Tin tức

Thế giới võ hiệp trong phim của Từ Khắc

29/03/2012

Cuối năm 2011, Long Môn phi giáp được ca ngợi là phim kiếm hiệp 3D định dạng IMAX đầu tiên, và được tung ra tất cả các rạp khắp Trung Quốc. Được trang bị công nghệ 3D, đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc trở lại với thể loại 'võ hiệp' mà ông từng giúp tái định nghĩa. 'Võ hiệp' là dòng văn học và điện ảnh được ưa chuộng ở Trung Quốc chứa đựng chủ đề võ thuật và nghĩa khí. Và, một lần nữa, phim kiếm hiệp của đạo diễn Từ được người ta bàn luận.

Đạo diễn Từ Khắc tham dự buổi họp báo cho bộ phim Long Môn phi giáp của ông
tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 62, ngày 17/2/2012
[Ảnh: Tân Hoa xã/Ma Ning]

Từ Khắc sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình người Hoa di cư đến Sài Gòn, Việt Nam năm 1951. Từ lúc còn rất nhỏ ông đã sớm bộc lộ yêu thích điện ảnh. Ở tuổi 13, ông đã sử dụng một camera 8mm để làm phim video. Năm 1984, ông cùng vợ lập một công ty chế tác. Từ Khắc nổi tiếng quốc tế với những phim như Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow), Thiện nữ u hồn (A Chinese Ghost Story), Hoàng Phi Hồng (Once Upon a Time in China), và từ đó tạo ra một thời đại mới trong điện ảnh. Khoảng cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, Từ Khắc, cùng các đạo diễn tượng đài khác như Hứa An Hoa và Đàm Gia Minh, làm dậy sóng làng điện ảnh Hồng Kông, nâng nền công nghiệp điện ảnh lên từ một tầm rất thấp. Kết quả, giới truyền thông gọi họ là 'Làn sóng mới'.

Trước thế hệ đạo diễn Làn sóng mới này, các đạo diễn Hồng Kông luôn học nghề từ các hãng phim. Trong khi đó các đạo diễn thế hệ Làn sóng mới thổi luồng sinh khí mới vào ngành điện ảnh. Đan Sa, nhà nghiên cứu tại Viện tư liệu điện ảnh Trung Quốc nói, "Từ Khắc thuộc vào thế hệ đạo diễn Làn sóng mới của điện ảnh Hồng Kông. Họ là một thế hệ trí thức, hầu hết học hành ở nước ngoài. Từ Khắc tốt nghiệp về chế tác của University of Texas ở Austin. Khi trở về quê nhà, họ không vào các hãng phim mà vào các đài truyền hình."

Điệp biến năm 1979, bộ phim đã tạo nền tảng cho các phim về sau của Từ Khắc

Từ Khắc lần đầu dấn thân vào nghề bằng những phim truyền hình được ưa chuộng rộng rãi như LoveHate of the Golden Blade. Năm 1979, ông làm phim điện ảnh đầu tay Điệp biến (The Butterfly Murders), một bộ phim căng thẳng nghẹt thở và kỳ ảo. Bộ phim này đã tạo nền tảng cho các phim về sau của Từ Khắc.

Với sự tham gia của một thế hệ trí thức mới, đã có nhiều cách tân trong mọi khía cạnh của điện ảnh Làn sóng mới. Nhân tố tinh túy nhất có lẽ là Từ Khắc, đã tái tạo thể loại phim võ hiệp Trung Quốc. Nhà phê bình điện ảnh Lý Tiêu Phi nói, "phim của ông tạo những đột phá trong kỹ thuật quay phim. Hầu hết phim kiếm hiệp trước đây được quay tại phim trường, nhưng phim của Từ Khắc luôn quay ở ngoại cảnh. Phim của ông chứa đựng nhiều khái niệm hiện đại, nhất là vì ông là một trí thức tiếp nhận học vấn ở phương Tây. Vì thế, có thể nói phim của ông sử dụng các phương pháp của phương Tây để thể hiện văn hóa phương Đông."

Huyết sử Thục sơn năm 1983 của Từ Khắc được xem là một trong những thành tựu đỉnh cao
của thế giới về hiệu ứng đặc biệt trước khi có hiệu ứng do đồ họa vi tính

Các nhà nghiên cứu tin rằng Từ Khắc đại diện cho đỉnh cao công nghệ của nền điện ảnh Trung Quốc. Ông sử dụng hiệu ứng đặc biệt để sáng tạo một loạt phim kiếm hiệp. Năm 1983, Huyết sử Thục sơn (Zu Warriors from the Magic Mountain) được xem là một trong những thành tựu đỉnh cao của thế giới về hiệu ứng đặc biệt trước khi có hiệu ứng do đồ họa vi tính. Nhiều kỹ xảo trong phim này vẫn còn được xem là tiên tiến ngày nay. Trong Long Môn phi giáp ra mắt vào cuối năm ngoái, lần này Từ Khắc tiên phong làm phim kiếm hiệp Trung Quốc ở định dạng 3D.

Theo đuổi công nghệ tốt hơn giúp cho Từ Khắc có tầm nhìn tốt hơn để chuyển hóa lên màn ảnh rộng. Mặc dù bộ phim Anh hùng Du sơn (A Legend of Zu) không đạt doanh thu vé tốt, sức tưởng tượng của ông trong tác phẩm này vẫn làm khán giả sững sờ. Nhà phê bình điện ảnh Lý Tiêu Phi nói, "cả tầm nhìn thế giới lẫn trí tưởng tượng của ông đều không có giới hạn. Sức tưởng tượng của ông đi trước thời đại, đi trước người thường. Từ đây đến 10 năm nữa, chúng ta mới có thể với tới tầm cao uyên bác công nghệ của ông, nhưng sẽ không bắt kịp khả năng tưởng tượng của ông."

Tình yêu dành cho văn hóa Trung Quốc của Từ Khắc thể hiện rõ ràng trong mọi khía cạnh trên phim võ hiệp của ông. Những bài thơ trong phim kiếm hiệp của Từ Khắc tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ phim của ông. Rất nhiều lời thơ cho chính Từ Khắc sáng tác. Nhà nghiên cứu điện ảnh Đan Sa nói, "bất chấp việc ông chịu ảnh hưởng của phương Tây hồi trẻ, và thường bị công nghệ mê hoặc, Từ Khắc không bao giờ xao lãng tầm quan trọng của văn hóa Trung Hoa cổ đại."

Long Môn phi giáp, tác phẩm võ hiệp mới nhất của Từ Khắc sử dụng
phương pháp của phương Tây để thể hiện văn hóa phương Đông

Sự cách tân trong phim võ hiệp của Từ Khắc thể hiện trong kịch bản. Một số phim của ông là phái sinh từ tác phẩm văn học, nhưng khi lên màn bạc, một phong cách Từ Khắc mãnh liệt hiển hiện trong phim. Loạt phim Tiếu ngạo giang hồ (The Swordsman) là chuyển thể tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Tuy nhiên Từ Khắc xoay chuyển câu chuyện gốc và sáng tạo lại toàn bộ. Đan Sa tin rằng cách chuyển thể này là ví dụ hoàn hảo cho phong cách của Từ Khắc.

"Ông định nghĩa lại khái niệm 'giang hồ' và thế giới võ hiệp. Ông đặt vào đó cá tính của ông và cũng là lý do vì sao ông có biệt danh 'lão Từ gàn'," Đan Sa nói.

Từ Khắc, nhân vật hàng đầu của điện ảnh Làn sóng mới Hồng Kông thập niên 1980, đã mở đường dòng phim võ hiệp thập niên 1990. Tốc độ nhanh, phong cách luôn biến đổi, kỹ xảo không ngừng, sự tưởng tượng và sự pha trộn văn hóa khiến Từ Khắc và phim võ hiệp của ông thành huyền thoại điện ảnh.

Dịch: Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Chinese Films


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi