Tin tức

Sự thật và hư cấu trong phim bộ Hollywood của Netflix

26/05/2020

Cảnh báo: Bài viết có những tiết lộ từ phim bộ bảy tập Hollywood đang có trên Netflix.

“Đôi khi tôi nghĩ người ở thị trấn này không thực sự hiểu được sức mạnh của họ,” Darren Criss nói trong tập hai của Hollywood. “Điện ảnh không chỉ cho chúng ta thấy thế giới như thế nào, chúng cho ta thấy thế giới có thể như thế nào.”

Có thể nói tương tự về phim bộ ngắn tập Hollywood của Ryan Murphy và Ian Brennan, được công chiếu trên Netflix từ ngày 1/5/2020. Lấy bối cảnh những năm 1940, phim giới thiệu nhiều diễn viên, đạo diễn, đại diện và giám đốc điều hành khác nhau và những thành kiến hệ thống về chủng tộc, giới tính và tình dục mà họ phải đối mặt.

Một số nhân vật dựa trên những nhân vật có thật ngoài đời, những người khác là hư cấu thuần túy. Lời thoại trong câu chuyện hư cấu của bộ phim đóng vai trò thỏa mãn ước mơ, tuy nhiên các tình huống kỳ quặc hơn — được đề cập thoáng qua hay là cho hiệu ứng hài hước — thường là sự thật.

Để giúp bạn đỡ phải tìm kiếm trên Google, dưới đây là danh sách hữu ích về thực tế và hư cấu trong Hollywood, theo từng tập.

Tập 1: Trạm xăng Golden Tip có thật không?

Dylan McDermott đóng vai Ernie, chủ Trạm xăng Golden Tip

Tập đầu tiên cho thấy các diễn viên tham vọng làm việc tại Trạm xăng Golden Tip, một trạm dịch vụ do Ernie (Dylan McDermott) điều hành, là một nhà thổ cao cấp trá hình. Trạm xăng này dựa theo Scotty Bowers, một sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ trở thành ma cô Hollywood hoạt động bằng một trạm xăng ở Đại lộ Hollywood. Trong cuốn hồi ký năm 2012 — sau đó được chuyển thể thành một bộ phim tài liệu “vui nhộn, độc đáo, hoài niệm, dễ thương” — Bowers khoe khoang một danh sách khách hàng bao gồm nhà soạn nhạc Cole Porter và diễn viên Rock Hudson, cả hai cũng xuất hiện trong phim Hollywood.

Tập 1: Có phải Jack Castell và Archie Coleman dựa trên người thật?

Jeremy Pope đóng vai nhân vật hư cấu Archie Coleman trong phim

Mặc dù Hollywood thể hiện một số nhân vật dựa trên người thật, Jack (David Corenswet) và Archie (Jeremy Pope), được giới thiệu trong tập đầu tiên, không thuộc vào số đó. Cả Raymond Ainsley (Darren Criss), Camille Washington (Laura Harrier), Claire Wood (Samara Weaving), Ellen Kincaid (Holland Taylor), Avis Amberg (Patti LuPone), Dick Samuels (Joe Mantello), Jeanne Crandall (Mira Sorvino) và Ace Amberg (Rob Reiner) cũng vậy.

Tập 1: Peg Entwistle chết như thế nào?

Cư dân Beachwood Canyon tụ tập để xem bộ phim năm 1932 Thirteen Women, do Peg Entwistle đóng chính. Cô đã tự tử bằng cách nhảy xuống từ chữ H trên bảng hiệu Hollywoodland

Archie giải thích rằng kịch bản của anh nói về “cô gái nhảy ra khỏi Bảng hiệu Hollywood vì thị trấn này sẽ không chấp nhận cô.” Archie đang nói về Peg Entwistle, nữ diễn viên sân khấu người Anh chuyển đến Los Angeles để thử sức với điện ảnh. Khi cô gái tóc vàng, mắt xanh hy vọng ấy biết mình bị cắt khỏi Thirteen Women, phim điện ảnh đầu tiên và duy nhất của cô, cô đã tự tử và chết ở tuổi 24 bằng cách nhảy từ đỉnh chữ H trong bảng hiệu “Hollywoodland”. (Thư tuyệt mệnh, đưa vào trong phim, đúng nguyên văn.) Những giờ phút cuối cùng của cô là chủ đề của một bộ phim ngắn.

Tập 2: Anna May Wong có mất vai chính về tay nữ diễn viên da trắng không?

Michelle Krusiec miêu tả Anna May Wong, ngôi sao điện ảnh người Mỹ gốc Hoa đầu tiên của Hollywood

Tập hai minh họa sự nghiệp của Anna May Wong — ngôi sao điện ảnh người Mỹ gốc Hoa đầu tiên của Hollywood, do Michelle Krusiec thể hiện — bị ngừng đột ngột sau khi cô trình diễn màn thử vai xuất sắc cho bộ phim chuyển thể cuốn tiểu thuyết The Good Earth của Pearl S. Buck, để rồi chỉ được mời vào vai người vợ lẽ thay vì vai nữ chính, O-lan. “Nếu quý vị để tôi đóng O-lan, tôi sẽ rất vui,” cô đã nói với MGM lúc đó. “Nhưng quý vị lại yêu cầu tôi — với dòng máu Trung Quốc — đảm nhân vai không thiện cảm duy nhất trong phim, với một dàn diễn viên toàn người Mỹ miêu tả các nhân vật người Trung Quốc.”

Thay vào đó, vai chính thuộc về Luise Rainer, một nữ diễn viên da trắng, màn trình diễn này đã dẫn đến một chiến thắng Oscar — lần thứ hai, khiến cô trở thành nữ diễn viên đầu tiên giành được nhiều hơn một giải Oscar. Trong khi đó, Wong rút lui khỏi ngành công nghiệp điện ảnh, chuyển sang truyền hình, du lịch và chính trị. Cô đang sẵn sàng trở lại màn ảnh rộng trong Flower Drum Song thì qua đời năm 1961, ở tuổi 56.

Tập 2: Henry Willson có lạm dụng tình dục thân chủ của mình không?

Jim Parsons miêu tả đại diện khét tiếng Henry Willson

Trong phim, Jim Parsons đóng vai đại diện riêng, ký hợp đồng với Rock Hudson sau khi đổi tên và buộc anh này phải tham gia vào các hành vi tình dục. Sự thật đúng là vậy: Willson, người đã xây dựng một sự nghiệp béo bở trong việc biến những anh chàng đẹp trai vô danh thành những nam thần siêu nam tính, nổi tiếng khắp thị trấn là một “đại diện lên giường đổi vai diễn”, ép tài năng tham vọng vào các mối quan hệ tình dục để đổi lấy sự thăng tiến trong sự nghiệp. Như được miêu tả chính xác trong các tập sau, Willson thúc đẩy sự nghiệp của Hudson thông qua các bài học giao tế, chỉnh răng và thuê đầu gấu đe dọa những kẻ tống tiền tiềm năng. (Một sự thật thú vị hơn: diễn viên Parsons đã tự mình biên đạo màn kéo lê Willson.)

Tập 3: George Cukor có mở những bữa tiệc thác loạn bên bể bơi không?

Hollywood tái hiện một buổi chiêu đãi của George Cukor phóng đãng

Đúng vậy, đạo diễn của Dinner at Eight, A Star is BornMy Fair Lady — đồng tính luyến ái của ông là một bí mật ai cũng biết — tổ chức các bữa tiệc bể bơi vào chiều chủ nhật tại cơ ngơi rộng sáu mẫu của ông trên Sunset Plaza. Như Baroness d’Erlanger miêu tả, “Cukor có tất cả những bữa tiệc tuyệt vời dành cho phụ nữ vào buổi chiều. Sau đó đến tối những gã trai hư xuất hiện!” Để dựng cảnh xứng đáng trong phim Hollywood, cần bốn địa điểm để ghi hình.

Tập 3: Vivien Leigh bị bệnh tâm thần?

Vivien Leigh trong vai Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió

Sau bữa tối hào nhoáng tại nhà Cukor, ngôi sao Cuốn theo chiều gió Vivien Leigh (Katie McGuinness) nói với Ernie rằng cô và chồng, nam diễn viên Laurence Olivier, đang ly thân, và cô đang để mắt đến vai chính trong vở kịch mới của Tennessee Williams A Streetcar Named Desire. Trong đời thực, cô bắt đầu vai đó trên sân khấu và trên màn ảnh — vai diễn trên phim đã mang lại cho cô giải Oscar thứ hai. Tuy nhiên, tâm trạng và cách cư xử thất thường trên trường quay của cô khiến cô nổi tiếng “khó tính”, trong khi thực sự, cô mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Tập 4: Ai là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một hãng phim Hollywood?

Patti LuPone đóng vai giám đốc hãng phim hư cấu Avis Amberg

Khi Ace Amberg bị đau tim, vợ ông, Avis Amberg, đã thay ông làm người đứng đầu Ace Studios hư cấu. Trên thực tế, mãi đến năm 1980 một chuyện như vậy mới xảy ra, khi Sherry Lansing được bổ nhiệm làm chủ tịch của 20th Century Fox Productions, khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một hãng phim lớn.

Tập 4: Eleanor Roosevelt là một phần của ngành công nghiệp điện ảnh?

Harriet Sansom Harris, trái, trong vai Eleanor Roosevelt cùng với Patti LuPone trong vai Avis Amberg

Harriet Sansom Harris miêu tả cựu đệ nhất phu nhân, người đã nhận ra sức mạnh của Hollywood trong và sau thời gian ở Nhà Trắng. Dễ hiểu vì sao bà khuyến khích một người như Avis đi theo cách làm phim táo bạo hơn, vì Roosevelt đã chống lại sự kiểm duyệt.

“Ngành công nghiệp điện ảnh là một ngành công nghiệp tuyệt vời, với những khả năng tốt-xấu vô hạn,” Roosevelt đã viết vào năm 1947. “Mục đích chính của nó là để giải trí cho mọi người. Một mặt, nó có thể làm nhiều việc khác. Nó có thể phổ biến những lý tưởng nhất định, nó có thể làm cho giáo dục trở nên ngon dễ chấp nhận. Nhưng trong dài hạn, phán quyết định cái gì tốt hay cái gì xấu là người xem phim. Ở một đất nước dân chủ, tôi không nghĩ công chúng sẽ tha thứ cho việc loại bỏ quyền quyết định họ gì nghĩ về ý tưởng và màn trình diễn của những người làm cho ngành công nghiệp điện ảnh hoạt động.”

Tập 5: Disney có thực sự làm một bộ phim về những nô lệ vui vẻ không?

Dick Samuels của Joe Mantello đề cập đến Song of the South của Disney

Khi Avis của LuPone tranh luận sẽ làm loại phim nào, người đứng đầu khâu sản xuất Dick Samuels nhắc nhở bà rằng người ta đã bao vây hãng Disney vì phát hành Song of the South, bộ phim trong đó “nô lệ rất hạnh phúc, họ thậm chí không muốn rời khỏi đồn điền.” Pha trộn giữa người đóng và hoạt hình, bộ phim năm 1946 này — là sự hoàn thành giấc mơ thời thơ ấu của Walt Disney đưa những câu chuyện về chú Remus lên màn ảnh — đã thắng giải Oscar ca khúc trong phim Zip-a-Dee-Doo-Dah, cộng với một giải danh dự cho màn trình diễn của James Baskett trong vai chú Remus.

“Miêu tả người da đen hạnh phúc, được những người da trắng nhân từ nuôi ăn đầy đủ trên các đồn điền miền Nam, đã lỗi thời khi bộ phim được phát hành lần đầu tiên vào năm 1946,” nhà báo James A. Snead của Los Angeles Times cho biết vào năm 1986, trong một lần tái phát hành bộ phim. Ông nhớ lại buổi ra mắt bộ phim ở New York, những người bao vây hô hào, “Chúng tôi chiến đấu cho chú Sam, chứ không phải chú Tom,” trong khi Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu và Đại hội Da đen quốc gia kêu gọi tẩy chay.

“Thứ rác rưởi phân biệt chủng tộc”, như Avis miêu tả, vẫn chưa được phát hành ở quốc gia này trên video gia đình. Nó không có trên Disney+, dịch vụ phát trực tuyến mới ra mắt gần đây bao gồm gần như mọi tựa phim mà công ty đã phát hành. (Splash Mountain, trò chơi công viên chủ đề dựa trên bộ phim, vẫn còn.)

Tập 6: Rock Hudson công khai về tính dục khi nào?

Archie Coleman của Jeremy Pope và Rock Hudson của Jake Picking là một cặp trong phim

“Anh yêu em, Rock,” Archie của Pope nói với Rock Hudson của Jake Picking. “Anh muốn chúng ta sống cùng nhau, và anh muốn làm bạn trai của em.” Sau khi hai người họ hôn nhau, chàng diễn viên hỏi, “Có thật không?”

Đáng buồn là không. Hudson — tên thật là Roy Fitzgerald và là anh chàng diễn viên cần đến 38 đúp để thực hiện thành công câu thoại duy nhất trong bộ phim đầu tiên của mình — đã sống cuộc đời hai mặt làm một trai đẹp Mỹ chính cống, dị tính của All That Heaven Allows, Magnificent ObsessionPillow Talk và là người đàn ông đồng tính kín. Willson giữ vẻ ngoài giả dối cho Hudson bằng cách dàn dựng xuất hiện công khai với các nhân tình phụ nữ, và thậm chí để Hudson kết hôn với thư ký của mình trong vài năm. Khi chẩn đoán AIDS của Hudson được công bố vào năm 1985, ngay trước khi ông qua đời vì căn bệnh này ở tuổi 59, chuyện đó đã ám chỉ con người công chúng của Hudson trong nhiều thập kỷ là một bí mật ai cũng biết ở Hollywood — đồng tính luyến ái.

Tập 7: Có phải một nhà sản xuất đã cố gắng loại ca khúc Over the Rainbow ra khỏi bộ phim Phù thủy xứ Oz?

Judy Garland trong Phù thủy xứ Oz

Biên tập phim Meg tiết lộ rằng ông cóp một bản sao của bộ phim năm 1939 để phòng ngừa “nhà sản xuất ngu ngốc nào đó” cắt ca khúc mở đầu. Sự thật đúng là ông trùm MGM Louis B. Mayer muốn cắt ca khúc, tin rằng nó quá buồn và phức tạp đối với trẻ nhỏ. Một nhà sản xuất khác dọa sẽ rút khỏi toàn bộ dự án để bài hát được giữ lại. Ca khúc đã tiến lên thắng giải Oscar ca khúc trong phim, và đứng đầu danh sách Ca khúc của thế kỷ của Hiệp hội ngành công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ, Quỹ nghệ thuật quốc gia và Viện điện ảnh Mỹ.

Tập 7: Hattie McDaniel có được tham dự lễ trao giải Oscar?

Camille Washington của Laura Harrier, trái, và Hattie McDaniel của Queen Latifah gặp nhau trong phim Hollywood

Hattie McDaniel của Queen Latifah đau lòng nói với Camille Washington rằng khi cô đến dự lễ trao giải thưởng Viện Hàn lâm tại Ambassador Hotel phân biệt chủng tộc, nơi cô được đề cử nữ diễn viên phụ cho vai diễn của cô trong phim Cuốn theo chiều gió năm 1939, thoạt tiên cô bị ngăn không cho vào. “Họ bảo tôi rằng tôi có thể đợi ở sảnh, và nếu tôi thắng, sẽ có người đến báo với tôi, thì tôi mới được vào,” cô kể lại. “Đã có người tiết lộ cho tôi biết tôi sẽ thắng, vì vậy ngay trước khi họ thông báo tên tôi, người ta đã đẩy tôi vào cuối phòng và cho tôi ngồi ở đó.”

McDaniel, con gái của hai người cựu nô lệ, thực sự có ngồi bên trong khán phòng, nhưng chỉ vì nhà sản xuất bộ phim David O. Selznick đã thỉnh cầu cho cô được phép vào. Cô đã ngồi với những bạn diễn của mình nhưng ở một bàn riêng; cô là người phụ nữ da đen duy nhất trong phòng. Cô đã trở thành người da đen đầu tiên thắng giải Oscar, nhưng điều đó đã làm thay đổi đáng kể sự nghiệp của cô. Không có diễn viên da màu nào khác thắng giải Oscar cho đến năm 1964, khi Sidney Poitier giành chiến thắng cho Lilies of the Field.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times