Tại lễ trao giải Truyền hình TPHCM (HTV Awards) 2011 vừa qua, Đạo diễn -
Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc đã được trao giải Cống hiến dành cho mảng
phim truyện truyền hình. Đó là sự công nhận xứng đáng đối với gần 20 năm
gắn bó với Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) của Lê Cung Bắc.
Chính ông là đạo diễn bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của TFS - phim Người đẹp Tây Đô.
Sau đó là hàng loạt phim dài tập khác tạo dấu ấn trong lòng khán giả
màn ảnh nhỏ TPHCM, cũng như tạo một tiền đề phát triển mảng phim truyền
hình TFS, như: Không thể rẽ trái (HCV Liên hoan Phim Việt Nam 1996), Cõi tình (Giải B Hội Điện ảnh Việt Nam 1998), Dòng đời, Xóm cũ, Những đóa hoa tình yêu... Và mới nhất là Vó ngựa trời Nam
đoạt cả huy chương vàng Liên hoan Phim truyền hình 2010 lẫn Cánh diều
bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam 2010. Riêng cá nhân Lê Cung Bắc đoạt Cánh
diều vàng đạo diễn xuất sắc phim Vó ngựa trời Nam.
Đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc [Ảnh: H.Vũ]
Đúng là Lê Cung Bắc được “một mùa bội thu” cho thành quả lao động nghệ
thuật không biết mệt mỏi trong gần bốn thập niên qua - nếu tính cả thời
kỳ hoạt dộng sân khấu kịch nói từ đầu những năm 1970.
Một số phim nhựa nổi tiếng mà Lê Cung Bắc đóng vai chính đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả như vai Trí trong phim Con thú tật nguyền, trung tá Bửu trong phim Hồi chuông màu da cam (giải Bông Hồng Lidicere - Tiệp Khắc), Lê Chiêu Thống trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm, đại tá Trần Hiền trong phim Đằng sau một số phận, Yanari trong phim Cao nguyên F101, lão cùi trong phim Dấu ấn của quỷ...
Nhưng chỉ từ khi Lê Cung Bắc đổi vị trí từ phía trước ra phía sau ống
kính (từ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn), ở một độ tuổi chín muồi
cùng vốn sống, vốn nghề và đặc biệt vốn kiến thức phong phú, Lê Cung
Bắc như lột xác, phát huy được những tiềm năng, tư duy sáng tạo nghệ
thuật. Ngay bộ phim đầu tay Trên cả hận thù (1992), Lê Cung Bắc
đã muốn thể hiện khuynh hướng nghệ thuật của ông. Vốn là một tín đồ đạo
Phật, quan điểm Lê Cung Bắc rất rõ ràng: Xóa bỏ hận thù, một kiểu “lập
ngôn” dựa trên tinh thần Phật giáo.
Lê Cung Bắc thấm nhuần và tâm
đắc những lời Phật dạy, như: “Sai lầm lớn nhất đời người là đánh mất
mình; Lễ vật lớn nhất đời người là lòng khoan dung; Món nợ lớn nhất đời
người là tình cảm...” Để có thể sáng tác nghệ thuật, vươn lên tầm cao,
theo ông, người nghệ sĩ phải có lòng nhân ái với con người và bao dung
với cuộc đời. Lê Cung Bắc tự nhủ sẽ cố gắng không đánh mất mình, luôn
sống với lòng khoan dung và cố trang trải tất cả món nợ tình trong cuộc
đời theo một ý nghĩa cao đẹp nhất, vì vậy ông được nhiều người trong
giới đánh giá là một nghệ sĩ nghiêm túc, kể cả trong công việc cũng như
quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, nhất là với gia đình, vợ con... mặc dù ông
là một con người rất đa tình lãng mạn.
Xem phim của Lê Cung Bắc, từ phim truyện nhựa cô đọng, sâu lắng, đầy chất nghệ thuật như Nhịp đập trái tim (giải Đạo diễn xuất sắc phim truyện nhựa đầu tay, Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994), Duyên trần thoát tục hay các bộ phim truyền hình dài tập - đặc biệt các phim có tính sử thi hay lịch sử cận đại, dù có cảnh chiến tranh như Người đẹp Tây Đô (15 tập), Dòng đời (52 tập), Duyên phận (14 tập), Vó ngựa trời Nam ( 37 tập) nhưng suốt phim vẫn bàng bạc tính nhân bản. Với phim Vó ngựa trời Nam,
một phim mà Lê Cung Bắc rất tâm huyết, người xem dù khó tính cũng thấy
được tính nghiêm túc, dàn dựng công phu tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bối
cảnh bưng biền thời chống Pháp hiện nay thật khó tìm, phải dàn dựng tái
hiện toàn bộ hết sức gian nan, nhưng vì quá yêu quý và kính trọng vị
“thi tướng” nghệ sĩ, văn võ song toàn Huỳnh Văn Nghệ, nên Lê Cung Bắc đã
bỏ công sưu tầm, nghiên cứu nhiều tư liệu về đời tư cùng những trận
đánh xuất quỷ nhập thần của ông để bổ khuyết vào kịch bản. Mặc dù đây là
phim mang tính sử thi nhưng vẫn rất hấp dẫn người xem. Lê Cung Bắc quan
niệm, dù làm phim thuộc thể loại gì thì yếu tố đầu tiên là phải hấp
dẫn. Muốn gửi thông điệp gì đến công chúng thì trước hết phải có người
xem, người nghe! Thông điệp của hầu hết phim Lê Cung Bắc là đưa người
thưởng ngoạn đến với cái Đẹp, như ông tâm đắc với câu nói của văn hào
Dostoievski: “Chỉ có cái Đẹp mới cứu chuộc được nhân loại”.
Nguồn: Thanh Niên online