánh giá không chuyên do MPAA tuyển. Các quốc gia châu Âu còn áp dụng các nhãn nhất quán từ phim ảnh đến chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, chứ không giống món súp chữ cái từ PG-13, TV-Y7-FV (cho truyền hình) đến E 10+ (trò chơi điện tử) ở .

"Hệ thống phân loại của Mỹ," ông nói, "hoàn toàn biến chất rồi."

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi