Nhân vật & Sự kiện

Điện ảnh Hồng Kông chết trong thời đồng sản xuất với Trung Quốc? Thế hệ đạo diễn mới đầy nhiệt huyết của địa phương này nói không

27/02/2023

Có gợi ý nào cho biết sự thật về tuyên bố thường được thì thầm, dù có vẻ ngoa dụ rằng điện ảnh Hồng Kông đã chết?

Rốt cuộc, giải thích sao cho cái sự quá ít kèn trống khi, vào tháng 4 năm 2021, nam diễn viên trở thành đạo diễn Tằng Quốc Tường đã làm nên lịch sử trở thành nhà làm phim gốc Hồng Kông đầu tiên tranh giải Oscar phim truyện quốc tế hay nhất, với rất ít người ở quê hương anh quan tâm mà cổ vũ anh ấy?

Vương Đan Ni vai Mai Diễm Phương trong phim Anita, do nhà làm phim đang lên Lương Lạc Dân chỉ đạo, chỉ là một trong nhiều bộ phim xuất sắc của các đạo diễn Hồng Kông mới nổi vài năm qua

Tất nhiên, sự tiếp nhận lặng lẽ của địa phương dành cho phim của Tằng Quốc Tường, Better Days, có thể đơn giản là do nó không có triển vọng thắng giải. Cũng có thể là do những tình huống khó xử khiến lễ trao giải Oscar 2021 bị kiểm duyệt gắt gao trên mạng xã hội ở Trung Quốc Đại lục và lần đầu tiên kể từ năm 1969, không được phát sóng truyền hình ở Hồng Kông.

Cũng có thể là sự phản ánh cảm giác thờ ơ mà một bộ phận lớn khán giả Hồng Kông dành cho những bộ phim hợp tác sản xuất nhắm mục tiêu là khán giả Trung Quốc Đại lục, như Better Days. Người ta đã công khai than thở cái sự thiếu quan tâm đến văn hóa và giá trị của Hồng Kông trong nhiều tác phẩm của các nhà làm phim hàng đầu hơn chục năm nay rồi.

Một phim tâm lý đề tài bắt nạt nói tiếng phổ thông lấy bối cảnh Trung Quốc với dàn diễn viên toàn Đại lục, Better Days, phim của Tằng Quốc Tường chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc, đã thu về hơn 200 triệu đôla Mỹ ở phòng vé (chủ yếu là Trung Quốc Đại lục) nhưng hầu như không gây được tiếng vang khi ra rạp ở quê nhà Hồng Kông của anh vào tháng 12 năm 2019 — tức là trước khi nó được các đồng nghiệp trong ngành công nhận và thống trị Giải Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) vào tháng 5 năm 2020, thắng ba trong bốn hạng mục hàng đầu và mang về tổng cộng tám giải thưởng.

Đạo diễn Hồng Kông Tằng Quốc Tường và nữ diễn viên Trung Quốc Đại lục Chu Đông Vũ trên phim trường Better Days. Phim được đề cử ở hạng mục phim truyện quốc tế hay nhất Oscar 2021

Sự hoan nghênh của giới phê bình và thành tích thương mại của Better Days đã giúp xua tan hai lầm tưởng phổ biến: rằng các xuất phẩm hợp tác sản xuất Hồng Kông và Trung Quốc có xu hướng là những xuất phẩm thỏa hiệp nghệ thuật, và rằng các tài năng làm phim địa phương ngày nay mờ nhạt bên cạnh những tiền nhiệm của họ từ cái gọi là thời hoàng kim của nền điện ảnh Hồng Kông vào những năm 1980 và 1990.

Kể từ khi Thỏa thuận hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn (CEPA) năm 2003 giữa Trung Quốc và Hồng Kông đã mở ra một thị trường khổng lồ cho các nhà làm phim của thành phố, đồng thời mang lại cho các nhà đồng sản xuất cơ hội tốt nhất để vừa tham gia vào các xuất phẩm kinh phí lớn thu về hàng tỉ đôla doanh thu, đã có những lo ngại rằng các nhà làm phim tên tuổi nhất của Hồng Kông sẽ đi về phía bắc và ở lại đó.

Trong một số trường hợp, đúng là vậy. Các đạo diễn nổi tiếng như Châu Tinh Trì (The New King of Comedy), Ngô Vũ Sâm (Manhunt), Từ Khắc (Detective Dee: The Four Heavenly Kings) và Trần Khả Tân (Leap) đều chạy theo số vốn khổng lồ mà thị trường Đại lục mang lại và ngừng làm những bộ phim chủ yếu phục vụ thị hiếu khán giả Hồng Kông.

Đạo diễn Châu Tinh Trì (phải) và diễn viên Điền Khải Văn trên phim trường The New King of Comedy, phim ra mắt tại Trung Quốc Đại lục vào dịp Tết Nguyên đán 2019

Trong khi đó, các nhà làm phim kỳ cựu từ Hồng Kông hiện chịu trách nhiệm cho nhiều phim Đại lục có doanh thu cao nhất từng được thực hiện. Bao gồm từ Mỹ nhân ngư (2016) của Châu Tinh Trì và hai phim Truy lùng quái yêu của Hứa Thành Nghị (2015, 2018), cho đến những phim bom tấn yêu nước như Operation Red Sea (2018) của Lâm Siêu Hiền, Cơ trưởng (2018) của Lưu Vỹ Cường (2019) và sử thi chiến tranh hai phần Trận chiến hồ Trường Tân (2021, 2022), do Lâm Siêu Hiền, Từ Khắc và Trần Khải Ca của Trung Quốc Đại lục đồng đạo diễn.

Trên trường quốc tế, dịch chuyển cơ bản này thu hút sự chú ý của các nhà làm phim nổi tiếng nhất Hồng Kông, từ chỗ định hình truyền thống điện ảnh huy hoàng của Hồng Kông — có thời điểm được học giả điện ảnh David Bordwell miêu tả là “quá ngông cuồng, quá hoang dã vô cớ” — đến phục tùng kiểm duyệt và phục vụ thị trường béo bở của Trung Quốc, chắc hẳn được coi là một trong những yếu tố chính đằng sau sự sa sút thấy rõ của điện ảnh Hồng Kông trong cùng thời kỳ.

Từng góp mặt thường xuyên tại các giải thưởng điện ảnh lớn trong quá khứ chưa xa, gần đây phim Hồng Kông vắng bóng hẳn ở hạng mục tranh giải chính của ba liên hoan phim danh giá nhất thế giới: Cannes, Venice và Berlin.

Một cảnh từ No 7 Cherry Lane, phim Hồng Kông duy nhất được chọn trình chiếu trong hạng mục tranh giải chính của ba liên hoan phim danh giá nhất thế giới: Cannes, Venice và Berlin. Bộ phim hoạt hình của đạo diễn Dương Pham đã thắng giải kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2019

Thật vậy, chỉ có một phim địa phương — phim hoạt hình gợi cảm No 7 Cherry Lane của đạo diễn phim nghệ thuật Dương Phàm, thắng giải kịch bản hay nhất tại Venice 2019 — được mời tranh giải chính tại các liên hoan này kể từ sau A Simple Life của Hứa An Hoa và Đoạt mệnh kim của Đỗ Kỳ Phong đã làm tại Venice năm 2011.

Nhưng không phải là thua hết ở mặt trận địa phương.

Khi một số đạo diễn giàu kinh nghiệm nhất được biết đến với phim thương mại xa hoa bỏ trống vị trí đặc quyền của họ ở Hồng Kông, một thế hệ các nhà làm phim hoàn toàn mới đã xuất hiện để tái tạo ngành công nghiệp này bằng những bộ phim đầu tiên nhỏ hơn nhưng đáng chú ý hơn — ngay cả khi họ chưa là cái tên quen thuộc bên ngoài thành phố này.

Chiến thắng bất ngờ cho phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2011 dành cho Gallants — phim hài hành động kinh phí thấp do cặp đạo diễn trẻ (Quách Tử Kiện và Trịnh Tư Kiệt) đồng đạo diễn và tỏ lòng tôn kính truyền thống phim võ thuật huyền thoại của những năm 1970 — được cho là một trong những bước ngoặt ban đầu.

Một cảnh từ Gallants, phim hài hành động hoài cổ do Quách Tử Kiện và Trịnh Tư Kiệt đồng đạo diễn. Bộ phim, bất ngờ đoạt Kim Tượng phim hay nhất tại Giải Điện ảnh Hồng Kông 2011, đã mở ra một kỷ nguyên mới của ngành làm phim địa phương

Kể từ đó, tác phẩm đầu tay của những tài năng non trẻ đã trở thành một yếu tố cố định trong hạng mục phim hay nhất của Giải Điện ảnh Hồng Kông.

Nỗ lực đạo diễn đầu tiên của Lục Kiếm Thanh và Lương Lạc Dân, phim ly kỳ cảnh sát Cold War với sự tham gia của các ngôi sao, đã lấy chín Kim Tượng Hồng Kông 2013, bao gồm phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất. Cả hai đều đã làm việc trong ngành được hai thập kỷ, lần lượt với tư cách là trợ lý đạo diễn và đạo diễn nghệ thuật.

Và sau đó, tất nhiên, có Ten Years, đoạt giải phim hay nhất gây tranh cãi năm 2016. Do năm nhà làm phim mới vào nghề đạo diễn, bộ phim kinh phí thấp đa dạng này đã tưởng tượng một cách bi quan về những thay đổi mạnh mẽ có thể xảy ra với cơ cấu chính trị và xã hội của Hồng Kông sau 10 năm nữa trong tương lai.

Mặc dù lập trường tự do của bộ phim khiến nhiều người lo lắng, nhưng sự tinh tế về mặt khái niệm của nó trong việc pha trộn giữa phê bình xã hội với hư cấu hậu tận thế đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim không chỉ trong nước mà cả những nơi khác.

Từ trái sang: Ông Tử Quang của Port of Call (kịch bản xuất sắc nhất), Lăng Trí Hào (nam diễn viên phụ xuất sắc nhất), Xuân Hạ (nữ diễn viên chính xuất sắc nhất), Kim Yến Linh (nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất) và Quách Phú Thành (nam diễn viên chính xuất sắc nhất) nhận giải tại Giải Điện ảnh Hồng Kông 2016

Dự án Ten Years kể từ đó đã tạo ra các phiên bản ở Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan; một trong những phim ngắn của Nhật Bản thậm chí đã được mở rộng thành phim truyện nổi tiếng, Plan 75, được công chiếu lần đầu tại Cannes vào tháng 5 năm ngoái.

Port of Call, phim tâm lý tội phạm có thật do nhà phê bình trở thành nhà làm phim Ông Tử Quang viết kịch bản và đạo diễn, là một thành công đáng chú ý khác tại Giải Điện ảnh Hồng Kông 2016. Mặc dù vuột mất giải phim hay nhất về tay Ten Years, bộ phim thứ ba của Ông Tử Quang có vinh dự đặc biệt là phim duy nhất trong lịch sử lâu đời của Kim Tượng càn quét năm giải diễn xuất.

Sự thay đổi bề ngoài này trở thành thay đổi nghiêm túc khi Trivisa, phim hình sự nhạy cảm chính trị do các cựu binh của Milkyway Image là Đỗ Kỳ Phong và Khâu Nại Hải sản xuất và do ba đạo diễn trẻ địa phương (Hứa Học Văn, Âu Văn Kiệt và Hoàng Vĩ Kiệt) đồng đạo diễn, đã thắng giải phim hay nhất tại Giải Điện ảnh Hồng Kông 2017. Sự thống trị của Better Days, nỗ lực đạo diễn solo thứ hai của Tằng Quốc Tường, tại lễ trao giải năm 2020 tiếp tục xu hướng này.

Trivisa, phim tội phạm ly kỳ lấy bối cảnh thập niên 1990 bị cấm chiếu ở Trung Quốc Đại lục, được vinh danh là phim hay nhất tại Giải Điện ảnh Hồng Kông 2017. Phim do ba nhà làm phim trẻ đồng đạo diễn: (hàng trước, từ thứ ba từ trái sang) Hoàng Vĩ Kiệt, Âu Văn Kiệt và Hứa Học Văn

Sự xuất hiện đều đặn của các tài năng trẻ một phần là nhờ nhiều sáng kiến rất thành công nhằm nuôi dưỡng một thế hệ các nhà làm phim mới. Các liên hoan phim ngắn như Liên hoan phim ngắn quốc tế Làn Sóng Mới, do Đỗ Kỳ Phong dẫn dắt, và các chương trình tài trợ của chính phủ như First Feature Film Initiative, đã có ảnh hưởng lớn đối với những bước phát triển mới nhất của điện ảnh Hồng Kông.

Đối với khán giả địa phương, khía cạnh đáng khích lệ nhất về chuyển biến âm thầm của ngành điện ảnh không phải là việc các nhà làm phim mới nổi bắt đầu soán ngôi tiền bối của họ tại các giải thưởng quan trọng. Họ đang thay thế các tiền bối với những bộ phim muốn bảo tồn bản sắc Hồng Kông mà nhiều người yêu quý, hoặc đưa tiềm năng của họ vào việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội. Đôi khi, họ làm cả hai việc ấy cùng một lúc.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, khán giả đã được xem những bộ phim nổi tiếng của các đạo diễn trẻ đề cập đến các chủ đề nhân văn như bệnh tâm thần (Mad World 2016, Beyond the Dream 2019); nghèo đói (I’m Livin’ It năm 2019, Drifting năm 2021); người thiểu số (Still Human năm 2018, Hand Rolled Cigarette năm 2020); thiểu số tình dục (Tracey năm 2018, Suk Suk năm 2019); quyền tự do của phụ nữ (29+1 năm 2017, My Prince Edward năm 2019); và tuổi già (Happiness năm 2016, Time năm 2021).

Thái Tư Vận trong phim tâm lý lãng mạn Beyond the Dream của đạo diễn Chu Quán Uy, là một trong số những phim Hồng Kông miêu tả bệnh nhân tâm thần những năm gần đây

Mặc dù nhiều phim liên quan đến xã hội này hoặc quá nhạy cảm về mặt chủ đề đối với các nhà kiểm duyệt Trung Quốc Đại lục, hoặc không đủ giải trí cho khán giả Trung Quốc chủ lưu để có thể tiếp cận thị trường đó, nhưng chúng thường được khán giả địa phương đón nhận nhiệt tình.

Bất ổn chính trị-xã hội nhấn chìm Hồng Kông trong những năm gần đây cũng mang đến sự quan tâm mới — và đôi khi là sự ủng hộ nhiệt thành ở phòng vé — dành cho tất cả những phim được hình thành một cách chân thật, mang hương vị địa phương của riêng họ, suy ngẫm về thực trạng hiện tại của Hồng Kông và đồng điệu với tình cảm phổ biến của xã hội nói chung.

Bởi thế mà chẳng ngạc nhiên khi Anita của Lương Lạc Dân, phim tiểu sử Mai Diễm Phương gợi lên một cách sống động thời kỳ mà nhiều người ở Hồng Kông hoài niệm, thu về hơn 61 triệu đôla Hồng Kông (7,8 triệu đôla Mỹ) trong vòng chưa đầy hai tháng công chiếu và trở thành phim địa phương có doanh thu cao nhất phòng vé Hồng Kông năm 2021.

Đạo diễn Lương Lạc Dân (phải) và nữ diễn viên Vương Đan Ni trên phim trường Anita. Bộ phim tiểu sử Mai Diễm Phương là phim địa phương có doanh thu cao nhất phòng vé Hồng Kông năm 2021

Đáng ngạc nhiên hơn nữa, có lẽ, là chiến thắng của một cặp phim dưới cơ khác do các nhà làm phim triển vọng thực hiện vào năm 2021.

Phim tiểu sử thể thao lành mạnh Zero to Hero, đánh dấu màn ra mắt đạo diễn solo của Doãn Chí Văn (đồng đạo diễn một số phim với Tằng Quốc Tường vào đầu những năm 2010), vượt xa kỳ vọng khi thu về hơn 28 triệu đôla Hồng Kông. Bộ phim quyền anh truyền cảm hứng One Second Champion, tác phẩm đầu tay solo của đồng đạo diễn Vampire Cleanup Department Triệu Thiện Hằng, cũng làm được điều tương tự với gần 17 triệu đôla Hồng Kông.

Vì vậy, trong khi điện ảnh Hồng Kông có vẻ như đã chết đối với những người hâm mộ điện ảnh quốc tế, những người vẫn xác định nền điện này bằng phim bom tấn hành động quá quắt thời trước và tôn thờ Thành Long hay Châu Tinh Trì như người hùng văn hóa của họ, thì đây là một bức tranh hoàn toàn khác cho những người sống ở đó và vui mừng khi thực sự nhìn thấy cuộc sống của họ được phản ánh trên màn ảnh rộng.

Đạo diễn Doãn Chí Văn (phải) cùng các diễn viên Trương Kế Thông (trái) và Phùng Hạo Dương (giữa) trên trường quay Zero to Hero, phim tiểu sử về năm tháng đầu đời của cựu vận động viên chạy nước rút vô địch Paralympic Tô Hoa Vỹ

Các nhà làm phim Hồng Kông đang lên ngày nay đã chinh phục được khán giả của chính họ theo một cách có ý nghĩa chưa từng thấy trong hơn thập kỷ qua. Đây có thể là thời điểm tốt nhất để một đạo diễn phim Hồng Kông có ý thức xã hội và ham học hỏi bắt đầu sự nghiệp của họ.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.