Tin tức

Trung Quốc công bố tín hiệu mới về kiểm soát việc hút thuốc

10/03/2011

Tại một đất nước mà quá nửa nam giới trưởng thành hút thuốc lá, một số người có thể cho rằng việc thể hiện rộng rãi hình ảnh hút thuốc trên phim và các chương trình truyền hình Trung Quốc đơn thuần chỉ là hệ quả của sự theo đuổi chủ nghĩa hiện thực.

Theo Hiệp hội kiểm soát thuốc lá Trung Quốc, tầm 85% các chương trình truyền hình và phim có chiếu cảnh tiêu thụ thuốc lá.

Và những cảnh đó thường thể hiện thói quen này như một khía cạnh của quyền lực, sự nam tính hay chiều sâu cảm xúc.

Hút thuốc là một cảnh rất thịnh hành trong các bộ phim Trung Quốc

Các bộ phim lịch sử thường thể hiện hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông rít thuốc – trên thực tế ông là một người nghiện thuốc lá nặng – và một điếu thuốc thường là đạo cụ được lựa chọn của các doanh nhân, những người giàu và những người thất tình trong các quảng cáo và phim ảnh lấy bối cảnh ngày nay.

Tuy nhiên giờ đây tất cả có thể sẽ thay đổi.

Đầu tháng này, các nhà kiểm duyệt truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi “kiểm soát chặt chẽ” hơn với những cảnh hút thuốc trên màn ảnh, họ cho rằng quá nhiều cảnh tiêu thụ thuốc lá trên giải trí các phương tiện giải trí hình ảnh đang khuyến khích người ta nhiễm thói quen này.

Luật lệ mới công bố trên trang web của Cục quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình quốc gia (SARFT) tuyên bố giờ đây chỉ có các cảnh hút thuốc được xem là cần thiết cho kịch bản và “độ dài ngắn” mới được cho phép.

Cơ quan này, nơi kiểm duyệt tất cả các bộ phim và chương trình truyền hình của Trung Quốc, cũng ra đạo luật quy định rằng từ giờ trở đi tất cả các điếu thuốc xuất hiện trên màn ảnh không được mang nhãn mác xác định và trẻ con không nên xuất hiện trong cảnh có người hút thuốc.

Theo lời phát biểu của SARFT trong phần mở đầu của các quy định mới thì “Quá nhiều cảnh hút thuốc trên phim và các vở kịch truyền hình không phù hợp với quan điểm cơ bản của Trung Quốc trong việc kiểm soát thuốc lá và có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới công chúng, đặc biệt là những người chưa đủ tuổi.”

Các chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc có thể thu hút hàng trăm triệu khán giả và trong một cuộc khảo sát các học sinh gần đây, một phần ba trong số đó nói rằng có thể các em sẽ thử hút thuốc nếu nhìn thấy diễn viên yêu thích của các em làm điều đó.

Những cảnh hút thuốc trên phim ảnh gây tác động xấu tới thanh thiếu niên

Nhưng trong khi các nhà hoạt động chống hút thuốc hoan nghênh động thái này của SARFT, họ nói rằng vẫn còn nhiều việc hơn cần làm để phá vỡ văn hóa hút thuốc đã ăn sâu của Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia có hơn 300 triệu nguời hút thuốc – con số lớn nhất trên thế giới – và ý thức rằng thuốc lá có thể gây ra ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ và các bện khác vẫn còn rất thấp.

Trung Quốc sản xuất hơn 800 nhãn hiệu thuốc lá – với giá từ 20 tới 300 tệ một gói. Các nhãn hiệu xa xỉ như ChungHwa được đem phân phát tại các lễ cưới và tặng cho đối tác làm ăn tương lai hoặc các quan chức để tạo điều kiện thực hiện một hợp đồng hay xúc tiến chuyện giấy tờ.

Nam giới khi gặp nhau lần đầu tiên thường cùng đốt thuốc để làm tan băng quan hệ. Và không hiếm gặp cảnh người ta ăn uống và hút thuốc cùng lúc. Có một câu nói phổ biến là “Một điếu thuốc sau bữa ăn còn tốt hơn là cuộc sống sau khi chết.”

Thất bại trong việc thay đổi kiểu suy nghĩ đó, theo lời các chuyên gia, sẽ khiến đất nước phải trả giá.

Hơn một triệu người tử vong hàng năm vì các bệnh liên quan tới thuốc lá ở Trung Quốc, khiến cho nó trở thành nhân tố giết người hàng đầu của đất nước này.

Và theo một báo cáo xuất bản bởi các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài vào tháng 1, con số đó dự tính sẽ tăng lên hai triệu trước năm 2020 trừ khi những biện pháp mạnh được áp dụng.

Báo cáo này cũng tính toán rằng chi phí sức khỏe liên quan tới thuốc giá chiếm gần 62 triệu nhân dân tệ năm ngoái.

Một cảnh trên đường phố Phúc Dương, Trung Quốc. Hàng năm có hơn một triệu người Trung Quốc tử vong
vì các bệnh liên quan tới thuốc lá
[Ảnh: ImageChina/AP]

Theo các nhà hoạt động chống thuốc lá, vấn đề là trong khi chính phủ có vẻ ủng hộ quan điểm chống hút thuốc nhưng cuối cùng lại được đầu tư để nhiều người mua thuốc lá hơn.

Công ty thuốc lá quốc gia Trung Quốc (CNTC), nhà sản xuất các sản phẩm thuốc lá lớn nhất thế giới, là một doanh nghiệp sở hữu nhà nước, được kiểm soát bởi cùng cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm tiến hành các đạo luật kiểm soát việc hút thuốc của đất nước này.

Công ty này sản sinh hơn nửa nghìn tỉ nhân dân tệ lợi nhuận và tiền thuế cho chính phủ năm 2009 – tương đương 7,5% nguồn thu của chính phủ - và tuyển dụng hơn nửa triệu nhân công.

Đa phần cho rằng chính áp lực từ CNTC là lý do khiến chính phủ thất bại trong việc thực hiện cam kết ban hành lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng trên toàn quốc trước tháng 1 năm nay, và là lý do tại sao các bao thuốc lá không mang những lời cảnh báo hình ảnh về sức khỏe - cả hai đều là những việc Trung Quốc có nghĩa vụ thực hiện khi ký kết Hiệp định khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO).

Tiến sĩ Yang Gonghua, giám đốc của Cơ quan kiểm soát thuốc lá quốc gia Trung Quốc cho rằng: “Nếu một đơn vị có hành xử đồng thời như một công ty tư nhân và một bộ phận của chính phủ, họ sẽ luôn có được đòn bẩy kinh tế và quyền lực hoạch định chính sách để lật đổ những nỗ lực kiểm soát thuốc lá.”

Khi một đạo luật cấm hút thuốc được ban hành nó thường có những lỗ hổng hoặc nghĩa vụ thi hành không rõ ràng.

Một số người lo ngại rằng những luật lệ mới của SARFT có thể rơi vào tình cảnh như những lệnh cấm quảng cáo thuốc lá gần đây mà các công ty đã lách luật bằng cách chuyển thành hoạt động từ thiện, kết quả là một trường học ở Tứ Xuyên bị đổi tên thành “Trường tiểu học Hy Vọng Thuốc Lá”.

Các nhà hoạt động lo rằng những đạo luật mới về truyền hình và điện ảnh sẽ đem lại cho cơ quan chống thuốc lá của chính phủ quá nhiều quyền định đoạt khi nào thì một bộ phim có quá nhiều cảnh hút thuốc hay khi nào một cảnh quá dài.

Suo Chao của Hiệp hội kiểm soát thuốc lá Trung quốc cho rằng: “Trong luật nói các bộ phim không được phép có quá nhiều cảnh hút thuốc, nhưng thế nào là tiêu chuẩn về ‘quá nhiều’? Chúng tôi nghĩ rằng chỗ đó cần được cải thiện.”


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The National