>> Kỳ 2: Kỷ nguyên Top Gun
>> Kỳ 3: Tiếp thị điện ảnh lên ngôi và đối tượng khán giả được định đoạt là "những người không chịu lớn"
>> Kỳ cuối: Liệu khán giả có từ bỏ rạp phim để chờ bản DVD?
Đúng vậy, điện ảnh Hollywood không khá lên ngay được đâu. Dưới đây là bài viết của Mark Harris trên tạp chí Gentlemen Quarterly (GQ) số tháng 2/2011 về (khả năng) cái chết của loại hình nghệ thuật vĩ đại này của Mỹ.*
Nếu bạn muốn biết lúc này Hollywood làm ăn tệ hại ra sao — bầu không khí
ở đó ngột ngạt, thiếu sinh khí, và thận trọng thế nào, một ý tưởng hay
ho mới mẻ bị bỏ bê không được nuôi dưỡng và bị hờ hững làm sao, và chân
trời đó giờ đây dường như chẳng còn khát vọng — thì hãy bắt đầu bằng một
câu chuyện thành công.
Nghĩ mà xem: mấy năm trước, một nhà làm
phim hàng đỉnh, tình cờ đạo diễn bộ phim có doanh thu cao đứng hàng thứ
ba trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ, The Dark Knight, nảy ra ý
tưởng cho một cuốn phim bom tấn mùa hè. Đó là một câu chuyện ông thích —
nói đúng hơn, ông tự viết câu chuyện đó — và nó thuộc về một thể loại
trúng phóc khẩu vị đại chúng Mỹ: hình sự hành động giả tưởng. Ông chọn
một diễn viên đẹp trai vào vai nam chính cho phim của ông, Leonardo
DiCaprio, tình cờ anh này đã đóng chính trong bộ phim có doanh thu cao
thứ nhì lịch sử. Sau hết, để đảm bảo hơn cho đặt cược của mình, ông đạo
diễn đó thuê nửa tá diễn viên từng được đề cử và thắng giải Oscar vào
những vai phụ.
Nghe thật chắc ăn phải không? Chính xác đây là
loại phim mà hãng phim thì chết thèm được có còn khán giả thì chết cũng
xem? À, đúng vậy. Bộ phim đó, Inception của Christopher Nolan,
đã nhận được những lời bình luận thán phục, trở thành bộ phim được bàn
tán nhiều nhất mùa hè năm ngoái, và thu về doanh thu vé toàn cầu, đến
thời điểm bài viết này, hơn ba phần tư của một tỉ đôla.
Và giờ
mới là điều trớ trêu đây: Các hãng phim đang rất nỗ lực để không chú ý
tới thành công của bộ phim này, hay là không quan tâm. Trước lúc có ai
xem bộ phim đó, thì giới trong nghề xì xào: Warner Bros. ưu ái Nolan thôi vì hãng phim đang cần ông ta làm Batman 3. Sau khi phim công chiếu, lời ong tiếng ve liền thay đổi: Phim quá trí tuệ với khán giả. Ngay trước khi phim ra rạp đại trà, điều tiếng này lại đổi: Nolan chỉ là một đạo diễn có thương hiệu với mấy tay lập dị, và sức thu hút của ông ta đang được thổi phồng. Sau khi phim thu được 62 triệu đôla vào tuần lễ đầu tiên công chiếu, người ta lại nói: Ờ, cũng hay đó, nhưng chẳng qua là nhờ đám “fan” của Nolan thôi — giờ thì nhìn phim rớt như diều đứt giây nhé.
Còn đây là lời xì xầm ba tháng sau đó, sau khi Inception trở thành phim duy nhất phát hành trong năm 2010 có mặt trong danh sách 10 phim có doanh thu cao nhất suốt 11 tuần liên tục: Hừ. Ai mà ngờ chứ.
"Hừ. Ai mà ngờ chứ" là một lời thú nhận, một cách đơn giản, rằng sự việc không hề tệ đi chút nào.
Bao
giờ chẳng nhụt chí khi phim hay mà lại rớt đài; việc này sẽ gửi một
niềm an ủi vô tận đến những ai thà không phải cố gắng làm ra những phim
đó và có thể mừng rơn nấp sau một lá chắn gắn nhãn "Đã bảo rồi." Nhưng
thực sự là tin tồi tệ khi ngành điện ảnh bác bỏ một thành công, khi một
bộ phim lẽ đã làm cho sự mạo hiểm dành cho những dự án đam mê tăng lên
gấp bội thì lại bị đón chào như một thứ dị thường không thể giải đáp.
Kiểu tư duy đó là lý do vì sao điện ảnh Hollywood ở vào mức thấp nhất
mọi thời đại — không có ý nói tới một số ít ỏi phim thực sự hay chưa
từng có (năm ngoái đã có phần, và năm 2011 này cũng sẽ có) mà chỉ là
muốn nói rằng chưa có lúc nào khó hơn lúc này cho một phim trí tuệ với
kinh phí khiêm tốn nhắm vào khán giả trưởng thành. "Điều này đúng với
mọi hãng phim," nhà sản xuất Dan Jinks, người mà bảng thành tích có hai
giải Oscar cho American Beauty và Milk, nói. "Ai nấy
đều cắt giảm không chỉ những phim 'đáng đoạt Oscar', mà cả phim chính
kịch, lịch sử. Sự thận trọng khiến họ lùi lại. Tư duy này tiêm nhiễm
trong toàn ngành điện ảnh."
Với các hãng phim, một ý tưởng hay ho mới mẻ chỉ là con đường quá đáng sợ không thể đi được. Họ sẽ bảo bạn rằng Inception
là một ngoại lệ. Và điện ảnh mà lại cần tới ngoại lệ mới thành công thì
là làm ăn tồi. "Cái chứng bệnh mà bạn đang chế giễu có tên gọi là sức
mê hoặc," nhà sản xuất huyền thoại Scott Rudin (The Social Network, True Grit)
nói. "Các hãng phim bị lập trình để không đặt cược vào sức mê hoặc, và
điều kinh khủng là họ đúng. Vì nói tới sức mê hoặc thì hầu hết các phim
đều không thỏa."
Với ý niệm đó trong đầu, hãy xem trước xem thực
đơn năm nay có gì nào: bốn phim chuyển thể truyện tranh. Một tiền truyện
của một phim chuyển thể truyện tranh. Một phim tiếp theo một phần tiếp
theo trước đó của một bộ phim dựa trên đồ chơi. Một phim tiếp theo một
phần tiếp theo trước đó của một bộ phim dựa trên trò chơi trong công
viên giải trí chủ đề. Một tiền truyện cho một phim làm lại. Hai tiếp
theo của phim hoạt hình. Một tiếp theo của phim hài. Một chuyển thể sách
trẻ em. Một chuyển thể chương trình hoạt hình sáng thứ bảy. Một tiếp
theo có số bốn trên tựa phim. Hai tiếp theo có số 5 trên tựa. Một tiếp
theo mà, nếu nó có khuynh hướng dùng chữ số, thì chắc phải là số 7 ½
trên tựa.**
Và không có Inception. Giờ đây, hãy công bằng đi, ở Hollywood
hiện đại, thường mất hai năm, chứ không phải một, để một ý tưởng phát
triển qua ống tiêu hóa của một hệ thống và tiến lên màn ảnh, cho nên
thật ra chúng ta hãy chờ hè 2012 mới thấy kết quả của thành công của
Nolan. Còn đây là những gì có ngay trong hai mùa hè tính từ bây giờ: một
phim chuyển thể truyện tranh. Một tái khởi động của một phim chuyển thể
truyện tranh. Một tiếp theo cho một phần tiếp theo của một phim chuyển
thể truyện tranh. Một tiếp theo cho một phim tái khởi động của một phim
chuyển thể chương trình truyền hình. Một tiếp theo cho một phim tiếp
theo cho một khởi động lại của một phim chuyển thể truyện tranh. Một
tiếp theo hoạt hình. Một tiếp theo của một tiếp theo hoạt hình. Một tiếp
theo của một tiếp theo cho một tiếp theo trước nữa hoạt hình. Một tiếp
theo của một tiếp theo cho một tiếp theo trước nữa và trước nữa cho một
phim dựa trên tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn.*** Và ngay sau đó: Stretch Armstrong.
Bạn nhớ nhân vật đồ chơi Stretch Armstrong chứ? Gã búp bê nhựa dẻo đó
có thể kéo dài ra và rồi lại kéo dài ra nữa, chí ít cho tới khi con búp
bê cạn chất nhờn và nó trở thành Armstrong mắc chứng loãng xương? Một
món đồ chơi hấp dẫn còn thua trò đánh bạc?
Hãy để tôi quy ước là
chúng ta sẽ khám phá ra có ba hoặc bốn trong số những phim được phân
loại trên kia là "Hay quá!" (Một trong số đó thậm chí là do Nolan đạo
diễn.) Và đúng thế, về kỹ thuật có khả năng là vài năm sau đây, một bài
báo trên tạp chí sẽ bắt đầu bằng câu, "Hành trình đáng kinh ngạc của Stretch Armstrong
đến một đề cử Phim hay nhất đã bắt đầu khi..." Nhưng với lúc này, hãy
thừa nhận đi: Hollywood đã trở thành một thực thể quan tâm đến việc tung
ra nhân vật hành động tráng nhựa dẻo kế tiếp hơn là làm ra cuốn phim
hay kế tiếp.
Tuy nhiên, vào thời điểm trao giải và vỗ vai thế
này, trong một thoáng chúng ta đều có thể nhất trí là lại thấy yêu thích
phim ảnh, vì chúng ta đang sống giữa một ảo tưởng chỉ tồn tại chừng sáu
đến tám tuần cuối mỗi năm. Ngay lúc này, chúng ta có thể lập luận rằng
bất kỳ hệ thống nào cho phép David Fincher dò xét việc sáng lập Facebook
và anh em nhà Coen thăm lại vùng Viễn Tây, để chúng ta ngốn đầy tác
phẩm của Darren Aronofsky và David O. Russell, thì hệ thống đó có ý nói
rằng ngành làm phim Mỹ đang khỏe mạnh hợp lý. Nhưng sự thật là chúng ta
lại sắp bồi hồi vào hè — mà dường như mỗi năm một đến sớm hơn. Và thật
khó lòng mà có hy vọng khi bạn nghe những lời từ một nhà điều hành hãng
phim, người có thể nói thay tất cả đồng nghiệp của mình, phát biểu rằng
sẵn sàng khắc lên mộ chí của Hollywood: "Chúng tôi không kể chuyện nữa."
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: GQ
* Phân kỳ và tít từng kỳ bởi Yên Khuê @Quaivatdienanh
** Captain America, Cowboys & Aliens, Green Lantern, và Thor; X-Men: First Class; Transformers 3; Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides; Rise of the Apes; Cars 2 và Kung Fu Panda 2; The Hangover Part II; Winnie the Pooh; The Smurfs in 3D; Spy Kids 4; Fast Five và Final Destination 5; Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2.
*** The Avengers; Spider-Man (3D); Men in Black 3 (3D); phần phim Star Trek tiếp theo chưa đặt tên; Batman 3; Monsters, Inc. 2; Madagascar 3; Ice Age: Continental Drift in 3D; The Twilight Saga: Breaking Dawn, Part 2.