Tin tức

Tua lại và trình chiếu các phim kinh điển Trung Quốc phục chế

22/03/2012

Công việc phục chế các bộ phim cũ ở Trung Quốc hầu hết dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng đây không phải là một quá trình "ngang bằng sổ ngay". 

Sự cổ điển có sức hấp dẫn mới - và không chỉ trong lĩnh vực thời trang. Hôm 24/2, một phiên bản phục chế bộ phim Long Môn khách sạn năm 1992 của đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc đã ra rạp. Năm 2009, một nhà làm phim Hồng Kông khác, Vương Gia Vệ, đã đưa bản phim Đông tà Tây độc năm 1994 của ông được phục chế và ra rạp.

Từ trên xuống: Phim Trung Quốc sản xuất trước năm 1958
được Viện tư liệu điện ảnh Trung Quốc phục chế

Nhưng những bộ phim kinh điển khác không được may mắn như vậy, vì đôi khi phục chế phim khó khăn hơn là làm phim mới.

Nhiều năm trước, Viện tư liệu điện ảnh Trung Quốc muốn phục chế phim Bridge, phim điện ảnh đầu tiên sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.

Zuo Ying, phó giám đốc bộ phận kỹ thuật của viện tư liệu điện ảnh, phát hiện ra rất nhiều cảnh trong phim này bị rung. Ông và các đồng nghiệp không thể giải thích tại sao bản phim gốc đã phát hành lại như thế hoặc là liệu có phải phim bị hư hỏng sau đó không.

Họ không thể bắt tay vào việc phục chế cho đến khi tìm được nhà quay phim đã quay Bridge, giờ đây đã hơn 80 tuổi, trong khu tập thể của Hãng phim Bắc Kinh. Ông này bảo rằng những hình ảnh của bản phim gốc rất ổn định và gợi ý vấn đề có lẽ do phim không được lưu trữ đúng cách.

Phục chế phim cũ không có nghĩa là làm cho nó mới trở lại. Bản phục chế phải trung thành với bản gốc hết mức có thể.

Do đó, việc phục chế phim cũ không hề chỉ là chuyện kỹ thuật. Nó đòi hỏi một đội ngũ hiểu biết về điện ảnh.

Hầu hết thành viên của nhóm phục chế đều học chuyên hoặc công nghệ vi tính hoặc nghệ thuật, nhưng chỉ một số ít thành thạo cả hai.

"Đó là lý do vì sao tôi mạnh dạn giới thiệu những chuyên gia điện ảnh và dàn diễn viên cùng đội ngũ làm bản phim gốc tham gia công việc phục chế," Wu Jueren, nhà nghiên cứu về phục chế phim, nói.

Vấn đề là, rất nhiều thành viên của đoàn làm phim gốc đã quá già hoặc đã qua đời, khiến cho việc phục chế phim kinh điển càng cấp bách hơn.

Viện tư liệu điện ảnh Trung Quốc giữ khoảng 27.000 bộ phim, một phần ba số đó được làm trước năm 1949. Bộ phim xưa nhất là Lao công chi ái tình (Laborers' Love) của Trương Thạch Xuyên năm 1992.

Những phim được làm sau năm 1958 ở tình trạng tốt hơn, vì viện tư liệu có hai hầm chứa điều hòa nhiệt độ đã được xây dựng vào năm đó. Những phim được lưu giữ trước năm 1958 đang rất cần được phục chế, vì phim đang bị co lại, trầy xước và bị rách.

Trung Quốc bắt đầu phục chế phim xưa vào thập niên 1970. Từ những năm 1990, viện tư liệu phim chủ yếu làm công việc phục hồi bằng kỹ thuật số.

Theo Sun Xianghui, phó viện trưởng viện tư liệu điện ảnh, viện đã phục chế hoàn toàn 106 bộ phim trong năm năm qua.

Bình quân, Viện tư liệu điện ảnh chi 300.000 tệ (46.000 đôla) để phục chế một bộ phim. Đây là một con số rất thấp nếu so với việc phục chế phim kinh điển ở châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, tốn khoảng 3 triệu đôla để phục chế bộ phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn năm 1937 của Mỹ.

Ở Trung Quốc, kinh phí cho việc làm sống lại những bộ phim xưa chủ yếu đến từ nhà nước, trong khi ở các nước phương Tây, nhiều nguồn phi chính phủ giúp hỗ trợ việc này. Ví dụ, Quỹ Điện ảnh của đạo diễn Martin Scorsese được các doanh nghiệp thời trang và rượu hỗ trợ, thích kết nối thương hiệu của họ với ý niệm bảo toàn tác phẩm kinh điển.

Sun Xianghui đang nỗ lực tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ hơn. Trong năm 2011, Viện tư liệu điện ảnh và hãng đồng hồ Thụy Sĩ Jaeger LeCoultre quyết định phục chế 10 phim Trung Quốc trong ba năm.

Một nhóm từ Viện tư liệu điện ảnh Trung Quốc đang phục hồi các bộ phim xưa

Nhà nghiên cứu Wu tin rằng phim kinh điển xứng đáng với công sức đó. "Cũng như các tác phẩm của Shakespeare và nhạc Mozart, phim kinh điển là những thành quả của văn minh và sáng tạo nhân loại," ông nói. "Chúng có thể làm thay đổi cách người ta nhìn thế giới."

Phục chế phim là một quá trình không ngừng. Một phim có thể có nhiều phiên bản khác nhau, do kiểm duyệt và đạo diễn thay đổi ý kiến, cùng nhiều lý do khác.

Cần rất nhiều công khó để tìm kiếm thông tin về một bộ phim càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như kịch bản gốc, hình ảnh từ phim, áp phích và các bài bình luận cũ, mới có thể thực sự phục chế được phim đó.

Một ví dụ nổi tiếng là việc phục chế bộ phim năm 1927 Metropolis của đạo diễn người Đức Fritz Lang, mất hàng thập kỷ.

Sau khi phim này công chiếu ở Đức, rất nhiều đoạn phim đã bị thất lạc. Việc phát hiện ra những thước phim bị thất lạc đó và nỗ lực phục chế bộ phim tiếp diễn hàng thập kỷ. Một bản phục chế năm 2001 của bộ phim này đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Berlin và được xem là một phiên bản tinh chế, nhưng bảy năm sau, một bản sao 30 phút của bộ phim dài hơn bất kỳ phiên bản sống sót nào của bộ phim này đã được tìm thấy ở Argentina.

Nguyên liệu mới được các chuyên viên phục chế đưa trở vào bộ phim, những chuyên viên này đã so sánh từng khuôn hình một, theo hiểu biết của họ về bộ phim.

"Bạn không bao giờ có thể nói đã hoàn tất việc phục chế một bộ phim. Luôn luôn phục chế để có một phiên bản tốt hơn," nhà nghiên cứu Wu nói.

Có tranh cãi về cách bảo tồn phim kinh điển - phục chế vật chất phim được lưu trữ hay chuyển sang định dạng kỹ thuật số - cách nào tốt hơn.

Zuo Ying, của Viên tư liệu điện ảnh Trung Quốc, tin rằng chưa đến lúc từ bỏ việc lưu trữ phim kinh điển.

Đông tà Tây độc của Vương Gia Vệ đã được phục chế
và sống lại trên màn ảnh rộng

"Chúng ta đã xem phim lưu trữ được làm cách đây một trăm năm, nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy máy vi tính được làm cách đây 100 năm," ông nói. "Chúng ta vẫn cần thời gian để chứng minh truyền thông kỹ thuật số là thư tịch đích thực."

Bảo tồn một bộ phim ở định dạng kỹ thuật số thì dễ dàng sao chép và vận chuyển - và xóa và can thiệp vào - Wu Jueren nói.

"Hiện tại, cách bảo tồn một bộ phim hiệu quả nhất là bảo quản âm bản gốc một cách thích hợp," ông nói.

Cả ba chuyên gia này nhất trí rằng một phim sống được khi người ta xem nó trên màn ảnh rộng.

Viện tư liệu điện ảnh Trung Quốc đã trình chiếu một số phim được phục chế ở rạp trong năm 2011, và Sun Xianghui, phó viện trưởng, nói rằng việc trình chiếu sẽ tiếp tục trong năm 2012.

Năm ngoái Liên hoan phim Thượng Hải cũng chiếu một số phim cũ. Năm 2014, 10 phim kinh điển TrunG Quốc đã được phục chế sẽ trình chiếu tại liên hoan này.

"Những tác phẩm kinh điển được phục chế không phải để cất vào kho khóa lại," nhà nghiên cứu Wu nói. "Chúng xứng đáng được các thế hệ tương lai tán thưởng."

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi