Với hầu hết mọi người, từ “quê nhà” có thể gợi lên những kỷ niệm thời
thơ ấu hoặc nỗi hoài cổ êm dịu và niềm an ủi ấm áp. Nhưng với đạo diễn
Yang Yong Hi, quê nhà là một khái niệm khó định nghĩa nhất, khiến cô
không ngừng tái hiện đề tài này trong các tác phẩm của mình.
Từ trái qua: Đạo diễn Yang Yong Hi và ba diễn viên - Ando Sakura, Iura Arata và Yang Ik June -
tại buổi trình chiếu Our Homeland ở Liên hoan phim Quốc tế Busan [Ảnh: YONHAP]
Yang Yong Hi là thế hệ người Triều Tiên – Nhật Bản thứ hai, lớn lên ở
Osaka và có quốc tịch Hàn Quốc. Bố cô sinh ra tại đảo Jeju và lựa chọn
di dời đến Osaka trong thời kỳ thống trị thuộc địa của Nhật Bản
(1910-1945). Ông giữ vai trò đứng đầu trong Hiệp hội người Triều Tiên
định cư (trong tiếng Hàn gọi là Chongryon), một tổ chức trợ giúp người
Triều Tiên tại Nhật Bản về vấn đề đi lại hoặc pháp lý.
Bố Yang
Yong Hi gửi hai người con trai của mình về Triều Tiên trong những năm
1970 – có thể vì bị thu hút bởi lời tuyên truyền miêu tả Triều Tiên như
“một thiên đường,” cô nói. Một chiến dịch hồi hương từ cuối những năm
1950 đến những năm 1970 dẫn đến sự tái định cư của gần 90.000 người ở
Triều Tiên. Các anh em trai của Yang Yong Hi vẫn sống ở đây.
Bộ phim mới nhất của cô,
Our Homeland,
là phản ánh chính xác về lịch sử và những tình cảnh của gia đình họ
Yang cũng như làm nổi bật những nỗ lực của đạo diễn này trong việc ngăn
câu chuyện của những người định cư Triều Tiên trở thành một “lịch sử bị
lãng quên.”
Our Homeland kể câu chuyện xúc động về một gia đình Triều Tiên - Nhật Bản phải chia cắt, đoàn tụ,
rồi lại chia cắt lần nữa [Ảnh: BIFF]
Our Homeland xoay quanh Sung Ho (Iura Arata), người di cư đến
Bình Nhưỡng theo yêu cầu của cha mình, một viên chức cao cấp của Hiệp
hội người Triều Tiên định cư. Sung Ho trở lại Nhật Bản để điều trị u não
và đoàn tụ với cha mẹ và người chị Rie (Ando Sakura). Nhưng lần đoàn tụ
hạnh phúc của họ bị một nhân viên giám hộ Triều Tiên (Yang Ik June),
người luôn giám sát gia đình Sung Ho, theo dõi.
Được trình chiếu
trong Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 17, bộ phim tâm lý đầy xúc
động này đã được đề cử trong hạng mục Phim tiếng nước ngoài xuất sắc
nhất tại Oscar năm 2012.
Our Homeland là phim điện ảnh đầu tiên của Yang Yong Hi. Trước đó cô đã thực hiện hai phim tài liệu -
Dear Pyongyang (2006) và
Goodbye, Pyongyang (2009) – dựa trên điều cô ghi lại được trong suốt chuyến thăm Triều Tiên ngắn để gặp anh em.
Sau khi những phim tài liệu này ra mắt, Triều Tiên từ chối yêu cầu tái nhập cảnh của cô.
Trong
một cuộc họp báo tại Busan, Yang Yong Hi nói về việc sự từ chối này đã
ảnh hưởng đến công việc của cô như thế nào. “Tôi luôn đi ngủ mà lo lắng
rằng tác phẩm của tôi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các anh mình ở Bình
Nhưỡng. Tôi chọn mỗi từ ngữ đều rất cẩn thận.”
Áp phích phim
“Nhưng lần này suy nghĩ của tôi thay đổi một chút. Tôi nghĩ rằng nếu tôi
trở nên thực sự nổi tiếng, điều này sẽ khiến gia đình tôi được biết đến
nhiều, [Triều Tiên] sẽ không dễ dàng đe dọa các anh tôi,” cô nói với
một nụ cười yếu ớt. “Tôi đang nói với tư cách một công dân tốt chăm sóc
cho gia đình của mình. Nhưng về cơ bản, khát vọng thực hiện một phim hay
chính là thứ giúp tôi tiếp tục. Tôi là một người có cái tôi lớn.”
Mặc dù câu chuyện trong
Our Homeland tương tự những kinh nghiệm của Yang Yong Hi, đây không phải là một phim tài liệu.
“Khi
tôi chào tạm biệt anh tôi, tôi chỉ đứng đó nhìn anh đi. Vì vậy lúc đầu
tôi đã quay như thế. Nhưng tôi hối hận không ngừng [về điều đã làm],”
đạo diễn 47 tuổi này nói.
“Câu hỏi này luôn hiện lên trong tôi,
‘Sẽ thế nào nếu tôi thể hiện sự buồn bã của mình và xin anh mình đừng đi
hoặc thậm chí đá cái xe sẽ mang anh đi?’?”
Trong cảnh đầu tiên,
Rie không phản ứng gì khi Sung Ho dời đến Triều Tiên. Nhưng Yang Yong Hi
sau đó yêu cầu nữ diễn viên thể hiện rằng cô không muốn anh đi như thế
nào.
Một cảnh trong phim
Đạo diễn này cuối cùng đã quay một cảnh Rie ôm anh mình và cầu xin anh ở lại với họ.
“Tôi chỉ diễn dựa trên cảm nhận của mình lúc đó. Nhìn lại, tôi nên diễn biểu cảm hơn,” Ando Sakura nói.
Mặc
dù có sự khám phá bao quát về khái niệm quê nhà, Yang Yong Hi có vẻ vẫn
lúng túng khi được hỏi khái niệm này có ý nghĩa thế nào với bản thân
cô.
“Tôi không thể mặc bất cứ chiếc áo phông nào in hình cờ một
nước. Tôi gần như bị dị ứng với chúng. Trong phim, quê nhà là một địa
điểm, không phải một nước cụ thể,” Yang Yong Hi nói. “Tôi chọn từ này
làm tựa đề bởi tôi cũng muốn tìm một nơi tôi có thể gọi là nhà.”
Dù câu chuyện nhạy cảm đến đâu, cô nhấn mạnh rằng phim không phải là để đổ lỗi.
“Tôi
không muốn nhắm vào ai. Tôi chỉ nghĩ rằng nhiều người hơn nữa nên biết
về con người ở Triều Tiên,” cô nói. “Chúng ta không thể chỉ coi như
không có điều gì xảy ra.”
Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi