Khác biệt với tất cả những phần trước: lần đầu tiên khán giả sẽ có sự lựa chọn để xem Harry Potter ở định dạng 3D.
Harry Potter là một trong những loạt phim dài nhất lịch sử, và ngày thứ sáu 15/7 này nó sẽ đi đến kết cuộc với phần phim cuối cùng, The Deathly Hallows: Part 2.
Nhưng
mặc dù bộ phim có đủ tất cả nhân vật bạn yêu thích – ngoại trừ một vài
nhân vật đã chết, vậy đó – và xâu chuỗi lại tất cả những đường dây lỏng
lẻo từ bảy phần phim trước, có một yếu tố khiến lần ra mắt này khác biệt
với tất cả những phần trước: lần đầu tiên khán giả sẽ có sự lựa chọn để
xem Harry Potter ở định dạng 3D.
Bộ phim xử lý với
định dạng này như thế nào? Liệu có đáng để bạn tốn thêm 4 đôla (ở Việt
Nam là tốn thêm hơn 100.000 ngàn đồng nếu bạn xem phim sau 17 giờ) hay
tốt hơn cả là cứ xem như hồi nào giờ đã xem tất cả những phần trước. Hãy
đọc bài phân tích toàn diện của chúng tôi về định dạng 3D của Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 và quyết định với đầy đủ thông tin.
Tính phù hợp
Không phải phim nào cũng hợp với định dạng 3D. Nếu phim của bạn toàn là
những nhân vật ngồi trong phòng tán gẫu với nhau chuyện trời mưa trời
nắng thì bạn sẽ phí phạm cả thời gian lẫn tiền bạc cố áp dụng công nghệ
mới này. Lịch sử đã chỉ ra rằng những ứng dụng tốt nhất thường là ở
những phim hoạt hình/thâm dụng đồ họa vi tính (ví dụ Avatar, Legends of the Guardians) hoặc có vô số cảnh hành động gây ảo giác (Transformers: Dark of the Moon). Trong trường hợp Harry Potter,
đây là một phim hỗn hợp. Mặc dù có một lượng lớn pha hành động, phim
luôn có nhiều cảnh các nhân vật sử đũa phép lên nhau và lượng hình ảnh
đồ họa vi tính luôn hạn chế ở mức tối thiểu. Thêm vào đó là cái việc mọi
phần phim Harry Potter khác đều được làm tốt mà không cần công nghệ 3D thì điểm cho hạng mục này thấp là phải rồi.
Điểm: 2/5
Kế hoạch và công sức
Kể từ hậu-Avatar đã diễn ra một cuộc chiến giữa những phim được
làm bằng công nghệ 3D với những phim chuyển đổi sau đó vì muốn lấy thêm
tiền. Vì những lý do hiển nhiên, những phim nào được lên kế hoạch và bố
cục 3D ngay từ trong ý tưởng thường vận dụng công nghệ này tốt hơn. Với
Harry Potter, có lẽ bạn còn nhớ một tin tức từ năm ngoái nói rằng những
kế hoạch chuyển đổi hậu kỳ The Deathly Hallows: Part 1 sang 3D
đã bị hủy bỏ đơn giản bởi vì không đủ thời gian. Mặc dù những tháng kể
từ sau tin tức đó đã được dành để áp dụng công nghệ 3D cho The Deathly Hallows: Part 2,
vấn đề của cái chiều không gian thứ ba này vẫn là chuyện hậu kỳ, có
nghĩa đạo diễn David Yates không quay phim theo như kế hoạch đã định để
lợi dụng giới truyền thông. Điều này thể hiện trong thành phẩm.
Điểm: 2/5
Ngoài màn ảnh
Lần nào bài viết của chuyên mục 3D hay không 3D cũng giải thích
điều này, nên chúng tôi sẽ nói ít thôi. Khi xử lý những bộ phim ba
chiều, đạo diễn phải có khả năng tạo ra cảm giác chiều sâu lẫn làm cho
vật thể vượt ra khỏi màn ảnh về phía khán giả. "Ngoài màn ảnh" nói đến
yếu tố trước, và, thật không may, Harry Potter không hề làm tốt
chuyện này. Ngoại trừ một cảnh, mà chúng tôi xin phép không nói rõ để
tránh tiết lộ nội dung bộ phim, chiều sâu mà phim đạt được nhiều nhất là
để một nhân vật phẳng đứng trước một hậu cảnh phẳng. Cảnh như vậy
thường được xem là hiệu ứng "cắt hình giấy bìa" và, nói thẳng nhé, tệ
quá. Hogwarts là một chốn khác thường đến thế có tiềm năng khai thác để
làm khán giả sững sờ, vậy mà 3D chẳng làm được gì hết.
Điểm: 1/5
Trước màn ảnh
Trong khi "Ngoài màn ảnh" là việc tạo ra cảm nhận chiều sâu, thì "Trước
màn ảnh" là về khả năng đưa các vật thể và nhân vật vươn tới khán giả
trông gần sát như đang hiển hiện. Một lần nữa, Harry Potter
không lợi dụng được điều này. Cho dù loạt phim đã luôn thể hiện được
những vật thể bay lượn hào nhoáng, nếu phần cuối được lên kế hoạch làm
3D thì cũng là chuyện tất nhiên, nhưng khía cạnh đó đã không hề được
khai thác. Có một vài khoảnh khắc – không phải cảnh đâu đấy, xin bạn lưu
ý – cũng có cái này cái nọ bay lượn vào rạp, nhưng hầu như không đủ để
làm cho phim xứng đáng với một trải nghiệm 3D.
Điểm: 1/5
Độ sáng
Cuộc chiến giữa độ sáng và 3D cũng căng thẳng như cuộc chiến giữa
Voldemort và Harry, nhưng nếu 3D là người tốt trong cách ví von này, thì
e rằng chuyện kết thúc không có hậu. Gần như suốt cả bộ phim, thời
lượng trên 2 tiếng đồng hồ, diễn ra vào ban đêm, trong đó có toàn bộ
Cuộc chiến ở trường Hogwarts. Vì mức độ sử dụng 3D thấp, điều này có
nghĩa là về cơ bản bạn quyết định đeo kính mát vào rạp để xem một phim
2D. Deathly Hallows: Part 2 được làm tối tăm u ám, nhưng đấy không phải là điều J.K. Rowling nghĩ.
Điểm: 1/5
Thử bỏ kính
Cặp kính làm tối và không thoải mái, nhưng có lý do để bạn phải đeo nó
trong lúc xem phim 3D. Nếu không mang kính, màn hình có vẻ bị bóp méo và
mờ ảo như thể có hai hình ảnh riêng biệt được gửi tới từng bên mắt. Thú
vị là khi thử gỡ kính ra mà thấy càng mờ ảo thì hiệu ứng 3D càng nhiều.
Từ tất cả những điều bạn đọc được bên trên thì bạn có thể trông đợi
rằng, Harry Potter không thể hiện điều gì khác thường. Ngoại
trừ một cảnh đã được đề cập trong phần Trước màn ảnh – lần nữa xin được
giấu chi tiết – phim này hầu như có thể xem không cần kính. Gỡ kính ra
giúp thấy sáng sủa hơn, nhưng không may là vẫn làm hại ví tiền của bạn.
Điểm: 2/5
Sức khỏe của khán giả
Có người không thể xem phim 3D mà không cảm thấy căng thẳng vì chuyển
động và nhức đầu kinh khủng. Đó thường là do bộ phim không tạo ra được
những tiêu điểm và khiến khán giả phải liên tục căng mắt tầm soát màn
ảnh. Nếu có điều gì tích cực để nói về tính ba chiều trong phần phim Harry Potter
này thì đó là nó không khiến khán giả phát ốm. Khán giả có thể rời rạp
hoàn toàn khỏe khắn và vui vẻ về bộ phim vừa xem, nhưng sẽ thất vọng nếu
buộc phải xem bản định dạng 3D.
Điểm: 5/5
Phán quyết chung cuộc: Xin đừng xem Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 3D. Điểm chung cuộc 14/35 quá tồi tệ và đây là điển hình tệ hại nhất về sử dụng công nghệ 3D. Những phim như Green Hornet và Green Lantern
xem ra làm cho người ta nghĩ việc chuyển đổi 3D hậu kỳ đang khá lên,
nhưng với bộ phim này thì, theo một cách nào đó, phá hủy mọi tiến bộ.
Hãy tiết kiệm tiền và xem phần chung cuộc Harry Potter này ở định dạng 2D thôi.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend
* Các bài khác trong chuyên mục "3D hay không 3D":
Cars 2
Transformers: Dark of the Moon
Kung fu Panda 2