Tin tức

Vụ bê bối ánh trăng: Scarlett Johansson nỗ lực thực hiện bộ phim lãng mạn bối cảnh cuộc đua vào vũ trụ thập niên 60

22/05/2024

Scarlett Johansson và Channing Tatum đã sẵn sàng cất cánh.

Fly Me to the Moon ghi lại những thăng trầm của cuộc đua vào vũ trụ những năm 1960, theo chân chuyên gia PR Kelly Jones (Scarlett Johansson) khi cô được mời đến để bán ý tưởng về chuyến bay vào vũ trụ cho công chúng Mỹ. Trên hành trình ấy, cô bắt đầu mối quan hệ với nhân viên NASA Cole Davis (Channing Tatum) và được giao nhiệm vụ dàn dựng một cuộc đổ bộ giả lên mặt trăng

Entertainment Weekly có hình ảnh độc quyền về hai ngôi sao trong Fly Me to the Moon, một bộ phim hài lãng mạn bay bổng lấy bối cảnh cuộc đua vào vũ trụ những năm 1960. Đó là câu chuyện hấp dẫn về tin đồn NASA đã giả mạo cuộc đổ bộ lên mặt trăng, một câu chuyện mà bao năm rồi Johansson đã muốn kể. Cô không chỉ đóng chính trong phim mà còn đóng vai trò nhà sản xuất, làm việc với Sony và Apple Original Films để đưa câu chuyện khởi hành.

“Những dự án khó tìm nhất là phim hài lãng mạn và phim tâm lý hài,” Johansson nói với Entertainment Weekly qua email. “Kịch bản hoàn toàn nguyên tác của Rose Gilroy là điều khiến tôi phấn khích nhất về bộ phim này. Đây là một bộ phim lớn mang lại cảm giác vừa hoài cổ vừa hiện đại và là thể loại phim tôi luôn hướng tới mà ngày nay bạn hiếm khi được xem ở rạp. Khán giả đang khao khát phim nguyên tác!”

Kelly Jones (Scarlett Johansson) trong Fly Me to the Moon

“Tôi nghĩ khi tuyên bố đây là bộ phim lớn đầu tiên cô ấy sản xuất thì quả là chuyện lớn với cô ấy, cô ấy đã chọn một câu chuyện mới nguyên cho số đông khán giả,” đạo diễn Greg Berlanti cho biết thêm. “Phim nguyên tác là một trong những việc khó thực hiện nhất hiện nay vì có rất nhiều thứ cạnh tranh thu hút sự chú ý của mọi người. Tôi hy vọng mọi người sẽ thực sự đánh giá cao diễn xuất của cô ấy trong bộ phim này nhưng cũng đánh giá cao những nỗ lực của cô đằng sau máy quay để giúp bộ phim thành hiện thực.”

Fly Me to the Moon ghi lại những thăng trầm của cuộc đua vào vũ trụ những năm 1960, theo chân chuyên gia PR Kelly Jones (Johansson) khi cô được mời đến để bán ý tưởng về chuyến bay vào vũ trụ cho công chúng Mỹ. Trên hành trình ấy, cô bắt đầu mối quan hệ với nhân viên NASA Cole Davis (Tatum) và được giao nhiệm vụ dàn dựng một cuộc đổ bộ giả lên mặt trăng, đề phòng trường hợp vụ đổ bộ thật gặp trục trặc.

Cole Davis (Channing Tatum) trong Fly Me to the Moon

“Bộ phim chơi đùa với khái niệm [nước Mỹ] có làm giả chuyện đó hay không,” Berlanti giải thích. “Tôi luôn là người hâm mộ NASA cuồng nhiệt và là một người đam mê vũ trụ, và [tôi thích] đọc được thứ gì đó vừa tôn vinh NASA nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thật — đặc biệt trong thời đại hiện nay khi dường như mọi thứ này kia đều có thể là câu chuyện âm mưu. Nguồn gốc của điều đó là gì? Tại sao sự thật vẫn quan trọng?”

Ngạc nhiên thay Fly Me to the Moon là lần đầu tiên Johansson và Tatum làm việc cùng nhau: cả hai đều xuất hiện trong bộ phim hài Hail, Caesar! của anh em nhà Coen năm 2016, nhưng hóa ra, họ chưa bao giờ thực sự gặp nhau khi quay phim. “Trên trường quay tôi cứ hỏi họ mãi, ‘Có chắc là hai người trước giờ chưa từng làm việc cùng nhau không?’” Berlanti nói. “Họ không chỉ hoàn hảo khi ở bên nhau mà trước ống kính, họ còn rất hợp nhau. Trong phim, đôi khi họ có thể hoàn toàn đối lập nhau. Đó là truyền thống tuyệt vời của tất cả các bộ phim hài tình cảm tưng tửng cũ hoặc các phim của Rock Hudson-Doris Day.”

Ngạc nhiên thay Fly Me to the Moon là lần đầu tiên Johansson và Tatum làm việc cùng nhau. “Họ không chỉ hoàn hảo khi ở bên nhau mà trước ống kính, họ còn rất hợp nhau”

Johansson xác nhận cô và Tatum là bạn bè khăng khít, ngay cả khi anh thường xuyên chơi khăm ở phim trường. Cô nói anh “không ngừng chọc ghẹo tôi” — đôi khi đúng nghĩa đen. “Ký ức yêu thích của tôi khi làm việc với Channing là cười khúc khích với anh ấy trước khi quay, đặc biệt là khi anh ấy tìm cách giật bộ tóc giả của tôi,” cô nói thêm.

Dù bộ phim là một cái nhìn hư cấu về cuộc đua vào vũ trụ, Berlanti muốn bối cảnh có cảm giác chân thực nhất có thể, nghĩa là cho mọi diễn viên quần chúng ăn mặc trang phục đúng thời kỳ và tái tạo cẩn thận các địa điểm như phòng điều khiển ban đầu. Với bộ phim nói về một cuộc đổ bộ lên mặt trăng tiềm năng là giả, Berlanti không chắc NASA có chúc phúc cho họ hay không, nhưng ông rất ngạc nhiên (và biết ơn) về sự chào đón của họ, cho phép đoàn phim quay tại địa điểm thực Cape Kennedy ở Florida.

Woody Harrelson vai Moe Berkus trong Fly Me to the Moon

“Mọi thứ đều được thực hiện tỉ mỉ, từ tai nghe cho đến từng núm vặn và nút trên mọi máy tính,” Berlanti giải thích. “Khi chúng tôi quay phim, chúng tôi đã mời một số người thực sự tham dự buổi phóng tàu đầu tiên và họ đã rơi nước mắt khi bước vào phòng điều khiển vì có cảm giác như quay ngược thời gian.”

Cả Johansson và Berlanti đều đồng ý họ thích nhất là những ngày quay cảnh hạ cánh lên mặt trăng giả. Nhà quay phim thực sự, Dariusz Wolski, xuất hiện với tư cách là người quay cảnh hạ cánh trên mặt trăng và Berlanti muốn mọi cảnh quay trông như được lấy ra từ tư liệu gốc — ngay đến những hạt cát nhỏ nhất.

“Khi chúng tôi phải mô phỏng bước đi đầu tiên [trên mặt trăng], tôi nghĩ chúng tôi đã thử 30 mẫu sỏi khác nhau,” Berlanti cười nói. “Chúng tôi muốn tìm hiểu mặt trăng trông như thế nào trên phim? Nó sẽ trông như thế nào thông qua một chiếc tivi vào thời đó? Chúng tôi không ngừng xem xét hết mẫu này đến mẫu khác và tất cả chúng tôi đều phải đeo khẩu trang vì có rất nhiều bụi mịn. Và bạn phải đi đôi giày ngớ ngẩn này để không làm xáo trộn bối cảnh mặt trăng. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và suy nghĩ để đảm bảo cảm giác chân thực nhất có thể.”

Bộ phim chơi đùa với khái niệm [nước Mỹ] có làm giả chuyện đổ bộ lên mặt trăng không

“Chúng tôi đang quay dàn dựng cảnh hạ cánh lên mặt trăng trên bối cảnh mặt trăng giả của phim, xem các diễn viên đóng thế thực hiện tất cả các chuyển động đúng từng bước, trong khi nghe đoạn đưa tin thật của Walter Cronkite — không thể tin được,” Johansson nhớ lại. “Như đang xem trực tiếp buổi hạ cánh lên mặt trăng ngay trước mắt bạn vậy.”

Fly Me to the Moon dự kiến ra rạp ở Việt Nam ngày 9 tháng 8 với tựa Vụ bê bối ánh trăng.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Entertainment Weekly