Tin tức

Người đồng tính tìm tiếng nói công bằng trên phim ảnh

18/12/2012

Tháng trước, hàng trăm người đồng tính đã tuần hành tại Hồng Kông, lên tiếng đòi bình đẳng. Chưa hết, còn một nhóm người đồng tính khác đi cùng những người không đồng tính, đấu tranh để được hiểu đúng và được đối xử công bằng với công cụ ôn hòa: phim ảnh.

Những thước phim lãng mạn

Dù cho hình ảnh người đồng tính nam và đồng tính nữ đã xuất hiện hàng thập kỷ nay trên phim, một số người vẫn có cái nhìn rất mơ hồ về phim đồng tính. Ngay cả với những nhà làm phim chuyên nghiệp và người trong cuộc, quan điểm về thể loại này vẫn lan truyền theo kiểu truyền tai.

Trình Thanh Tùng, một nhà phê bình phim có tiếng và là tổng biên tập của tạp chí Youth Film Handbook, liệt phim đồng tính vào thể loại phim lãng mạn, với cách họ đấu tranh cho tình yêu.

Bên cạnh đó, Trình cũng chỉ rõ không phải mọi phim có các nhân vật đồng tình đều có thể xếp vào thể loại này. "Phim đồng tính là phải có đời sống và tình yêu của người đồng tính," anh nói, "chứ không phải chỉ có một hai nhân vật với các cảnh quay rất hạn chế."

Brokeback Mountain

Trên thực tế, có rất nhiều đạo diễn người Hoa làm phim về đề tài đồng tính, trong đó có những cái tên rất nổi tiếng như Lý An, Quan Cẩm Bằng, Hứa An Hoa và Lâu Diệp.

Một số đạo diễn là người đồng tính và muốn làm thay đổi quan niệm của mọi người qua những thước phim, một số khác chỉ đơn thuần yêu thích đề tài này và những kịch tính đi cùng câu chuyện.

Lý An có ba phim xoay quanh những người đồng tính - The Wedding Banquet / Hỷ yến (1993), phim đoạt giải Oscar Brokeback Mountain / Núi yên ngựa (2005), và Taking Woodstock 2009 - từng phát biểu trong một sự kiện quảng bá phim, "Tôi không thích đàn ông, nhưng yêu thích những câu chuyện tình giữa nam với nam. Bởi tôi thấy tình yêu của họ đầy cảm động... và tôi giỏi làm những phim như vậy."

The Wedding Banquet

Lâu Diệp, đạo diễn phim đồng tính Spring Fever (2009), nói với Trình Thanh Tùng trong một buổi phỏng vấn rằng ông thích thú những chủ đề trong giới đồng tính, như cách họ gọi tên trong nhóm, họ đối mặt với những vấn đề cá nhân ra sao, và như thế nào thì một người được gọi là đồng tính hay không.

Các nhân vật đang thay đổi

Bất kể ở Trung Quốc hay nơi nào trên thế giới, các nhân vật đồng tính lên phim đã dần thay đổi qua nhiều thập kỷ. Điều này, theo Trình Thanh Tùng, phần lớn là do mọi người đang dần thay đổi cách nhìn về người đồng tính trong xã hội.

Vào những năm 1930 và 1940, người đồng tính thường bị cho là dị thường và quái đản, như ma cà rồng hay những kẻ sát nhân. Trong thời kỳ này, phần lớn phim ảnh được sản xuất ở phương Tây. Kế đó, những người đồng tính vào vai hề trong các phim hài, hoặc những tên ẻo lả, như trong phim He's a Woman, She's a Man / Kim chi ngọc diệp (1994).

Về sau này, người đồng tính được rập khuôn là những tâm hồn kém may mắn kiểu như chàng trai bán mình cô đơn trong Lan Yu / Lam Vũ (2001)

Trong phim ảnh ngày nay, người đồng tính được nhìn nhận như những con người bình thường với định hướng tình dục đồng giới. "Họ quan tâm nhiều đến tình yêu hơn là số phận - bị lèo lái bởi gia đình," Trình cho biết.

Phim đồng tính không chỉ đơn giản nói về tình yêu lãng mạn. Những phim này biểu đạt những quan điểm khác nhau tùy vào bối cảnh lịch sử, thời thế và tình huống.

Bá vương biệt cơ

Trình Thanh Tùng nhắc đến Farewell My Concubine / Bá vương biệt cơ (1993) của đạo diễn Trần Khải Ca như một điển hình. Bộ phim xoáy vào mối quan hệ phức tạp giữa hai chàng diễn viên Kinh kịch là Trình Diệp Y (Trương Quốc Vinh) và Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị), bên cạnh đó còn có người vợ của Đoàn Tiểu Lâu là Cúc Tiên (Củng Lợi), tất cả trong một câu chuyện ngang qua những năm tháng đầy biến cố của thế kỷ 20.

Phim Hồng Kông Bishonen / Mỹ thiếu niên chi luyến (1998) và phim Đài Loan Formula 17 (2004) là đại diện cho những phim đồng tính lấy bối cảnh xã hội hiện đại. Hai phim này tập trung mối quan tâm vào những người đồng tính trẻ tuổi lần đầu tiên khám phá bản thân - khởi đầu, họ thấy lạ lẫm về sở thích tình dục khác lạ của mình, và kế đó là cuộc đấu tranh để được sống với đúng con người mình.

Permanent Residence

Và còn phải kể đến Permanent Residence / Vĩnh cửu cư lưu (2009) của đạo diễn Vân Tường, đã đi xa hơn chuyện tình yêu lãng mạn để luận bàn về cuộc sống và cái chết.

Nâng cao nhận thức

Nhà biên kịch và đạo diễn đến từ Đại lục Fan Popo cho biết, "do bối cảnh xã hội khác nhau nên sự phát triển của phim đồng tính ở Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan cũng có nét khác biệt."

"Đài Loan không chỉ có những phim (đồng tính) chất lượng như Formula 17Spider Lilies / Hình xăm, mà còn đa dạng về thể loại, từ phim hài, phim tình cảm... cho tới phim nghệ thuật," Fan nói. "So sánh với Hồng Kông, hầu như không có phim đồng tính nam chất lượng, và những phim đồng tính nữ còn hiếm hoi hơn."

Fan cho rằng ở Đại lục làm phim đồng tính còn khó khăn hơn, bởi "đạo diễn phải mất cả năm để tìm nguồn vốn, và rồi cuối cùng phim chỉ có thể được chiếu ở ngoài Đại lục."

Hình xăm

Tuy nhiên, Trình Thanh Tùng cho rằng sự khác biệt giữa điện ảnh Hồng Kông và Đài Loan không chỉ thể hiện ở phim đồng tính: "Phim Đài Loan quan tâm tới tính nhân văn và nghệ thuật, trong khi phim Hồng Kông lại đề cao tính thương mại."

Nhưng Trình cũng thấy rằng phim đồng tính ở Đại lục còn bị giới hạn nhiều so với các thể loại khác, bởi xuất bản một cuốn sách về đề tài đồng tính thì được, nhưng hiếm có phim đồng tính nào được duyệt chiếu ngoài rạp.

Về hình ảnh người đồng tính trên những phim được phép công chiếu, Trình cho biết chúng tạo nên những hình ảnh méo mó về nhóm người này. "Không phải anh chàng đồng tính nào cũng ẻo lả, dù một số người ủy mị dịu dàng hơn. Tương tự, đồng tính không bắt nguồn từ cuộc sống thời thơ ấu, mà người ta vốn dĩ sinh ra như vậy," anh giải thích.

Trong một buổi phỏng vấn với tờ Global Times, Trình còn chỉ ra một vấn đề khác. Anh cho biết nhiều anh chàng đồng tính vì phải tránh áp lực từ gia đình và xã hội đã miễn cưỡng kết hôn với phụ nữ, khiến cuộc đời những người phụ nữ này đi vào bi kịch. Nhưng trong phần lớn phim đồng tính ra mắt gần đây thì "hình ảnh những người vợ như những kẻ phản diện, là rào cản của cặp đôi đồng tính." Anh cho rằng những điều này cần phải được đính chính trên phim ảnh.

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi