Sau
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2015,
Cô gái đến từ hôm qua năm 2017 và
Mắt biếc năm 2019, khán giả yêu phim Việt một lần nữa bước vào thế giới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thông qua
Ngày xưa có một chuyện tình.
Truyện dài cùng tên ra đời đầu tiên vào năm 2016, ngay lập tức đã tạo
dấu ấn trong lòng độc giả, bởi hiếm hoi trong những dòng chữ, Nguyễn
Nhật Ánh đã kể lại một câu chuyện tình day dứt. Và có lẽ, điều đó cũng
đã thôi thúc những nhà làm phim trẻ trung và tài năng, quyết tâm đưa
Phúc, Vinh và Miền bước ra màn ảnh bằng xương bằng thịt, để lắng nghe họ
“kể” về một tình yêu thổn thức, một thời mà biết đâu bạn tìm thấy ở
chính mình, hay từ ba mẹ của mình...
Những người bạn, những người yêuKhông
xuất phát cùng nhau, nhưng Vinh và Phúc lại lớn lên cùng nhau. Từ lớp
học cho đến ngoài đời, họ luôn là một đôi gắn kết không rời. Thuở thiếu
niên, hai cậu học sinh ngày ngày chở nhau trên chiếc xe đạp đến trường,
cùng nhau trèo cây ổi, chia nhau những quyển sách của ông Nội, thậm chí
là nướng ngô rồi trốn ra bờ suối ngủ đến tận hôm sau vì... lỡ tay làm
cháy ruộng ngô. Bấy nhiêu kỷ niệm ấy chỉ càng thắt chặt tình cảm giữa
Vinh và Phúc.
Khi lớn lên, biết bạn mình vẫn thích thầm cô bạn học chung lớp, Phúc
nhiều lần thúc giục Vinh nhanh chóng tỏ tình, thậm chí là bày cả những
kế hoạch ngây ngô để lấy lòng Miền - người mà cả Vinh và Phúc, đều trót
yêu. Vì là những cô cậu thanh niên mới lớn, lại sinh ra trong khoảnh
khắc còn chưa giao thời, đối với họ, việc tỏ bày tình yêu là điều khá xa
xỉ.
Bản thân hai chàng trai, đều loay hoay trong tình yêu của
chính mình. Vinh mãi không chịu nói ra tâm tư, ngoài việc... chấp nhận
bị bắt nạt, bị dè bỉu từ đám bạn học, hay chấp nhận cả việc để cho Phúc
tiếp cận Miền chỉ để hỏi xem liệu Miền có hiểu được tình cảm của Vinh
hay không. Chằng phải ngẫu nhiên Phúc tìm cách giúp Vinh tỏ tình, vì
ngoài tình bạn, anh cũng muốn biết xem liệu bản thân mình có cơ hội nào
trong mối quan hệ này với Miền hay không...
Hai chàng trai đã có lúc xích mích, hiểu lầm, thậm chí chẳng thèm nhìn
mặt nhau, chỉ vì... một cô gái. Nhưng nói như người cậu của Vinh, thì
đúng là chẳng có gì phải ái ngại hay xấu hổ khi theo đuổi một tình yêu
mà mình khắc cốt ghi tâm, cả khi có bị la mắng, “ăn đòn” hay “trầy da
tróc vảy”... Chỉ có điều, sau những lần như thế, liệu rằng ai sẽ giành
“phần thưởng” và ai sẽ “bị phạt” mà thôi!
Ngã rẽ cuộc đờiNgày xưa có một chuyện tình
lấy bối cảnh những năm cuối 80 đầu 90 thế kỷ trước, thời điểm chưa có
internet và chưa có nhiều những cuộc cách mạng văn hóa làm thay đổi tư
duy của các trưởng nam trong một gia đình. Chính vì thế, trong câu
chuyện này, không thiếu hình ảnh những người cha, người ông, quy củ và
hà khắc đến đáng sợ. Mặc dù những người đàn ông trong phim hiện lên với
khá nhiều nỗi bất an, nhưng điều đó cũng chẳng phải hiếm ở thời hiện
đại, khi mà con cái vẫn phải chịu sự phán quyết của bố mẹ, ít hay nhiều,
cách này hay cách khác…
Đỗ Nhật Hoàng vai Phúc khi trưởng thành
|
Từ nhỏ, Miền đã chứng kiến Lụa - chị gái mình, chịu cảnh đòn roi vì yêu
phải một người đàn ông một lần đò. Hay từ khi còn là một cậu nhóc vô tư,
Vinh đã biết... học yêu từ chính người cậu “ế vợ” của mình, hay Phúc
ngay trong cả bữa ăn phải chứng kiến cảnh cha mình luôn bị ông nội chì
chiết, chỉ vì không nối nghiệp mà chạy theo niềm đam mê khác... Rốt
cuộc, cũng khó trách cha Miền, vì cuối cùng ông cũng vì quá thương con
cái - nhất là con gái dễ mang nhiều thị phi trong xã hội bấy giờ. Còn
ông nội của Phúc, một ông giáo nổi danh trong làng, tất nhiên sẽ có kỳ
vọng nhất định ở con cháu mình, chỉ tiếc là cách ông răn đe lại mang
tính hạ bệ. Và cậu của Vinh, có lẽ vì quá đa tình và ủy mị nên chẳng giữ
nổi được tình yêu cũng nên.
Cứ thế, những người đàn ông ấy đều
khiến cho số kiếp hai chàng trai này chao đảo theo các chiều hướng khác
nhau. Vinh “lậm” vào trong đầu những câu chuyện của người cậu, nó chỉ
mang tính xoa dịu phút chốc và lãng mạn hóa hiện thực trong khi điều
Vinh nên làm ngay từ đầu và tự mình tỏ tình với Miền. Hay Phúc, sau khi
nhận ra tình cảm chớm nở với Miền, anh bị cuốn vào sự tranh đấu giữa ông
nội và cha mình. Tất nhiên, vẫn còn một vài sự kiện bất ngờ ập đến,
nhưng chung quy lại vẫn là số phận đã đẩy họ ra khỏi vòng tay Miền.
Vậy
thì Miền có vai trò gì trong tình yêu này? Cô là người bị động nhất,
bởi không thể nhận lời yêu một người mà cô không yêu, nhưng cũng không
thể yêu một người mà cô không biết sẽ chờ đến bao giờ. Miền vẫn là phụ
nữ, cô vẫn phải chọn cách tốt nhất để bảo vệ chính mình, và người mà cô
coi là quan trọng nhất. Trong suốt cả một quãng thời thanh xuân, Miền
luôn chờ đợi để được yêu đúng người, đến cả khi già đi, cô vẫn một lòng
với tình yêu đó. Nhưng Miền không bị động cả đời vì cuối cùng, cô cũng
có cơ hội (hay là thử thách) để rẽ về phía mà cuộc đời bấy giờ khiến cô
phải quyết định.
Bình yên hay sóng gió?Câu chuyện của
Ngày xưa có một chuyện tình
nếu đặt ở thời hiện đại, sẽ có những tình huống mà nhân vật dễ dàng
đánh đổi, nhưng vào 30 năm trước, có lẽ an yên là thứ cần thiết nhất.
Vinh trở thành thầy giáo về làng giảng dạy các em nhỏ, còn Phúc cũng trở
về làng sau nhiều năm tha hương, song chẳng còn gì trong tay ngoài hũ
tro cốt của cha mình. Miền chấp nhận... “ở giá” để tiếp tục chờ đợi tình
yêu mà cô vẫn đang đi tìm chìa khóa để mở. Và như đã nói, vào thời điểm
mà con người ta vẫn phải sống cho chính mình và gia đình, thì họ phải
chọn cách bỏ qua tình yêu đầu nguyên sơ, để lập gia đình và quên đi
người cũ. Miền đã chọn lựa người chờ đợi cô một cách kiên trì, vun vén
ước mơ “cưới Miền làm vợ”
Cảnh quay lãng mạn trong phim
|
Sẽ có người mong một kết cục khác cho
Ngày xưa có một chuyện tình.
Thế nhưng vốn dĩ, câu chuyện trong nguyên tác đã lựa chọn như thế, cả
Vinh, Phúc và Miền đều không thể đổi khác. Trong phim, có nhiều khoảnh
khắc day dứt, nhưng nó dường như sinh ra để nhắc nhớ về một tình yêu đã
từng, thay vì nhắc nhớ chúng ta hãy chạy theo nó, chơi trò đuổi bắt như
thời thơ bé. Đó là chuyến xe mà Phúc đã chờ Miền, hay chuyến xe mà Vinh
cho cả ba người họ cơ hội cuối cùng để chọn.
Bên cạnh chuyện tình, chuyện bạn thân,
Ngày xưa có một chuyện tình
còn đem đến cả tình cảm thiêng liêng, thuần khiết! Khoảnh khắc Phúc gặp
được Su - một cậu bé tinh nghịch, trốn học ra ngoài vườn dạo chơi... có
lẽ là một trong những cảnh phim đắt giá nhất và gây xúc động nhất...
sau khi bộ phim đã kết thúc. Phần hội thoại của hai nhân vật này cũng
mang đến nhiều suy tư cho người xem, khi Su nói với Phúc rằng: “Cháu
không muốn lớn lên, làm người lớn chẳng có gì vui!” hay “Mai mốt chú
Phúc chết đi, chú sẽ nằm ở đằng kia!”. Rồi lại sẽ là một vòng đời nữa
lặp lại, nhưng khi đó, có lẽ mọi thứ đã khác.
Những gương mặt sáng bừng màn ảnhMay mắn cho
Ngày xưa có một chuyện tình
khi từ khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện, nụ cười rạng rỡ của Đỗ Nhật
Hoàng (vai Phúc khi trưởng thành), hay vẻ đẹp thanh tân của Ngọc Xuân
(vai Miền khi trưởng thành), ngay lập tức chiếm được cảm tình người xem.
Không chỉ có sức trẻ, ngoại hình phù hợp với hình dung trong tác phẩm
gốc mà các diễn viên mới toanh này, đều có những cung bậc cảm xúc dịu
dàng, tinh tế, vượt ngoài mong đợi dành cho hai gương mặt lần đầu đóng
phim điện ảnh. Nếu như Ngọc Xuân có nét diễn chân phương, đôi mắt biếc
thấm đẫm tâm hồn và giọng nói nhỏ nhẹ, thì Nhật Hoàng lôi cuốn trong
từng khung hình, ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển và mạch cảm xúc dạt dào để
tạo nên một Phúc vừa khiến người ta giận, vừa khiến người ta thương.
Phúc sẽ có... người hâm mộ, những người cổ vũ anh vì trong tình yêu,
không có đúng và sai.
Ngọc Xuân vai Miền và Nhật Hoàng vai Phúc
|
Avin Lu (vai Vinh khi trưởng thành), tuy không phải “người mới” nhưng
anh biết cách biến mình trở thành “người đàn ông lý tưởng” của phim,
thông qua hình ảnh một chàng trai tưởng chừng như chỉ biết lặng im, cuối
cùng đã chịu “sáng mắt ra” giành lấy người con gái mà anh nhất mực yêu.
Vinh cũng là nhân vật có nhiều thử thách tâm lý, không kém gì Miền, và
những điều này đã được chàng diễn viên 1995 thể hiện trọn vẹn. Điểm cộng
khác dành cho
Ngày xưa có một chuyện tình là vô vàn diễn viên
vai phụ đã diễn đạt đến không ngờ. Ngoài nhóm các diễn viên nhí rất
duyên như Hạo Khang, Thanh Tú… thì các gương mặt dày dạn kinh nghiệm đều
góp phần không nhỏ làm nên bức tranh sinh động cho bộ phim. Đặc biệt
nhân vật của Rima Thanh Vy có số phận thú vị, nhiều uẩn khúc... và bản
thân cô cũng hóa thân tròn trịa, dù ít phân cảnh.
Nhật Hoàng (trái) và Avin Lu vai Vinh
|
Yếu tố kỹ thuật trong phim, như bối cảnh, hiệu ứng hình ảnh, nhạc nền
hay ca khúc nhạc phim… đều làm nổi bật tinh thần lãng mạn, hoài cổ. Phần
voice-over đôi khi còn đôi chút cường điệu nhưng nhìn chung đây là số
ít phim Việt có lỗi thoại thấp nhất và mang lại cảm giác chân thật, dễ
chịu. Điểm trừ lớn nhất của phim, có lẽ nằm ở vài phân cảnh kịch tính do
truyền tải nhanh và chưa đủ độ mượt mà. Nhìn chung, đạo diễn Trịnh Đình
Lê Minh, nhà sản xuất kiêm biên kịch Nhi Bùi, nhà sản xuất và đạo diễn
hình ảnh Nguyễn Trinh Hoan, cùng cộng sự, đã tạo nên những thước phim có
khả năng lay động, và đủ sức gắn bó với thời gian.
Tình yêu trong
Ngày xưa có một chuyện tình
cho thấy sức mạnh của sự kiên trì, bao dung, lòng vị tha và hy sinh một
cách ý nghĩa. Sẽ có những tiếc nuối dành cho người ở lại, nhưng suy cho
cùng, tất cả chúng ta đều không thể sống trong quá khứ, mà sống vì hiện
tại và tương lai. Chính sự thiếu trọn vẹn là để nhắc chúng ta, lý do để
tranh đấu vì tình yêu vì... ai cũng đáng được yêu.
Nguồn: Tatler Asia