Tin tức

Trung Quốc muốn đến Hollywood: liệu có thành công?

06/11/2012

Cũng như nhiều ngành khác, ngành điện ảnh của Trung Quốc hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ. Những hạn chế và chính sách do Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình cùng Bộ Tuyên truyền của chính phủ soạn thảo và thực thi. Nhưng cũng như bản thân nước Trung Quốc, ngành điện ảnh dần mang tính quốc tế hơn, và Trung Quốc được chú ý trong hai thập niên qua với vai trò một đối thủ nặng ký trong lĩnh vực làm phim.

Lý An được coi là đạo diễn Trung Quốc duy nhất có tiếng tăm ở Hollywood, với hai bộ phim nổi tiếng đoạt giải Oscar – phim đầu tiên là Ngọa hổ tàng long (2000) và tiếp theo là Brokeback Mountain (2005) – và nhiều xuất phẩm được giới phê bình khen ngợi khác.

Bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu được phát hành năm 2002 đa phần ở châu Á và Mỹ và thu tổng cộng hơn 200 triệu đôla trên toàn thế giới – một thành công khiêm tốn xét theo tiêu chuẩn Hollywood nhưng lại là số tiền rất lớn với một bộ phim Trung Quốc, cho cả thế giới thấy rằng nhân tài ở Trung Quốc ngoài những ngôi sao hành động như Lý Liên Kiệt và Thành Long, còn có cả những đạo diễn.

Gần đây hơn, tại Liên hoan phim Venice năm 2012, bộ phim tài liệu Ba chị em gái (Three Sisters) của đạo diễn Trung Quốc Vương Binh, đã đứng đầu trong hạng mục tham dự. Phim đã đánh bại các đối thủ còn lại, trong đó có hai phim khác cũng của các đạo diễn Trung Quốc.

Trung Quốc hy vọng hạn mức nhập phim mới sẽ góp phần giúp ngành điện ảnh phát triển

Theo hãng tin Tân Hoa xã, nam diễn viên người Ý Pierfrancesco Favino, giám khảo tại Liên hoan phim Venice, ấn tượng với điều mà người Trung Quốc nghĩ ra. “Tôi đánh giá cao các đạo diễn Trung Quốc, một số người vô cùng tài năng. Họ đã thay đổi cách tôi xem phim,” anh nói.

Nhưng trong khi những người chuyên nghiệp trong ngành có ấn tượng, các nhà làm phim Trung Quốc tiếp tục cố gắng cạnh tranh về trình độ làm phim hấp dẫn quần chúng quốc tế.

Victor Li, một nhà làm phim ở Bắc Kinh, nói rằng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa có thể là một nguyên nhân khiến họ không thành công ở dòng phim thị trường. “Sự kết hợp giữa giáo dục, văn hóa, lịch sử, kết cấu kinh tế-xã hội và thậm chí là chủng tộc khiến các nhà làm phim Trung Quốc khác biệt với đồng nghiệp ở những nơi khác trên thế giới. Tôi thấy tình trạng xuất khẩu ồ ạt phim Trung Quốc không xảy ra sớm đâu,” Li nói.

Điều mà người Trung Quốc đang cố gắng thực hiện là bắt chước thành công của kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood. Trong chuyến thăm thành phố Los Angeles hồi đầu năm 2012, người có khả năng là Chủ tịch tiếp theo của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã gặp gỡ phó Tổng thống Joe Biden để đàm phán về một hiệp định thương mại sẽ cho phép thêm nhiều phim nước ngoài được chiếu ở Trung Quốc. Trung Quốc đã giới hạn số lượng phim nước ngoài được phép phát hành trong nước ở con số 20, mà phần lớn là phim Mỹ, mãi cho đến gần đây. Thỏa thuận mới cho phép phát hành thêm 14 phim, nâng hạn ngạch lên 34 phim nước ngoài/năm. Đối với những ông lớn Hollywood thì điều đó có vẻ không thấm vào đâu, nhưng ở đất nước 1,3 tỉ dân này thì có đấy. Thỏa thuận cũng bao gồm 25% tổng doanh thu tiền vé ở Trung Quốc được đưa lại cho các hãng phim nước ngoài, con số này cũng tăng so với trước.

Đây là những thay đổi đáng kể với Trung Quốc, nếu xét đến chuyện chính phủ duy trì việc kiểm soát văn hóa nghiêm ngặt; trên thực tế, bước đột phá này đã mở rộng kênh giao tiếp văn hóa giữa hai quốc gia. Nhờ vào những công ty liên doanh với các hãng phim Hollywood, thỏa thuận này giúp Trung Quốc phát triển ngành điện ảnh của mình, với sự hướng dẫn và bí quyết mà cỗ máy Hollywood đầy hiệu quả đã hoàn thiện.

Vào đầu năm 2012, đạo diễn phim Avatar James Cameron thông báo công ty của ông sẽ mở công ty liên doanh ở Trung Quốc, giới thiệu công nghệ kỹ thuật số 3D nổi tiếng của mình đến với ngành công nghiệp điện ảnh đầy triển vọng ở Trung Quốc.

Đĩa DVD sao chép bất hợp pháp vẫn là một thách thức với điện ảnh ở Trung Quốc [Ảnh: Reuters]

Nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục vật lộn để trở thành nước xuất khẩu phim lớn nếu họ không thay đổi các sản phẩm cho phù hợp với loại phim đang bán trên toàn cầu, mà cho đến giờ vẫn là các phim của Mỹ. Bản thân Lý An là một ví dụ. Ông không nổi tiếng ở Mỹ cho đến khi bắt đầu đạo diễn những bộ phim phong cách Mỹ.

Đây là lý do vì sao Li, nhà làm phim người Bắc Kinh, dự đoán các xuất phẩm của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để đạt được mức phổ biến như các phim Hollywood ngày nay về mặt hợp đồng nhượng quyền, bảo chứng thương hiệu và các buổi công chiếu quốc tế.

Và nếu khả năng kiếm tiền là mục tiêu thì Trung Quốc không thể làm ngơ vấn đề lớn về bản quyền được. Thị trường chợ đen chuyên về hàng nhái đầy tai tiếng của Trung Quốc là trở ngại lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh. Hồi năm 2008, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ ước tính thất thu 2 tỉ đôla do việc buôn bán đĩa DVD sao chép bất hợp pháp chỉ riêng ở châu Á. Nếu chính phủ Trung Quốc không thể tìm ra cách hiệu quả hơn để xử lý thẳng tay việc bán đĩa DVD lậu, doanh thu sẽ tiếp tục chịu tổn thất – và những hãng phim lớn vẫn sẽ thận trọng với Trung Quốc.

Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: International Business Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi