Tin tức

In Search of Lost Time: Những đứa trẻ mồ côi tìm được gia đình trên thảo nguyên Nội Mông

25/10/2022

Ngay cả với một nhà ngôn ngữ học có năng khiếu, đọc hiểu kịch bản phim bằng một ngôn ngữ khác trong hai tuần là nhiệm vụ dường như bất khả thi.

Tuy nhiên, nữ diễn viên Mã Tô đã đồng ý với thử thách như vậy không chút do dự khi nhận được lời mời từ Nhĩ Đông Thăng, đạo diễn Hồng Kông uy tín đang tìm kiếm nữ chính cho bộ phim của ông, In Search of Lost Time

Mã Tô (phải) trong vai Tát Nhân Na bên con gái nuôi do diễn viên nhí La Ý Thuần đóng

Dựa trên những câu chuyện có thật, bộ phim được phát hành ở Trung Quốc vào đầu tháng 9, kể lại một chương đau lòng về lịch sử sơ khai của Trung Quốc Mới: Hàng nghìn trẻ em suy dinh dưỡng từ các trại trẻ mồ côi ở Thượng Hải và các tỉnh phía nam được những người chăn nuôi du mục ở khu tự trị Nội Mông nhận nuôi từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960.

Trong thời điểm cực kỳ khắc nghiệt này khi hầu hết các khu vực phía nam của Trung Quốc bị hạn hán kéo dài và thiếu lương thực trầm trọng, nhiều bậc cha mẹ chết đói, phần lớn đến từ các tỉnh Chiết Giang, An Huy và Giang Tô, bỏ con cái — một số còn là trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi — vào các trại trẻ mồ côi ở Thượng Hải, hy vọng thành phố lớn sẽ cung cấp cho các em cơ hội sống sót cao hơn.

Tuy nhiên, Thượng Hải cũng đang bị thiếu lương thực. Theo chỉ thị của lãnh đạo Chu Ân Lai lúc bấy giờ cho Ulanfu, lúc đó là Chủ tịch Nội Mông, những đứa trẻ này đã đi tàu hỏa lên phía bắc đến Nội Mông, nơi đồng cỏ rộng lớn của khu vực đảm bảo nguồn cung cấp dinh dưỡng, chẳng hạn như thịt cừu và sữa.

Hàng nghìn trẻ em suy dinh dưỡng từ các trại trẻ mồ côi ở Thượng Hải và các tỉnh phía nam được những người chăn nuôi du mục ở khu tự trị Nội Mông nhận nuôi từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960

Đối với Mã Tô, nữ diễn viên kỳ cựu đến từ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, cô đã biết đôi chút về câu chuyện lịch sử này từ một số phim điện ảnh và truyền hình trước đó, chẳng hạn The Silent Aimin River (2000) và Mother (2010).

Sau khi xác định và chấp nhận đóng vai một bà mẹ dân tộc Mông Cổ trong phim, cô nhanh chóng bắt đầu thu thập thêm thông tin chi tiết từ internet và các tài liệu xuất bản, bên cạnh việc học tiếng Mông Cổ, vì cô được yêu cầu phải thành thạo hơn 100 câu thoại của mình trong hai tuần.

“Tôi đã đọc một cuốn sách về những đứa trẻ mồ côi Thượng Hải được gửi đến sống với cha mẹ nuôi ở Nội Mông. Hầu hết các câu chuyện đều rất cảm động. Tôi vẫn nhớ chuyện một phụ nữ chăn gia súc đã sống rất tằn tiện để nuôi dạy sáu đứa con nuôi từ miền nam, và một gia đình nhận con nuôi đã ròng rã kiên trì tìm kiếm dịch vụ y tế tốt nhất hiện có để chữa bệnh cho con trai nuôi của họ,” Mã Tô kể.

Tát Nhân Na đã dành tình thương vị tha hàn gắn trái tim tổn thương của cô bé

Ngoài ra còn có sự tham gia của nam diễn viên Trần Bảo Quốc và ca sĩ kiêm diễn viên người dân tộc Mông Cổ Ayanga, bộ phim dài 124 phút mở đầu với hai cốt truyện song song lần lượt được đặt trong thời gian gần đây và cuối những năm 1950. Trần Bảo Quốc vào vai Đỗ Tư Hãn, làm ve chai đã nghỉ hưu đến Nội Mông để tìm kiếm em gái thất lạc, bị bỏ lại trong trại trẻ mồ côi Thượng Hải, như một hành trình chuộc lỗi để chữa lành nỗi thống khổ kéo dài hàng thập kỷ của gia đình.

Đan xen với những đoạn hồi tưởng, câu chuyện tiết lộ quá khứ cay đắng nhưng cảm động, kể về việc em gái anh được người mẹ dân tộc Mông Cổ — do nữ diễn viên Mã Tô thủ vai — nhận nuôi, đã dành tình thương vị tha hàn gắn trái tim tổn thương của cô bé.

Để thể hiện rõ hơn vai diễn của mình, lần đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất kéo dài hai thập kỷ khi cô nói tiếng Mông Cổ trong suốt một bộ phim, Mã Tô đã đến Thảo nguyên Ulgai ở phía đông bắc Tích Lâm Quách Lặc vào cuối tháng 5 năm ngoái, học tiếng Mông Cổ và phong tục từ các gia đình chăn thả gia súc trong vòng bốn tháng trước khi phim khởi quay.

Mã Tô đã đến Thảo nguyên Ulgai ở phía đông bắc Tích Lâm Quách Lặc vào cuối tháng 5 năm ngoái, học tiếng Mông Cổ và phong tục từ các gia đình chăn thả gia súc trong vòng bốn tháng trước khi phim khởi quay

“Tôi được biết rằng người Mông Cổ thờ thần lửa, vì vậy họ không bao giờ ngủ với chân hướng về phía bếp lò. Ngoài ra, họ đãi khách bằng thịt cừu đã cắt sẵn nhưng sẽ để dao hướng về phía mình,” Ma kể lại.

Việc quay phim cũng đã tạo nên kỷ niệm đẹp với thảo nguyên rộng lớn và bầu trời trong xanh, cũng như những đàn gia súc và đàn cừu, một khung cảnh xua tan sự hối hả ồn ào của cuộc sống đô thị căng thẳng.

“Chúng tôi thường phải lái xe khoảng nửa giờ từ hộ này sang hộ khác. Cuộc sống yên bình ở đồng cỏ khiến mọi người cởi mở và hòa nhập hơn, do đó cũng khiến tôi nghĩ đó có lẽ là lý do tại sao các gia đình chăn nuôi đã quên mình nuôi dưỡng những đứa trẻ từ miền nam,” cô nói.

Việc quay phim cũng đã tạo nên kỷ niệm đẹp với thảo nguyên rộng lớn và bầu trời trong xanh

Nhiều người xem trẻ em và động vật là những chủ đề khó quay. Phim có sự tham gia của sói, ngựa, cừu và hàng trăm trẻ nhỏ, gồm cả một số trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Họ đã trở thành những “ngôi sao” lớn nhất, và dàn diễn viên cũng như các thành viên trong đoàn kiên nhẫn chờ đợi họ nhập tâm vào đúng khung hình của việc quay phim.

“Hễ một đứa trẻ bắt đầu khóc, cảm xúc đó sẽ nhanh chóng lan truyền. Thú vị thay, tôi nhớ rằng hầu hết thời gian chúng tôi phải ôm và dỗ dành trẻ nhỏ,” Mã Tô nhớ lại.

Được huấn luyện hoặc thuần hóa kỹ hơn một chút, những con ngựa từ Bắc Kinh chuyển tới, và đàn sói là hậu duệ của những “diễn viên” động vật nổi tiếng trong bộ phim bom tấn năm 2015 Wolf Totem của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud, kể về một thanh niên Bắc Kinh có học thức mê đồng cỏ chó sói vào cuối những năm 1960.

Đàn sói là hậu duệ của những “diễn viên” động vật nổi tiếng trong bộ phim bom tấn năm 2015 Wolf Totem của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud

Đầu năm nay, bộ phim đã được chọn mở màn Liên hoan phim Quốc thế Bắc Kinh lần thứ 12, hiện đang đạt 7,2/10 điểm bình chọn yêu thích trên trang Douban. Bộ phim đã kéo dài lịch chiếu rạp tới ngày 29/10, dài hơn lịch dự kiến khoảng 20 ngày.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily