Những bộ phim từng là bom tấn ở Trung Quốc đã không khai thác được nhiều
ở một thị trường như Hoa Kỳ. Bộ phim có kinh phí 100 triệu đôla The Heroes of Nanking (tạm dịch: Những người hùng ở Nam Kinh)
của Trương Nghệ Mưu, với sự xuất hiện của Christian Bale và một lượng
lớn phân đoạn được nói tiếng Anh, đang cố gắng thay đổi điều đó.
Khi bộ phim cổ trang hành động hài Let the Bullets Fly ra mắt ở
Trung Quốc vào năm ngoái, phim đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng.
Bị cuốn hút bởi những cảnh đánh nhau đầy kịch tính và những câu thoại
đanh thép bụi bặm, khán giả đã đến kín cả rạp chiếu. Bộ phim đã thu về
được tổng cộng hơn 100 triệu đôla ở phòng vé Trung Quốc, giữ kỷ lục
doanh thu phim nội địa cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, thậm chí dù có các màn bạo lực mang phong cách Hollywood và một diễn viên quốc tế tên tuổi, nhưng Let the Bullets Fly
vẫn chưa thể tìm được một nhà phân phối cho mình ở Mỹ. Khi được chiếu
tại Liên hoan phim Tribeca vào tháng 4 vừa qua, bộ phim chỉ nhận được sự
thờ ơ của khán giả. “Không phải ai cũng sẽ đón nhận bộ phim này,” đạo
diễn kiêm diễn viên của phim – Khương Văn – đã nói trong một cuộc phỏng
vấn sau đó. “Tôi chỉ làm phim và hy vọng là mọi người sẽ đánh giá cao
chúng.” .
Phim Let the Bullets Fly
Khương Văn không phải là nhà làm phim Trung Quốc duy nhất làm ra các
phim bom tấn ở quê hương nhưng lại bị coi nhẹ ở nước ngoài. Bộ phim tâm
lý hành động nói về động đất mang tên Đường Sơn đại địa chấn do
đạo diễn Phùng Tiểu Cương thực hiện năm 2010 với doanh thu trong nước
lên đến gần 100 triệu đôla cũng phải chịu tình cảnh ảm đạm ở phòng vé Mỹ
khi chỉ thu về vỏn vẹn 60.000 đôla doanh thu. Và bộ phim sử thi chiến
tranh gồm hai phần của Ngô Vũ Sâm - Xích bích - là một tác phẩm có quy mô cỡ Hollywood từng thành công ở Trung Quốc cách đây vài năm. Nhưng Xích bích
thậm chí còn không đạt được mức doanh thu một triệu đôla khi hãng
Magnolia Pictures của Mark Cuban phát hành phiên bản cô đọng của phim ở
Mỹ vào năm 2009. Châu Âu và các nước châu Á khác cũng chỉ đón nhận những
phim bom tấn này ở một mức độ không đáng kể.
Giờ đây đã có sự nhập cuộc của Trương Nghệ Mưu, vị đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng với các phim như Anh hùng và Thập diện mai phục, ông vừa mới đóng máy tác phẩm mới mà ông hy vọng sẽ phá vỡ được thực trạng chung đó. Với kinh phí 100 triệu đôla, The Heroes of Nanking
không chỉ là bộ phim được đầu tư nhiều ngân sách nhất ở Đại lục từ
trước đến giờ, mà còn chứa đựng sức hút mang tính đa văn hóa. Đóng vai
chính trong phim là diễn viên từng đoạt giải Oscar Christian Bale, và
40% lời thoại trong phim đều được nói bằng tiếng Anh.
“Tôi thực
sự mong là bộ phim sẽ được yêu thích và đón nhận tại thị trường quốc
tế,” Trương Nghệ Mưu đã nói trong một cuộc phóng vấn tại phim trường ở
Nam Kinh. “Cá nhân tôi thích những phim hài hước, điều đó có nghĩa là đa
phần khán giả cũng có thể hiêu được và chấp nhận nó… Một bộ phim với
phong cách, cốt truyện và cấu trúc đều mang tính quốc tế như vậy sẽ thực
sự đem lại nhiều điều mới mẻ.”
Christopher Bale trong một cảnh phim Heroes of Nanking
Mức tiền đầu tư ở Đại lục đang tăng cao khi phim Trung Quốc tìm đường
thâm nhập vào thị trường điện ảnh toàn cầu. Các công ty nhà nước và tư
nhân đều đang đổ ra các khoản tiền lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh;
các quan chức nhà nước đều muốn đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa của đất nước
mình sao cho tương xứng với ngành xuất khẩu hàng hóa vẫn đang phát triển
mạnh mẽ.
Tuy nhiên phim Trung Quốc vẫn còn mang nặng tính địa
phương, theo như các chuyên gia nhận định, vì phim vẫn còn thiếu các
ngôi sao quốc tế và phong cách kể chuyện thật mới mẻ khác biệt. Hơn nữa,
luật kiểm duyệt của Trung Quốc làm hạn chế sự xuất hiện của các cảnh
phim thật đặc sắc và đẩy các nhà biên kịch vào những bộ phim cổ trang an
toàn hơn (mà khán giả phương Tây thường thấy khó theo dõi) và phim hài
lãng mạn. Một số người e ngại là thay vì trở thành nguồn cung cấp lớn
cho rạp chiếu phim trên toàn thế giới thì Trung Quốc lại đang có nguy cơ
biến thành một Bollywood thứ hai: thành công trong nước nhưng thất bại
khi xuất khẩu.
“Chúng ta vẫn thường nghe được là thị trường Trung
Quốc sẽ nhanh chóng tiến gần đến thị trường Mỹ,” Trương Nghệ Mưu nói.
“Nhưng vẫn phải mất một thời gian dài nữa thì phim Trung Quốc mới có thể
tạo được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.” (Năm 2010, tổng doanh thu
phòng vé Mỹ lên đến 10,6 tỉ đôla, hầu như đều là tiền thu về từ các phim
Mỹ, trong khi đó ở Trung Quốc tổng doanh thu là 1,5 tỉ đôla mà đến 44%
trong số đó là của phim Mỹ.)
Chủ nghĩa địa phương của người Mỹ rõ
ràng là một rào cản – sau cùng thì những bộ phim nói tiếng nước ngoài
lại rất kén khán giả ở Mỹ. Tuy nhiên các chuyên gia điện ảnh cho biết
những vấn đề đang tồn tại trong quy cách làm phim của Trung Quốc cũng
nghiêm trọng không kém gì so với sự cố chấp của người Mỹ.
“Hollywood
thường không làm phim Mỹ, mà họ làm những phim thu hút được khán giả
toàn cầu,” theo David U. Lee, chuyên gia điện ảnh Trung Quốc hiện đang
dẫn dắt một công ty hợp tác sản xuất và đã từng gây quỹ điện ảnh châu Á
cho Harvey Weinstein. “[Nhưng] Các nhà làm phim Trung Quốc lại đều đi
theo giả thiết là mọi người đều đã hiểu câu chuyện rồi. Đó là một sự
lười biếng, và điều này khiến cho việc kể một câu chuyện cho khán giả
quốc tế hiểu được là rất khó."
Nhiều bộ phim đình đám Trung Quốc hiện nay đều sử dụng những yếu tố lịch sử mà khán giả Mỹ đều cảm thấy xa lạ. Let the Bullets Fly mang nặng sự ngụ ý về việc chống lại các quan chức tham nhũng, trong khi Xích bích lại thể hiện kiến thức về việc triều chính thời nhà Hán.
Eamonn
Bowles, Chủ tịch hãng phim Magnolia Pictures cho biết, “Sẽ có đôi chút
vấn đề nếu một vị vua chuyên chế ở thế kỷ thứ 3 mà lại được khắc họa một
cách hài hước hay thoải mái như cách nhà làm phim Mỹ khắc họa George
Washington.”
Nền điện ảnh Trung Quốc Đại lục đặt chân lên vũ đài
toàn cầu từ thập niên 80 và đầu 90, thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa
giao thương với người Mỹ. Trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở thập
niên 60 và 70, phim của những đạo diễn vẫn được gọi là Thế hệ thứ năm
thường kể những câu chuyện thiên về cách nghĩ của các nhà làm phim nên
rất khó tưởng tượng. Trong đó có một số phim như Cúc đậu của Trương Nghệ Mưu và Bá Vương Biệt Cơ của Trần Khải Ca, đã tìm khán giả Mỹ nhưng chủ yếu giới hạn ở những khán giả thích phim nghệ thuật.
Phim Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An
Những năm đầu của thập niên 2000 đã đem lại thành công tại phòng vé Mỹ cho những phim võ thuật được gọi là “võ hiệp” như Anh hùng và Ngọa hổ tàng long.
(Điện ảnh Hồng Kông và Đài Loan đi theo những hướng riêng vì sự khác
biệt về mặt lịch sử chính trị của những vùng lãnh thổ này.)
Tuy
nhiên hiện nay vốn đầu tư và kỳ vọng đang tăng lên đáng kể. Sản phẩm
điện ảnh của Đại lục đã lên đến hơn 500 phim một năm, theo một số thống
kê cho thấy. Đất nước này còn bắt đầu làm phim 3D với kinh phí lớn hơn
trước đây; với cái mác đề mức giá cao ngất ngưởng của Heroes of Nanking, bộ phim gần như chắc chắn phải đạt được thành công ở nước ngoài thì mới có thể có lợi nhuận.
Bộ
phim chính kịch vẫn chưa được phân phối sang Mỹ của Trương Nghệ Mưu gần
đây vừa mới kết thúc giai đoạn quay phim kéo dài 164 ngày và dự kiến sẽ
được công chiếu tại Trung Quốc vào giữa tháng 12. Phim kể về cuộc giải
cứu các cô kỹ nữ của một mục sư người Mỹ (Christian Bale đóng) khi quân
đội Nhật tràn đến chiếm đóng thành phố vào những năm 30. Dù phim nói về
một giai đoạn lịch sử, nhưng chủ đề của nó lại mang tính quốc tế, theo
lời của Trương Vỹ Bình, nhà sản xuất và cũng là nhà tài trợ phim cho
biết. “Đây là câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng, và mọi người đều hiểu
được điều đó,” ông nói.
Các nhà sản xuất rất thẳng thắn bộc bạch
tham vọng về thương mại của mình. “Chúng tôi mong muốn nắm lấy cơ hội
đưa bộ phim trở thành phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất và tầm ảnh
hưởng lớn nhất trên thế giới,” Trương Vỹ Bình nói. Bộ phim này có thể
còn có được lợi thế từ sự tham gia của những nhân vật quyền lực hiểu
biết về việc phát hành phim ở Mỹ, trong đó có cựu đồng chủ tịch của hãng
Universal là David Linde và giám đốc sản xuất Ngọa hổ tàng long Bill Kong.
Trương Nghệ Mưu (trái) và Christopher Bale trên phim trường Heroes of Nanking
Tuy nhiên, một số người lại cảnh báo rằng những vấn đề đang lan tràn
trong ngành điện ảnh Trung Quốc quá phức tạp và khó có thể giải quyết
chỉ bằng cách thêm vào cho phim một cái tên tiếng Anh hay một khái niệm
phương Tây được.
Nhà sản xuất phim Hollywood Janet Yang (Disney High School Musical: China, The Joy Luck Club),
người đang lên kế hoạch cho một vài dự án đồng sản xuất giữa Trung Quốc
và Mỹ, cho biết vấn đề nằm ở sự khác nhau căn bản trong cách kể chuyện.
“Ở Trung Quốc, các phim thường được đưa vào nhiều câu chuyện dài dòng
theo lối kể chuyện bằng lời truyền thống, và không có cấu trúc ba phần
cổ điển như phim Hy Lạp,” cô nói. “Hãy nhìn Let the Bullets Fly
mà xem, các diễn viên rất tuyệt, bộ phim tràn đầy năng lượng. Nhưng
liệu có ai có thể nói cho tôi biết là nó nói về cái gì không?”
Và
thậm chí kể cả khi các nhà làm phim Trung quốc rẽ sang kể một câu
chuyện mang tính chất Tây phương thì họ cũng cần phải lưu ý để không đi
quá xa khỏi truyền thống của đất nước mình.
“Một tác phẩm đồng
sản xuất thành công cần phải có sự kết hợp hài hòa những điểm thu hút ở
cả hai phía mới có thể thực sự thu được lợi nhuận,” theo Christopher
Chen, phó giám đốc bộ phận phát triển kinh doanh tại hãng phim Hollywood
Endgame Entertainment, hãng phim cũng đang bắt đầu thực hiện một số tác
phẩm đồng sản xuất trong đó có bộ phim kinh dị sắp được phát hành của
Joseph Gordon-Levitt mang tên Looper và một bộ phim về cuộc đời của Marco Polo.
Mặc dù vậy, đối với tất cả vấn đề chiến lược, đạo diễn phim Nanking Trương Nghệ Mưu nói rằng ngành điện ảnh trong nước đang phải đối mặt với một vấn đề đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ.
“Điều
quan trọng nhất là không có nhiều phim hay… những nội dung hay mà khán
giả trên toàn thế giới đều có thể hiểu được và cảm thấy xúc động,” ông
nói. “Với bộ phim mới, ê kíp chúng tôi đang cố gắng đạt được điều đó,
bằng cả sự hợp tác và cấu trúc mang tính quốc tế… [Nhưng] dù có đầu tư
hay có cấu trúc lớn thế nào đi nữa mà không truyền đạt được nội dung làm
lay động khán giả thì mọi người cũng sẽ không thích bộ phim được.
Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times