Tin tức

Ngày điện ảnh lụi tàn

14/03/2011

Kỳ 2: Kỷ nguyên Top Gun*


>> Kỳ 1: Khi điện ảnh lại cần tới ngoại lệ mới thành công thì...?
>> Kỳ 3: Tiếp thị điện ảnh lên ngôi và đối tượng khán giả được định đoạt là "những người không chịu lớn"
>> Kỳ cuối: Liệu khán giả có từ bỏ rạp phim để chờ bản DVD?

Sao Hollywood lại ra nông nỗi này? Không lý thuyết bao quát, không nhân vật phản diện có thể nhận diện dễ dàng, không một khoảnh khắc để từ đó có thể lần ra cái tổ hợp trạng thái dè dặt, tuyệt vọng và trì trệ hiện tại đang định nghĩa não trạng hãng phim. Nhưng dù sao cũng chọn một trường hợp xem: Top Gun.

Điều đáng ghi vào lịch sử điện ảnh đó là sự hồi sinh tính sáng tạo của điện ảnh Mỹ từ cuối thập niên 60 đến giữa thập niên 70 — thập kỷ của Coppola-Altman-Penn-Nichols-Bogdanovich-Ashby — bị xen ngang bởi hai bộ phim, Jaws năm 1975 và Star Wars năm 1977, bất thần làm khởi sinh kỷ nguyên phim bom tấn mùa hè. Nhưng những siêu phẩm phim hè không làm hại ai, và trong thập niên tiếp sau đó, khái niệm "mùa phim hè" bước vào từ vựng văn hóa đại chúng, nhưng định nghĩa "phim hè" hồi đó khác xa bây giờ. Cái nhãn phim hè có thể bao gồm phim khoa học giả tưởng lặng lẽ ảm đạm cỡ Alien, một tiếng rưỡi đồng hồ phim kinh dị như The Shining, một tầm nhìn dạo diễn xuất chúng như Blade Runner, phim u ám người lớn như Body Heat, một phim quy mô nhỏ (đúng vậy) như E.T. The Extra-Terrestrial, một phim tâm lý gợi tình như An OfficerGentleman. Tình dục thì cũng được — thì phân loại R thôi. Người lớn được đối đãi như người lớn chứ không phải như đứa trẻ to xác khăng khăng trì hoãn phát triển.

Rồi Top Gun ra đời. Tên của nhà đạo diễn bộ phim này thì đúng là Tony Scott rồi, nhưng các nhà sản xuất Don Simpson và Jerry Bruckheimer, hai người tiên phong khai phá cái "siêu khái niệm" phim bom tấn — những phim mà chỉ đoạn trailer thậm chí câu khẩu hiệu đi theo thôi cũng làm nên chuyện ngay tức khắc — mới đúng là đạo diễn thực thụ của bộ phim. Ở mức căn bản nhất của họ, phim không phải là phim; chúng là sản phẩm — một hỗn hợp thuốc kích thích của hành động đánh đấm, diễn viên ngôi sao, âm nhạc, và một liều hormon hưng phấn được thiết kế để làm bạn không chú ý đến sự thiếu chặt chẽ, mức độ tin cậy được của câu chuyện, hoặc những năng lực ở con người có thể công nhận được. Đấy là thứ ma túy điện ảnh với một mục đích duy nhất: kích lên cảm xúc nhất thời.

Top Gun đáp trúng ngay vào vỏ não của một thế hệ người mê xem phim trẻ tuổi, những người có mối quan tâm trải rộng và “gu” kể chuyện đang được MTV và các trò chơi điện tử định cỡ lại. Cái lứa người mê xem phim độ tuổi 16 đến 24 đó — những anh chàng cảm nhận được sự dồn dập của Top Gun vì bộ phim này đã được “đo ni đóng giày” nhằm làm cho họ phấn khích — giờ đây đã vào tuổi tứ tuần, cũng chính là độ tuổi của nhiều nhà điều hành cấp trung-cao của các hãng phim. Và thêm vào đó, đây là “gu” của họ, khẩu vị của họ, và cái đẹp thời kỳ hậu mới lớn cuối thập niên 80 của họ đang định hình việc làm phim. Có thể đây là khái quát hóa bất công một cách tàn nhẫn, nhưng cũng dẫn tới một câu hỏi chính đáng: Bạn muốn ai hơn — người định nên một phim kinh điển là Jaws hay người định nên một phim kinh điển là Top Gun?

Kỷ nguyên Top Gun gửi đi tham vọng của những người muốn phá vỡ vòng xoáy trôn ốc của ngành điện ảnh để theo một hướng mới. Mười lăm năm trước, mục tiêu của giới trẻ vào trường điện ảnh là để trở thành đạo diễn. Rồi thời của Reagan đến, một nhóm muốn thành tay chơi điện ảnh chuyên nghiệp hướng đến kết quả tài chính nhiều hơn ra đời, với học vị MBA trở thành danh thiếp mới ở Hollywood. Kỷ nguyên Top Gun lại biến đổi mô hình — lần này hướng tới việc tiếp thị. Đương nhiên thôi: nếu phim ảnh giờ đây được xem là những gói hàng, vậy thì chúa tể mới của ngành công nghiệp này sẽ là những nhà tiếp thị, những người có thể đóng bao bì sao cho những gói hàng đó thu hút sự chú ý của công chúng cho dù nội dung có kém cỏi đi nữa.

Theo những cách nào đó, sự lên ngôi của người làm tiếp thị là chắc chắn phải đến: Giờ đây những bộ phim muốn trở thành bom tấn thường chiếu trên khoảng hơn 4.000 điểm chiếu, chi phí của việc bán một bộ phim đã tăng vùn vụt từ 40-50 triệu đôla một phim — và có khi hơn — thường hơn cả chi phí làm ra bộ phim. Theo tờ Los Angeles Times, các hãng phim chi 1 tỉ đôla chỉ để tiếp thị cho những bộ phim phát hành trong mùa hè năm 2009. "Công chiếu một cuốn phim ở khắp nơi cùng lúc là vô cùng đắt đỏ," Jinks nói, chỉ ra rằng mười năm trước bộ phim American Beauty có thể công chiếu dần dần và trở thành "có lời một cách quái đản mà chưa bao giờ là phim số một. Nhưng ngày nay, nếu bạn tung phim ra rạp, bạn sẽ không tránh khỏi phải chi lố nhằm cố mua cho bằng được kết thúc ngon lành hàng đầu đó."

Do được hay mất quá nhiều tiền, nên giờ đây tại hãng phim nhà tiếp thị có tiếng nói chủ chốt từ ngày một hãng phim quyết định có làm phim không — và lúc nào lời lẽ của nhà tiếp thị cũng gây rúng động. Câu hỏi đầu tiên của họ không phải là "Phim này có hay không?" mà là "Có bán được không?" Và nói "bán được" tức họ muốn nói "bán được trong tuần lễ đầu công chiếu". Phim hay nhắm vào khán giả người lớn thường làm ra tiền chậm hơn phim cho trẻ con, và những phim dành cho người lớn này ăn nhờ vào những bài bình luận và truyền miệng khen hay, mà, nói từ góc độ làm tiếp thị thì, vô phương lèo lái sắp xếp. Đó là lý do tại sao các hãng phim thà chi 100 triệu đôla vào một cuốn phim nhiều phần hơn là phim đơn lẻ dựa trên một ý tưởng độc đáo. Khi lần đầu tiên Rudin nắm được tác quyền The Social Network, anh nói, "Tôi nhận được điện thoại từ người ở các hãng phim khác bảo rằng, 'Phim đó có làm không? Chúng tôi muốn làm. Anh cần bao nhiêu?' Và tôi nói, 'Chừng 35-40 triệu gì đó.' Vậy là họ bảo, 'Ồ, thế à, chúng tôi nghĩ chừng 15 triệu thôi.' Cái thời có năm hãng phim săn đón bạn vì một bộ phim cần phải hay mới làm đã qua rồi."

"Nỗi sợ hãi bao trùm," James Schamus nói, nhà biên kịch này cũng đang lãnh đạo một hãng phim độc lập ăn nên làm ra Focus Features, "và không ai ở Hollywood muốn là người bật đèn xanh cho một phim không chỉ phá sản mà còn về phim đó thì bạn không thể tự bảo vệ mình bằng cách nói, 'Nhưng ít ra nó cũng dựa theo truyện tranh!'"


Dịch: Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: GQ


* Phân kỳ và tít từng kỳ bởi Yên Khuê @Quaivatdienanh