Tin tức

Operation Red Sea phô diễn một Trung Quốc mở rộng vai trò trên trường quốc tế

28/02/2018

“Khi tôi hỏi hải quân Trung Quốc họ có thể dành cho tôi sự giúp đỡ đến mức nào, câu trả lời tôi nhận được là ‘bất cứ điều gì ông muốn chúng tôi sẽ hợp tác hết sức mình,’” Lâm Siêu Hiền nói với Global Times. Bộ phim Operation Red Sea của vị đạo diễn người Hồng Kông này ra rạp khắp Trung Quốc từ ngày 16/2.

Là ‘fan’ của phim đề tài quân sự, Lâm cho biết từ lâu ông đã muốn làm một bộ phim như những phim nước ngoài mà ông đã xem.

“Tôi đã xem rất nhiều phim đề tài quân sự của nước ngoài, được hỗ trợ bởi quân đội nước họ, quảng bá sức mạnh quân sự hiện tại của họ... nhưng ước muốn đó vẫn là chuyện tưởng tượng,” Lâm Siêu Hiền nói.

Được nhiều người biết đến với những phim hành động và gangster, Lâm Siêu Hiền đã trở thành một nhân vật nổi tiếng sau thành công vang dội của Operation Mekong năm 2016 (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Điệp vụ Tam giác vàng).

Dựa trên vụ thảm sát sông Mekong năm 2011, Điệp vụ Tam giác vàng thu tổng cộng 1,18 tỉ nhân dân tệ (187 triệu đôla), trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 6 năm 2016, vượt qua phim bom tấn Hollywood Kung Fu Panda 3 (1 tỉ nhân dân tệ), The Jungle Book (979 triệu nhân dân tệ) và Star Wars: The Force Awakens (825 triệu nhân dân tệ).

Ngoài sự thành công về mặt thương mại, vị đạo diễn Hồng Kông này còn được ca ngợi vì đã làm một bộ phim không chỉ mang thông điệp chính trị tích cực về chính phủ và cảnh sát Trung Quốc, mà còn giải trí cho khán giả Trung Quốc.

Phim kể câu chuyện thủy quân lục chiến Trung Quốc di tản thường dân Trung Quốc khi đảo chính quân sự nổ ra ở một quốc gia châu Phi

Operation Red Sea, với đầu tư từ hải quân Trung Quốc, kể câu chuyện thủy quân lục chiến Trung Quốc di tản thường dân Trung Quốc khi đảo chính quân sự nổ ra ở một quốc gia châu Phi. Cốt truyện dựa trên một cuộc di tản trong Nội chiến Yemen năm 2015.

Thúc đẩy lòng yêu nước

Operation Red Sea không phải là bộ phim đầu tiên nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ quân đội Trung Quốc, cung cấp khí tài thực sự.

Chiến lang 2 đã được quân đội hỗ trợ đầy đủ vũ khí hạng nặng... [bao gồm] xe tăng 59D từ quân khu Nam Kinh... Xe chiến đấu bộ binh 08, xe tấn công bánh xích loại 11 và loại súng tự hành loại 05,” theo một báo cáo trên mil.news.sina.com.cn.

Do Không quân Trung Quốc đồng sản xuất, bộ phim chiến tranh Sky Hunter năm 2017 trình diễn các máy bay tiêm kích và máy bay vận tải đang hoạt động như J-20, Y-20, J-10C, và J-11B, theo tin trên China.org.cn.

Vai diễn cameo của nam diễn viên Trương Hàm Dư là hạm trưởng tàu khu trục

Và trong trailer của Operation Red Sea, tàu khu trục loại 054A và một cầu tàu đổ bộ loại 071 xuất hiện.

Theo Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, sự sẵn sàng giới thiệu khí tài mới nhất của quân đội Trung Quốc là do “sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể và thậm chí còn vượt qua các cường quốc hàng đầu khác,” Li Jie nói.

“Hải quân Trung Quốc tụt hậu một thời gian dài. Tuy nhiên, bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, sức mạnh tổng thể của hải quân Trung Quốc đã vượt qua các nước như Nhật Bản, Anh và Pháp, thậm chí còn tốt hơn cả Mỹ ở một số lĩnh vực.”

Ông Li nói, vì thế, chính phủ Trung Quốc “quan tâm nhiều hơn đến sự công nhận của người dân về đất nước mình và làm thế nào để tạo ra niềm tự hào trong nước.”

Mở rộng vai trò toàn cầu

Những bộ phim như thế xuất hiện khi quân đội Trung Quốc bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động cứu hộ ở nước ngoài và gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Lâm Siêu Hiền nói rằng lần này ông muốn thực hiện một bộ phim hành động quân sự khác biệt.

Quen thuộc với phim bom tấn hành động, Lâm cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của ông trong quá trình làm phim là nát óc nghĩ ra chủ đề.

Dựa trên sự kiện có thật, với tuyến truyện chính đã được cố định, Lâm Siêu Hiền muốn làm ra một phim không chỉ có đấu súng và cháy nổ.

Một nhân vật nữ phi quân sự, một phóng viên chiến trường, đã được thêm vào.

Nữ diễn viên Hải Thanh (giữa) trong vai Hạ Nam, phóng viên chiến trường

“[Tôi hy vọng] chúng ta có thể xem một bộ phim quân sự từ góc độ của người dân bình thường và bàn luận về bổn phận của mỗi người là gì?” đạo diễn Lâm nói.

Đạo diễn Lâm phản đối hình tượng người lính cứng rắn rập khuôn. “Tôi muốn quay một nhóm, mỗi người có đặc điểm riêng,” Lâm Siêu Hiền nói với Global Times.

Tập trung vào cá nhân là một thay đổi đáng kể đối với phim quân sự của Trung Quốc.

Lịch sử chống ngoại xâm của Trung Quốc ảnh hưởng đến các bộ phim chiến tranh Trung Quốc, Zhou Xing, trưởng Khoa Nghệ thuật và Truyền thông tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Đạo diễn Lâm Siêu Hiền khắc họa người lính tập trung vào cá nhân

Đoàn kết chống ngoại xâm là ý tưởng quan trọng được đề cao trong tất cả các phim quân sự của Trung Quốc, “và những tác phẩm như thế thường chứa đựng ý thức hệ và thông điệp chính trị,” ông Zhou nói.

“Nhưng vài ba năm qua chúng ta thấy các người hùng cá nhân xuất hiện mặc dù họ thường gắn chặt với quốc gia.”

Ông Zhou tin rằng một câu chuyện tập trung vào một nhân vật cá nhân công hưởng hơn với khán giả.

Các phim bom tấn quân sự thành công thường triển khai tạo hình vi tính và kỹ xảo, nghĩa là những phim của Trung Quốc thô hơn phim của Hollywood. “Trước tiên chúng ta phải thừa nhận khoảng cách với Hollywood, nhưng mặt khác chúng ta nên biết rằng tất cả kỹ thuật đều phục vụ nội dung,” ông nói.

Đạo diễn Lâm Siêu Hiền, trái, chỉ đạo trên trường quay

Operation Red Sea

“Do đó khán giả chú ý nhiều hơn đến cảm xúc được tăng lên như thế nào với sự trợ giúp của công nghệ chứ không phải xem một bộ phim như xem một buổi trình diễn công nghệ cao.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times