Tin tức

Mười tuyệt tác của điện ảnh Hoa ngữ

31/10/2012

Trung Quốc có một lịch sử làm phim đáng tự hào. Bộ phim Trung Quốc đầu tiên được làm vào năm 1905, mười năm sau khi điện ảnh được khai sinh ở Pháp.

Trong hai thập niên tiếp sau đó, điện ảnh Trung Quốc bắt đầu bùng nổ. Vào thập niên 1920, các thành phố lớn ở Trung Quốc chứng kiến hàng trăm công ty sản xuất phim được thành lập. Thành phố cảng Thượng Hải đóng vai trò chủ chốt. Đây là mái nhà của hơn 140 công ty và cũng là nơi sản sinh ra phim truyện đầu tiên của Trung Quốc.

Trong thập niên 1930 và 1940, Trung Quốc dần chìm vào những thập kỷ hỗn loạn chính trị khi nước này dính vào những cuộc chiến tranh dai dẳng làm khổ người dân. Nhưng điện ảnh Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Các nhà làm phim chuyển sự chú ý đến hiện thực tàn nhẫn và bắt đầu làm phim với thông điệp xã hội mạnh mẽ. Thượng Hải lúc đó vẫn là trung tâm sáng tạo. Một số tác phẩm kinh điển mọi thời đại của điện ảnh Trung Quốc được các công ty có trụ sở ở Thượng Hải làm ra trong thời kỳ này, như Crossroads (1937), Mã lộ thiên sứ (1937) và Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu (1947). Những bộ phim có diễn xuất tốt, khơi gợi suy ngẫm đó ngày nay vẫn còn giá trị.

Cảnh trong phim Crossroads (ảnh trái) và Mã lộ thiên sứ (ảnh phải)

Trong thập niên 1950, tình hình điện ảnh ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan được đẩy vào kỷ nguyên mới. Nhưng trung tâm dần dần chuyển về Hồng Kông. Được mệnh danh là “Hollywood phương Đông”, Hồng Kông đã phát triển hệ thống ngôi sao và các thể loại riêng biệt, cho ra đời những nhà làm phim nổi tiếng thế giới. Từ thập niên 1970 đến giữa những năm 1990, Hồng Kông phát triển trở thành khu sản xuất phim lớn thứ hai thế giới sau Hollywood. Người ta nói có thể tìm được phim Hồng Kông ở bất cứ nơi nào người Trung Quốc sống trên toàn cầu.

Ở Trung Quốc Đại lục, việc sản xuất và mua bán phim được chính quyền kiểm soát chặt chẽ sau thập niên 1950. Sau tiến trình mở cửa và đổi mới được khởi xướng từ cuối thập niên 1970, hệ thống xưởng phim được nhà nước bao cấp bắt đầu sụp đổ, buộc các nhà làm phim bước ra thị trường. Vì vậy, các tác phẩm kinh phí lớn đầy sao nổi lên, nhắm đến lợi nhuận phòng vé. Khán giả lại kéo đến rạp. Thị trường điện ảnh phát triển nhảy vọt với lượng phòng chiếu tăng và doanh thu vé bán tăng chóng mặt. Năm 2011, có gần 560 phim dài được thực hiện ở Trung Quốc, với doanh thu phòng vé đạt hơn hai tỉ USD. Nhưng phía sau thị trường thịnh vượng này là một bong bóng khổng lồ và lượng lớn đầu cơ. Bên cạnh đó, chất lượng tác phẩm nhìn chung còn chưa thỏa mãn.

Trong lịch sử điện ảnh lâu dài của mình, Trung Quốc đã cho ra đời nhiều nhà làm phim tuyệt vời. Một số tác phẩm của họ sống mãi với thời gian. Xin giới thiệu mười phim Hoa ngữ, trong đó đa phần là tuyệt tác, và một hoặc hai tác phẩm thiên về ý nghĩa trong ngành điện ảnh hay giá trị văn hóa hơn là chất lượng phim.

10. Anh hùng (2002, Trung Quốc)

Nếu muốn chọn một phim đã đẩy cả nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc sang kỷ nguyên mới, đó phải là bom tấn chủ đề thích khách Anh hùng năm 2002 của Trương Nghệ Mưu. Theo quy trình sản xuất của Hollywood, việc sản xuất bộ phim tốn đến 30 triệu USD, trở thành phim Trung Quốc đắt đỏ nhất thời đó. Bộ phim đã khiến thị trường điện ảnh yếu ớt thời đó của Trung Quốc hồi xuân bằng cách kéo khán giả trở lại rạp. Tác phẩm thành công vang dội này thu vào hơn 30 triệu USD tại phòng vé và là phim đầu tiên đạt mức cao như thế trong nhiều thập niên.

Trên trường quốc tế, phim được đón nhận nhiệt liệt. Các nhà phê bình đánh giá cao mặt hình ảnh ấn tượng. Các nhà phân phối hiển nhiên tự tin về tiềm năng thu hồi vốn của phim. Ở Bắc Mỹ, phim đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé ở hơn 2000 rạp. Nhìn chung, phim đã thu được hơn 120 triệu USD ở thị trường quốc tế.

Anh hùng đã đặt chuẩn mực cho những tác phẩm kinh phí lớn tiếp theo về mặt tuyển diễn viên và sản xuất, nhưng rủi thay, không ở mặt kể chuyện. Hệ quả của việc xem nhẹ cốt truyện đã dẫn đến các tác phẩm dưới chuẩn được đầu tư ào ạt, xúc phạm trí thông minh của khán giả như Vô cực (2005) yểu mệnh của Trần Khải Ca.

9. Đại thoại Tây Du (1994, Trung Quốc / Hồng Kông)

Bộ phim hài Đại thoại tây du, do Lưu Trấn Vĩ đạo diễn, với sự tham gia của Châu Tinh Trì, Mạc Văn Úy và Ngô Mạnh Đạt, được chia làm hai phần phát hành – Nguyệt quang bảo hạpTiên lý kỳ duyên. Lưu Trấn Vĩ và Châu Tinh Trì dùng các nhân vật chính từ tiểu thuyết cổ kinh điển Tây Du Ký gồm Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Đường Tăng để tạo nên câu chuyện kỳ ảo khó tin này. Hai phim là sự kết hợp giữa các yếu tố vụn vặt như chuyện tình cảm, kung fu và du hành vượt thời gian.

Chùm phim này trở thành kinh điển một cách bất ngờ. Khi được phát hành năm 1995, chúng đều là bom xịt. Không chỉ bị phê bình thậm tệ mà doanh thu phòng vé còn thua xa dự định. Nhưng ba đến năm năm sau, chúng đột ngột trở nên nổi danh trong giới trẻ. Vài học giả bắt đầu gán nhãn cho phim là “tác phẩm giải kiến tạo kinh điển hậu hiện đại”. Hai phim đã sản sinh ra nhiều ám chỉ phổ biến hơn bất cứ phim hiện đại nào khác – nhiều câu và đoạn thoại trong phim đã thành một phần thiết yếu trong văn hóa phổ thông Trung Quốc.

Giờ thăm lại hai phim, có người sẽ phàn nàn là kỹ xảo tồi tàn nhưng không thể phủ nhận chúng vẫn vừa hài hước vừa thắt lòng. Tác phẩm không xem nhẹ chủ đề tình yêu, mà đặt các nhân vật chính vào những tình huống tiến thoái lưỡng nan làm người xem phải suy ngẫm. Châu Tinh Trì thể hiện tài năng thiên bẩm của mình với phim hài trong các cảnh hài hước và lời thoại đáng nhớ

8. Vô gian đạo (2002, Hồng Kông)

Bộ phim tội phạm-cảnh sát do Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy đạo diễn được công nhận rộng rãi là đột phá của thể loại phim cảnh sát Hồng Kông. Phim đã hồi xuân cho thị trường điện ảnh tại đây và khiến người ta hứng thú với điện ảnh Hồng Kông trở lại.

Vô gian đạo là một thắng lợi trên nhiều phương diện. Câu chuyện cho các nhân vật ở cả hai phe nhiều đất để rộng tay phát triển và mang đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hai diễn viên chính Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa mang đến màn diễn xuất đỉnh cao khó quên; riêng Lưu Đức Hoa ở phong độ cao nhất và tỏa sáng hơn trong bất cứ phim nào khác của anh. Bên cạnh đó, nhạc phim mới mẻ và lúc nào cũng làm khán giả hồi hộp.

Bộ phim ly kỳ thông minh đầy sao này đã có ảnh hướng lớn với Hollywood. Phim truyền cảm hứng cho bản làm lại The Departed từng đoạt Oscar Phim xuất sắc nhất và giải Đạo diễn xuất sắc nhất được trông chờ đã lâu cho đạo diễn bậc thầy Martin Scorsese năm 2007.

7. Ngọa hổ tàng long (2000, Hồng Kông / Đài Loan / Trung Quốc / Mỹ)

Bộ phim kung fu tình cảm này của đạo diễn người Mỹ gốc Trung Quốc Lý An là một hiện tượng khá tò mò năm 2000. Ở phương Tây phim được khen ngợi và thành công về mặt thương mại, thu vào gần 130 triệu USD tiền vé chỉ ở thị trường Bắc Mỹ, đưa Chương Tử Di lên hàng sao quốc tế. Ở Trung Quốc, phim lại bị khán giả ghẻ lạnh và dẹp qua bên vì ngớ ngẩn về mặt biên đạo và từ ngữ.

Phản ứng khác nhau hoàn toàn từ hai nền văn hóa cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Với người Trung Quốc, khá kỳ quặc khi xem các nhân vật chính trong một bộ phim lẽ ra chỉ toàn đánh đấm lún sâu vào tình cảm vớ vẩn và dành hầu hết thời gian bay qua bay lại như siêu nhân. Khán giả phương Tây nghĩ rằng câu chuyện tình yêu phụ thêm nhiều cho nhân vật phát triển và thích thú với các trường đoạn phi thân giao đấu.

Dù vậy, hướng tiếp cận của Lý An mang đến chiều sâu ít thấy cho một tác phẩm múa kiếm và đấm đá. Sư phụ Lý Mộ Bạch, Du Tú Liên, Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ là các nhân vật rất nhân bản và đáng tin mà khán giả có thể tìm thấy mối liên hệ phần nào với bản thân. Trong lúc đó, biên đạo hấp dẫn không chỉ phụ trợ cho cách kể chuyện mà còn khiến phim trở nên siêu thực. Trang phục, quay phim, và nhạc phim cũng đỉnh. Tất cả các yếu tố này làm phim nổi bật giữa các tác phẩm cùng loại.

6. A Phi chính truyện (1990, Hồng Kông)

Bộ phim nghệ thuật do Vương Gia Vệ viết kịch bản và đạo diễn này kể về chuyện tình giữa sáu thanh niên ở Hồng Kông. Phim có tiếng về một dàn diễn viên ấn tượng gồm Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh, Trương Học Hữu và Lưu Đức Hoa.

Tác phẩm hoài cổ này là phim đầu tiên Vương Gia Vệ hợp tác với nhà quay phim Đỗ Khả Phong. Phim tạo phong cách hình ảnh u sầu trong các tác phẩm sau này của đạo diễn Vương. Từ đó, hai người đã hợp tác tám phim.

Bộ phim đã thu về vài giải nặng ký như Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 10 năm 1991. Phim thường đứng đầu danh sách các phim Hồng Kông hay nhất do các nhà phê bình tại đây bình chọn.

5. Bi tình thành thị (1989, Đài Loan)

Được đạo diễn người Đài Loan Hầu Hiến Hiền chỉ đạo, Bi tình thành thị xoay quanh một gia đình trong thời kỳ Khủng bố trắng của Quốc dân đảng. Đây là phim đầu tiên đề cập đến sự kiện ngày 28/2/1947, một bước ngoặt trong lịch sử Đài Loan đã khiến hàng ngàn người chết.

Đạo diễn Hầu đã thành công trong việc phơi bày bức tranh toàn cảnh về xã hội Đài Loan thời kỳ đó thông qua một bi kịch gia đình. Phim của ông phản ánh mâu thuẫn giữa người bản địa và người nhập cư, cùng những cuộc đấu tranh giữa người dân và Quốc dân Đảng theo cách trầm tĩnh và tinh tế.

Bộ phim được xem là phần đầu trong chuỗi ba phim về lịch sử Đài Loan của Hầu Hiếu Hiền, trong đó có Hí mộng nhân sinh (1993) và Hảo nam hảo nữ (1995). Phim đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 46 năm 1989, trở thành phim Hoa ngữ đầu tiên đoạt giải này. Ngoài ra phim còn được trao giải của UNESCO.

4. Nhất nhất (2000, Đài Loan)

Bộ phim chính kịch dài gần ba tiếng do Dương Đức Xương viết kịch bản và đạo diễn này kể về cuộc sống của một gia đình trung lưu ở Đài Bắc qua ba thế hệ. Nhịp phim rất chậm và có vẻ thiếu cao trào nhưng đã diễn tả được cuộc sống qua ngày chân thực.

Cách quan sát tả thực của đạo diễn Dương đã đem về cho ông nhiều giải thưởng danh giá trên toàn cầu. Ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2000, nơi phim ra mắt. Ông cũng thu thập luôn giải Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất của Nghiệp đoàn các nhà phê bình điện ảnh Pháp năm 2001, giải thưởng của Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh Los Angeles năm 2000 và giải thưởng của Hiệp hội phê bình điện ảnh New York cùng năm. Nhất nhất được nhiều ấn phẩm như USA Today, The New York Times, NewsweekFilm Comment xem là một trong các phim hay nhất năm 2001. Năm 2002, tạp chí Sight and Sound của Viện điện ảnh Anh Quốc chọn phim này là một trong mười phim hay nhất trong 25 năm qua.

3. Bá Vương biệt cơ (1993, Trung Quốc / Hồng Kông)

Tác phẩm bi kịch của đạo diễn Trần Khải Ca Bá Vương biệt cơ là viên ngọc quý của điện ảnh Trung Quốc. Đến nay đây vẫn là phim Hoa ngữ đầu tiên và duy nhất thắng giải Cành cọ vàng danh tiếng của Cannes. Với nhiều người, phim vẫn giữ ngôi vương trong làng điện ảnh Trung Quốc.

Chuyển thể từ tiểu thuyết của Lý Bích Hoa với dàn diễn viên gồm Trương Quốc Vinh, Củng Lợi và Cát Ưu, bộ phim kinh điển này kể về câu chuyện thăng trầm của hai diễn viên kinh kịch giữa hỗn loạn xã hội và văn hóa mà Trung Quốc đã chứng kiến từ những năm 1920 đến 1970. Phim bao trùm thời kỳ tàn phá của Cách mạng Văn hóa (1966-1976), dẫn đến kết cục bi thương của tác phẩm. Thú vị hơn, phim bàn thảo chủ đề đồng tính, điều hiếm thấy trên điện ảnh Trung Quốc.

2. Tiểu thành chi xuân (1948, Trung Quốc)

Câu chuyện tình tay ba này, dựa trên vở kịch ngắn của Lý Thiên Tế, do Phí Mục đạo diễn và công ty điện ảnh Văn Hoa, một công ty sản xuất phim tư nhân có trụ sở ở Thượng Hải, sản xuất. Bộ phim tinh tế này, dù thiếu cốt truyện phức tạp, là một ví dụ tốt cho việc nghiên cứu tâm lý nhân vật. Phim được đề cao vì đã khai phá cảm xúc của nhân vật trong những tình huống tế nhị và được xem là tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ trong điện ảnh.

Phim nhận được danh tiếng ở cả trong và ngoài nước. Cộng đồng điện ảnh Trung Quốc đồng tình rằng phim là một tác phẩm kinh điển vượt thời gian. Đạo diễn nổi tiếng thế giới Trương Nghệ Mưu thừa nhận Tiểu thành chi xuân luôn là phim Hoa ngữ ưa thích của ông. Năm 2005, Hiệp hội giải thưởng điện ảnh Hồng Kông đã gọi bộ phim là phim Trung Quốc hay nhất từng được sản xuất. Năm 2012, tờ Winnipeg Free Press của Canada xếp phim ở vị trí thứ nhất trong danh sách mười phim Trung Quốc hay nhất.

1. Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu (1947, Trung Quốc)

Bộ phim hai phần, dài hơn ba tiếng, được Thái Sở Sinh và Trịnh Quân Lý viết kịch bản và đạo diễn này là một cột mốc của điện ảnh Trung Quốc. Phim kể câu chuyện thắt lòng về một gia đình chịu đau thương ở Thượng Hải thời loạn trong chiến tranh Trung-Nhật thập niên 1930 và 1940, cũng như lột tả quá trình chuyển mình đáng kinh ngạc của nhân vật chính diện từ một chàng trai cầu tiến thành một quan chức gian manh xảo trá.

Bộ phim thành công lớn tức thì sau khi được ra rạp năm 1947 ở Thượng Hải. Phim được chiếu ở rạp hơn ba tháng và được biết là đã thu hút hơn 700.000 người xem, khoảng 15% dân số thành phố này lúc đó. Vì vậy, phim được nhìn nhận rộng rãi là bộ phim thành công nhất trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Chinesefilms.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi