Tin tức

Ngày điện ảnh lụi tàn

14/03/2011

Kỳ 3: Tiếp thị điện ảnh lên ngôi và đối tượng khán giả được định đoạt là "những người không chịu lớn"*


>> Kỳ 1: Khi điện ảnh lại cần tới ngoại lệ mới thành công thì...?
>> Kỳ 2: Kỷ nguyên Top Gun
>> Kỳ cuối: Liệu khán giả có từ bỏ rạp phim để chờ bản DVD?

Không ngừng nhắm vào mục tiêu thương mại hơn là có phim hay thì chẳng trách tại sao quá nhiều phim tệ hại vậy mà các hãng phim cứ ném vào chúng ta như thể những phim đó đi ngược từ các poster mà ra chứ không phải đi lên từ một ý tưởng hay. Các nhà tiếp thị tôn sùng ý niệm về thương hiệu, vì một thương hiệu nghĩa là ai đó, ở đâu đó, đã từng mua cái thứ bây giờ họ đang tìm cách bán. The Magic 8 Ball (đúng, bi kịch quá, sắp có phim Magic 8 Ball) là một thương hiệu vì là một món đồ chơi. Pirates of the Caribbean là một thương hiệu vì là một chuyến đi. Harry Potter là thương hiệu vì là một bộ sách. Jonah Hex là thương hiệu vì là truyện tranh. (Ở đây có một sai lầm trong việc bắt các nhà tiếp thị chịu trách nhiệm đủ thứ: Đôi khi họ quên mất không hỏi xem liệu phim đó có thương hiệu tốt không.) Phim nhiều phần là thương hiệu. Phim làm lại là thương hiệu. Nói rộng ra thì, các ngôi sao điện ảnh được xem là thương hiệu; đây là thời mà những tạp chí như Premiere tìm cách định lượng sự tăng hay giảm sức hút của các diễn viên theo thời gian. Với ngành công nghiệp này, việc chọn đúng diễn viên ngôi sao xem ra là cách tối thượng để phòng ngừa thất bại.

Nhưng sau chừng ba bốn trăm trường hợp không hiệu quả với cách làm như vậy, nỗi ám ảnh sức mạnh siêu sao của Hollywood bắt đầu giảm sút. Mấy năm vừa qua, một luật vận hành mới đã được thừa nhận: Bản thân bộ phim phải là một thương hiệu. Và vì, theo định nghĩa, một thương hiệu là quen thuộc, một thương hiệu là không lập dị, cũng theo định nghĩa. Nỗi sợ phim không thương hiệu có lúc gần như lố bịch, như đã từng xảy ra hồi năm 2006 khi The Departed của Martin Scorsese được khắp trong ngành xem là một thành công "bất ngờ", chủ yếu vì cái việc phim bị xếp loại R và nội dung xuất xứ từ nguồn xa lạ. Phim này có thể không là một thương hiệu, nhưng như nhà sản xuất bộ phim Graham King nói, "Mạo hiểm ư? Với cái tay mà tôi cho là đạo diễn tài ba nhất còn sống và Nicholson, Matt Damon, Wahlberg, và Leo sao? Nếu bạn làm việc ở hãng phim và bạn không thể bán được cuốn phim đó, thì đừng nên ở trong nghề này nữa."

The Departed của Martin Scorsese được khắp trong ngành xem là một thành công "bất ngờ"

Inception không phải là một thương hiệu, đó là lý do vì sao không ai có căn cơ về tiếp thị lại muốn tìm kiếm một Inception tiếp theo — dù oái oăm là, hãng phim nào ở Hollywood cũng hăm hở bật đèn xanh cho Inception 2. Ngược lại, người đã mở đường cho Fast Five tiến tới, cái phần năm tuyệt đối không cần thiết trong đó Vin Diesel–Paul Walker viết bộ sử thi The Fast and the Furious, giờ đang ngủ ngon, thậm chí có lẽ là ngay tại bàn làm việc của ông ta. Vào ngày 10/6/2011, ông sẽ ban bố cho hàng ngàn điểm chiếu một sản phẩm mà người ta mua đã bốn lần rồi. Làm sao phim này trượt được chứ?

Tất nhiên, phim có thể trượt; phim không thể trượt mà vẫn trượt suốt đấy thôi. Nhưng khi một phim mà ai cũng đồng ý coi như là được bán trước rồi lại thất bại, thì bản thân cái ý tưởng trì trệ đó lại không bao giờ bị kết tội. Vì quan niệm cho rằng sự quen thuộc không chừng hiệu quả ở một phim, đã thống trị Hollywood, sẽ hủy diệt hệ sinh thái làm phim đến nỗi có lẽ phải làm lại hết từ đầu. Cho người ta một thứ họ không biết họ có muốn không hóa ra là công thức để có nỗi khiếp sợ nhiều hơn mức Hollywood kham nổi.

Và trong khi cái đặc tính dây chuyền lắp ráp nhạt nhẽo đó không ảnh hưởng đến một nhúm nhỏ những bộ phim Mỹ tuyệt vời ra rạp hàng năm, dứt khoát nó đang tàn phá những thứ thường thường bậc trung — lớp lớp những bộ phim trước đây tập trung vào mức chất lượng đâu đó thấp hơn, chẳng hạn, There Will Be Blood nhưng rõ hơn là Why Did I Get Married Too của Tyler Perry? Đây là loại phim mà nói về nó bạn có thể bảo, "Chẳng có gì đặc sắc, nhưng cũng được" — đã chịu đựng nhiều nhất từ sự lãnh đạm/lơ là của Hollywood đối với tính chất cơ bản trong phát triển câu chuyện. Nếu những phim như The Bounty HunterPrince of Persia: The Sands of Time tạo nên định nghĩa mới cho từ "cũng được" thì, nói xin lỗi nhé, hệ thống này là thối tha.

Ấy vậy mà, chỉnh sửa điều đó không là ưu tiên hiện thời của ai cả — vì việc sửa chữa đòi hỏi một sự thừa nhận đã có gì hư hại. Đó đâu phải là chuyện của tiếp thị; tiếp thị là để xem coi cái gì đang bán được thì bán nhiều thêm. Thời buổi bây giờ, mặt hàng phổ biến nhất của Hollywood là khái niệm mùa hè vô tận. Hồi giữa thập niên 80, mùa phim hè đúng là dành cho mùa hè: Bắt đầu tung phim ra vào tuần cuối cùng của tháng 5 và hết dần vào giữa tháng 8. Còn tám tháng dành cho những phim không có sử dụng công nghệ CGI. Nhưng thập niên vừa qua đã chứng kiến một mức độ “nhão” lịch khác: Trong năm 2010, "mùa hè" được cho là bắt đầu vào ngày 30/4, với phiên bản làm lại A Nightmare on Elm Street, và vẫn còn khá mạnh đến tận ngày 10/9, với Resident Evil: Afterlife công chiếu. Và vì mùa phim hè được ưa chuộng như vậy, sao không có thêm một mùa phim hè nữa chứ? Trong tư duy của Hollywood, cái mà chúng ta gọi là "mùa xuân" bây giờ thành “Tiền mùa hè" rồi, chăng đèn kết hoa với những phim như Clash of the Titans được thiết kế nhằm làm dịu cơn khát phim bom tấn của bạn ngay từ những tuần lễ đầu tiên của mùa xuân. Và một khi đã tới cỡ đó rồi thì, xem Lễ tạ ơn là "Đông Hè" cũng đâu có gì quá đáng. Rồi Giáng sinh — mà ngay năm ngoái giới thiệu một phim Narnia mới cùng bản tái khởi động Yogi Bear, Gulliver's Travels, và Tron — coi như trở thành "Đông-Hè II: Sự trở lại của Đông-Hè!"

Clash of the Titans được thiết kế nhằm làm dịu cơn khát phim bom tấn của bạn
ngay từ những tuần lễ đầu tiên của mùa xuân

Sự lên ngôi của các nhà tiếp thị còn làm nảy sinh ra nỗi ám ảnh về cơ cấu dân số. Như bất kỳ ai ở Hollywood cũng sẽ bảo bạn rằng, công chúng xem phim Mỹ được chia theo hai cách: giới tính và độ tuổi. Giới tính thì rõ rồi; còn tuổi thì chia ở vạch trên-dưới 25 tuổi. Tất nhiên giám đốc hãng phim nào mà chẳng mơ tìm được một cuốn phim như Avatar chạm đủ "bốn góc đồ thị" khán giả: nam và nữ, trẻ và không còn trẻ. Nhưng nếu phim có thể được làm hấp dẫn tới thế, thì hai thậm chí một phần tư bộ phim cũng đủ là một đề nghị ăn chắc.

Tuy nhiên, ở Hollywood, không phải tất cả đối tượng khán giả được đối xử như nhau. Nếu bạn là phụ nữ, thì coi như thua rồi, vì trong tư duy của các hãng phim phụ nữ được xem là thị trường ngách, ngoại trừ khi nào Sandra Bullock đọc một kịch bản hoặc Nicholas Sparks viết một cuốn tiểu thuyết, nói chung là không đáng bỏ thời gian để tính tới. Và nếu bạn sinh trước năm 1985... à, rất buồn phải thông báo với bạn rằng trong nhãn quan của Hollywood, bạn là một trong những “khọm già” theo cách gọi của bọn trẻ trên Internet. Bạn tưởng mình cũng là một trong số bọn trẻ con trên Internet chứ gì. Với các hãng phim thì không, bạn càng gần (hoặc càng xa ra) cái ngày sinh nhật thứ 30, thì bạn càng có khuynh hướng phát triển những thứ như là “gu” thưởng thức và sự sáng suốt, thế thì chắc hết hơi mới bán được cho bạn một phim.

Chỉ còn một góc tư đồ thị khán giả — nam dưới 25 — mà đa số hãng phim đều nhắm vào, cái tư duy cho rằng thành phần khán giả này sẽ ăn mọi thứ được dọn ra trước mặt họ miễn là được pha chế đủ chất kích thích. Bởi vậy cho nên, khi bạn xem xét những thể loại phim hiện đang thống trị Hollywood — hành động, hài thô tục, chuyển thể từ trò chơi điện tử/đồ chơi/truyện tranh, kinh dị, và, thêm một liều Red Bull 3-D vào tất cả hạng mục đó — tất cả đều nhắm vào cùng một thứ rối rắm dặm thêm, thiếu trí nhớ ngắn hạn, hormon kích thích dễ dàng. Trong một thế giới do tiếp thị thống trị, không tránh khỏi việc thành phần khán giả nào là thành phần khán giả quan trọng nhất sẽ chính là thành phần khán giả sẵn lòng mua sản phẩm nhất dù có tầm thường đi nữa.

Nhà biên kịch đồng thời cũng là nhà sản xuất Vince Gilligan nói, "Các hãng phim bảo, 'Thời buổi bây giờ còn ai khác hơn các cậu trai trẻ sẵn lòng đi xem phim chứ, cho nên chúng ta phải làm phim cho họ thôi.' Và nếu bạn làm phim chỉ để dành cho các cậu con trai, chẳng ai khác còn muốn đi xem. Vậy là Hollywood trở thành giống như trong tiểu thuyết Logan's Run: Bạn được 30 tuổi là họ giết bạn chết."

Tin vui là cái lý thuyết bốn phần đồ thị của tiếp thị giờ đây đang thoái trào. Tin xấu là chuyện này mở đường cho thứ còn tồi tệ hơn — một cách phân loại mới bao gồm mọi lứa tuổi và cả hai phái: loại khán giả "không chịu lớn". Mới hồi năm 1993, ba thể loại phim hướng tới đối tượng trẻ em — phim hoạt hình, phim dựa theo truyện tranh, và phim dựa theo các cuốn sách dành cho trẻ em — chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong tổng thể thị trường điện ảnh; năm đó các phim này thu về khoảng 400 triệu USD (hầu hết nhờ phim Mrs. Doubtfire) và chỉ chiếm một vị trí trong bảng xếp hạng 10 phim có doanh thu hàng đầu của năm. Năm 2010, cũng ba thể loại phim đó đem về hơn 3 tỉ USD và đến tháng 12 chiếm tám trong số chín phim có doanh thu cao.

Cho phép tôi nhận định: Tệ quá. Chúng ta thảy đều công nhận rằng thế giới điện ảnh Mỹ là một nơi phong phú hơn vì có Pixar và rằng những bộ phim chuyển thể truyện tranh hay nhất, từ Iron Man đến The Dark Knight, là khá tuyệt vời, nhưng mức độ dòng phim dành cho trẻ em thuộc địa hóa toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh đang vượt quá mức tàn phá. Thường xảy ra hơn là không, tập hợp những bộ phim “cưa sừng làm nghé” này đang nuôi dưỡng một thành phần khán giả — chưa kể là một thế hệ những nhà làm phim và nhà điều hành hãng phim tương lai — những người sẽ lớn lên trong tin tưởng rằng phim ảnh nhắm vào khán giả trưởng thành nên được xem là nghệ thuật cổ và lập dị. Cũng như sách. Hay kịch.

Mức độ dòng phim dành cho trẻ em thuộc địa hóa toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh
đang vượt quá mức tàn phá

Ở mức độ nào đó, kiểu suy nghĩ này quả là bến cuối cùng của quá trình cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội dài nhiều thập kỷ của chính ý niệm về khát vọng sáng tạo do các hãng phim đưa ra. Nếu hồi thập niên 1970 làm ra một bộ phim độc đáo là mục tiêu trọng tâm của những người điều hành các hãng phim, thì đến thập niên 1980, mục tiêu đó đã chuyển thành làm phim độc đáo để phát hành vào dịp cuối năm, cho mùa giải Oscar. Sang thập niên 1990, khi làm phim độc lập bắt đầu bùng nổ ở Mỹ, ý niệm về một phim "hay", như nhà phê bình Manohla Dargis của tờ New York Times chỉ ra, rốt cuộc trở thành thị trường ngách có thể giao ra bên ngoài làm — đầu tiên là những ông trùm một tay dựng cơ đồ như Harvey Weinstein và rồi tới các phân ban của chính các hãng phim. "Vài năm trước đã có lúc," Schamus nói, "khi các hãng phim bảo, 'Này, cả đám công ty chuyên ngành đó xem ra chiếm hết hàng ghế đầu ở lễ trao giải Oscar rồi, vậy nếu họ làm được, thì chúng ta cũng làm được — chúng ta chỉ việc quăng tiền cho họ thôi!' Và kết quả là, về mặt tài chính, đi từ thảm họa vừa vừa đến thảm họa lố bịch."

Sự bùng nổ đó đã phá sản. Vô số chi nhánh chuyên trách trực thuộc hãng phim vung tay quá trán một cách điên rồ, thường là vào những nội dung kém cỏi (và tất cả chúng ta đều đồng ý rằng một phim nhỏ quá dở thì cũng khốn khổ y chang một phim lớn quá dở). Họ xâm nhập thị trường, thải rác rưởi vào những công ty độc lập nhỏ hơn; rồi họ đổ sụm và để lại một chiến trường làm phim ngổn ngang. "Và với tất cả những ai đã mất nhiều năm tìm cách làm phim với những công ty giờ đây đã tiêu đời đó, chỉ còn một chỗ để làm mà được đối xử tôn trọng và đánh giá công bằng thôi," Rudin nói. "Đó là HBO."

Vậy là đài truyền hình cáp trở thành người chăm nom thị trường ngách dành cho phim "hay"; những đơn vị như HBO, Showtime, và AMC đã phát hiện ra một mô hình kinh doanh mà với mô hình đó họ có thể thỏa mãn khẩu vị sâu sắc của công chúng đối với phim chính kịch dài. Những loạt phim truyền hình của họ không cần phải thu hút một lượng khán giả khổng lồ; và kết quả là, bất cứ biên kịch, đạo diễn, và nhà sản xuất có tham vọng nào lâu nay vẫn đưa thứ tốt nhất của mình đến các hãng phim giờ chuyển sang màn ảnh nhỏ, vì một lẽ không ai ở đài truyền hình cáp lại bảo họ "Chúng tôi không kể chuyện nữa."

"Điều đáng buồn là," Michael Lombardo giám đốc chương trình HBO nói, "một thế giới đã đóng lại với một nhóm những người kể chuyện nghiêm túc — và có những câu chuyện nên được kể trong khuôn khổ hai tiếng đồng hồ. Thành công của chúng tôi như là niềm an ủi trong một câu chuyện do kinh tế chi phối bởi các hãng phim đang chật vật để tồn tại trong thị trường quốc tế phức tạp. Nhưng người thua thiệt sau cùng là những người tìm kiếm để thưởng thức những tác phẩm điện ảnh nghiêm túc."


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: GQ

* Phân kỳ và tít từng kỳ bởi Yên Khuê @Quaivatdienanh