Tin tức

Screen Daily viết: Các tài năng làm phim đang lên châu Á đến với Gặp Gỡ Mùa Thu 2024

19/04/2024

Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) tổ chức hội thảo làm phim mang tên Gặp Gỡ Mùa Thu và Vườn ươm kịch bản mới do các nhà làm phim Charles Nguyễn và Phan Gia Nhật Linh đứng đầu.

Tổng cộng có 25 dự án được trình bày trong hai chương trình, bao gồm 15 dự án châu Á trong khuôn khổ Gặp Gỡ Mùa Thu và 10 dự án phim và truyền hình Việt Nam trong phòng thí nghiệm kịch bản. Các dự án sẽ tranh giải thưởng tiền mặt, bao gồm giải thưởng CNC từ Pháp.

Jeremie Kressler, giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới, trao giải và chúc mừng hai người chiến thắng hạng mục Dự án phim xuất sắc nhất do CNC bình chọn

Kể từ khi được nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Phan Đăng Di ra mắt vào năm 2013, Gặp Gỡ Mùa Thu đã phát triển từ chỗ chỉ có 13 nhà làm phim Việt Nam trở thành hơn 100 tài năng từ khắp Đông Nam Á.

Với đạo diễn người Pháp gốc Việt nổi tiếng Trần Anh Hùng (The Taste Of Things) làm cố vấn thường xuyên, hội thảo làm việc này đã phát triển thành một sự kiện khu vực được tổ chức vào tháng 11 hàng năm tại thành phố biển Đà Nẵng, nơi diễn ra nhiều hội thảo khác nhau, từ đạo diễn, quay phim đến diễn xuất, thiết kế sản xuất và sản xuất. Trong suốt năm, Gặp Gỡ Mùa Thu cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo tại TPHCM về biên tập phim và thiết kế âm thanh.

“Gặp Gỡ Mùa Thu đóng vai trò là nền tảng để nhiều nhà làm phim triển vọng gặp nhau,” đồng sáng lập Trần Thị Bích Ngọc, từng là nhà sản xuất bao gồm Vợ baTro tàn rực rỡ, cho biết. “Họ chia sẻ tầm nhìn của mình và truyền cảm hứng cho nhau làm phim trong lúc cùng nhau ăn uống.”

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc

Lần đầu tiên hợp tác với HIFF, bà Trần Thị Bích Ngọc rất vui vì Gặp Gỡ Mùa Thu giờ đây có thể thu hút thêm nhiều nhà làm phim và cố vấn giàu kinh nghiệm từ nước ngoài. Trong số lựa chọn có các dự án từ bên ngoài Đông Nam Á như Oh My Oppa của đạo diễn Hàn Quốc Park Gyu Tae, từng có phim hài 6/45 năm 2022 thành công vang dội ở Việt Nam (tựa ra rạp Bỗng dưng trúng số), với doanh thu hơn 7 triệu USD; và I’ll Smile In September của đạo diễn Ấn Độ Aakash Chhabra.

Các nhà làm phim từng tham gia bao gồm đạo diễn người Việt Phạm Ngọc Lan, có phim đầu tay Cu li không bao giờ khóc là xuất phẩm hợp tác năm quốc gia vừa được công chiếu lần đầu tại Berlinale. Anh sẽ trở lại Gặp Gỡ Mùa Thu năm nay để trò chuyện cùng với nữ diễn viên kỳ cựu Minh Châu, ngoài ra các diễn giả khách mời khác bao gồm nhà sản xuất Cobweb Jay Choi, giám đốc điều hành Films Boutique Gabor Greiner và đạo diễn người Indonesia Makbul Mubarak (Autobiography).

Những người cố vấn bao gồm Jack Nguyễn, Olivier Pere và Fran Borgia. Sẽ có hai buổi hội thảo dành cho các nhóm dự án, tập trung vào phát triển và sản xuất dự án.

Chợ dự án HIFF 2024 đã thành công tốt đẹp, với hy vọng sẽ tiếp nối tinh thần và thành công của Gặp Gỡ Mùa Thu

“Quy mô chợ dự án này chỉ là mơ đối với chúng tôi nếu Gặp Gỡ Mùa Thu tự vận hành,” Trần Thị Bích Ngọc cho biết. “Hợp tác với HIFF, thật tuyệt vời khi thấy Việt Nam trở thành một phần của điện ảnh thế giới ở quy mô lớn hơn nhiều. Điều quan trọng là làm cho cộng đồng của chúng tôi có thể tiếp cận được với mọi người, đồng thời có thể có thêm nhiều sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khác.”

Diễn ra từ ngày 6 đến 13 tháng 4, HIFF đã khai trương phòng thí nghiệm kịch bản do đạo diễn Charles Nguyễn và Phan Gia Nhật Linh đứng đầu. Đạo diễn Nhật Linh có diễn xuất đầu tay trong phim bộ truyền hình HBO (đang chiếu) của Park Chan Wook The Sympathizer còn phim mới nhất do anh sản xuất, B4S: Before Sex, ra mắt thế giới tại HIFF.

Charles Nguyễn sẽ là cố vấn cùng với nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà và biên kịch Nguyễn Thái Hà. Phòng thí nghiệm kịch bản nhằm mục đích cung cấp nền tảng nuôi dưỡng các biên kịch trẻ Việt Nam nâng cao tay nghề của họ và đưa tác phẩm của họ đến gần hơn với khán giả.

Charlie Nguyễn (bìa phải) chụp hình cùng biên kịch Phát Nguyễn và biên kịch Hoàng Yến

“Khán giả Việt quan tâm đến câu chuyện gia đình Việt Nam và xung đột khoảng cách thế hệ,” Phan Gia Nhật Linh nói. “Họ muốn xem những câu chuyện địa phương: văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam và Con người Việt Nam; những điều mà họ có thể liên hệ và có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ. Vấn đề của kịch bản phim Việt không phải là thiếu câu chuyện mà là ở sự khéo léo trong cách viết.”

Điện ảnh Việt Nam gần đây chứng kiến sự đột phá các xuất phẩm nội địa thành công, trong đó có những phim phá kỷ lục Nhà bà NữMai. Một số phim trong nước còn được chuyển thể tinh tế từ các tác phẩm văn học Việt Nam như Hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc. Một thành công bất ngờ gần đây là Đào, Phở và Piano, sử thi chiến tranh Hà Nội mùa đông năm 1946.

Nhưng trong khi một số phim làm lại đạt được thành công về mặt doanh thu phòng vé như Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh năm 2015 (phim làm lại từ phim Hàn Quốc đầu tiên của Việt Nam), anh nhấn mạnh rằng kể từ đó đã có hơn 200 phim nguyên tác Việt Nam, so với khoảng 15 phim làm lại. “Quá trình làm lại có thể tiết kiệm thời gian phát triển kịch bản, nhưng dần dần, chúng tôi vẫn tập trung vào việc tạo ra những câu chuyện nguyên tác Việt,” Phan Gia Nhật Linh cho biết thêm.

CHỢ DỰ ÁN

Dự án phim nghệ thuật

Ria (Philippines)
Đạo diễn Arvin Kadiboy Belarmino
Sản xuất Kristine De Leon, Alemberg Ang

Agarmoon (Việt Nam)
Đạo diễn Lê Can Trường
Sản xuất Trần Thụy Đắc Khuê

Other People’s Dreams (Singapore)
Đạo diễn Daniel Hui
Sản xuất Sophia Sim, Tan Si En

Homework (Malaysia)
Đạo diễn Jacky Yeap
Sản xuất Edward Lim

Imah - The Last Time I Saw Your Face (Indonesia)
Đạo diễn/Sản xuất Eddie Cahyono
Đồng-sản xuất Isabelle Glachant, Rio Pasaribu, Hizkia Nararya, Li Xiaorong

Bubble Era (Việt Nam)
Đạo diễn Vũ Minh Nghĩa

I’ll Smile in September (Ấn Độ)
Đạo diễn Aakash Chhabra
Sản xuất Snigdha Sharma, Sanjay Gulati

Dự án phim thương mại

The Heirlooms (Indonesia)
Đạo diễn Devina Sofiyanti
Sản xuất Beta Giovanni Rahmadeva

The Heirloom (Việt Nam)
Đạo diễn Lê Hoàng
Sản xuất Thanh Trần
Đồng sản xuất Nguyễn Thị Xuân Trang

Parasomnia (Indonesia)
Đạo diễn Rafki Hidayat
Sản xuất Kevin Rahardjo

Oh My Oppa (Hàn Quốc)
Đạo diễn Park Gyu Tae
Sản xuất Kim Hyo Jeong

IG Rock (Malaysia)
Đạo diễn Khairi Anwar
Sản xuất Anwar Hadi, Lina Tan

Green Valley and the Amber Marbles (Việt Nam)
Đạo diễn/Sản xuất Vũ Nguyễn Nam Khuê
Đồng sản xuất Phạm Minh Hằng, Thanh Trần

Fake Truth (Việt Nam)
Đạo diễn Nguyễn Việt Anh
Sản xuất Ngô Mai Phương

The Great Lives of My Father (Việt Nam)
Đạo diễn Vương Hữu Danh
Sản xuất Võ Thị Phương Linh, Thảo Nguyễn, Nguyễn Phan Nguyệt Minh

- Dự án phim thương mại xuất sắc nhất trao cho Green Valley and the Amber Marbles do Vũ Nguyễn Nam Khuê đạo diễn, Phạm Minh Hằng sản xuất.

- Dự án phim nghệ thuật xuất sắc nhất trao cho Other People’s Dream do Daniel Hui đạo diễn, Sophia Sim và Si En Tan sản xuất.

- Dự án phim xuất sắc nhất được các giám khảo của CNC bình chọn cho Imah - The Last Time I Saw Your Face do Eddie Cahyono đạo diễn, Li Xiaorong sản xuất.

VƯỜN ƯƠM KỊCH BẢN

Phim truyền hình

Son of the King
Kịch bản: Phát Nguyễn
Câu chuyện lấy cảm hứng từ việc truyền ngôi của Vua Tự Đức triều đại nhà Nguyễn, không thể có con mà truyền ngôi cho cháu.

Crazy Idols / Thần tượng tâm thần
Kịch bản: Stefanie Vo
Một bác sĩ tâm lý trẻ quản lý phòng tư vấn phục vụ khách hàng là những người nổi tiếng chật vật với chứng nghiện rượu và rối loạn tinh thần.

Mom’s Cooking / Chuẩn cơm mẹ nấu
Biên kịch: Quản Phương Thanh
Bốn người phụ nữ chạy trốn khỏi thành phố, tình cờ gặp nhau ở một thị trấn nhỏ. Tại đây, họ bắt đầu kinh doanh một nhà hàng không có thực đơn.

Rent-An-Ear
Biên kịch: Trà Nguyễn
Trong thế giới của bộ phim này, khách hàng có thể thuê người để nghe họ nói chuyện — những điều họ có thể không muốn hoặc không thể chia sẻ với những người bạn thân nhất của mình. Những người được thuê không tham gia vào cuộc trò chuyện; họ chỉ lắng nghe. Họ là những “Người nghe”.

The Secret of Paradise Island / Bí mật đảo thiên đường
Biên kịch: Nguyen Hoàng Hải
Một cô gái bắt đầu cuộc sống mới với chồng trên hòn đảo mộng mơ, chỉ để phát hiện ra vào ngày đầu tiên ở đó chồng cô đã qua đời

Phim điện ảnh

Pride
Biên kịch: Quan Lâm Vũ
Một vận động viên cầu lông tham gia trại huấn luyện để kiếm tài trợ nhưng lại vướng vào âm mưu quỷ quyệt của huấn luyện viên cũ – cũng là người đã lạm dụng tình dục anh.

Under the Eagle’s Wing
Biên kịch: Hoàng Yến
Một hoàng tử phải cứu tướng của mình xóa được tội danh phản nghịch nếu không sẽ bị nhà vua xử trảm.

The Queen / Tấm và Hoàng hậu
Biên kịch: Phát Nguyễn
Với mong muốn trả thù bằng mọi giá, Tấm trở về cung, lấy lại ngôi vị hoàng hậu, tiêu diệt mọi kẻ thù, để rồi nhận ra quá trình đó đã hủy hoại con người mình.

Dear Buffalo
Biên kịch: Ha Lan Do
Một cô gái trẻ cố gắng cứu con trâu yêu quý của mình thoát cảnh bị bán lấy thịt. Tuy nhiên, con trâu cũng là niềm hy vọng duy nhất để cha cô trả được nợ.

The Story Called Faith / Câu chuyện gọi là đức tin
Biên kịch: Phương Anh Đặng
Cô con gái điều tra cái chết của người cha sùng đạo của mình mặc dù cảnh sát kết luận rằng ông tự sát. Qua điều tra, cô phát hiện cha mình đã bị một hồn ma sát hại.

Vườn ươm kịch bản HIFF 2024 đã trao các giải:

Giải khuyến khích hạng mục phim truyền hình: Thần tượng tâm thần — biên kịch Stefanio Vo và Bí mật đảo thiên đường — biên kịch Nguyễn Hoàng Hải.

Giải khuyến khích hạng mục phim điện ảnh: Kết quả — biên kịch Nguyễn Vũ Trung Kiên; Tấm và Hoàng hậu — biên kịch Phát Nguyễn.

Giải nhất hạng mục phim truyền hình: biên kịch Quản Phương Thanh với tác phẩm Chuẩn cơm mẹ nấu.

Giải nhất hạng mục phim điện ảnh: biên kịch Phương Anh Đặng với tác phẩm Câu chuyện gọi là đức tin.


Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily; Các box giải thưởng và
tất cả hình ảnh (trừ ảnh thứ hai) dẫn theo Tuổi Trẻ