Việt Nam

Screen Daily viết: Bom tấn nội địa giúp thị trường điện ảnh Việt Nam phục hồi sau đại dịch

02/04/2025

Phòng vé vượt mức trước Covid.

Việt Nam là một trong số ít thị trường điện ảnh trên thế giới đã trở lại mức đỉnh cao trước Covid. Năm ngoái, doanh thu bán vé đạt 175,9 triệu đôla (4,5 nghìn tỉ đồng) từ 54,3 triệu lượt khán giả, vượt qua năm 2019 trở thành năm tốt nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Trong bối cảnh các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ đang phải vật lộn để trở lại mức trước đại dịch, đây là sự phục hồi đáng chú ý đánh dấu ngành công nghiệp điện ảnh trong nước đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu ra khỏi nhà giải trí ngày càng tăng.

Đạo diễn Thu Trang (hàng đầu, quần xanh) tham dự buổi chiếu phim Nụ hôn bạc tỷ của Beta Cinemas

Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ của khán giả. Năm ngoái, nam diễn viên-đạo diễn Trấn Thành của bộ phim nổi tiếng Bố giàNhà bà Nữ đã lập thêm một kỷ lục nữa khi bộ phim tình cảm lãng mạn Mai thu về 20,4 triệu đôla (522 tỉ đồng), trở thành phim đầu tiên vượt mốc 500 tỉ đồng (19,6 triệu đôla) tại Việt Nam, và Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải cũng không kém cạnh với 18,95 triệu đôla (484 tỉ đồng) ở phòng vé.

Cả hai bộ phim — do CJ CGV Việt Nam phân phối, cũng là chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước — đều chiếu rạp trong khoảng ba tháng và theo thứ tự trở thành phim có doanh thu cao nhất và cao thứ hai mọi thời đại ở Việt Nam. Kết quả là, thị phần phim Việt Nam đạt hơn 40% vào năm 2024, vượt qua các tựa phim của Mỹ, vốn đã chứng kiến ​​thị phần của mình giảm trong những năm gần đây.

Giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải

“Chất lượng phim Việt Nam được cải thiện, xét về cốt truyện lẫn giá trị xuất phẩm, đã thu hút được lượng khán giả trong nước lớn hơn và cho phép phim trong nước cạnh tranh hiệu quả hơn với các phim quốc tế,” ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam cho biết.

Thị trường trong nước cũng được củng cố nhờ phim từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan gia tăng mức độ phổ biến, đồng thời phim Việt được ưa chuộng có thời gian chiếu rạp dài hơn so với phim nội địa ở các thị trường như Hàn Quốc và Mỹ, ông giải thích.

“Mặc dù các nền tảng [OTT] phát trực tuyến đã phát triển ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa đạt đến mức thống trị ở một số thị trường khác,” Hải nói thêm. “Phim trong nước được ưa chuộng thường ở rạp trong một thời gian dài trước khi có trên các nền tảng OTT. Điều này khuyến khích khán giả đến rạp xem phim hơn là chờ phát hành trực tuyến.”

Galaxy Sala, khai trương vào cuối năm 2023 tại TPHCM, là rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam được trang bị hệ thống laser tiên tiến nhất của Imax

Nâng cấp công nghệ

Khán giả và việc sản xuất phim đang thúc đẩy sự phát triển lẫn nhau — tất cả đều diễn ra cùng với việc mở rộng nhà rạp. Những khoản đầu tư đáng kể trong nước và quốc tế đang đổ vào để nâng cấp cơ sở hạ tầng rạp chiếu phim và công nghệ chiếu phim.

Hai trong số những chuỗi rạp hàng đầu ở Việt Nam đến từ Hàn Quốc. Lotte Cinema đã mở cụm rạp chiếu phim nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2008 và CJ CGV đã thâm nhập thị trường ba năm sau đó thông qua chi nhánh CJ CGV Việt Nam. Hiện tại, CJ CGV là công ty dẫn đầu thị trường, chiếm khoảng 45% thị phần phòng vé. Theo sau hai thương hiệu Hàn Quốc là Galaxy Cinema, ra mắt năm 2005 là một chuỗi rạp chiếu phim địa phương trước khi Golden Screen Cinemas (GSC) của Malaysia trở thành cổ đông trong doanh nghiệp rạp chiếu phim nước ngoài đầu tiên của mình.

CGV và Galaxy Cinema áp dụng công nghệ màn hình mới nhất ở nhiều định dạng khác nhau, cung cấp trải nghiệm trình chiếu, âm thanh và hình ảnh sống động tiên tiến mà khán giả không thể trải nghiệm tại nhà. Galaxy Sala, khai trương vào cuối năm 2023 tại TPHCM, là rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam được trang bị hệ thống laser tiên tiến nhất của Imax và một rạp chiếu phim Galaxy khác cũng sử dụng công nghệ này dự kiến ​​sẽ ra mắt vào quý 2 tại Hà Nội. Rạp chiếu phim hàng đầu của CGV tại Sư Vạn Hạnh, TPHCM đã lắp đặt Imax Laser cũng như Ultra 4DX, một trải nghiệm sống động đa giác quan do CJ 4DPlex sáng tạo.

Rạp chiếu phim mới nhất của Lotte Cinema khai trương năm 2023, hưởng lợi từ vị trí tại Lotte Mall Hồ Tây Hà Nội, nơi đã nhanh chóng trở thành một địa danh mua sắm và giải trí. Nơi đây bao gồm một trung tâm mua sắm với các thương hiệu quốc tế, bể cá trong nhà, siêu thị cao cấp, một khách sạn năm sao và một tòa nhà văn phòng.

Imax coi Việt Nam là một trong những thị trường châu Á phát triển nhanh nhất của mình. Thành tích tốt nhất từ ​​trước đến nay của Imax tại Việt Nam là năm ngoái, thu về gần 3 triệu đôla tiền vé từ bảy địa điểm do các đối tác CGV và Galaxy Cinema điều hành.

“Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và khán giả ngày càng kén chọn hơn về giải trí, họ chọn tìm kiếm những trải nghiệm cao cấp,” một phát ngôn viên của Imax cho biết. “Việc ra mắt bộ phim tiếng Việt đầu tiên của Imax dựa trên chiến lược thúc đẩy thị trường của chúng tôi.”

Tựa phim đó, Nụ hôn bạc tỷ, đã ra mắt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tháng 1 năm 2025 và được xếp hạng là một trong 10 tựa phim có doanh thu cao nhất từ ​​trước đến nay của Imax tại Việt Nam, gồm cả các phim bom tấn của Mỹ. Bộ phim hài lãng mạn của nữ diễn viên kiêm đạo diễn Thu Trang do CGV phân phối và công ty con V Pictures đồng sản xuất, công ty này cũng xử lý bán quyền quốc tế.

Thị trường điện ảnh của Việt Nam đã mở cửa đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn áp dụng một số hạn chế đầu tư nước ngoài. Phim Mỹ được phân phối thông qua các nhà phát hành-trình chiếu địa phương. Galaxy là nhà phân phối độc quyền tất cả phim chiếu rạp của Disney kể từ năm 2021, trong khi CGV hợp tác với Warner Bros, Universal và Paramount kể từ khi gia nhập thị trường năm 2011.

Tăng trưởng tầm trung

Mặc dù trải nghiệm chiếu cao cấp là một cách để thu hút đám đông, nhưng đã có sự nổi lên của các đơn vị như Beta Cinemas và Cinestar Cinemas nhắm đến phân khúc thị trường tầm trung, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ hơn, giúp việc tiếp cận rạp chiếu phim dễ dàng hơn trên toàn quốc. Giá vé phải chăng hơn, khoảng 1,95 đôla (50.000 đồng) trở xuống, so với khoảng 3,70 đôla (94.000 đồng) tại các rạp chiếu cao cấp. Và với dân số Việt Nam ước tính hơn 100 triệu người, vẫn còn tiềm năng đáng kể để tăng trưởng lượt vào cửa.

Bùi Quang Minh, người sáng lập Beta Media

“Chúng tôi đã xác định được khoảng trống trên thị trường, nơi một bộ phận lớn dân số không được phục vụ đầy đủ do giá vé cao,” Bùi Quang Minh, người sáng lập Beta Media cho biết. “Phân khúc tầm trung cho phép chúng tôi xây dựng được lượng khách hàng trung thành, khuyến khích họ quay lại và vun đắp văn hóa xem phim mạnh mẽ ở Việt Nam.”

Để duy trì hoạt động hiệu quả chi phí, các địa điểm của Beta Cinemas chủ yếu nằm ở khu vực ngoại ô thay vì trung tâm các thành phố chính, và được đặt trong trung tâm thương mại đàng hoàng nhưng không quá xa xỉ để phục vụ những khách hàng không đòi hỏi các công nghệ cao cấp như Imax hay 4DX. Nhưng hệ thống máy chiếu và âm thanh đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tương đương với các chuỗi rạp chiếu cao cấp, ông Bùi Quang Minh khẳng định. “Chúng tôi tập trung vào việc mang đến trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời với mức giá phải chăng, thay vì cạnh tranh bằng các tính năng xa xỉ,” ông nói thêm.

Mặc dù phải đóng cửa tạm thời và mất doanh thu trong thời gian đại dịch, Beta Cinemas đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế kinh doanh trước khi thị trường phục hồi. Đến năm 2024, doanh thu của công ty đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019 và chuỗi rạp đã mở rộng từ 11 địa điểm vào năm 2022 lên 21 địa điểm hiện nay mà không cần huy động thêm vốn kể từ khi xảy ra đại dịch.

Trong khi đó, một chuỗi rạp chiếu phim mới chuẩn bị tham gia thị trường. Đó là liên doanh giữa Beta Media và Aeon Entertainment của Nhật Bản đầu tư 200 triệu đôla vào việc mở 50 rạp chiếu phim cao cấp trong thập kỷ tới. Ba rạp chiếu phim đầu tiên mang thương hiệu Aeon Beta Cinemas sẽ mở cửa trong năm nay, hướng đến phân khúc cao cấp hơn. Beta Cinemas sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc vừa túi tiền.

Hai đối tác cũng hợp tác trong việc phân phối, với bộ phim kinh dị The Substance / Thần dược là tựa phim đầu tiên do Aeon Beta phát hành vào tháng 11 năm ngoái. Nhà phân phối cho biết phim được xếp loại 18+, chỉ cắt khoảng 90 giây, và mang lại kết quả có lãi.

Beta Media cũng đang đẩy mạnh sản xuất. Bộ phim gia đình Mùi phở, có sự tham gia của diễn viên hài nổi tiếng Xuân Hinh trong vai diễn điện ảnh đầu tay và Thu Trang từ Nụ hôn bạc tỷ, đang trong giai đoạn hậu kỳ dự kiến ​​phát hành dịp Tết 2026.

Diễn viên hài nổi tiếng Xuân Hinh trong vai diễn điện ảnh đầu tay trong Mùi phở do Beta Media sản xuất, đang trong giai đoạn hậu kỳ dự kiến ​​phát hành dịp Tết 2026

Doanh thu phòng vé Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong hai tháng đầu năm 2025, nổi bật là thành công của bốn phim địa phương đã thu về gần 35 triệu đôla (900 tỉ đồng) tại thời điểm Screen Daily lên bài này.

Bộ tứ báo thủ, do Trấn Thành Town, Galaxy Studio và HKFilm sản xuất và Galaxy Studio phân phối, đã giành ngôi quán quân phòng vé, với hơn 11,7 triệu đôla (300 tỉ đồng). Đây là tác phẩm ăn khách thứ tư của đạo diễn Trấn Thành trong năm năm và cả bốn phim đều lọt vào top năm phim có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam.

Tiếp theo là tác phẩm kinh dị ăn khách Nhà gia tiên của Huỳnh Lập với 8,8 triệu đôla (225 tỉ đồng), Nụ hôn bạc tỷ với 8,2 triệu đôla (210 tỉ đồng) và phim kinh dị Đèn âm hồn của Hoàng Nam với 4,1 triệu đôla (105 tỉ đồng). Ba phim cuối đều do CGV phân phối.

Bộ tứ báo thủ quán quân phòng vé Tết 2025

“Chúng tôi lạc quan rằng khởi đầu đầy hứa hẹn này sẽ tiếp tục, mở đường cho những thành tựu lớn hơn nữa trong những tháng tới,” ông Nguyễn Hoàng Hải của CGV nói.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily