Tin tức

Điện ảnh Hồng Kông phai tàn khi Đại lục bước vào hào quang

11/10/2017

Gần ba thập niên kể từ những năm 1970, không đâu được như nền điện ảnh Hồng Kông nơi đã phóng một số lượng lớn diễn viên châu Á hạng A lên đài danh vọng quốc tế. Nhưng thời huy hoàng đó qua lâu lắm rồi.

Mấy năm gần đây điện ảnh Hồng Kông đã chẳng còn hiện diện ở những liên hoan phim hàng đầu của châu Âu – Berlin, Cannes và Venice – chẳng như thời kỳ vàng của họ khi dàn diễn viên và êkíp làm phim Tâm trạng khi yêu / In the Mood for LoveXuân quang xạ tiết / Happy Together của Vương Gia Vệ bước trên thảm đỏ trong khi thu nhặt những danh hiệu hàng đầu, trong đó có cúp vàng Nam diễn viên chính và Đạo diễn xuất sắc.

Tượng sáp của Trương Quốc Vinh tại bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud ở Hồng Kông

Thời đó, một rừng ‘fan’ Hàn tung hô tên Trương Quốc Vinh khi anh đến Seoul, và siêu sao Trương Mạn Ngọc lập tức trở thành biểu tượng thanh lịch của châu Á với chuỗi trang phục sườn xám cô mặc trong câu chuyện tình Tâm trạng khi yêu.

Rất khó vạch rõ tại sao Hồng Kông, một thời mệnh danh là “Hollywood của phương Đông”, lại đánh mất vai trò thủ đô điện ảnh châu Á bắt đầu từ những năm 1990. Nhiều người trong nghề chỉ vào sự thất thoát chất xám khi nhân tài hàng đầu hướng lên phía bắc để làm những xuất phẩm cho Đại lục, trong khi người khác quy cho khoảng cách tuổi tác giữa những nhân vật kỳ cựu như Vương Gia Vệ và Châu Tinh Trì với thế hệ kế thừa họ thuộc về thiên niên kỷ mới vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng.

Hồng Kông từng sản xuất 400 phim một năm vào đầu thập niên 90, nhưng số lượng đó hiện tại đã giảm còn 60. Năm 1996, năm trong 10 phim có doanh thu cao nhất ở Hồng Kông là của nhà trồng. Tua nhanh đến hai thập niên sau đó, và năm 2016 chỉ còn một phim địa phương lọt vào tốp 10, The Mermaid, vốn là xuất phẩm đồng sản xuất Đại lục-Hồng Kông do Châu Tinh Trì đạo diễn.

Chuyện tương tự với các hãng phim lớn của Hồng Kông. Gia Hòa (Golden Harvest), nhà chế tác 47 tuổi đời đã nuôi dưỡng cho Lý Tiểu Long thành công trong những năm 1970 và Thành Long trong thập niên 80, tiêu tan công lực trong thập niên 1990 giữa song chưởng hợp bích của Khủng hoảng tài chính châu Á và sự lên ngôi của các đối thủ Đại lục do Hoa Nghị Huynh Đệ dẫn đầu.

Trong những năm tiếp sau đỉnh cao của Gia Hòa – năm mà Trương Mạn Ngọc đoạt ảnh hậu Kim Tượng 1998 cho vai diễn trong The Soong Sisters, sản lượng phim của hãng này bổ nhào. Cuối cùng, hãng phim tượng đài trở thành nhà vận hành rạp chiếu và đầu năm nay đã bán chuỗi rạp của họ ở Đại lục cho Nan Hai Corp, công ty thuộc sở hữu của chuỗi rạp Dadi.

“Có lẽ chúng ta sẽ cùng một kiểu của công nghiệp chế tạo Hồng Kông. Bạn đến giai đoạn tìm kiếm làm phim ở Trung Quốc,” Roger Garcia, giám đốc điều hành Hiệp hội liên hoan phim quốc tế Hồng Kông, nói.

Tâm trạng khi yêu không chỉ đoạt giải thưởng mà Trương Mạn Ngọc còn trở thành biểu tượng thanh lịch với các bộ xườn sám cô mặc trong phim

Y như chi phí nhân công rẻ ở Đại lục thôi thúc các chủ hãng xưởng Hồng Kông chuyển nhà máy lắp ráp của mình qua bên kia biên giới, trong nghề làm phim một sự khan hiếm kinh niên chương trình đào tạo dẫn đến nguồn nhân tài cạn kiệt.

“Chẳng hạn, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh đã đào tạo nhiều thế hệ người làm phim cho Trung Quốc còn ở Hồng Kông không có những học viện như thế,” Trác Bá Đường, đạo diễn và nhà sáng lập Học viện Điện ảnh thuộc Hong Kong Baptist University, viết trong báo cáo mới đây về công nghiệp điện ảnh.

Tăng trưởng sụt giảm của thị trường điện ảnh Hồng Kông lại trùng hợp với sự bùng nổ kinh ngạc của thị trường Đại lục. Hai thập niên vừa qua, phòng vé Đại lục tăng vọt gấp 40 lần với hơn 45 tỉ nhân dân tệ (6,6 tỉ đôla Mỹ) năm 2016. Trong khi đó, giá thuê đất tăng vọt ở Hồng Kông khiến hơn một nửa số rạp chiếu của đặc khu này phải đóng cửa, theo số liệu chính thức.

Số rạp chiếu ở Hồng Kông ngày càng giảm do giá thuê đất tăng vọt

“Thay đổi lớn nhất là sự lên ngôi rõ ràng của thị trường điện ảnh Trung Quốc quá lớn,” Albert Lee, giám đốc điều hành của Emperor Motion Pictures, nói.

Khi điện ảnh Hồng Kông biến mất, khán giả ở đây chuyển hướng quan tâm phim Hollywood và lơ là phim xã hội đen và phim kung fu truyền thống của đặc khu này.

“Những năm 1990, cơn cuồng các xuất phẩm phim Hồng Kông của khán giả nước ngoài đã nguội lạnh,” tài liệu nghiên cứu của Ủy ban lập pháp nói.

Chật vật trong thị trường nhỏ hẹp, hầu hết hãnh phim lớn của Hồng Kông phải nắm lấy phương pháp đồng sản xuất với các đối tác Đại lục.

Emperor đã hợp tác với Hoa Nghị Huynh Đệ và Le Vision Pictures sản xuất các bom tấn như Personal TailorThe Bullet Vanishes. Dàn diễn viên luôn là sự kết hợp các ngôi sao Đại lục với những gương mặt quen thuộc của Hồng Kông.

Hãng phim Gia Hòa từng là bệ phóng cho rất nhiều phim kung fu thời kỳ đầu của Lý Tiểu Long

Đồng sản xuất chiếm đến hơn 50% sản lượng phim Hồng Kông sản xuất ra năm ngoái. Nhiều phim lấy được danh tiếng quốc tế, trong đó Simple Life lấy về giải Kim Mã nữ diễn viên chính xuất sắc cho Diệp Đức Nhàn và nam chính xuất sắc cho Lưu Đức Hoa. Nhưng các phim khác, như The League of Gods có Phạm Băng Băng, thất bại ở phòng vé.

Khi Đại lục tiếp tục xây dựng nguồn nhân tài tại chỗ, giới chuyên gia kêu gọi các nhà làm phim Hồng Kông cân nhắc phim kinh phí thấp hơn.

Hai năm vừa qua, những phim độc lập Hồng Kông như Port of CallMad World – được làm với kinh phí 5 triệu đôla Hồng Kông và 258.000 đôla Mỹ theo thứ tự, đã tạo chú ý sau khi càn quét các giải thưởng Kim Mã và Kim Tượng.

Một số nhà làm phim hàng đầu thế giới đã bị phim độc lập Hồng Kông cám dỗ. Andrew Hevia, đồng sản xuất phim đoạt giải Oscar Moonlight, đang làm việc với một đạo diễn Hồng Kông để sản xuất một phim kinh phí thấp tại đây.

“Tôi nhiệt tình cổ vũ cho những cộng đồng làm phim nói về chính mình,” Hevia nói trong phỏng vấn với South China Morning Post hồi tháng 3.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post