Ở Hàn Quốc, điện ảnh và chính trị không thể tách rời.
Dưới thời của các chính phủ bảo thủ, một loạt các bộ phim kể về sự trỗi
dậy mạnh mẽ của Hàn Quốc từ đống tro tàn Chiến tranh Triều Tiên để trở
thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á và các tác phẩm
đề cập đến chủ nghĩa dân tộc đã được phát hành.
Roaring Currents (2014),
Ode to My Father (2014) và
Operation Chromite (2016) là ba trong số những bộ phim đạt doanh thu phòng vé lớn nhất ra mắt trong thời Tổng thống Park Geun Hye nắm quyền.
Những
bộ phim yêu nước này đã được thay thế bằng một loạt phim nhìn lại lịch
sử tôn vinh những người đấu tranh dân chủ vào thập niên 1980 sau khi
Park Geun Hye bị bãi chức vụ tổng thống và luật sư nhân quyền Moon Jae
In lên nắm quyền vào năm 2017.
Cái gọi là “phim cánh tả” đã miêu
tả các chính phủ bảo thủ trước đây ở Hàn Quốc ― đặc biệt là các chính
phủ quân sự trong những năm 1970 và 1980 ― là kẻ ác. Vi phạm nhân quyền,
vụ thảm sát ở phía nam thành phố Gwangju năm 1980 ngay sau khi Tổng
thống Chun Doo Hwan lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính và nạn
nhân của các nhà đấu tranh dân chủ được tái hiện trong các phim như
A Taxi Driver (2017) và
1987 : When the Day Comes (2017).
Áp phích phim Gwangju Video: The Missing, ra rạp ở Hàn Quốc tháng 7/2020
|
Trong
Gwangju Video: The Missing (2020), phim mới nhất về Cuộc
nổi dậy Gwangju, nhà làm phim Lee Jo Hoon quy trách nhiệm thảm kịch này
cho chế độ độc tài quân sự của Chun Do Hwan và làm dấy lên nghi ngờ rằng
các chính phủ bảo thủ cố tình che giấu đoạn phim quay cảnh binh lính xả
súng hàng loạt vào những công dân Gwangju tay không tấc sắt.
Rồi
đạo diễn cho thấy cảnh tương phản giữa những người ủng hộ bảo thủ tổ
chức các cuộc biểu tình đòi Park Geun Hye thoái vị năm 2017 và những
người ủng hộ tự do tổ chức các cuộc biểu tình dưới ánh nến để ủng hộ Cho
Kuk.
Cho Kuk là cựu thư ký dân sự cấp cao của Tổng thống Moon
Jae In trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp vào tháng 8 năm
2019. Cho Kuk đã nỗ lực thúc đẩy cải cách cơ quan công tố, nhưng ông đã
từ chức ngay sau khi có các cáo buộc tham nhũng.
Khi được hỏi đạo diễn có ý gì với những cảnh như vậy, Lee Jo Hoon nói,
“Tôi hiểu rằng các cảnh biểu tình có thể được giải thích qua lăng kính
chính trị, nhưng tôi muốn cho thấy những người biểu tình ủng hộ dân chủ
trong những năm 1980 vẫn đang nói lên chính kiến của họ.”
Đầu
tháng này, Netflix đã bị chỉ trích vì dịch Cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980
là “bạo loạn” trong phần giới thiệu bằng tiếng Nhật bộ phim
A Taxi Driver,
bộ phim Hàn về một tài xế taxi đã giúp phóng viên Đức đưa tin về phong
trào ủng hộ dân chủ. Một ngày sau khi nhận được khiếu nại, dịch vụ trực
tuyến này đã phải sửa đổi cách dịch.
Việc gia tăng các bộ phim có
nội dung về Bắc Triều Tiên và các mối quan hệ liên Triều là một xu
hướng nổi bật khác trong ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu từ sau khi
Moon Jae In lên nắm quyền. Cũng có sự thay đổi trong cách miêu tả Bắc
Triều Tiên trong các bộ phim.
Thay vì xem Bắc Triều Tiên là “kẻ thù chính” của Hàn Quốc và miêu tả Bắc
Triều Tiên là một mối đe dọa quân sự đối với Hàn Quốc, các phim gần đây
cố gắng nhắc nhở khán giả về lịch sử và văn hóa hàng thiên niên kỷ vượt
lên sự chia cắt bán đảo này.
Ashfall (2019), phim thảm
họa kinh phí lớn vượt qua tám triệu lượt vé, miêu tả một người lính Bắc
Triều Tiên là người hùng cứu người đồng cấp Hàn Quốc của anh.
Trong
Steel Rain 2: Summit (2020), giống như phần đầu
Steel Rain (2017), quan chức Bắc Triều Tiên và quan chức Hàn Quốc được thể hiện là đối tác chứ không phải kẻ thù.
Nhà làm phim Yang Woo Suk, đã sản xuất
The Attorney và
Steel Rain,
nói ông cho rằng điện ảnh là một hình thức báo chí thụ động trong đó
phản ánh thời đại chúng ta đang sống và có tác dụng xã hội lên công
chúng.
TaeGukGi: Brotherhood of War
|
“Tôi nghĩ rằng phim nào cũng mang tính chính trị ở một mức độ nhất định.
Ngay cả phim kinh dị và hài,” Yang Woo Suk nói. “Tôi hiểu rằng người ta
có thể có suy nghĩ khác nhau về phim tùy theo định hướng chính trị của
họ, nhưng giáo dục và các vấn đề an ninh quốc gia không nên bị ảnh hưởng
bởi điều đó.”
Ông bày tỏ lo lắng về những cáo buộc ảnh hưởng
chính trị đối với điện ảnh, nói rằng Hàn Quốc có thể tụt hậu so với
Trung Quốc nếu tiếp tục như thế.
“[...] nếu sự chia rẽ chính trị
ảnh hưởng đến ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khả năng cạnh tranh
của chúng ta sẽ bị suy yếu. Hãy nhìn những gì đã xảy ra với thể loại
hài. Phim châm biếm chính trị đã biến mất,” ông nói.
Nguồn gốc của mối quan hệ nồng ấm giữa chính trị với những bộ phim có
nội dung nghiêng về các nhà lãnh đạo đang tại vị và định hướng chính trị
của họ bắt nguồn từ những năm 1980 khi Tổng thống Chun Do Hwan nắm
quyền thông qua một cuộc đảo chính quân sự sau vụ ám sát Tổng thống Park
Chung Hee tháng 10/1979.
Cái gọi là “Chính sách 3S” ― sport: thể
thao, screen: màn ảnh và sex: tình dục ― đã quét qua đất nước Hàn vào
những năm 1980, Tổng thống Chun Do Hwan khi đó cố gắng thu hút sự chú ý
của công chúng ra khỏi quá trình lên nắm quyền đầy vấn đề của ông. Chính
quyền quân sự bị buộc tội thúc đẩy sự gia tăng của phim khiêu dâm.
Những năm 1980 là một thập kỷ đen tối đối với điện ảnh Hàn Quốc.
Mối
quan hệ điện ảnh-chính trị thay đổi sau những năm 1990. Vai trò của
chính phủ đằng sau việc sản xuất điện ảnh trở nên ngấm ngầm. Miêu tả về
Bắc Triều Tiên đã thay đổi với
Shiri (1999) của Kang Je Gyu, kể câu chuyện một điệp viên Bắc Triều Tiên ở Seoul, tiếp theo là
TaeGukGi: Brotherhood of War (2003).
Các bộ phim xu thời tổng thống tại vị được phát hành.
The Attorney (2013), bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của cố tổng thống theo chủ nghĩa tự do Roh Moo Hyun, và
Masquerade (2012),
phim cổ trang kể về một thường dân được tuyển dụng để đóng giả một vị
vua chuyên chế, đã thu hút sự chú ý của tổng thống lúc đó Park Geun Hye,
người đã đưa các diễn viên và nhà làm phim thiên tả vào danh sách đen
đối với nguồn tài trợ của chính phủ.
Sau khi Moon Jae In lên nắm quyền, những phim miêu tả quan điểm chống Nhật cũng trở thành chủ đề được bàn tán nhiều trong phim.
The Battleship Island (2017),
I Can Speak (2017),
A Resistance (2019),
My Name is Kim Bok-dong (2019) và
The Battle: Roar to Victory (2019) chạm đến các vấn đề thời chiến như phụ nữ giải khuây và lao động cưỡng bức. Một phim tài liệu khác
East Asia Anti-Japan Armed Front chuẩn bị ra rạp năm nay.
The Battle: Roar to Victory
|
Các phim như
Confidential Assignment (2017),
Spy Gone North (2018),
Steel Rain và
Ashfall phần nào miêu tả mối quan hệ đối tác giữa một đặc vụ / sĩ quan Bắc Triều Tiên và đồng cấp Hàn Quốc của họ.
Choi
Gong Jae, một nhà làm phim bảo thủ, cho rằng điện ảnh Hàn Quốc cần có
sự đa dạng để luôn hấp dẫn khán giả ngày càng đa dạng và tinh tế.
“Tôi
nghĩ rằng các rạp chiếu phim phải cung cấp nội dung đa dạng, bất kể bản
sắc tiềm ẩn thiên tả hay thiên hữu, và sau đó khán giả có thể quyết
định xem gì,” Choi nói. “Rạp chiếu phim không nên áp đặt ý tưởng chính
trị lên khán giả và giới hạn lựa chọn phim của họ.”
Ông nói thêm, “Công chúng nên xem phim cẩn thận và suy nghĩ sâu sắc.
Đừng chỉ tin tất cả những gì phim ảnh nói. Hãy cố gắng giải thích thông
điệp nền tảng của bộ phim và ý định của đạo diễn. Nếu không, bạn có thể
bị đồng hóa về chính trị bởi sự tuyên truyền văn hóa của Hàn Quốc.”
Lược dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times